TRẦN ĐỨC ANH SƠN NGƯỜI BẠN CŨ ĐỒNG MÔN

BBT: Ban biên tập Giữ Thơm Quê Mẹ – Tân Biên xin giới thiệu đôi dòng viết rất chân phương nhưng cũng đầy chính luận và hạnh lành của một tu sĩ Phật giáo về trường hợp nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn và cuộc “đổi đời” của anh trong mấy hôm nay. Thượng tọa Thích Đạo Quảng, trụ trì chùa Tam Bảo Baton Rouge, GSTS đại học Xavier University of Louisiana đã nói về người bạn đồng môn và đồng quê Trần Đức Anh Sơn, người vừa bị khai trừ ra khỏi Đảng CSVN vì đã dám “TỰ-TỰ DO NGÔN LUẬN” trên trang nhà Facebook của mình.

Hai học trò cũ trường quê mộc mạc Hương Trà, nay là hai Tiến Sĩ có thực tài và thực học. Vui lắm thay.

NT.

Trong suốt những ngày qua, những tin tức nóng bỏng về một trí thức bị trừng phạt đã khiến tôi bị mất tập trung trong những sinh hoạt thường lệ. Là một tu sĩ và đồng thời cũng là người dạy học nhưng tôi không dễ dàng tập trung để học bài, chấm bài, và làm những công việc cần làm của một người tu chỉ bởi vì quá khứ còn ghi đậm nét của một cái tên: Trần Đức Anh Sơn (TĐAS) !

Nhắc lại tên của một người học trò giỏi nổi tiếng vốn là đồng môn và đồng hương của mình đã đưa tôi trở về những kỷ niệm của môt vùng quê nghèo khổ ở Thừa Thiên-Huế.

Năm 1984 tôi may mắn được vào học năm đầu tiên của trường cấp 3 Hương Trà mà sau nay đổi tên thành Đặng Huy Trứ. Từ những tháng ngày đầu tiên là tôi đã thường xuyên nghe tên TĐAS được trong những lần “tuyên dương” trong các kỳ học, những lần thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Đâu có chương trình thi thố tài năng của học sinh trong tỉnh thì nơi đó đều nghe cái tên TĐAS!


Anh Sơn hơn tôi đến 2 lớp nên ít nhiều cũng có một khoảng cách tương đối xa nên chúng tôi hiếm khi được sinh hoạt chung. Nhưng may mắn cho tôi là vì có được người bạn thân làm gạch nối, Tôi là bạn thân của Hà Hữu Khôi và TĐAS đã từng ở trọ nhà của Khôi cho đỡ một đoạn đường xa đi bằng xe đạp từ Phong Điền đến trường cấp 3 Hương Trà. Trong những ngày gió Lào mưa bấc, đường đi học là nỗi thách thức lớn của tuổi học trò nghèo. Chúng tôi thuở ấy, cơm độn sắn khoai không đủ no và áo quần không lành lặn. Ăn đủ mặc kín, cơm đủ ấm lòng còn chưa kham thì nói chi đến ăn ngon mặc đẹp!

Chúng tôi là thế hệ sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong nghèo đói và phân ly của đất nước. Khoảng thời gian 1975-1990 là giai đoạn giao thời tranh tối, tranh sáng. Sống an phận bữa đói, bữa no nhưng còn được đi học năm ba chữ là đã khá lắm rồi. Còn tương lai thì vẫn còn mù mịt… Tuy nhiên, nói như người xưa “hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, nghĩa là trời cao không phụ kẻ có lòng tốt. Có lẽ vì thế mà sự hy sinh của cha mẹ chúng tôi trên quê nghèo đã được Phật, Trời ngó lại nên chúng tôi vẫn còn được đi học mà không phải là mang được lý lịch “ưu tiên” như con thương binh, liệt sĩ, hay con nhà có công với cách mạng, hay “quen biết” để được nhận vào trường trung học Hương Trà là một ngôi trường lớn nhất ở vùng quê tôi. Chúng tôi được vào học vì hội đủ điểm tiêu chuẩn xếp cấp 3 Hương Trà nhờ cố gắng siêng năng như bản thân tôi hay học xuất sắc như Anh TĐAS.

Nghe tin một tài năng đồng môn và đồng thời với mình đang bị đối mặt với phiền não, tôi tự thấy mình phải có một động thái nào đó để những người có tấm lòng với đất nước quê hương được an lạc.

Tối nay 11 Tháng 03, tôi quyết định tìm cách liên lạc với TĐAS để nói lên lòng cảm phục và biết ơn một Trí Thức, môt người đàn anh của thời trung học. Tôi lại may mắn được nói chuyện rất thân mật và tự giới thiệu mình là ai với Anh Sơn và tại sao lại liên lạc với TĐAS lúc này. Anh Sơn có trí nhớ quá tốt vì đã hơn 34 năm rồi vậy mà khi nhắc đến “Tôi là bạn học của Hà Hữu Khôi, nơi mà Anh Sơn ở trọ một thời gian để đi học…” là anh nhận ra ngay!

Vậy là chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện vừa đủ và “hạnh phúc lắm trong lúc này.” Tôi nói: “Xa Huế từ 1989 và đi vào Nam tìm lẽ sống rồi sau đó đi xuất gia nên tôi không còn liên lạc nhiều với bạn bè thời còn đi học nữa. Tôi cũng không biết Anh Sơn lại học hành đỗ đạt và nổi tiếng như vậy.” Anh Sơn cười nói: “Nổi tiếng chi đâu, bây giờ nhiều việc lắm…” Tôi tiếp lời Anh rằng: “Tôi rất quí Anh Sơn vì anh làm một việc có ý nghĩa và rất can đảm mới làm được.” Cái ý nghĩa đó là sự cân nhắc, chọn lọc, trăn trở và thể hiện bằng hành động của người trí thức thời đại.

Tầm gần bằng hữu, Anh Sơn hứa giúp tôi tìm lại liên lạc với người bạn Hà Hữu Khôi ngày trước.

Tầm xa là đất nước, quê hương.

Người ta thường có một sự ngộ nhận rằng, muốn làm được một việc gì vì dân, vì nước thì tất yếu là phải làm chính trị. Là một người đi tu, tôi nghĩ Đức Phật không làm chính trị theo khái niệm thông thường nhưng Ngài là chỗ dựa của một nền chính trị Vương Đạo, lành mạnh.

Anh Sơn là một nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử nước nhà thì không làm chính trị và tôi là một tu sĩ Phật giáo thì cũng không biết chi nhiều về chính trị mà nói. Tuy nhiên, tôi và anh Sơn có chung một điểm giống nhau là một nhà khoa học thì phải nói tiếng nói của Lương Tâm và Sự Thật qua lăng kính của một khoa học thực nghiệm mà cả Anh Sơn và tôi đều có cơ hội học hỏi, nghiên cứu, và giảng dạy. Tôi hoàn toàn đồng ý với TĐAS là một nhà nghiên cứu khoa học thì phải vượt qua hàng rào của chính trị, tôn giáo, và chủ quan cá nhân để nói tiếng nói của công bằng, hợp lý, và lợi ích cho con người dù phải chịu thiệt thòi cho bản thân.

Tôi xin được dốc tâm cầu nguyện cho chính bản thân anh Sơn, những người ủng hộ hay chống báng anh Sơn đều cùng chung một mẫu số: Đó là lòng yêu nước thương dân chí tình và trung thực.

Baton Rouge, 11-3-2019.

Thích Đạo Quảng

Bài viết liên quan