trả lời phỏng vấn của Talawas

27/10/2010 | 10:10 sáng

Tác giả: Trần Kiêm Đoàn

Chuyên mục: 9 năm talawasChính trị – Xã hội

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:

1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?

2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?

3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.

__________

 

Trần Kiêm Đoàn

Ngày 20-10-2010, lúc 11 giờ 30 tối, tôi nhận được thư của talawas mời trả lời phỏng vấn cuối cùng.

Nếu không phải là một gã “hài nhi tóc bạc” được học đôi nét vỡ lòng về lý duyên khởi của nhà Phật – thản nhiên xem mọi sự xảy ra, đến và đi trong đời mình là dòng chảy hồn nhiên và vô tư của sự tương tác (duyên sinh) từ mọi thời và mọi phía; biến hiện không ngừng (vô thường) – thì có lẽ tôi đã pha một bình trà khuya, độc ẩm và mất ngủ vì tin talawas đóng cửa. Rồi gõ bình mà ngâm câu thơ… Tây thời học trò khi mỗi mùa Hè chia tay với thầy, bạn: Partir, c’est mourir un peu. C’est mourir à ce qu’on aime – Ra đi là chết trong lòng một ít – của Edmond Haraucourt (1856-1941); “Chanson de l’adieu’”.

talawas suốt 9 năm trường chèo chống trong sóng gió và đang vươn lên thành một trong những tên tuổi có uy tín và được ưa chuộng hàng đầu của môi trường truyền thông đại chúng Việt ngữ hiện nay.  Bỗng dưng talawas báo tin… ra đi! Vô thường đến độ bình thường như thế thì thôi. Tôi tẩn mẩn nghĩ đến những người tài hoa một cõi “đi sớm”, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu, như M. Monroe, J. F. Kennedy, E. Hemingway, M. Jackson… mà không biết nói gì về talawas! Ba trăm  năm sau của Tố Như, tôi vẫn còn ấm ức vì cái đuôi “có hậu” đầy phiền não hơn là an lạc khi Nguyễn Du dàn dựng thêm cảnh “Kim Kiều tái hợp” trong Đoạn trường tân thanh. Tình yêu đầu đời của Kim Trọng và Thúy Kiều là một sự tái sinh xuất thần của tình cảm: Yêu! Sau 15 năm luân lạc, bày chi điều tái hợp đau xót của cảnh thiên đường đã mất. Sự gặp lại gượng gạo và ngang trái “đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ” là hóa đá tình cảm. Tạo cảnh Thúy Kiều rung đùi đánh cờ chiếu tướng và ngồi nhậu lai rai với Kim Trọng là đã nỡ ra tay đánh vỡ thiên đường mơ mộng. Xót quá! talawas ơi, dẫu có đột ngột bươn bả ra đi thì vẫn còn để lại những gì hoa gấm nhất trong lòng độc giả; nên đừng hẹn ngày tái hợp kiểu Kim Kiều nhé!

talawas muốn khép lại một chặng đường. Nhưng chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại. Ba câu hỏi đưa ra như một cái vẫy tay nghìn trùng để mở ra một cánh cửa ước mơ đầy dự phóng.

Chín năm cộng tác với talawas và đồng thời với nhiều trang website cả Việt lẫn Mỹ, tôi phải chân thành nói lên điều cần phải nói rằng, ban chủ biên talawas là một “chủ báo” đáng quý mà đời thường người cầm bút khó gặp. Đó là sự chọn lọc bài vở cẩn trọng và hết sức thẳng thắn. Chọn đăng hay từ chối đều có lý do minh bạch mà không sợ mất lòng ai, nên đã giữ được cho trang báo một mức độ nội dung tương đối có chất lượng cao, làm hài lòng độc giả. Toàn ban biên tập rất bản lĩnh và có khả năng vững vàng nên giữ được cả lượng và phẩm đều tay từ đầu chí cuối.

Xin tặng nhà văn Phạm Thị Hoài và toàn ban chủ trương biên tập talawas một vòng hoa khen tặng trước lúc chia tay.

*

Trở lại với bảng câu hỏi, tôi xin tuần tự trả lời các câu hỏi bằng sự xác tín cá nhân; nghĩa là không có ý trả lời thay cho ai hay vì dính mắc với ai cả. Giả định để mà cười cợt. Hư mà thật; thật mà hư… vẫn là một góc khuất đáng quý trong đặc tính văn hóa Việt Nam.

 

Về câu hỏi thứ nhất

1. Mâu thuẫn giữa nguyên tắc lãnh đạo và thực tế hoạt động

Khi Việt Nam và thế giới đang chuyển mình thì thế lực lãnh đạo đương quyền ở trong nước lại thiếu sự nhất quán về một đường lối thích hợp cho đất nước trong chiến lược toàn vùng và toàn cầu. Cụ thể như: Kinh tế thì muốn phát triển theo mô thức thị trường tự do; trong lúc phương thức chỉ huy và phát triển thì chưa thoát được sự cột trói với nguyên tắc và đường lối lãnh đạo “chuyên chính vô sản” của chủ nghĩa Mác-Lênin. Lý thuyết chủ nghĩa nầy có thể chỉ còn là cái vỏ. Tuy nhiên, guồng máy quyết định vẫn chỉ có một thế lực duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, nên vô hình chung tuy vỏ mỏng mà không có ai bóc thì cái khung vẫn còn đóng kín. Tương tự về mặt xã hội, chính trị, văn hóa, giáo dục cũng đang bị rơi vào tình trạng tắc nghẽn hướng đi như thế. Tất cả đang chuyển mình theo trào lưu Toàn cầu hóa. Nhưng tất cả mọi công cụ phát triển đều nằm trong tay Đảng. Quán tính đấu tranh khắc nghiệt của thời chiến tranh vẫn còn đeo đẳng. Tâm lý tập thể xuất phát từ tính tổ chức quá chặt chẽ của Đảng đã tạo ra định kiến một chiều, tư duy kinh điển đến độ máy móc hoặc biết rõ mà không dám hành động vì bị khống chế trong nghi ngờ và thủ thế với nhau.

2Quốc doanh hóa con người và tổ chức quần chúng

Nguyên tắc “ba dây thừng cùng trói một con gà” (Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ) thời kỳ cách mạng Mùa Thu vẫn còn duy trì như những chiếc loa đầu đường trong thời vệ tinh, vi tính hiện đại. Tổ chức lãnh đạo Đảng, từ đảng ủy trung ương đến chi bộ địa phương, cột buộc quá chặt chẽ mọi sinh hoạt động tĩnh của người dân đã thủ tiêu tinh thần và ý chí cá nhân phát huy và sáng tạo trong hơn 30 năm qua. Sự phát triển và phát tiết riêng tư là căn bản của tinh thần sáng tạo.  Thiếu sáng tạo, con người trong mọi lĩnh vực chỉ còn là người an phận thủ thường làm công ăn lương, ngoan ngoãn theo đuôi lãnh đạo. Vô hình chung họ đã bị “quốc doanh hóa” và thui chột tài năng. Cụ thể như các nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên môn trong nước thường ở thế bị động trước chuyên viên nước ngoài hay chỉ phát huy được tài năng khi ra ngoài nước. Mặc dù chuyên viên ngoại quốc tài năng chưa hẳn cao hơn, nhưng họ lại được trang bị một tinh thần tự do và phát kiến rộng rãi nên năng lực sáng tạo phát triển không ngừng và không giới hạn. Một ví dụ điển hình rõ nét nhất cho sự thui chột tài năng vì bị quốc doanh hóa là hội nhà văn Việt Nam. Với một nghìn hội viên sinh hoạt thường xuyên, bầu bán rôm rả trong suốt 35 năm qua vẫn chưa thoát ra khỏi quán tính “gà công nghiệp văn nghệ” khi nhà văn bị hòa tan trong một tập thể công chức nhà nước viết lách ăn lương.  Tài năng văn học trong hội Nhà Văn không thiếu mà tác phẩm thì vẫn “mờ mờ nhân ảnh…” vì con đường sáng tạo quốc doanh trước sau vẫn chỉ là đường mòn một chiều. Khi mọi hướng nhìn đều dày đặc khẩu hiệu và nghị quyết, thì tìm đâu ra chỗ trống cho sự đơm hoa kết trái đầy hoa thơm cỏ lạ của văn học nghệ thuật đích thực. Cũng thế, khi tôn giáo, xã hội, văn nghệ bị quốc doanh hóa theo đường lối nhà nước, hoạt động theo bài bản, thì tất cả chỉ còn là công cụ chính trị.

3Tham nhũng trở thành tiêu chuẩn sống của của thời đại

Tham nhũng là hiện tượng nhân sinh phổ biến, nhưng là một đại nạn của các nước nghèo, chậm tiến xưa nay. Riêng ở Việt Nam thì mọi hình thức tham nhũng diễn ra công khai trên bề mặt như một nghệ thuật sống khôn lanh của thời đại mới. Thậm chí, sự thành công của nhiều nhân vật hay viên chức có uy quyền không được đánh giá bằng những thành tựu ích quốc lợi dân mà bằng thước đo nhà cao cửa lớn, sở hữu tài sản kiếm được dưới nhiều hình thức tham nhũng, phi pháp. Đã từ lâu, vấn đề tham nhũng đã được đặt ra như một “quốc nạn” trực tiếp đe dọa toàn xã hội. Thế nhưng khổ nạn tham nhũng không thuyên giảm mà còn trên chiều hướng gia tăng. Trong khi các nước khác phải đầu tư công sức điều tra để khám phá những vụ tham nhũng mà khống chế, trừng trị, thì ở Việt Nam ngược lại, thế lực tham nhũng trở lại tấn công đối tượng điều tra và công khai hưởng thụ. Tham nhũng “tư” chạy phon phon trên đường bằng những chiếc xe đáng giá cả vụ mùa thu hoạch một huyện. Tham nhũng “công” mua bán văn kiện thủ tục, hợp đồng khai thác kinh tế thu tiền. Tham nhũng “bự “bán tài sản quốc gia không cần văn tự. Tham nhũng đã đẻ ra nhiều tệ trạng xã hội như một hệ quả tất nhiên, nhưng tại Việt Nam, hệ quả nghiêm trọng nhất là khoảng cách giữa hai thế giới giàu nghèo mỗi ngày một lan rộng và sự bức xúc giữa kẻ “có” và người “không” mỗi ngày một dâng cao.  Lý tưởng “xã hội chủ nghĩa” đang tự phủ nhận lấy chính nó khi những người tự nhận là “đầy tớ của nhân dân” đang trở thành những ông chủ nắm đầu và bóc lột nhân dân. Trước một thực trạng xã hội như thế, những người anh em theo “xã hội chủ nghĩa” nghĩ gì về vai trò của mình trước lịch sử?

4Nguy cơ bị Trung Quốc xâm lăng

Người Việt trong cũng như ngoài nước, đang vũ trang một tinh thần nhất loạt vùng lên chống Trung Quốc xâm lăng quyết liệt hơn bao giờ hết. Viễn ảnh mất Trường Sa và Hoàng Sa vào tay Trung Quốc đã đánh thức những tâm hồn yêu nước thế kỷ 21 của người Việt. Cả thế giới bên ngoài, đặc biệt Mỹ và các nước lân bang trong vùng, cũng hết sức nhạy bén và cảnh giác cao độ trước con ngáo ộp Trung Hoa đánh trống, thổi kèn về chủ quyền và sức mạnh chính trị lẫn quân sự để giành độc quyền vùng biển đang tranh chấp. Mộng thôn tính Việt Nam của Trung Quốc không còn nằm ở dạng nghi vấn mà là một thực tế truyền đời của lịch sử. Bên cạnh sự ồn ào về quân sự, Trung Quốc vẫn chủ trương dùng “quyền lực mềm” (chính trị, văn hóa, ngoại giao, hối lộ) để chinh phục hay quật ngã thế lực đối tác trong bóng tối. Phản ứng của nhân dân Việt Nam chống Trung Quốc đã thể hiện quá rõ ràng. Nhưng sự ứng xử bằng đường lối chính trị, kinh tế và ngoại giao của chính quyền Việt Nam vẫn còn là một câu hỏi.

5Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự hiện diện của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhu lịch sử hay là sự áp đặt thời hậu chiến? Công bằng để nhận định, Đảng Cộng sản Việt Nam có một vai trò lịch sử trong cuộc chiến Việt Nam. Khi một cuộc chiến tranh có tầm cỡ quốc gia kết thúc, bất cứ một triều đại hay một thế lực chính trị nào cũng đòi hỏi một sự chuyển mình đầy quyền biến thời hậu chiến. Thế nhưng, chưa bao giờ nhân dân Việt Nam hay bản thân người cộng sản dám minh nhiên đặt lại vấn đề về sự cần thiết về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau 1975. Người trong Đảng xem chuyện đã hy sinh bỏ công lao ra chiến đấu thì phải có thời kỳ lên ngai hưởng thụ là chuyện đương nhiên. Quần chúng Việt Nam chưa bao giờ được có một cơ hội tự do để đặt lại vấn đề như thế. Tất cả đều được ban cho quyền tự do vô giới hạn là ca ngợi cùng tri ân công đức Đảng và lãnh tụ. Vấn đề cần được xét lại khi một thế hệ đàn anh cùng thời thế đi qua sắp hết. Thế hệ đàn em kế thừa cần xác định thế đứng, vị trí và thời điểm của đất nước mình.

 

Về câu hỏi thứ hai

Vì câu hỏi mang tính giả định nên câu trả lời cũng không ra ngoài đề cương “Nếu trúng số độc đắc Megabucks thì tôi sẽ… tôi sẽ…”

Nếu chỉ có 24 giờ làm vua thì có 3 điều dẫu muốn làm cũng không thể làm cho ra trò được vì không đủ thời gian là: Tham quyền cố vị, đảo chánh, cải cách; và có một điều dễ làm nhưng chưa nên làm là: Nhất dạ đế vương!

Khi tìm hiểu thêm hai ông vua Huê Kỳ cùng thế hệ – cùng tuổi Bính Tuất và cũng được học hành đại khái cùng cấp lớp ở trường Mỹ như tôi – là Clinton và Bush đã làm gì trong 24 giờ ngày đầu tiên lên làm tổng thống, tôi tìm ra một điều thú vị. Đó là cả hai đều quan tâm vào việc tìm hiểu sự khác nhau giữa tên gọi và vai trò thực sự của cấp lãnh đạo để có sự điều chỉnh hay phân công, phân nhiệm nhân sự thích ứng.

Hai chàng Bính Tuất kia là vua thật, Bính Tuất tôi là vua phường tuồng. Thế nhưng tôi vẫn thích một sự khởi đầu tích cực cho vai trò lãnh đạo bằng cách thông qua cách giải quyết mâu thuẫn về danh và thực như thế.

Nhưng khổ nỗi, talawas chỉ cho tôi vỏn vẹn 24 tiếng đồng hồ lãnh đạo Việt Nam bằng cây đèn thần của Aladin nên tôi không thể rề rà như người ta có cả hai nhiệm kỳ 4 đến 8 năm trước mắt.

Sự mâu thuẫn nội tại thâm căn cố đế của Việt Nam cần giải quyết tức khắc và dứt điểm mới mong có đường mà đi. Muốn khai thông quốc lộ là phải đẩy, khiêng, xô, kéo, lăn, hất… cho được những tảng đá đang cản đường về lại núi. Hay nói một cách cụ thể hơn là giải quyết cái “hệ lụy lãnh đạo” của toàn đất nước.

Dạ, hỡi Aladin và cây đèn thần, tại hạ không hề dám quên: Chỉ có 24 tiếng đồng hồ để lãnh đạo đất nước.

Lệnh khởi hành bắt đầu từ lúc 0 giờ, 0 phút, 0 giây giờ Sài gòn; tại cố đô Thăng Long vừa mới kỷ niệm 1000 năm:

Giờ 1: Lệnh cho tất cả các lực lượng quân đội, công an, cảnh sát, an ninh, dân phòng vũ trang ở yên tại chỗ và đặt trong tình trạng báo động vàng (hơn đỏ một chút).

Giờ 2: Triệu tập khẩn cấp 493 đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII (2007-2012). Tất cả phải có mặt tại hội trường Mỹ Đình chậm nhất là trong vòng 4 tiếng đồng hồ (đường bay xa nhất từ Sài gòn ra Hà Nội là 2 giờ). Mời hết thảy 15 vị trong Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới tham dự.

Giờ 6: Đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước, thông qua hệ thống truyền thông đại chúng, tuyệt đối không kiểm duyệt hay cắt bỏ. Tất cả sẽ cùng nghe và trực tiếp hay gián tiếp phát biểu, thảo luận, phân tích và biểu quyết về đề tài: “Quyết định chung cuộc về vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời đại mới.” Căn cứ trên 5 vấn đề được xem là hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay để thảo luận và đánh giá một cách khách quan, công bằng và khoa học về vai trò và tác dụng thực chứng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 35 năm qua.

Giờ 7: Diễn văn và phát biểu mở màn. Mỗi người nói không quá 5 phút.

Giờ 8: Cuộc đại hội thảo bắt đầu. Mỗi vị trong Bộ Chính trị có 60 phút để trình bày trước Quốc hội và công luận hoàn toàn tự do, dân chủ của cả nước. Nội dung xoay quanh 5 câu hỏi sau đây:

–          8.1: Căn cứ trên hiệu quả lãnh đạo đất nước sau 35 cầm quyền và xu hướng thời đại toàn cầu, Việt Nam có cần thiết tiếp tục theo đuổi nguyên tắc và đường lối quản lý lãnh đạo theo tinh thần chủ nghĩa Mác-Lênin do Đảng Cộng sản Việt Nam làm thủ lĩnh nữa hay không?

–          8.2: Căn cứ trên tiêu chí cơ bản của người đảng viên gương mẫu “đại biểu của giai cấp công nhân, chiến sĩ tiền phong cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” thì những đảng viên ưu tú hàng đầu của Đảng đang nắm giữ vai trò quyết định ở trong Bộ Chính trị có đi đúng đường hay lạc hướng. Cụ thể là trước quốc nạn tham nhũng, hãy kiểm điểm thật thà và dũng cảm bằng cách tự phê bình và cởi mở nhận phê bình. So với đồng lương luật định và tài sản sở hữu hiện tiền mà toàn dân có thể cân đo đong đếm được, quý quan chức có thật sự trong sạch, không trực tiếp hay gián tiếp nhúng tay vào tham nhũng hay không?

–          8.3: Sau 35 năm đất nước đã hòa bình và thống nhất, toàn dân Việt Nam có hưởng được những tự do căn bản nhất của quyền làm người như: Tự do ngôn luận (xin đừng quan tâm tới sự đánh giá của “bọn xấu” – The Journalists without Borders – đã liệt Việt Nam vào hàng 169/173 các quốc gia vi phạm quyền tự do sách báo), tự do lập hội, tự do tôn giáo… hay chưa?

–          8.4: Trước âm mưu thôn tính Việt Nam truyền đời của Trung Quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang làm gì cho chiến lược ngắn hạn và dài hạn?

–          8.5: Biểu quyết cho sự hiện diện cần thiết hay không cần thiết của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò lãnh đạo đất nước của Quốc hội và toàn dân trong điều kiện hoàn toàn tự do dân chủ là cơ hội nghìn năm một thuở. Quyết định nầy là chung cuộc, bất thối và bất hồi tố. Nếu Quốc hội đạt tổng số phiếu “bứt phá” như trong cuộc bỏ phiếu quyết định về việc xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc vừa qua tại hội trường Ba Đình Hà Nội với tỷ số 271/474 chống thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải trở về vị trí của một đảng chính trị thuần túy. Quyền bầu cử và ứng cử giao lại cho toàn dân. Từ quân đội, công an cảnh sát đến mọi ngành nghề trả về vị trí chuyên môn thuần túy. Việt Nam sẽ thực hiện một nền dân chủ pháp trị. Đảng Cộng sản (hiên hữu) cùng với Đảng Tự do (trong mơ) và đảng Dân chủ (trong ước) sẽ cùng phát huy thế mạnh của đảng mình để cử nhân sự chung tay lãnh đạo và xây dựng đất nước.

Giờ 24: Thời gian thì có hạn mà bản chất Việt Nam ta ưa trễ giờ và lòng thòng như dự tiệc cưới ở Mỹ nên Quốc hội vừa tuyên bố bế mạc thì cũng vừa hết giờ. Thôi thì cuộc biểu quyết chung cuộc xin dành lại vào giờ thứ 25. talawas nhé.

 

Về câu hỏi thứ ba

………

Tái bútMọi con đường đều đang bị kẹt xe. Những tảng đá cản đường nặng quá mà gặp toàn cả dân gầy vai yếu nên chỉ còn biết lấy tay áo lau mồ hôi nhìn nhau mà cười. Chưa nhích ra khỏi chỗ kẹt xe thì có thấy được gì trên con đường trước mặt đâu mà tiên đoán.

Thời hạn lãnh đạo Việt Nam 24 tiếng đồng hồ đã hết.  Mời bạn nghe Tom Petty hát “Làm vua thú nhỉ” (It’s Good to be King):

 

 

Xin tạm biệt nhau trên sân nhà talawas. Giữa vô thường, biết đâu phút chia tay là điểm đầu gặp lại.

 

Elk Grove, đầu mùa mưa 2010.

 

 

© 2010 Trần Kiêm Đoàn

© 2010 talawas

Bài viết liên quan