TỪ ÁO CÀ SA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ VÀ SỰ PHÁ SẢN CỦA TỰ DO

Độc thọai

Một ngày mùa Đông năm 2000, anh Lê Quang Sinh, người chủ trương Hội Thơ Tài Tử Việt Nam ở Sacramento trang trọng giới thiệu về một tập sách của một tác giả Việt Nam đang ở Đức theo diện “xuất khẩu lao động”. Đó là cuốn “Từ áo cà sa đến thập tự giá” của Huệ Nhật. Tập sách nầy đã được anh Sinh và các cộng tác viên của anh trong Hội Thơ bảo trợ trang trí, trình bày, lên khuôn, in ấn, và phát hành. Anh ngõ lời muốn tôi đọc và có ý kiến về cuốn sách này. Vốn rất kính mến anh và các vị khác trong Hội Thơ cộng với tình cảm yêu chuộng văn học nghệ thuật sẵn có, tôi nhận lời, mặc dù chưa có hân hạnh đọc tác phẩm này. Tôi vốn quý sách như quý tình bằng hữu nên sáng hôm sau, vội vã ra báo Làng để nhận tập sách.

Tôi lòng tự dặn lòng là sẽ giữ lời hứa với anh Lê Quang Sinh; cũng như từ trong thâm sâu của ý thức, tôi tự hứa là sẽ đọc và phân tích tác phẩm một cách nhiệt tình bằng cảm quan nghệ thuật giới hạn và sự hiểu biết khiêm tốn của mình.

Tập sách dày 300 trang và in ấn cũng rõ ràng. Hình bìa chụp chân dung tác giả mặc áo cà sa vàng, đứng bên tường hoa giấy màu hồng leo quanh lưới trông lờ mờ như dây kẽm gai. Và phía góc chân trời nổi lên cây thánh giá màu xám gắn trên một điểm tựa không có hình thù rõ rệt. Hình bìa sau là ảnh chụp của Huệ Nhật và thi sĩ Bùi Giáng.

Tôi đọc đi rồi đọc lại để cố gắng nắm bắt một cách tương đối chuẩn xác nội dung của tập sách hầu tránh những nhận xét có tính cách chủ quan và thiên vị khi nhận định.

Với một nội dung mang nặng đậm tính chất điển hình của phương thức “phê và tự phê” mà tôi sẽ có dịp trình bày ở phần sau, kết hợp với một hình thức khá bất thường đã làm tôi hơi chững lại. Tại sao tác giả lại chọn một hình bìa mang biểu tượng khích động và xung đột tôn giáo như thế?

Với sự cảm nhận thông thường, sự chọn lựa một bức tranh như thế làm hình bìa cho tác phẩm của mình tự nó nói lên rằng:

Thứ nhất, đứng về phương diện nghệ thuật, tác giả đã mất hết tự tin khi coi bản thân mình chỉ là một cá thể vô hồn. Vì vậy, cần phải cầu viện đến áo cà sa quấn vào, có thánh giá làm điểm tựa, và có Bùi Giáng truyền hơi thì (may ra) anh mới xác định được mình là ai hay sao?

Thứ hai, đứng về phương diện tâm lý và xã hội, khai thác và lạm dụng biểu tượng thiêng liêng của tôn giáo để phục vụ cho sự quảng cáo và tuyên truyền là một việc làm mà bất cứ một người có suy nghĩ bình thường nào cũng tránh động chạm.

Thứ ba, về phương diện tôn giáo thuần túy, khi nhìn bức tranh tôi bỗng đặt câu hỏi về sự tỉnh táo của Nguyễn Huệ Nhật và nhóm chủ trương. Một sai lầm nghiêm trọng của Huệ Nhật mà đối với bất cứ tôn giáo nào, mà đặc biệt đối với Phật giáo, sẽ bị coi như là hành động lạm dụng và miệt thị đó là thái độ cố tình bôi lem chiếc áo cà sa vàng mà mọi Phật tử đều tôn kính đảnh lễ. Huệ Nhật đã “cởi áo” cà sa từ ba mươi năm trước, ra đời lấy hai vợ, sống một cuộc đời trần tục, rồi theo Tin Lành (Tiểu sử do tác giả tự ghi). Nay bỗng dưng anh quàng áo cà sa vào chụp hình dưới chân thập tự giá và cho in lên bìa sách vào năm 2000 là nhằm mục đích gì?

Để diễn tuồng? Để nhấn mạnh và minh họa cho sự “ưu việt” của hành động từ bỏ Phật giáo qua Tin Lành chăng? Để minh chứng cho đức tin của anh đi từ si mê đến giác ngộ chăng? Hay để bôi lem biểu tượng thiêng liêng nhất của người tu sĩ Phật giáo? Dù xuất phát từ bất cứ động cơ nào đi nữa, thì việc Huệ Nhật dùng hình ảnh chiếc áo cà sa truyền thống của giới tu sĩ Phật giáo để phục vụ cho mưu đồ cá nhân của mình là một sự bất chính về hành động, bất minh về tư tưởng, bất kính về đức tin, và bất nghĩa về cung cách xử thế. Không lẽ Huệ Nhật lại muốn lập lại cái lỗi lầm gây chiến tranh tôn giáo đã làm cho nhân loại hận thù, hiềm khích nhau hàng bao nhiêu thế kỷ?! Nếu có, liệu Huệ Nhật có đủ sức làm việc đó hay không? Ngược lại nếu không, thì Huệ Nhật là ai?

Thật ra, trên tư thế của một độc giả, cuộc đời tư của tác giả có như thế nào chăng nữa cũng chẳng có gì quan trọng. Thế Lữ có tung bảo kiếm hay nằm bẹp hút thuốc phiện ở phố Khâm Thiên khi làm bài thơ “Hổ Nhớ Rừng” thì đâu có gì khác nhau khi đọc lên bài trưòng ca bi tráng bất hủ của ông. Hàn Mặc Tử có làm thơ trong cơn quằn quại đau đớn của bệnh tật hay phiêu du nơi Lầu Ông Hoàng thì thơ ông vẫn là những viên ngọc quý trong thi ca.

Trong trường hợp của Huệ Nhật thì lại khác, anh đã dùng chính cuộc đời của mình để làm tài liệu viết lách. Lối văn trong sách anh không phải là văn chương sáng tạo mà cũng chẳng phải là ngôn ngữ nghị luận mà là một lối hỏi đáp thắc mắc với chú em tên Thúc ở Mỹ. “Dữ kiện” làm nền tảng cho lý luận và chứng minh chính là cuộc đời và sự suy nghĩ của anh. Bởi vậy, chính thân thế và sự nghiệp của anh là linh hồn tác phẩm của anh.

Khi đọc một câu chuyên nói về đời tư của một người thì người đọc để tìm hiểu và phân tích cần phải cẩn trọng gấp đôi, nhất là khi những điều đề cập có liên quan đến tôn giáo. Bởi vậy, tôi cảm thấy cần thiết nói rõ quan điểm về tôn gíao của mình.

Tôi là một người theo đạo Phật và học Phật, nhưng đồng thời cũng là một học sinh xuất thân “trường Đạo” từ hệ thống giáo dục của Thiên Chúa giáo Dương Sơn. Từ năm 1972 đến tháng 2-1975 tôi là trưởng đoàn Giáo Chức Công Tác Xã Hôi Quảng Trị điều hợp và thực hiện những chương trình xã hội và cứu trợ của các cơ quan Xã Hội Tin Lành Á Châu (ACS), cơ quan Xã Hội Tin Lành Việt Nam (VNCS), chương trình Cứu Tế Xã Hội Công Giáo (CARITAS). Từ 2 năm nay, tôi là giảng viên thỉnh giảng của Phân khoa Xã Hội Tin Lành Presbytarian. Chính những họat động không có biên giới tôn giáo nầy đã mở mắt cho tôi có được một cách nhìn rất cởi mở và thoáng đạt về đức tin tôn giáo. Khi được học triết học Tây Phương, tinh thần và thái độ thoáng đạt về tôn giáo của tôi càng được khẳng định về khái niệm “Oneness” (Uyên Nguyên) khi suy tư về Duyên-Nghiệp, về Thượng Đế, về sự hiện hữu của Đấng Thiêng Liêng vô hình nhưng vĩnh hằng và thường tại. Tôi đồng tình với quan điểm: “Đạo là con đường (dẫn đến chân, thiện, mỹ), chứ không phải đạo là pháo đài để cho con người tấn kích nhau từ trong lỗ châu mai của đức tin khép kín và tưởng hẹp hòi”
Với một tinh thần tôn trọng đức tin và cung kính với tất cả các tôn giáo, tôi xin được đi vào nội dung của tập “Từ áo cà sa đến thập tự giá”.

Tác giả Huệ Nhật, theo tiểu sử ghi trên bìa sau của sách, cùng tuổi với tôi; nghĩa là cùng một thế hệ “chiến tranh Việt Nam” – một thế hệ mà niềm tin, tư tưởng, và ước vọng thường xuyên bị thử thách từ chân đến giả, chao đảo từ tả đến hữu, lung lay từ gốc đến ngọn theo đà ác liệt của cuộc chiến trên quê hương. Phải chăng vì thế mà tôi rất chia sẻ sự trăn trở, thao thức, xót xa của Huệ Nhật được thể hiện rõ nét hay bàng bạc từ đầu đến cuối tác phẩm.

Tập sách “Từ áo cà sa đến thập tự giá” là một sự tập hợp tùy nghi, không có chương mục hay hệ thống rõ ràng. Đó là tập hợp những bức thư trả lời từng đọan một của Huệ Nhật cho một bức thư dài của người em tên Thúc ở Mỹ với ngôn ngữ châm biếm, ca tụng Huệ Nhật lên tận mây xanh ở chỗ nầy; rồi mỉa mai đá anh lăn lóc ở chỗ khác. Người đọc không cần phải bận tâm đặt câu hỏi là có thật một bức thư như thế hay không? Vì dù có hay không thì đây cũng chỉ là một cách phỏng theo mô thức luận lý rất cổ điển như “Ngư Tiều Vấn Đáp” hay “Lục Súc Tranh Công” trong cổ văn Việt Nam hay kiểu “Myth” (Huyền thoại) và “Reality” (Thực chất) của Tây phương nhằm mục đích làm sáng tỏ một vấn đề còn mù mờ đang nằm trong vòng tranh cãi. “Vấn đề còn mù mờ …” ở đây chính là cuộc đời và hành tung trình làng một cách bất nhất của Nguyễn Huệ Nhật.

Trước hết theo sự mô tả trong thư người em tên Thúc thì bản chất “tùy gió phất cờ” của Nguyễn Huệ Nhật rất gần giống với một kẻ theo thời cơ chủ nghĩa:

“Từ một chú bé sáng trường làng, chiều chăn trâu, đã húi đầu hôm sớm kinh kệ, học hành đạo pháp, qua một thập niên lên đến chức đaị đức. Thạo Phật pháp, biết rõ ngọn ngành rồi “xù” Phật. Đến cuối thập niên 70 bắt đầu biết đến kinh thánh, tin Chúa. … Một ngày nào đó chắc anh xù Chúa của giáo phái Tin lành nhảy qua rao giảng đức tin với Mohamét.” (Trang 16)

Thật ra, thì Huệ Nhật cũng chẳng biết gì về Phật giáo. Kiến thức Phật học của anh có vẻ là một mớ bung xung chưa tới bờ mà cũng chẳng tới bến như anh tự thú nhận khi trả lời cho người em tên Thúc vừa nêu ở trên: “Ngày xưa đi tu trong Phật giáo, anh (Huệ Nhật) học những giáo lý sâu xa và phức tạp khiến cho sự tu hành có cái vẻ cao siêu, nhưng với anh thì rất mệt mỏi và gặp nhiều mâu thuẫn khó nói lắm.” (Trang 22).

Sau đó Huệ Nhật lập đi lập lại nhiều lần về đức tin của mình đối với Thiên Chúa, quyết theo Chúa để tìm sự sống đời đời. Tiếp đến anh trình bày với người em về “đức tin” của mình đối với tiền. Anh viết: “Trong tình anh em, anh có thể nói rằng tôn giáo nào cũng có tiền và cũng có kinh doanh cả. Tôn giáo là một môi trường “kinh doanh” béo bở. Riêng tiền dâng hiến của hàng tỷ tín đồ cũng đã nhiều lắm rồi. … Đối với anh, nghèo cũng là một sự phước hạnh, mặc dầu anh vẫn muốn mình giàu.”

Trong phần tiểu sự và thư giải bày tâm sự, hình như suốt một đời anh chưa bao giờ được yên nghỉ. Như một đứa trẻ bơ vơ bị ném ra quá sớm giữa dòng đời xuôi ngược, anh đã vật vờ đi từ cực đoan nầy đến cực đoan khác. Tuổi trẻ anh vào chùa đi tu theo Phật Giáo. Sau đó anh bỏ tu lấy vợ, theo phong trào phản chiến “chống Mỹ cứu nước”. Sau năm 1975, khi cộng sản vừa chân ướt chân ráo chiếm Sàigòn, anh liền lãnh đạo chương trình lo cho 1500 người hồi hương bị cộng sản nghi là CIA bỏ tù trong một thời gian ngắn (!?). Tiếp theo bị vợ bỏ, anh liền lấy vợ lần thứ hai, vợ bỏ, gia đình ruồng bỏ, anh em hất hủi, cháu chắt đánh đập, “xù Phật theo Chúa” (Chữ của chính anh), … vân vân và vân vân.

Đời tư của Huệ Nhật dù có vàng son hay khốn nạn, đó là chuyện riêng của đương sự, nếu không liên quan đến ai cả. Đằng nầy, anh đã đem chuyện đời tư của mình để làm bằng chứng và phương tiện bôi bác Phật giáo một cách ngang nhiên và trắng trợn.

  1. NGUYỄN HUỆ NHẬT ĐÃ BÔI BÁC PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO?

    – Bôi bác và chụp mũ tinh thần đấu tranh bất bạo động của Phật Giáo:
    Huệ Nhật đã lập đi lập lại nhiều lần từ đầu đến cuối tập sách về cái gọi là “Hai lần tự thiêu hụt” của anh.

Lần thứ nhất, Huệ Nhật kể lại rằng, năm 1963, khi mới 18 tuổi, vừa mới đi tu theo Phật Giáo được 4 năm, anh đã tình nguyện tự thiêu 2 lần: Một lần tại Nha Trang, tháng 8/1963 và cả hai lần đều bị từ chối. Thế nhưng sau đó Huệ Nhật đã được giới tu sĩ Phật Giáo và Phật tử coi như một vị “thánh sống”. Sau đó Huệ Nhật laị bay về Quảng Trị và tình nguyện tự thiêu tại Huế, tháng 10/1963 và cũng bị từ chối (Sđd, trang 246-254). Đâu là sự thật về “lịch sử tự thiêu” của Huệ Nhật?

Về mặt nguyên tắc: Trong năm 1963, đã có 7 tu sĩ Phật giáo tự thiêu, gồm 2 Hoà Thượng và 5 Đại đức (tuyệt nhiên không có một vị nào thấp hơn hàng đại đức hay ở lứa tuổi mới qua khỏi vị thành niên hoặc còn ở hàng sa-di như Huệ Nhật cả). Tự thiêu đối với Phật giáo là một sư hiến dâng nhục thể để cúng dường tam bảo, vì vậy hình thức cung hiến nầy mang một ý nghĩa rất thiêng liêng và cao cả. Huệ Nhật thuở đó mới 18 tuổi đời, vào ở chùa 4 năm, nếu chịu tu hành nghiêm túc cũng chỉ mới lên được hàng sa-di, nghĩa là một chú tiểu ở chùa, chưa được đứng vào hàng ngũ tham gia những sinh hoạt bên ngoài của giáo hội. Thế mà anh tự “phong thánh” cho mình với những sự việc bịa đặt có vẻ như đã được giáo hội chấp thuận trên nguyên tắc để đứng vào hàng “tu sĩ chuẩn bị tự thiêu”.

Về mặt sự kiện: Tại Huế, có hai cuộc tự thiêu. Vụ đầu tiên là Hòa Thượng Thích Tiêu Diêu ngày 26-6-1963 và vụ thứ hai là Đại đức Thích Thanh Tuệ ngày 15-8-1963. Thời đó danh sách các tu sĩ tình nguyện lên tới 36 vị, nhưng giáo hội đã chấm dứt việc tự thiêu vào tháng 8-1963. Trong lúc đó Huệ Nhật lại xin tự thiêu vào tháng 10-1963. Oái oăm hơn nữa là địa điểm dự trù là Khách Sạn Thuận Hóa, trong lúc Khách Sạn Thuận Hóa lại nằm ẩn kín sau Morin, ít khi có bóng người lai vãng. Trường hợp nầy không biết có nên mượn nhận xét của nhà văn hài hước Bernard Shaw không: “Nói dối mà thiếu thông minh cũng như mặc quần thủng đáy, càng kéo càng lòi… ra!!!”

Sự bịa đặt đầy tính chất hoang tưởng của Huệ Nhật nhằm mục đích gì?

Chính Huệ Nhật đã trả lời ngay trong tập sách của anh ta: “Khi còn nhỏ, anh mơ ước đi tìm chân lý như thái tử Tất Đạt Đa. Cạo đầu cầu đạo đi tu. Đang học đạo anh tình nguyện tự thiêu chống bất công tôn giáo ở miền Nam, vì lúc ấy anh tin rằng đó là cách tìm gặp chân lý mau nhất, nhưng suýt nữa mà anh bị Việt Cộng lợi dụng tổ chức cho cái chết của anh dưới danh nghĩa hy sinh cho Đạo Pháp” (Trang 73&74).

Huệ Nhật sỉ nhục phong trào tranh đấu Phật giáo và các tăng ni tự thiêu là “Việt Cộng tổ chức cho cái chết…” sợ chưa đủ rõ ràng, anh còn minh họa thêm rằng một người cầm đầu phong trào Phật giáo ở Huế là thượng tọa Trí Quang đích thị là cộng sản: “Ông Thiệu tạo thêm sự phân rẽ vốn đã sâu sắc trong hàng ngũ Phật Giáo bằng sắc luật 23/67 để đánh gục con sư tử tôn giáo chuyên môn tự thiêu tuyệt thực chống các chính quyền miền Nam một cách quá trớn. Hồi đó nếu ai nói rằng có bàn tay cộng sản đạo diễn trong hàng ngũ Phật Giáo thì bị nhiều người chống đối. Thế nhưng sau 30-4-1975, anh mới biết hòa thượng Trí Quang đã làm việc theo Việt cộng tới cỡ nào.” (Trang 108). Sau khi chửi quanh các lọai chuột bẩn thỉu nhất, Huệ Nhật lại viết: “Có hai con chuột áo vàng nằm trong Mặt Trận GPMN là hai hòa thượng đỏ Thích Thiện Hào và Thích Minh Nguyệt. Sau nầy người ta hai vị đại lão hòa thượng nầy là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam. Học có con, dâu rể đùm đống đầy đàn… Cộng sản đã mặc áo cà sa cho đảng viên lên lãnh đạo tôn giáo.” (Trang 109)

Lần thứ ba vào cuối năm 1964, tại Nha Trang Huệ Nhật lại xin tự thiêu, đã không được ai coi ra gì lại bị mang một tên mới là “Thánh Chuối” vì bị người dân thường và giới tu sĩ coi như một tên vô lại. Vì vậy, như Huệ Nhật đã ghi lại: “Khi nhìn biết một sự ganh ghét xấu xa, những hành vi gỉa hình của người tu sĩ thuộc bậc anh, bậc thầy của mình, anh có cảm giác gớm ghiếc, khinh bạc và nghĩ đến cái chết để được giải thoát. Anh cảm thấy cần một cái chết để giải quyết những hậu quả phiền toái về sự sống sót của anh.” (Trang 258). Những trang tiếp theo, Huệ Nhật đã dùng đến những lời lẽ thô thiển nhất để thóa mạ hầu hết hàng hòa thượng, thượng tọa lãnh đạo cao cấp của Phật giáo còn tại thế hay đã viên tịch. (Xin xem từ trang 246 đến 273)

  1. NGUYỄN HUỆ NHẬT ĐÃ ĐẢ PHÁ PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO?

Phương pháp đả phá Phật Giáo của Huệ Nhật là lối dùng hình thức so sánh và tương phản (contrast) trong luận lý học cổ điển. Anh đã dùng tiền đề phủ định để phang thẳng vào Phật giáo và hậu luận minh họa kết hợp với suy diễn để biện minh cho sự sáng suốt, ưu việt của anh “xù Phật, theo Chúa”.

Để giải thích cho hành động bỏ đạo Phật theo đạo Chúa của mình, Huệ Nhật tự so sánh mình cũng giống như đức Phật Thích Ca và đức chúa Giê-Su: “Khi em nói tới chữ lừa thầy phản đạo là đã bày tỏ một tinh thần hẹp hòi, nông cạn, không hiểu gì về ý nghĩa của đạo. Anh phải nhắc lại một lần nữa là chính Đức Thích Ca cũng đã mang tiếng lừa thầy phản đạo sau khi rời bỏ con đường tu khổ hạnh với năm anh em Kiều Trần Như, Ác Bệ, Ác Đà… Một trong những lý do mà nhóm thầy tu Biệt Phái (Pha-ri-si) kết án chúa Jesus để đóng đinh Ngài cũng là vì họ cho rằng Chúa Jesus đã hủy bỏ truyền thống có sẵn trong đạo Do Thái (phản đạo)!” (Trang 289). Rõ ràng là Huệ Nhật muốn xây dựng luận điểm rằng anh bỏ đạo Phật qua đạo Chúa vì đạo Phật không phải là chánh đạo: “Đối với những bậc thầy của Ngài như năm anh em Kiều Trần Như, Ác Bệ, Ác Đà… Ngài cũng lìa bỏ khi nhận ra rằng những người nầy không dạy cho mình chánh đạo.” (Trang 288) Nhưng không rõ vì không thuộc bài hay quẩn trí vì cố biện minh cho cái tôi đã quá tả tơi của mình, anh “phang” luôn cả đạo Chúa: “Anh tin Chúa trong hoàn cảnh bị CS khủng bố, chứ không phải tin Chúa để kiếm mùng mền cơm gạo như nhiều người Việt Nam trong Chiến Tranh. Những người Việt Nam đã theo Chúa vì muốn có hàng viện trợ của Mỹ ngày xưa chẳng có phước hạnh gì hơn.” (Trang 289).

Huệ Nhật đã lửng lơ mô tả hàng ngũ tu sĩ Phật Giáo như người ngu độn rằng: “Cũng có những người ăn cơm chùa từ khi còn rất nhỏ, nhưng trí óc thuộc loại độn căn; học thêm một chữ là đã quên đi hai chữ, vì thế khi lớn lên chỉ ở trong chùa, dù rất muốn ra đời cũng không dám ra. Ngày nay những người ấy trở thành những bậc sa môn. Chễm chệ làm ông thầy. Chỉ ngồi niệm hai chữ Nam Mô là cả vạn người nghe theo dâng đầy tiền của. Tu lâu phải thành sư cụ. Anh bước ra khỏi chùa để sống thật với con người mình hơn.” (Trang 288)

Huệ Nhật phản bác đạo Phật một cách hơi bất thường vì sự đơn giản và dễ dãi như là: “Phật giáo rất rộng nên đúng và sai không có biên giới. Có khi bỏ Phật mà lại đúng hơn là cứ đường đường theo đạo Phật một cách hữu sắc vô hương. Phật Giáo là một tôn giáo có nhiều giáo lý mênh mông bát ngát đến nỗi người đi theo có khi đã đi lạc đường gần hết một đời mà vẫn không biết. Nhưng đức tin đi trong Chúa là đi trong Đường Hẹp, bước ra khỏi Kinh Thánh là thấy lạc đường ngay. Ngày nay có một số giáo hội vẫn thờ Chúa, nhưng không làm theo kinh Thánh. Nhiều tín đồ của họ không hiểu gì về Đấng mà họ thờ cả.” (Trang 171)

Và Huệ Nhật đã lái (hay dựng đứng) chuyện bôi bác riêng tư của gia đình anh thành chuyện ô uế trong giới tu sĩ Phật Giáo: “Nghiệm thấy con đường đi tu không dễ gì tìm ra chân lý , anh cởi áo tu để mặc lại chiếc áo người phàm., chiếc quần người trần tục. Một năm sau khi cởi áo thôi tu. anh lập gia đình, nhưng bị một người bạn đang làm đại đức đến nhà ngủ ké với vợ mình.” (Trang 74)

Huệ Nhật cũng liều lĩnh đưa ra một con số tưởng tượng điên cuồng mà anh ta tưởng là sẽ không còn ai kiểm chứng được: “Vì yêu các vị tu sĩ Phật Giáo mà anh rất lấy làm đau xót và tức giận khi được đọc hồ sơ của 240 vị sĩ quan tuyên úy Phật Giáo trong quân lực VNCH. Trong 240 vị đã có trên 225 vị bị lính viết thư tố cáo lên nha tuyên úy Phật giáo về việc thầy thích ăn chơi, còn hầu hết đều có dính vào những chuyện phù phiếm tào lao điên khùng khác” (Trang 209)

Nói tóm lại là Huệ Nhật đã tung hỏa mù, dựng chuyện, tưởng tượng, bôi tro trát trấu lên mặt các nhà tu và Phật Giáo bất cứ lúc nào và chỗ nào có thể chen vào được để chứng minh cho sự tuân phục, “giác ngộ”, nhiệt thành của anh với đạo Chúa.

Ai đã từng chực chờ một cách tuyệt vọng trong các trại ty nạn sẽ không lạ lùng gì “con chiên” nhiệt thành một cách gần như hoảng loạn đối với các tổ chức Tôn giáo mà họ hy vọng là sẽ dàn xếp cho họ một cơ hội định cư ở nước thứ ba. Có lẽ Huệ Nhật cũng đang ở vào tình cảnh đó trong hơn cả năm nay tại nước Đức.

Người Việt, mà nhất là người Việt tỵ nạn đã quá chán ngán và mệt mõi vì những trò “lập lờ tôn giáo”. Ai đã từng qua trại tỵ nạn Bataan ở Phi Luật Tân trong những năm 80 đều biết nhà sư áo vàng người Anh, xưng là thượng tọa Bhiayana. Ông ta thường tụ tập Phật Tử ở chùa Vùng 3 và Vùng 8 để diễn thuyết rằng, dòng dõi lâu đời, cha mẹ và bản thân ông ta là Mục sư Tin Lành, nhưng ông đã “giác ngộ” và bỏ Tin Lành theo Phật Giáo. Càng ngày, những Phật tử có thiện tâm càng cảm thấy khó chịu và xa dần ông ta vì những lời rao giảng nhằm ca ngợi tôn giáo nầy, đả kích tôn giáo khác. Tôi còn nhớ trong dịp lễ Phật Đản năm 1983 tại Bataan, một Phật tử cao niên, ông Nguyễn Chí Hiếu đã nói thẳng với nhà sư Bhiayana (tôi là người thông dịch) rằng: “Tôn giáo là những dòng sông cùng chảy về biển lớn chứ không phải là những gáo nước ngu muội để tạt vào nhau. Xin ông vui lòng chấm dứt cái trò dùng ông Chúa và ông Phật tưởng tượng nhỏ bé trong đầu ông để đưa lên đây mà đấu đá nhau!”

Bài viết liên quan