TRỊNH CÔNG SƠN Nhìn Từ Cõi Huế Xưa

Sau hai cuộc Đại chiến thế giới, có lẽ cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến trên một đất nước mang ý nghĩa bi hùng và bão liệt nhất trong chiến sử địa cầu. Phóng Viên L.A Times, Daniel Ruthforth phải kêu lên: “Ôi! Trời đất. Mức độ hy sinh và sự tàn phá của cuộc chiến tranh này đủ làm cho đá núi và biển xanh chảy máu. Làm sao lương tâm con người lại có thể thản nhiên im lặng khi cuộc chiến chưa tàn.”

Với sự nhạy cảm như một bản năng thiên phú, không biết người nghệ sĩ là chứng nhân của cuộc chiến, hay cuộc chiến là chứng nhân cho sự thành bại trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.

Đối với nhiều người Việt trưởng thành trong thế hệ chiền tranh Việt Nam, ba “chứng nhân” đã để lại trong lòng người dấu ấn về cuộc Chiến Tranh Việt Nam sâu đậm nhất bằng tác phẩm nghệ thuật của họ là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Mỗi nhạc sĩ có riêng một phong cách sáng tạo và đặc biệt có riêng một phong cách sống. Tuy nhiên so với hai nhạc sĩ đàn anh như Văn Cao và Phạm Duy, Trịnh Công Sơn vẫn thường được coi là một tài hoa không người thay thế vì cái ma lực độc sáng trong ca từ của anh.

Trịnh Công Sơn đã chọn “Một cõi đi về” trong một “chiều Chủ Nhật buồn… nằm trong căn gác đìu hiu – bệnh viện Chợ Rẫy” ngày 1- 4 – 2001 vừa qua.

Suốt những năm dài ở Huế, tôi đã gặp Trịnh Công Sơn khá thường xuyên trong các giảng đường Đại học và trong các buổi “hát cho quê hương”. Anh thường xuất hiện với chiếc đàn guitar thùng. Dáng thư sinh với vầng trán rộng, cặp kính cận gọng đậm không đủ làm giảm đi vẻ suy tư, khắc khổ của anh. Trịnh Công Sơn có giọng hát thô, buồn nhưng rất gợi cảm và xác quyết. Anh hát nhạc tình của anh không hay, nhưng hát “Ca khúc da vàng” thì lại tạo được sự lôi cuốn lạ lùng. Tôi cũng gặp anh đều đều trong các quán cà phê, các quán nhậu bình dân nhẹ nhàng kiểu… Huế. Thế nhưng – có đáng ngạc nhiên lắm không – tôi vẫn bắt tay “Chào anh Sơn!” mà vẫn chưa “gặp” anh lần nào vì chưa bao giờ có dịp nói chuyện với anh cả. Bởi vậy, khi viết những dòng nầy về Trịnh Công Sơn tôi không bị ám ảnh bởi cảm xúc quá gần của tình bè bạn, hay quá xa của một người đứng bên kia biển để hoặc là ôm choàng nói chuyện “nằm gác cẳng lên nhau tâm sự “; hoặc tán hươu tán vượn bâng quơ về những vụn mây trời.

Cùng với cuộc chiến diễn ra ngày một ác liệt khắp nước và khói lửa bom đạn vây bủa từ rừng đến biển xung quanh, Huế như một ốc đảo giữa vùng tâm bão còn ôm lấy dòng sông, chiếc cầu và những con đường áo trắng! Thế hệ chiến tranh Việt Nam của chúng tôi lớn lên trong vòng lẩn quẩn của định mệnh. Người thân, bạn bè hôm nay còn, ngày mai mất, đứa ở lại, kẻ ra đi. Rồi 63, 66, 68, 72, 75…, những cột mốc thời gian không đếm bằng năm tháng mà tính bằng mạng sống của cả một thế hệ. Năm tôi học lớp Đệ Lục trường Hàm Nghi, trong buổi họp mặt chia tay nghỉ Hè, Cô giáo hướng dẫn, cô Hoắc Hương, hát bài “Ướt Mi” của một tác giả “lạ hoắc”. Sau nầy tôi mới biết đó là bản nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, xuất hiện năm 1959 ở Sài gòn. Giáo sư âm nhạc của tôi năm đó là nhạc sĩ Văn Giảng, tác giả của Xuất Quân, Lục Quân Việt Nam… (còn có tên là Thông Đạt, tác giả Ai Về Sông Tương). Thầy khen bản Ướt Mi là một bản nhạc hay vì có giai điệu lạ và lời rất thơ. Nếu biết tác giả dạo đó chỉ mới 20 tuổi mà đã “ướt mi” để “sầu nhân thế” thì có lẽ người ta sẽ liên tưởng ngay đến ngón đàn nhỏ máu của Thúy Kiều ở lứa tuổi trăng tròn trong một đêm xưa…

Thế rồi, tôi lớn lên từ giữa lòng xứ Huế. Nhạc Trịnh Công Sơn như một nhật ký về Huế trong chiến tranh. Những ngày từ làng lên Huế học, tôi vẫn nghe mơ hồ “Lời buồn thánh” có “tiếng hát xanh xao của bạn bè. Trời mưa không dứt…”. Chao ôi! Những cơn mưa Huế “răng” mà buồn da diết. Tôi mường tượng đó là nỗi “buồn thánh”, mặc dầu cho đến phút này, tôi vẫn chưa hiểu nỗi “buồn thánh” là buồn như thế nào cả (!) Rồi những đêm khuya khoắt tôi có thể nghe, thấy và cảm nhận được tiếng “Đại bác đêm đêm gởi về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…”. Có lần đi về phía Phủ Cam, nơi gần nhà Trịnh Công Sơn trú ngụ, tôi còn nghe văng vẳng tiếng cười the thé của chị Mùi, người điên: “Tôi có người yêu chết trận A Sao!” Và sau những cơn mưa dầm triền miên của Huế, có “nắng hàng cau và nắng hàng me” mới thấy được “hàng cây thắp nến lên hai hàng” trong mầu nắng hay là mầu mắt em.

Đâu cũng thấy thấp thoáng âm hưởng nhạc Trịnh Công Sơn quanh những nẽo đường xứ Huế.

Hình như tình yêu sướt mướt, lãng mạn kiểu Tố Tâm – Đạm Thủy của Hoàng Ngọc Phách… rất chi là Huế cũng phơn phớt một chút hồng của “Hạ trắng, Mưa hồng…”, hoặc thoáng một nụ hương xanh của “Diễm xưa”, hay pha một chút triết lý “Tôi ru em ngủ”…từ ngày có nhạc Trịnh Công Sơn.

Nhạc Trịnh Công Sơn không có một bài nào dành riêng cho Huế mà nghe ra như một lời “kinh Huế” vì nhạc điệu có cả sự day dứt, đòi đọan, sâu lắng và trầm tư của cả điệu Nam Ai Nam Bình buồn thương nuối tiếc. Khi thì uốn lượn xa vắng như điệu hò mái nhì, mái đẩy. Lúc hào sảng, quý phái như Tứ Đại Cảnh. Nhưng cũng có lúc dập dồn như điệu hò giã gạo, hò nện, hò hô.

Trước khi là một nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn đã là một thi sĩ. Mỗi lời nhạc của anh là một bài thơ, thơ đúng nghĩa với thanh sắc thi ca. Người ta không biết anh dùng nhạc để chở thơ hay dùng thơ để viết nhạc. Nếu tách riêng nhạc và lời thì hơn 600 bản nhạc của Trịnh Công Sơn đã chuyên chở những bài thơ hay về quê hương, chiến tranh, con người, thân phận, ước mơ, tình nước, tình đời, tình bạn và tình yêu. “Nhạc-thơ” của Trịnh Công Sơn có nét trang đài, lãng tử và sâu lắng, hư ảo một cách lạ lùng. Cái bóng mơ hồ nhưng lại sừng sững trong dòng nhạc của anh vẫn là dòng sông tư tưởng về triết lý cuộc đời miên viễn chảy. Sự phi lý của chiến tranh, nỗi bi đát về thân phận làm người và sự chìm nỗi trôi về hư vô của kiếp người đã đưa thế giới nhạc của anh đứng tựa ở một phương trời rất lạ.

Nhạc tình của Trịnh Công Sơn không mang nội dung của những chuyện tình thật sự mà chỉ là cách biểu hiện một khuynh hướng tình yêu. Cuộc tình của anh cũng khởi đi từ những cảm xúc, đam mê, nhớ nhung và hoài niệm từ phía bờ bản ngã bên nầy nhưng lại không bao giờ ghé đến “vườn địa đàng” ở bến bên kia mà từ từ tan loãng như sương khói giữa chừng nên mãi mãi cũng chỉ có “em” và “tôi” mà không bao giờ có “em” và “anh”. Phải chăng vì anh muốn tình yêu chỉ là xanh mà không bao giờ “chín”? Trịnh Công Sơn đã quả quyết trong bài tự giới thiệu về nhạc của mình trong CD Gọi Tên Bốn Mùa: “Không có tiếng nói nào trẻ trung hơn tình yêu. Không có điều bí ẩn nào sâu xa hơn số phận…”

Trong thế giới “nhạc ngữ” của Trịnh Công Sơn thì nỗi buồn không có tên và tình yêu không có tuổi. Triết lý trong “thơ-nhạc” của anh không uốn éo bay lượn cao xa mà rất gần gũi và dễ cảm nhận hơn là lý luận: “Đi đâu loanh quanh cho đời mõi mệt…Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”. Có lẽ vì vậy mà nhạc Trịnh Công Sơn được đón nhận từ một em bé quê nơi thôn cùng xóm vắng, chú thanh niên lang thang trên đường phố đến bậc cao niên, hàng thức giả.

Suốt 42 năm kể từ khi dòng nhạc Trịnh Công Sơn ra đời, tân nhạc Việt Nam từ đại lộ Tiền chiến có khuynh hướng rẽ dần qua một con đường khác. Nét trữ tình, lãng mạn, mượt mà của cảm xúc thuần túy trước chiến tranh từng bước chuyển biến qua một cảm xúc mới khi nghệ sĩ và nghệ thuật đối diện với thực tế chiến tranh đang diễn ra.

Những cảm xúc mới trong nhạc Trịnh Công Sơn có một sức cuốn hút nằm ra ngoài những những phạm trù lý luận: Thông thường, người ta thích những hình ảnh và khái niệm mình hiểu rõ đã đành, nhưng vẫn có sự lạ lùng là không ít người yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn có khi không hiểu hay hiểu rất giới hạn nội dung của từ, của câu và của cả bản nhạc (Cũng xin nói nhỏ là trong số những người đôi khi không hiểu mà vẫn yêu thích nhiều dòng nhạc của họ Trịnh có luôn cả người đang viết những dòng nầy!) Như thế, có chăng tính ảo thuật, huyền hoặc, mặc khải… trong những dòng thơ phổ nhạc của Trịnh Công Sơn?

Cũng như cái “duyên” mặn mà trên một khuôn mặt đẹp, nghệ thuật có những nét độc sáng kỳ diệu riêng mà chỉ có những nghệ sĩ tài hoa mới nắm bắt được từ hư vô để tạo nên nét “thần” của tác phẩm. Như khái niệm “thi trung hữu thần”, trong thơ mà vắng bóng những nét “thần” thì bài thơ cũng chỉ là mớ chữ nghĩa là đà không đủ sức lay động tâm hồn người đọc. Trong nghệ thuật cổ điển Trung Hoa, ấn tượng “khai quang điểm nhản” thường được dùng để hình tượng hóa đường bay vi vút, lung linh, bùng vỡ… tận mù khơi của nghệ thuật. Tôi nghĩ là Trịnh Công Sơn đã tạo ra được những nét “nhạc mà thơ” tài hoa như thế.

Nếu trong hội họa có những “gam”màu kỳ diệu, trong âm nhạc có những giai điệu dập dồn bứt phá cả tiếng gọi của thiên nhiên, thì trong thi ca phải cần có những hình dung từ lay động tận gốc rễ bản chất khách quan, lạnh lùng và thầm lặng của vũ trụ. Tư tưởng như một dòng lũ tinh khôi cuồn cuộn chảy vào và chảy quanh khắp thực tại của cuộc đời để hấp thụ và tỏa chiết chất men kỳ lạ và hơi ấm của cuộc đời. Dòng lũ đó sẽ thành sóng nước lung linh nhờ vẻ đẹp huyền ảo của màu sắc, cảm quan, dáng vẻ, nồng độ khi thật khi hư mà người nghệ sĩ đã chắt lọc và trau chuốt để tạo dựng đưa vào tác phẩm. Aristote nói một cách xác tín: “Nghệ thuật nhất định phải là vấn đề của tạo dựng chứ không phải là vấn đề của hành động” (Art must be a matter of making, not of acting.) Trịnh Công Sơn đã đan kết cả nhạc và thơ vào trong thế giới sáng tạo bằng tất cả tinh lực nghệ sĩ của mình. Tôi có thể thấy điều đó khi nghe tin anh qua đời, tôi hát khe khẽ một mình trên xe bài “ướt mi” từ 42 năm trước của anh mà vẫn nghe được sự rung động xôn xao của thời học lớp đệ lục trường Hàm Nghi trên xứ Huế.

Như cây cầu Trường Tiền bắt qua dòng sông Hương đã thành tâm ảnh trong lòng người xa Huế, tôi đang nói đến nhạc Trịnh Công Sơn từ phía bên nầy biển mà cứ ngỡ như đang nhìn từ một Huế xưa. Tùy theo từng góc độ, mỗi người sẽ nhìn Trịnh Công Sơn một cách khác nhau trong cuộc đời thường, tuỳ theo lăng kính “tâm ảnh” của kinh nghiệm sống chính mình. Nhưng trong nghệ thuật thuần túy, tất mọi người sẽ rất công bằng để biết mình có rung động hay không trước một công trình sáng tạo. Ước chi mai kia, nếu tôi có về Huế lại, một quá khứ khổ nhục, đau buồn, bạo tàn và phản trắc đã bị ném xuống dòng sông Hương và trôi ra biển. Mặt nước của những dòng sông quê hương sẽ liền lặn trở lại. Tôi sẽ quên đi “Tình ca người mất trí” mà chỉ còn nhớ lại Diễm Xưa, Hạ Trắng, Mưa Hồng…, dư âm một thời lãng đãng như ca dao, của Trịnh Công Sơn.


Trần Kiêm Đoàn

Nguồn : www.tcs-forum.org

Bài viết liên quan