tượng đài công chúa huyền trân

Thật thú vị, tôi nhận được tin mình “chết”, sau buổi cơm chay với thầy Thiện Niệm, thầy Tịnh Quang, anh Cao Huy Thuần và anh Cũng ở chùa Khuông Việt tại Paris. Thư “email” của Hà Trọng Được từ Huế báo tin rằng: “Vừa ngồi lai rai trên sân thượng của khách sạn Hương Giang với thầy Tường, thầy Dũng, cô Lan, có người mới nhắc đến anh xong, ghé đến anh Xuân thì anh ấy cho biết là nhà thơ Nguyệt Đình báo tin TKĐ… chết rồi!” Hơn 35 năm chưa gặp lại thầy cô và bạn bè một thuở xôn xao xuống đường, xuống hố đã vội “xuôi vè” thì đời mất hết cả mùa vui.   Nếu nói “làm đày” theo kiểu Huế thì: “Lang thang cũng ngang bến đò, lò dò cũng tới chợ Dinh.  Lật đật lanh chanh đi mô cho vội” !

Cái ga chính của những chuyến tàu đời rồi ai cũng phải tới.  Cõi đi về đó ngỡ như quá xa xăm, nhưng có khi lại gần trong nháy mắt ấy không biết có đẹp như chốn Thiên Thai của hai chàng Lưu Nguyễn hay đầy cả lửa hận như cõi A Tỳ của Mục Liên Thanh Đề, nhưng lại có một sức mời gọi thật kỳ bí:  Không ai biết cõi đó mô tê như thế nào, vậy mà ai cũng xăng văng lo dọn đường đi tới. Những con đường thập tự chông gai, những con đường tu trì khổ hạnh hay những đại lộ phong quang nạm ngọc dát vàng –  về thiên đàng hay niết bàn – rất mơ hồ nhưng lại cứ hiển hiện trêu ngươi như một thách đố siêu hình với kiếp người èo uột.  Về trước hay về sau thì cũng phải về thôi.  Nhưng về mà chưa mua sẵn vé tàu “suốt” một đi không trở lại; hay chưa chuẩn bị hành lý là cái tâm rỗng lặng và hai bàn tay không, bất ngờ bị ông số phận hối hả lôi đi trong cảnh dùng dằng nửa ở nửa về thì còn chi là… thơ mộng!

Chiều Paris, cũng là những buổi chiều New York,  San Francisco… đối với người mang tâm sự “u ẩn chiều lưu lạc”.  Nhưng với tâm lý mơ màng từ quá khứ thì “Paris by Night” là một viễn ảnh huy hoàng, một nếp đời có vẻ như  văn minh và sang cả đối với biết bao nhiêu người bạn nghèo của tôi đang còn ngày lại ngày tranh sống ở làng quê.  Để biết rõ là mình đang về Tây phương trần thế, chứ chẳng phải Tây phương… Cực lạc, tối hôm đó, tôi theo thầy Thiện Niệm và anh Cũng ghé quán nước bên bờ sông Seine trong lớp khói sương váng vất heo may của một Paris chuẩn bị vào thu.  Tôi uống một ngụm cà phê hè phố Tây, rồi thở thật sâu để cho hương vị cà phê Ba Lê báo với ông Tây nhà đèn ở cầu Kho Rèn Huế là gã Cơm Hến vẫn còn sống đai hoai bên xứ nầy cho tới khi nào không thích lang bạt kỳ hồ nữa mới sửa soạn khăn gói quả mướp để bương chải về quê… với mạ.  Gã chỉ đội đàng than dạ từ Mỹ qua Tây – Đây quả tình là Tây Phương cực nhọc chứ không phải Tây Phương cực lạc đâu nhé– để tối nay ngồi lặng lẽ cảm thương cho một chiếc cầu còn hiện hữu mà đã như  hạc vàng  của Thôi Hiệu khuất bóng từ xưa: Cầu Mirabeau của Appolinaire!  “Sous le pont Mirabeau coule la Seine…” – Dưới cầu Mirabeau, sông Seine thầm lặng chảy, tình chúng ta đi mãi, vui với buồn theo nhau.

Sông Seine cũng dài và nhỏ nhắn, nước xanh, nhưng không trong vắt tới độ nhìn thấy được cả những đàn cá bơi lội quanh đám rong rêu vật vờ theo con nước như sông Hương. Thế nhưng giòng sông đó có đến 37 chiếc cầu bắt qua và những hàng cây giam bóng tối thời Napoléon đã thành những dãy lâu đài san sát .  Tiếc thật, cầu nhiều quá, trông như những hàng nhẫn hột xoàn lóng lánh vô tri che khuất nét ngây tròn, kiều mỵ của ngón tay búp măng chỉ đẹp vì một bàn tay trần phong sương khác!  Cầu Mirabeau đã theo những vần thơ của Appolinaire để đi vào văn học sử thế giới.  Thế nhưng đêm nay, ngay cả những người sống ở Paris hơn 30 năm mà vẫn tìm không ra chiếc cầu tình tự đó.  Chạy loanh quanh hoài hai bên bờ sông Seine lưng cả bầu xăng chiếc xe Renault  của anh Cũng, chúng tôi mới tìm ra cầu Mirabeau. Cầu Mirabeau đã mất tên và chỉ còn hàng chữ “Mirabeau” nhạt mờ nằm khuất bên lề đường Convention cũ kỹ như chiếc áo the thâm tàn tạ của anh hàn sĩ ngày xưa.  Đợi càphê rơi từng giọt trong quán càphê giữa hè phố bên cầu, bằng một tâm trạng lãng tử, cạnh một nhà tu và một chàng yêu văn nghệ, tôi lơ mơ suy nghĩ về chuyện ban chiều và chút triết lý còm về ý nghĩa của sự sống chết. Chết không phải là khuất bóng, mà khuất bóng cũng chưa hẳn đã là chết.  Chết là còn sống sờ sờ ra đó hay đi đâu mất đất từ khuya mà không ai thấy, như chiếc cầu Mirabeau trơ vơ nhìn sông Seine thầm lặng chảy.  Khách qua cầu hình như chẳng còn ai “ngã nón trông cầu”.  Người đời ngắm nhìn dòng sông đang chảy mà quên đi cầu kia vàsông nước ấy đã một quấn quýt bên nhau…

Phố xá Paris ngủ sớm hơn tôi nghĩ.  Có lẽ trời vào Thu về đêm hơi lạnh nên dân Parisien thích ngồi bên nhau dưới những mái nhàấm áp hơn làlang bạt trên đường phố về khuya.  Có vẻ như đêm Á Châu dài hơn đêm Âu Châu vì sự trầm mặc và đêm Âu Châu dài hơn đêm Mỹ Châu vì sự cổ kính.  “Nằm gắng cũng không thành mộng được…”, nên tôi khoác áo đi lang thang trên đường lúc 2 giờ sáng.  Tôi ước chi Paris là Sàigòn giữa mùa bóng đá để kiếm được một cốc cà phê ho hen của ông già bán cà phê đêm đầu ngõ hẻm.

          Cái cảm giác về đêm của chàng nghệ sĩ lãng tử da đen, Vince Milton, truyền qua tôi: “Đêm Âu Châu trò chuyện.  Đêm Mỹ Châu lạnh lùng.  Đền đài lên tiếng nói.  Mây cúi xuống giòng sông…”  Cố đi tìm một quán hàng nào đó mở thường trực (24 hours) như ở Mỹ nhưng không có,  tôi không hiểu được Milton vì đêm Mỹ Châu có bao giờ nằm ngủ mà sao đến nỗi lạnh lùng.

          Giữa lòng đêm, một mình tôi mà sao lại nhiều bóng thế.  Bóng in trên vách, bóng đổ bên đường, bóng trãi dài với lá.  Có lẽ vì đèn nhiều quá nên ánh sáng tranh nhau soi bóng một người chưa quen.  Đêm nơi đây có mùi hương quyến luyến và cảm giác heo may của một mệnh phụ chưa về chiều nhưng đã qua tuổi mùa thu không còn nóng bỏng.  Mùa Thu ở đâu cũng thế,  đó là mùa trở về.  Lá trở về cội và con người trở lại với chính mình.  Khi tôi không còn dáo dác tìm quanh một đối tượng ngoài mình, tôi bỗng trở lại với sự lắng đọng trong trí tưởng và cảm nhận của chính mình thì bỗng nghe nỗi xôn xao vừa đến.  Có ai đó trò chuyện.  Có ai đó rất quen.  Có ai đó trỗi dậy từ một cõi sơ xưa tưởng như không còn trong ký ức.  Đêm rực rỡ ngã vàng với ánh đèn chiếu hắt qua những hàng cây phong thẳng tắp khắp các con đường làm nổi bật một nét đặc thù rất Âu Châu, đó là sự phong phú quá độ của tượng đài kỷ niệm.  Những khuôn mặt của nhiều thế kỷ lao xao trò chuyện với nhau suốt canh trường bằng một ngôn ngữ của rêu phong, mây và gió.  Nơi đây, chiến công hiển hách cũng như gục ngã đau thương, huy hoàng cũng như khổ nhục, ngai vàng cũng như pháp trường, thánh cũng như quỷ, địa ngục cũng như thiên đường… đều được ghi khắc lại trên thạch cao, trên bia, trên vách, trên đá, trên đồng.  Ô! Thì ra đêm Âu Châu đang trò chuyện.  Những tượng đài và miếu đền kỷ niệm đang nói với nhau, nói với người viễn khách bằng một ngôn ngữ vắng lặng phi thường.  Tượng đài nơi đây không xa cách như Mỹ Châu, không trùm khăn vải điều im lìm trong am miếu như Á Châu mà đứng dưới vòm trời mở rộng, đối diện với sự phong quang và u ám giữa cuộc đời thường.  Hầu như đặc tính chung của các hình tượng nơi đền đài kỷ niệm ở Âu Châu đều ở trong tư thế hành động.  Nhà nghệ sĩ tạo hình nắm bắt những giây phút gây ấn tượng sâu xa và mạnh mẽ nhất trong dòng sống và hành động của đối tượng được tạo hình để tạc tượng.

          Tôi nghĩ đến Huế, Quảng Trị, Hội An… đến sự vắng bóng tượng đài trong những cổ thành u tịch. Xa Huế, tôi chỉ còn nhớ hàng tượng đá đứng trơ vơ trên sân chầu lăng Gia Long, Minh Mạng.  Một thế hệ chiến tranh Việt Nam sắp đi qua, tôi vẫn chưa nhìn được môt tượng đài kỷ niệm có tầm cỡ “dễ nhớ mà khó quên” nơi vùng đất mà nhiều  người đã không tiếc giấy mực để thổn thức nầy.  Nghĩ về một tượng đài Huyền Trân Công Chúa ở Huế mà nhiều người vẫn thiết tha đề xướng trong bao năm rồi nhưng vẫn còn trong lòng đất của sơ đồ và ý tưởng… tôi muốn được nói lên niềm mong ước và chia sẻ.

Am miếu và tượng đài

Khái niệm tượng đài cổ xưa nhất xuất phát từ bản năng sinh tồn của loài người.  Con người dùng thực thể thiên nhiên để ghi dấu chân và kinh nghiệm của mình: Nhớ một ngọn núi cao có nước ngọt và cây trái;  ghi dấu mỏm đá có nhiều thú vật dễ săn; để ý một lùm cây có kẻ thù rình mò ẩn núp… Dần dà, khi con người đã thắng được cái ăn thì nhu cầu tinh thần thể hiện. Am, miếu, tượng, đài xuất hiện sớm nhất là những sản phẩm nghệ thuật dân gian phục vụ cho sự chiêm bái thần linh và lên cao một bước nữa là đức tin tôn giáo.

Có lẽ ít người đồng ý với một nhà khảo cứu tượng đài gốc Á Châu, Ronald D. Young, khi ông viết trong “Methods of Modern Sculpture” ( các phương pháp điêu khắc hiện đại) rằng, sự nghèo khổ và lạc hậu của Châu Á đã làm vắng bóng ngành điêu khắc trong kho tàng tượng đài ít ỏi của vùng đất nầy.  Young chỉ đứng trên bình diện kinh tế và xã hội để bình luận mà quên đi rằng tượng đài cũng là một phần “thượng tầng kiến trúc” của văn hóa.  Tượng đài là cách  thể hiện cụ thể mối cảm nhận quá khứ, sự định hình khái niệm nghệ thuật của hiện tại và dự phóng về tương lai theo dòng lịch sư.û

Từ tự nhiên khách quan thuần túy, đến bàn tay nghệ thuật sáng tạo của con người thuần túy là cả một quá trình đầy gian nan và khổ hạnh.  Đó là một cuộc hành trình dài thăm thẳm để những nhà nghệ sĩ thay mặt cho nhân loại thổi linh hồn vào đất đá vô tri.  Hay nói một cách văn vẻ như Jane Whitney, những người “thổi linh hồn vào thế giới hoang lạnh  (the blowers of souls to the cold) là những cánh tay nối dài của đấng Sáng Thế để bắc cầu ký ức từ quá khứ đến hiện tại và về tương lai.  Những nghệ sĩ khắc họa tài danh của nhân lọai như Michelangelo, Leonardo da Vinci, Donatello, Bernini… đã “giải phóng” những chân dung, hình tượng, đường nét tuyệt vời ra khỏi những khối đá vô tri.

Tuy nhiên qui mô thực hiện công trình tượng đài, mức độ diễn cảm và nghệ thuật tạo hình tùy thuộc vào tài năng của nhà nghệ sĩ đã đành; nhưng ảnh hưởng tính thời thượng của xã hội,  khuynh hướng của quần chúng và sự khống chế của thế lực lãnh đạo đương thời cũng có một tác động sâu rộng trên sự hình thành các mô thức tượng đài.  Bởi vậy nhà nghệ sĩ khắc họa tượng đài vừa có tự do, vừa bị khống chế trong sáng tạo.  Nhưng chính chân tài mới là đôi cánh vạn năng đủ sức bay đến những chân trời tự do xa thẳm của nghệ thuật. Như  Michelangelo cũng đã bị lôi kéo mãnh liệt giữa hai thế lực thế quyền và giáo quyền của Florence và Roma trong bối cảnh tôn giáo và chính trị tác động lên nhau của thế kỷ 16 tại Âu Châu. Nhưng tài năng kiệt xuất của Michelangelo đã giúp ông vượt qua những hệ lụy nhân sinh để bay lượn thênh thang trong cung trời sáng tạo nghệ thuật.  Tác phẩm Ngày Phán Xét Cuối Cùng ( The Last Judgement) của Michelangelo trong nhà thờ Sistine ở Tòa Thánh La Mã với hơn 400 hình tượng – từ Chúa Jesus thánh thiện đến kẻ có tội bị đày xuống hỏa ngục – là một sự thắng lợi huy hoàng của nghệ thuật bao la trước sức mạnh của quyền lực và định kiến giới hạn của con người.

Tượng đài là ấn kiếm tượng trưng của một nền văn minh và một bối cảnh văn hóa trong từng thời kỳ nhất định.  Từ những dấu tích của người vượn Bắc Kinh 500 nghìn năm trước đến dấu chân của Columbus đến Mỹ châu năm 1492 là một dòng lịch sử chằng chịt vô số mảng văn minh và văn hóa muôn màu muôn vẻ của nhân loại.  Nhưng hai cái khung văn hóa lớn nhất vẫn là hai vùng địa lý: Đông và Tây.

Văn hóa Đông Tây khác nhau từ bản chất, nên tính cách thể hiện những công trình văn hóa cũng phản ánh hai thế giới tinh thần và thể chất khác nhau.

Bản chất văn hóa giữa Đông và Tây thuộc về hai thái cực.  Văn hoá Đông phương thiên về mặt tĩnh, trong lúc văn hóa Tây phương ở phía động.  Đông phương chọn đêm làm mốc thời gian, chọn ngày chết làm ngày tưởng nhớ.  Cõi trầm tư và im lặng là cõi vĩnh hằng.  Nên người phương Đông cất dấu những hình tượng, danh xưng, gia tài quý báu vào chỗ trú ẩån riêng tư như kiêng tên, cữ họ; phủ mặt những tượng ảnh thờ.  Tây phương thì ngược lại, họ lấy ngày làm mốc thời gian, chọn ngày sinh làm ngày kỷ niệm.  Khi sùng kính một nhân vật nào đó thì người phương Tây đem ra chốn phồn hoa đô hội; nhận diện, nêu danh để phô trương thanh thế,  trưng bày ảnh tượng giữa những công trường.  Bởi vậy, khi nói đến nghệ thuật tượng đài, nhân loại vẫn có cái chung là ý hướng ghi khắc để nhớ.  Nhưng ghi khắc như thế nào và nhớ theo cách suy tưởng của từng thời kỳ và hoàn cảnh văn hóa cụ thể ở đâu vẫn còn là một câu hỏi và một câu trả lời không đơn giản.

Tại Á Châu, đặc biệt là Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ… tượng đài xuất hiện rất sớm, từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên.  Ở Trung Hoa, đến đời nhà Chu thì việc ghi khắc xây dựng tượng đài đã được thực hiện và hoàn thành đến  mức chuẩn mực.

Theo truyền thống cổ điển Việt Nam, mỗi nhà đều có bàn thờ tổ tiên; mỗi xóm đều có am miếu, mỗi làng đều có đình chùa để thờ phụng các đấng tiền nhân có công khai sáng hương thôn và những anh hùng liệt nữ đã hy sinh cho đất nước.  Thật ra, Việt Nam và các nước ở phương Đông không thiếu vắng tượng đài như Young nhận định.  Nhưng tượng đài phương Đông ở dưới dạng tiềm ẩn trong núi non, hang động;  hay chỉ được đặt để ở chốn tôn nghiêm như đình chùa am miếu.

Tượng đài là một công trình nghệ thuật kết hợp cả ba loại hình nghệ thuật: Hội họa, điêu khắc và kiến trúc.   Ở các nước Âu Châu mà đứng đầu là Ý, khái niệm tượng đài được thực hiện một cách rõ nét và chặt chẽ.  Nét điển hình nhất cho một công trình tượng đài hoàn chỉnh là tượng đứng trên đài.  Thường “Tượng” là một tác phẩm điêu khắc và “Đài” là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật minh họa cho bối cảnh lịch sử của tượng.  Lý tưởng nhất là khi một công trình tượng đài hoàn chỉnh được dựng lên  tại một ngôi đền, trước một cung điện hay giữa một khung cảnh lịch sử.  Khái niệm “đền đài, cung điện” trở thành tiêu biểu ở Âu Châu và Mỹ Châu hơn là ở Á Châu.  Nếu tượng David không được đặt ở giáo đường Saint Peter ở Florence của Ý;  tượng Jeanne d’Arc không đặt ở Paris của Pháp; tượng Churchill không đặt ở công trường Parliament – London của Anh;  tượng Nữ thần Tự do không đặt ở cảng New York của Mỹ… thì linh hồn tượng đài sẽ mất đi sự rung cảm vô hình nhưng rất thiêng liêng và mãnh liệt của con người giới hạn đối diện với dòng lịch sử vô cùng.

Xung quanh tượng đài Huyền Trân Công Chúa

          Một tượng đài điển hình thường mang ba đặc tính tiêu biểu có thể xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

  1. Có giá trị về nghệ thuật
  2. Có ý nghĩa về lịch sử
  3. Có tính đại chúng

Trong lịch sử  khoảng chừng 5000 năm trở lại của nhân loại, tính từ thời kỳ Đồ Đá cổ Ai Cập và Trung Hoa đến nay, đã có hằng hà sa số những tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, những tượng đài lớn nhỏ dựng lên từ trong hang động thâm u đến những công trường chói sáng.  Vật liệu có thể thay đổi từ dạng đất sét nung, đá, gỗ, đồng, thạch cao và hiếm hoi hơn là vàng hay ngọc.  Sự gạn lọc của nghệ thuật cũng rất khắt khe từ phía người đương thời và lớp lớp đời sau.  Những tượng đài còn tồn tại trong ký ức nhân loại qua sách vở hay bằng hình dáng hiện thực sống động ngày nay đều là những tác phẩm nghệ thuật thời danh và bất hủ.  Đã có biết bao nhiêu tượng đài xuất hiện và mai một vì thiếu vắng công trình và tài năng nghệ thuật tác tạo ra chúng, nên đã bị quên lãng như những khối vật chất nguyên sơ chưa từng được khai phá.   Tuy nhiên, khái niệm về tượng đài được phô diễn một cách hòan chỉnh và đại chúng xuất hiện từ khoảng năm 600 trước Tây Lịch tại Ai Cập.  Người Ai Cập quan niệm rằng, chân dung của con người là tiêu chuẩn của tất cả thế giới vật lý.  Hình tượng Appolo đứng vươn vai, không một mảnh vải che thân hay những bức tượng Nhân sư (đầu người, mình sư tử), Nhân ngư (nửa người nửa cá) trong ngành điêu khắc cổ Hy Lạp thường được xem như là khởi điểm nghệ thuật của ngành điêu khắc sau nầy.  Và con đường thiên lý đó kéo dài cả 15 thế kỷ sau mới có những Auguste Rodin, Daniel Amony, Michel Colombe (Pháp); Giovannni Bernini, Michelangelo (Ý)… xuất hiện.

Mỗi tượng đài đều mang theo một dòng lịch sử, dù là thực chất hay huyền thoại, xung quanh.  Tượng đài có thể mang nội dung lịch sử thần kỳ của một xã hội, một đất nước, một tổ chức.  Hoặc tượng đài để vinh danh, tri ân, tôn sùng một nhân vật lịch sử của một thời kỳ, một xã hội hay một quốc gia hay một tôn giáo nào đó như tượng Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng (Việt Nam);  David, Moses (Ý); Napoleon, Jeanne d’Arc (Pháp); George Washington, Abraham Lincoln (Mỹ)…

Trong một số trường hợp, tượng đài là một biểu tượng nói lên một cách vừa trực tiếp, vừa gián tiếp nội dung của lịch sử,  của một biến cố, một sự kiện hay một nghĩa cử.  Như đài kỷ niệm Monument du Lion ở Luzern, Thụy Sĩ là một biểu tượng đầy xúc động về sự hy sinh của những chiến sĩ can trường đã chết một cách anh dũng cho quê hương được tồn tại và hồi sinh.  Đến viếng đài kỷ niệm nầy vào một sáng trời mưa,  nhìn hình tượng xuyên qua đôi dòng lịch sử  “chiến sĩ vô danh” khắc sâu trên đá, tôi cảm thấy xúc động đến lạnh người.  Tất cả biểu tượng chỉ là hình ảnh một con sư tử già được tạc ngay trong núi đá, lớn ngang tầm trái núi.  Con sư tử nằm chết một cách can trường với vẻ mặt vừa uy nghi vừa đau đớn; chuôi đao còn cắm phập trên lưng. Nét thần kỳ tỏa ra trên bức tượng nầy là dáng gục ngã hào hùng như người xưa thường nói: “Luận anh hùng chớ kể hơn thua!”  Có những tượng đài gây một ấn tượng lạ lùng và sâu lắng vì nghệ thuật kiến trúc độc đáo một cách bất ngờ như “Tháp bút chì” – Đài kỷ niệm Washington hay “Bức tường tiếc thương” đen tuyền và lạnh bóng đặt sâu dưới lòng đất – ghi tên 55 nghìn lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam được xây dựng tại Washington DC.  Hoặc tượng đài chỉ nhằm nói lên một ý niệm như  tượng Nữ thần Tự do ở New York.

Tính đại chúng cũng là một nét tiêu biểu  không thể vắng bóng trong thế giới tượng đài.  Tượng đài rất khác với một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thuần túy vì đối tượng quan chiêm tượng đài là quần chúng đủ mọi trình độ học vấn, mọi trường phái nghệ thuật, mọi thành phần và giai cấp xã hội.  Một tượng đài được xem có tính đại chúng cao khi cái “thông điệp” mà những nhà xây dựng tượng đài muốn nói lên có thể truyền đạt đến được cả tâm hồn và nhận thức của mọi lớp quần chúng từ kẻ mù chữ đến hàng thức giả; từ khách phương Đông đến khách phương Tây.  Ngôn ngữ của tượng đài, vì thế, là một loại ngôn ngữ phổ cập và đại chúng vượt ra ngoài biên giới của thời gian, không gian và chủng tộc.

Khi nói đến một tượng đài Huyền Trân Công Chúa có khả năng xây dựng ở Huế, mọi người đều có những ý tưởng vừa rất rõ nét, vừa rất mơ hồ; vữa lãng mạn, vừa thực tế một cách… đáng yêu!

Trước hết là động cơ xây dựng tượng đài có vẻ như đã chín muồi sau một chuỗi thời gian dài suy tư… 700 năm!  Những học giả có thẩm quyền như các nhà Huế học, cổ học, sử học, mỹ học và… “tư”ï học … đã nhiệt thành nói lên ý kiến của mình qua phương tiện truyền thông đại chúng hay riêng tư đều đồng ý rằng thời gian chờ đợi suốt bảy thế kỷ có… hơi lâu.  Từ ý niệm đến hiện thực có thể chỉ là một chiếc cầu ao, mà cũng có thể là chiếc cầu Ô Thước “thấy có mà ngó không” thêm dăm ba thế kỷ nữakhông chừng!

Nếu mượn tạm cái đề cương “5W” của chủ nghĩa thực dụng Mỹ mỗi khi lập đề án cho một công trình thì vấn đề được đặt ra là: (1) Cần xác định rõ ràng nội dung, ý nghĩa của công việc sắp thực hiện (What); (2) mục đích và yêu cầu của công trình (Why); (3) ai sẽ là người đứng ra thực hiện và cung cấp tài chánh (Who);  (4) khi nào thì mới có thể thực hiện và hoàn thành được (When); (5) công trình sẽ được thực hiện ở đâu (Where).

          Một khi chuyện “5W” đã giải quyết rồi thì vấn đề còn lại là công trình sẽ được thực hiện như thế nào để thể hiện được cả 3 mặt nghệ thuật, lịch sử và đại chúng.

Truyền thống Huế là nghèo mà sang, không phải “sang” theo lối kiêu kỳ, hợm hĩnh của “trưởng giả học làm sang” mà chỉ là những nét đơn sơ và đạm bạc trong tinh thần “áo rách khéo vá hơn lành vụng may” thôi!  Bởi vậy, Huế sẽ không cưu mang nổi một công trình tượng đài nặng phần trình diễn về hình thức mà nội dung rỗng không và phi nghệ thuật.

Tượng đài thường xuất hiện dưới 3 hình thức phổ biến nhất, đó là:  Hiện thực, hiện thực kết hợp với biểu tượng và thuần biểu tượng.

Thật không dễ dàng và đơn giản để chọn lựa một mô thức tượng đài Công Chúa Huyền Trân theo một trong ba dạng ấy.

Nếu theo dạng hiện thực thì nhân dáng của Huyền Trân sẽ như thế nào? Hình ảnh một nàng công chúa tuyệt trần được mô tả trong chuyện thần tiên chung chung chăng?  Hay là một khuôn mặt đẹp có dáng vẻ mượt mà, thuần hậu, yêu kiều, đăm chiêu, trẻ trung, cương nghị, lắng đọng, sâu thẳm… của một David mà chỉ có thiên tài Michelangelo mới mong thực hiện nổi?  Nếu chọn theo dạng hiện thực kết hợp với biểu tượng đại khái như mái tóc là dòng sông Hương; khuôn mặt là hình ảnh cô gái Huế dịu dàng; gót chân là những đóa hải đường hàm tiếu hay mãn khai; tà áo là dáng mây bay qua núi Ngự… thì liệu có dễ dàng tìm ra một mảnh đất chung cho một khái niệm về biểu tượng hay không?

Nghệ thuật vẫn phong phú và bao la như bầu trời vô tận, nên không ai biết phải đi bao xa và tìm kiếm bao lâu mới tìm ra “bí quyết” để đạt đến vẻ đẹp toàn bích, chân và mỹ, của nghệ thuật.  Những nghệ sĩ thiên tài dường như đều tìm thấy cái đẹpï ấy trong chính sự sâu thẳm của mình và trong thế giới riêng tư của mình để diễn đạt vẻ đẹp ấy bằng cảm quan nghệ thuật  “tự tại” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Biểu tượng chiến đấu trong thiên hùng sử  “David chống Goliath” đã được Bernini dùng những đường nét của khuôn mặt mình để khắc họa nên tác phẩm tượng đài bất hủ này khi nhà nghệ sĩ điêu khắc tài danh nầy mới 21 tuổi.  Michelangelo cũng phản ánh hình tượng của chính mình để khắc tượng David.  Và Frederic Auguste Bartholdi, người Pháp, cũng đã dùng khuôn mặt của mẹ mình để dựng nên tượng Nữ Thần Tựï Do ở Mỹ.  Ước mong sao nguồn suối nghệ thuật để khắc họa một chân dung tượng đà Công Chúa Huyền Trân là những chất liệu đang tiềm tàng trong lòng đất quê hương.

Nếu cuộc đời vẫn “suông sẻ” thì thế hệ Chiến Tranh Việt Nam của chúng ta cũng chỉ còn đủ sức kiên gan đợi chờ tối đa là vài ba chục năm nữa rồi sẽ rủ nhau về đất.  Chúng ta có được dịp say sưa đứng ngắm một tượng đài Huyền Trân Công Chúa ở Huế hay không là tùy thuộc vào khả năng vận động và kết hợp trong bước khởi đầu đầy khó khăn và trở ngại ngày hôm nay.  Ngày xưa, nước non nghìn dặm vẫn không làm chùn bước chân son lịch sử của nàng công chúa họ Trần bẻ quế lên đường.  Một ngày đang đến là một ngày đang qua, nước non trước mặt, đâu còn truông sâu vàsóng dữ để chúng ta phân vân thấp thỏm đợi chờ một ngày mai lập lại ngày hôm nay.

Rồi ba trăm năm sau –  Tam bách dư niên hậu – thời gian mà thi sĩ Nguyễn Du nghĩ rằng đủ dài để nhớ hay quên thì những tóc xanh tóc trắng, yêu thương mơ mộng, mùa Thu và lá vàng… đang bay ngoài cửa sổ hôm nay sẽ còn chi lưu dấu hay còn chăng “một nấm cổ khâu xanh rì”!  Những người qua Huế có chăng một chuyến dừng chân lại một nơi nào đó ở Huế ngắm nhìn bức tượng Huyền Trân rêu phong đã ba thế kỷ.  Hay vẫn còn nghe vọng âm tiếng chuông lạnh cả hư không từ phía đồi xa mà bâng khuâng tự hỏi rằng: “ Một nghìn năm qua rồi mà Huyền Trân còn ai quên, ai nhớ?!”

Bài viết liên quan