Vẻ Đẹp của Ngôn Ngữ Miền Nam Trong Tác Phẩm Bình Nguyên Lộc

Khi nhắc đến những nhà văn cận đại tiêu biểu miền Nam, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam có thể có những nhận định không đồng nhất với nhau về phương pháp luận, về cách phân chia những khuynh hướng và trào lưu văn học; nhưng không ai có thể phủ nhận được ba cây bút tiêu biều cho ngôn ngữ miên Nam: Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.
Năm 1960, khi còn là một học sinh trung học, lần đầu tiên tôi được đọc một truyện dài của Bình Nguyên Lộc, đó là tác phẩm Đò Dọc. Ở Huế thuở đó, không hiểu tại sao tìm cho ra một cuốn truyện như Đò Dọc thật khó. Không rõ nguyên nhân vì Huế nghèo không đủ sức buôn bán sách phương xahay vì ngôn ngữ văn chương đậm sắc thái đồng quê miền Nam chưa hấp dẫn độc giả xứ nầy. Đến khi tìm đọc được tác phẩm nầy, phản ứng tâm lý tức thời sau khi đọc truyện dài Đò Dọc là tôi không cảm thấy có ấn tượng mạnh như mình dự ước.
Trong việc thưởng ngoạn văn chương và nghệ thuật, ấn tuợng sơ khởi thường nặng tính chủ quan và cảm tính. Cảm tưởng đầu tiên của tôi bị chi phối do một phần ảnh hưởng tâm lý khi tôi tự vẽ vời ra một sự kết cấu éo le, gay cấn đi song đôi với cách diễn đạt hết sức là lâm li, bi tráng… “cần phải có” trong một tác phẩm thời danh. Đây là mong muốn thường tình đối với một tác phẩm được giới văn bút thường nhắc đến. Một nỗi ám ảnh khác, là do tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn. Trong đó, tác phẩm đã được những cây bút mang đậm bản sắc miền Bắc như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo… xây dựng nội dung và nhân vật trên sự xung đột quyết liệt và mâu thuẫn gay gắt, dẫn tới hệ lụy đầy mâu thuẫn và chua cay giữa hai quan niệm sống cũ và mới. Đặc biệt là hình thức đối thoại “chan chát”, cay co, sắc lẻm của nhiều nhân vật trong truyện. Trái lại, trong Đò Dọc từ kết cấu nội dung, đến ngôn từ đối thoại đều thuần hậu, gần gũi và nhẹ nhàng như nếp sống chơn chất của người dân miền Nam.
Nếu không có cái nghiệp đi chấm thi tại Sài gòn thì có lẽ sự hiểu biết của tôi về nhà văn Bình Nguyên Lộc là những gì giới hạn trong cảm nghĩ đầu tiên của tôi khi đọc tác phẩm Đò Dọc và một số truyện ngắn của ông đăng rải rác trên các báo sau đó. Một lần chấm thi tú tài tại Sàigòn tôi đã cho điểm bài luận văn của một thí sinh 19/20. Với điểm số tối đa nầy, bài thi, theo nguyên tắc trường thi thời đó, phải được đem ra hội đồng duyệt xét lại và giám khảo của bài thi phải chịu trách nhiệm trình bày để bảo vệ cho sự đánh giá của mình. Tôi đã đem hết khả năng ngôn ngữ (rất Huế) của mình để thuyết phục hội đồng giám khảo về những nét ưu tú trội bật của bài thi. Tôi không bực mình lắm khi điểm hội đồng còn lại 17.5/20, nhưng cảm thấy bị thương tổn khi một đồng nghiệp từ miền Hậu giang vỗ vai tôi và “khen” rằng: “Tôi nghe anh nói hùng hồn và rất hay, nhưng anh nói cái giọng ‘ngoải’ làm tôi không hiểu anh nói gì cả!” Tôi nóng mặt, nhưng sau đó cũng xuề xoà để nghe một lời khuyên, lúc đó tôi không hiểu có chí tình không, nhưng phải qua mấy chục năm sau mới thấy rằng chí lý: ” Nếu bạn muốn biết người miền Nam nói năng như thế nào thì cứ đọc văn của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc. Văn các ông ấy viết rặt tiếng miền Nam.” Nếu “văn tức là người” như Buffon đã viết thì văn là hoa của ngôn ngữ và ngôn ngữ là sản phẩm của con người và cuộc sống. Chính con người miền Nam và điều kiện thiên nhiên, kinh tế, xã hội đã hình thành bản sắc của ngôn ngữ miền Nam. Miền Nam không có đèo, không có truông, không có động; và rất ít có ngõ trúc quanh co, ít có nếp sống thắt lưng buộc bụng để đương đầu với “một ngày nắng, năm bảy ngày mưa” và vật lộn từ trên đồng cạn xuống dưới đồng sâu. Do đó, từ trong bản chất của ngôn ngữ, người miền Nam ít khi cần phải vận dụng tiếng nói như một vũ khí để sống còn theo phong cách người miền Bắc và miền Trung. Trong khi đó, miền Nam có cả khung trời thiên nhiên đầy nắng ấm; có những cánh đồng lúa phì nhiêu xa ngút mắt với sự giao lưu êm đềm trong kinh rạch, nên ngôn ngữ miền Nam là một phương tiện để tâm tình và chia sẻ. Đem lối nói đầy ngụ ý và lý sự, có khi tới mức đanh đá hoặc chanh chua của miền Bắc và miền Trung vào văn chương miền Nam sẽ thành lạc điệu như chơi trò thủy chiến trong kinh, lạch. Hoặc ngược lại, đem ngôn ngữ nặng tính chất kể chuyện, chia sẻ và tâm tình của người miền Nam vào mục văn chương lý luận miền Bắc và miền Trung sẽ không đạt như bơi xuồng ba lá trong nước lũ sông Hồng.
Ngôn ngữ của Bình Nguyên Lộc là ngôn ngữ đặc trưng của văn chương và cuộc sống của miền Nam. Miền Nam từ trong tên riêng của nhân vật. Chỉ cần đọc tên cũng đủ biết là người miệt nào như: Cậu hai Quờn, anh Xòn (Đò Dọc); thằng Cộc (Rừng Mắm); ông đạo Nằm, ông đạo Lết, ông đạo Hù (Rung Cây Dừa)… Đến sự vận dụng từ ngữ và cách diễn đạt rất điển hình của quần chúng bình dân miền Nam: “Hôm nào bên cạnh có đám ma là má bây nạnh ba vô nhà trước để lên nhang đèn. Rồi ba lại nạnh má, ai cũng giả làm biếng chớ không chịu thú nhận là mình không dám vào đó, vào cái nhà thấp chũm và tối om ấy, trong khi bên hàng xóm vừa có người chết.” (Đò Dọc). Và cái “bạc tình” một cách rất hồn nhiên và chung tình đối với thiên nhiên, với quê hương đất nước của thằng Cộc, của những người dân đồng ruộng miền Nam, trong Rừng Mắm: “Thằng Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm cho nó quên thằng chài ngay. Là vì đầu cò chơm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê cách đây năm năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng.” Cũng đồng cảnh ngộ nghèo khổ và tang thương trong giờ phút nguy cấp, thử so sánh hai bức tranh và lời đối thoại nhân vật xảy ra ở miền Bắc trong Anh Phải Sống của Khái Hưng và Không Một Tiếng Vang của Bình Nguyên Lộc ở miền Nam. Người đọc sẽ thấy khác từ nhịp điệu, phong thái, ngôn ngữ, tính chất của nhân vật: “ Gì đó chị Sáu? Chú Tư Ngộ hỏi. – Hu… hu… hu… bà con ơi, anh Nhánh ảnh lặn mất rồi… hu… hu… – Từ bao lâu ? – Độ tàn hai điếu thuốc. – Dữ hôn! Sao không đợi tới chiều hãy la làng cầu cứu. Cả bọn bỏ xuồng, mặc kệ nó trôi đi đâu thì trôi, đồng hè nhau nhảy xuống sông tùm tùm.” (Không Một Tiếng Vang)
Nếu phải chọn lựa giữa tính chính xác và quy ước của một nhà ngữ học và sự phản ánh trung thực lối nói xuề xòa, tùy nghi của những nhân vật miền Nam điển hình, thì nhà văn Bình Nguyên Lộc đã thắng nhà ngữ học cùng tên. Đọc trong “Lột Trần Việt Ngư”õ, một tác phẩm khảo cứu công phu về nguồn gốc và sự biến âm và biến thái ngôn ngữ Việt Nam dày trên 600 trang của Bình Nguyên Lộc, người đọc sẽ thấy ông là một nhà ngữ học khảo chứng. Ông đã cơm đùm gạo bới, ngậm ngãi tìm trầm để tiến sâu vào các buôn, các bản của các nhóm dân tộc thiểu số Việt Nam mà tìm cho ra ngọn nguồn của tiếng nói. Ông khác với các nhà ngữ học Việt Nam mô tả và phân tích trước đó và đồng thời như Nguyễn Bạt Tụy, Lê Văn Lý, Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê, Nhan Gaston… là không những án khảo chứng tích, quan sát, nghiên cứu và phân tích ngôn ngữ thuần túy, mà ông còn đập vỡ những huyền thoại về ngôn ngữ để “lột trần tiếng Việt” như nhan đề cuốn sách.
Sự uyên bác ngôn ngữ của Bình Nguyên Lộc, cuối cùng, cũng phải nhường bước cho lối nói “đất lề quê thói” của những nhân vật miền Nam quê ông thôi. Như ông vẫn thường dùng chung từ “thơ” cho cả hai cụm từ “bài thơ” và “bức thơ”; “ơn”, “nhơn”, “chơn”, “đờn”… thay cho “ân”, “nhân”, “chân”, “đàn”… như thường thấy ở các câu chuyện hàng ngày trong đời sống miền Nam. Cũng là một nét tiêu biểu cho phong cách tiếng nói miền Nam là sự mở ngoặc để dừng lại giữa chừng câu nói hay câu chuyện nhằm giải thích một điển tích, một quan niệm đạo lý, một khái niệm riêng của địa phương, hay xa hơn thế nữa là một kiến thức mới. Như đang nói chuyện săn cọp Đồng Nai ngon trớn, thì tác giả dừng lại “giải đáp thắc mắc” như sau: “Trong rừng sâu có một loài sâu bọ, không biết tiếng Việt gọi ra sao: vì không nghe ai điểm danh loài sâu bọ này hết, còn tiếng Pháp gọi nó là con charogne. Pháp lại gọi con charogne là “sở vệ sinh rừng rú”, vì chính chúng nó ăn sạch bách muôn vạn xác thú, xác chim trong rừng, giúp cho rừng khỏi hôi thúi.” (Săn Cọp Đồng Nai).
Một số các tác giả biên khảo về văn chương, như Cao Huy Khanh, cho rằng sự “xen kẻ” nầy là do ông Bình Nguyên Lộc “không một mảy may bận tâm đến việc gạn lọc, trau chuốt hay cải tiến hình thức và kỹ thuật của tác phẩm…”. Thậm chí văn chương sáng tạo của ông còn bị xu hướng biên khảo lấn áp nữa. Đọc các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc sáng tác trong những thập niên 1940, 1950 và 1980, tôi không thấy sự thiếu nhất quán hay bất cần kỹ thuật sáng tác văn chương như Cao Huy Khanh nhận định. Có chăng là Bình Nguyên Lộc, trong một số đoạn của các truyện thiên về đồng quê và bút ký, đã đưa văn nói của người bình dân miền Nam vào văn viết. Tôi thường thấy mặt tích cực của sự vận dụng nầy, vì chính đây là điểm đã làm cho văn Bình Nguyên Lộc có một bản sắc riêng, một cá tính riêng, giàu chất liệu “Nam Bộ” hơn bất cứ một tác giả miền Nam nào khác, kể cả Sơn Nam.
Trước và sau năm 1975, có dịp về những tỉnh miền Nam xa tắp, uống rượu đế “xỉn oắt cần câu” với mắm thái dà rau hay cá lóc nướng trui với những anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm… quanh năm chỉ có mấy chiếc quần cộc thay ra thay vào, nhưng hiếu khách hơn cả Mạnh Thường Quân, tôi mới dần dà học được chút đỉnh tiếng nói thật sự của miền Nam. Đó là một hình thức ngôn ngữ thiệt tình, chia xẻ; hơi rề rà và thiên về trực giác cùng cảm tính hơn là đôi co lý luận hơn thua, nhưng lại dễ đi thẳng vào lòng người. Tôi đã thấy và cảm nhận ngôn ngữ đó trong văn chương của Bình Nguyên Lộc. Mùa Hè 1998, trong một dip ngồi uống cà phê với nhà văn Sơn Nam tại quán nước truớc nhà xuất bản Trẻ trên đường Lý Chính Thắng ở Sàigòn, cũng trong cái dáng dấp phong trần như nhà văn Bình Nguyên Lộc, tôi nghe ông than là quá bận rộn viết lách và thuyết trình chuẩn bị cho ngày kỷ niệm Sàigòn 300 năm. Tôi hỏi về những công trình khảo cứu lịch sử và ngôn ngữ miền Nam sáng giá đương thời, nhà văn Sơn Nam nói một cách thành thật: “Bình Nguyên Lộc là người có thực tài, tôi rất mến mộ ảnh.”
Qua bao nhiêu bước ngoặt thăng trầm của cuộc sống, hôm nay đọc lại văn Bình Nguyên Lộc trong Tuyển Tập Bình Nguyên Lộc vừa do An Tiêm xuất bản còn nóng hổi năm 1999, tôi vẫn còn nghe “vang điệu vọng xưa”.

oOo

Một chiều tháng ba, có mưa mùa Xuân lất phất hơn mười năm trước, tại một căn phòng mướn độc thân của chung cư toàn người Đại Hàn trên đường Kieffer, thành phố Sacramento, tiểu bang California, có tin báo là “ Nhà văn Bình Nguyên Lộc mất rồi!” Ai đã từng ở vào tâm trạng sống tha hương mới hiểu được nỗi xót xa của những người văn nghệ nghe tin một nhà văn, một nhà thơ, một nghệ sĩ gốc gác quê hương mình vừa mói ra đi.
Ngày tiễn đưa nhà văn Bình Nguyên Lộc ra nghĩa trang “Bãi Cỏ Hoàng Hôn” (Sunset Lawn) tại thành phố Sacramento, câu thơ phúng điếu của một tác giả, hay thân hữu nào đó mà tôi không quen cứ lẩm nhẩm đến hoài trong trí: “Sinh Bắc tử Nam thời chiến trận. Sinh Nam, tử Mỹ thuở thanh bình.” Câu thơ nghe mĩa mai và bùi ngùi như tiếng thở dài của thân phận, thân phận làm người và thân phận người Việt Nam xa xứ! Có ai biết giữa vùng đất tha hương nầy và nhà văn Bình Nguyên Lộc, ai đến và ai đi; ai về và ai ở. Nhưng chắc chắn là mấy trăm năm sau, những người Việt ở quê nhà hay tha hương khắp bốn phương trời, khi giở lại từng trang sách cũ, đất Sacramento, miền Bắc California nầy sẽ được nhớ như là nơi an nghỉ sau cùng của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Nếu có ai hỏi lẩn thẩn và mơ màng như Bùi Giáng: “Ta về mấy thế kỷ sau, nhìn trăng còn có nguyên màu ấy không?!” thì câu trả lời có lẽ sẽ là sự lặng im và chiêm nghiệm. Trăng phù sa trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc — trăng phương Đông huyền diệu ở quê nhà; trăng nơi thành phố Sacramento và trăng nghĩa trang trên “Bãi Cỏ Hoàng Hôn” — trăng phương Tây xa thẳm — vẫn còn nguyên màu ấy mấy thế kỷ sau hay không để tính tuổi trăng già và tính tuổi văn chương. Trăng… như một công án của trời đất và văn chương như một kỳ án của con người mà sự “ngộ đạo” chỉ đến khi con người từ bỏ chính mình để đi về với trời đất.

Bài viết liên quan