Viễn Ảnh Về Một Giải Nobel Văn Chương Cho Giới Văn Bút Việt Nam

Một lần nữa, giải Nobel Văn Chương lại vào tay nhà văn của một quốc gia “con cháu ngoại” – Nghĩa là không xuất thân từ giới văn bút thuộc về chiếc nôi văn hóa truyền thống Âu Châu hay thuộc nòi hiệp sĩ “gươm nóng hổi” Bắc Mỹ!

Người đoạt giải Nobel Văn Chương năm nay, 2003, là một nhà văn Nam Phi 63 tuổi, John Maxwell Coetzee. Đây là nhà văn thứ hai của Nam Phi được giải Nobel Văn Chương kể từ khi nhà văn Nam Phi đầu tiên là Nadine Gordimer được trao giải thưởng nầy vào năm 1991.

Coetzee hiện là một giáo sư tiến sĩ ngành văn chương Anh Mỹ, xuất thân từ đại học Cape Town. Từ năm 2002 sống tại Úc và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại đại học Chicago, Hoa Kỳ. 

Coetzee là một trong những tác giả thành công hàng đầu của Nam Phi với 8 tác phẩm tiểu thuyết đã xuất bản và là tác giả sáng giá của nhiều bài biên khảo và luận thuyết có ảnh hưởng rất sâu rộng tại châu Phi. Coetzee được xem là mẫu người kín đáo, xa lánh mọi hình thức quảng cáo, vinh danh, phỏng vấn, hội hè đình đám xưng tụng nhau… tới mức lập dị. Ông có một lối phân tích và lý luận cực kỳ bạo liệt (ruthless) khi đả kích sự độc đoán và tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và thói đạo đức hình thức hời hợt của xã hội phương Tây.

Tác phẩm mới nhất đóng vai trò “hỏa pháo” góp phần tích cực đưa Coetzee lên đài danh vọng là cuốn tiểu thuyết nhan đề “Disgrace” (Bỉ Mặt), xuất bản năm 1999 thuộc lọai “best seller” mà chỉ ở Mỹ không thôi cũng đã bán ra 200.000 ấn bản. Tuy nội dung tác phẩm chỉ đơn giản là câu chuyện của David Lurie, một giáo sư dạy môn ngôn ngữ học tại một trường đại học ở Cape Town. Đời đã hai lần ly dị, ở lứa tuổi năm mươi, David yêu cô học trò sinh viên của mình. Chuyện yêu đương chẳng đi đến đâu, bị kết tội xâm phạm tình dục và bị đuổi dạy. Không một lời biện minh, David về vùng quê heo hút sống hẩm hiu với Lucy, cô con gái rượu duy nhất mang chứng đồng tính luyến ái. David cam chịu một cuộc sống tẻ nhạt ở nông trại mà Lucy cho rằng: “Cuộc sống nơi đây là thế đó. Một cuộc sống chia phần với súc vật.” (This is the only life there is. Which we share with animals.) Thật ra, tác phẩm Disgrace tuy chỉ 200 trang với một nội dung đơn giản như thế, nhưng lại mang tầm cỡ Nobel vì tác giả không phải là người viết lách kể chuyện đơn thuần. Koetzee đã gởi gắm một thông điệp sâu kín mang đầy tính phản kháng và nhân bản ẩn sau hàng chữ nghĩa. Nhân vật David là hiện thân của con người bị áp bức và chấp nhận số phận tủi nhục của mình một cách thản nhiên trong xã hội kỳ thị chủng tộc Nam Phi. Sự “Bỉ Mặt” coi như tất nhiên, sự chịu đựng câm lặng của thân phận con người quá dạn dày đến nỗi không ai buồn đối kháng.

Bản chất của một nền văn nghệ lành mạnh mang tính tự do và đối kháng với quyền lực áp bức bất cứ từ đâu đến. Người cầm bút chân chính mang tinh thần khai phóng để cổ võ cho nhân quyền, tự do và công bằng của xã hội. Khi không có tự do và không có quyền lên tiếng bảo vệ quyền sống thiêng liêng của con người là khi người làm văn nghệ bị truất quyền sáng tạo chân chính. Khi đó, người cầm bút được gọi là “nhà văn” chỉ còn là người cầm bút xếp chữ bâng quơ và xa lạ với thực trạng của xã hội và con người mà anh ta đang sống.

Suốt 100 năm lịch sử, tuy cũng có lúc thăng trầm hay vắng bóng, nhưng tinh thần giải thưởng Nobel chưa bao giờ hạ thấp con đường lý tưởng đích thực của văn chương.

Thử nhìn lại một chặng đường rất ngắn của văn học trong vòng 5 năm qua. Giải văn chương Nobel đã chuyển mình để dấn thân một cách tích cực vào cộng đồng văn học thế giới và làm sáng danh cho lý tưởng khai phóng của văn chương.

1999: Gunter Grass

Năm 1999, Gunter Grass, một nhà văn hiện đại nổi tiếng của Đức được giải thưởng văn chương Nobel. Gunter Grass được giới văn bút quốc tế hâm mộ từ khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông mang tên là Cái Trống Ếch (The Tin Drum) ra đời năm 1959. Sau đó là những tác phẩm Những Năm Chó (Dog Years), Mèo Chuột (Cat and Mouse). Gần nửa thế kỷ sau, Cái Trống Ếch đó đã đưa ông lên đài danh vọng. Tác phẩm phản ánh đậm nét cuộc đời và tư tưởng tác giả. Đó là cuộc đời của thằng bé đánh trống ếch Oskar Mazerath, sinh ra trong chiến tranh và áp bức của thời Đệ Tam Đức quốc xã. Ngày Sinh nhật lên ba nó khùynh tay, gồng mình tuyên bố với làng nước là nó sẽ không chịu lớn thêm nữa vì nó sợ làm người lớn. Thằng bé đánh trống ếch Oskar có thể vẫn không “lớn” nhưng rồi sẽ già đi như bạn, như tôi, như Guenter, như những người thuộc về thế hệ chiến tranh Việt Nam. Trong chinh chiến thằng bé Oskar cũng phải rời quê hương tản cư dọc đường gió bụi. Nó nhập vào đám nhạc sĩ “du ca”, đánh trống ếch cắc tùng tùng. Tiếng nó xoáy lên sắc nhọn đủ sức làm bể hàng cửa kính, tiếng trống của nó vang lên như lời van lơn, tâm sự, đay nghiến trước những buồn vui của cuộc sống. Rồi nó trở thành thủ lãnh của nhóm nổi loạn đòi tự do. Nó cũng rơi vào một cuộc tình yêu đương diễm lệ. Nó cũng trở thành nghệ sĩ được biết tên. Và sau khi chiến tranh chấm dứt, nó bị kết tội sát nhân mặc dầu nó chẳng dính líu gì tới vụ án cả. Cuối cùng nó bị bỏ tù trong nhà thương điên chỉ vì không chịu thỏa hiệp với trò đời rởm dáng trước mắt. Nó thành tội nhân oan uổng của thời đại vì nó dám nổi loạn chống lại kẻ có quyền thế đương thời, những kẻ hưởng thụ trên sự điên cuồng của chiến tranh, phè phỡn bằng sự độc tài và áp bức.

Nhận định về nghệ thuật văn chương trong tác phẩm Cái Trống Ếch, Alix Wilber viết rằng nhà văn Grass đã dùng sự cười cợt như một con dao – nó làm cho bạn cười, nhưng cũng làm cho bạn rướm máu. Tác phẩm chứa đầy tính chất tượng trưng để nói lên sự bi đát sâu thẳm về thân phận con người trong lịch sử nước Đức cũng như trên toàn thế giới. Trong suốt 40 năm lịch sử nhà văn Grass cũng như tác phẩm của ông đã chịu không biết bao nhiêu búa rìu của dư luận. Ngay trên quê hương ông, ở Tây Đức thì Cái Trống Ếch được chọn làm sách giáo khoa mà Đông Đức thì tịch thu và cấm đoán. Thế nhưng rồi cuối cùng cuốn sách cũng vượt qua tất cả những biên giới của con người để đến một vùng trời vĩnh cửu: Đó thế giới chân tâm của con người. Thông điệp gần như sau cùng của Guenter Grass gởi cho thế hệ đàn em là: “Người văn nghệ cũng như người đi buôn, vốn trao đi thì mong có lãi trở về. Lãi của con buôn là tiền bạc, nhưng lãi của người nghệ sĩ là sự khen chê của người đời dành cho tác phẩm của mình. Điều đáng sợ hãi nhất cho người văn nghệ là sự im lặng của người đọc hay khán giả. Đừng vội hài lòng với những lời khen và buồn bã trước những lời chê, mà hãy vui vì bạn đã có sức lay động được lòng người trước đã.”

2000: Cao Hành Kiện

Giải Nobel văn chương năm 2000 đã được trao cho một nhà văn Trung Hoa là Cao Hành Kiện (Gao Xingjian).

Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), nhà văn đầu tiên của Trung Hoa được giải thưởng Văn Chương tương đối sáng giá nhất của nhân loại trong suốt 100 năm qua – giải Văn Chương Nobel. Trong sự nghiệp văn chương phong phú bao gồm nhiều thể loại, tác phẩm tiểu thuyết tiêu biểu nhất đã đưa Cao Hành Kiện lên hàng “Nobel văn giả” là cuốn Linh Sơn (Soul Mountain/ La Montagne de l’Âme), một tác phẩm dài trên 500 trang. Linh Sơn là một tác phẩm kết cấu tổng hợp nhiều hình thái và thể loại sáng tạo văn chương. Trong đó, hồi ký, chuyện tình, phóng sự xã hội, thực tế, hư cấu, triết lý, hoạt kê, hội thoại, đối thọai, độc thoại… quyện vào nhau như trái núi mang nhiều vẻ hiện thực và kỳ bí tùy theo thời gian và thế ngắm.

Cao Hành Kiện sinh năm 1940 tại Cống Châu (Ganzhou), Quảng Tây, Trung Hoa. Vốn là một nghệ sĩ đa tài trong các lĩnh vực văn chương, hội họa, kịch nghệ, phê bình, dịch thuật, Cao đã lận đận lớn lên giữa thời đại Mao Trạch Đông. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966-76) ông đã bị đưa vào trại học tập cải tạo và phải âm thầm thiêu hủy cả một va-li đầy bản thảo tác phẩm của mình. 

Trong bối cảnh xã hội và văn hóa đặt trọng tâm trên đời sống tập thể, cá nhân không còn chỗ đứng và có khi bị tan loãng trong cơn lũ ồ ạt của tâm lý quần chúng, tình cảm tập thể, và suy tưởng một chiều. Cao sống sót và cứu được mình trong cơn đại hồng thủy của tư tưởng. Ngọn núi Linh Sơn là một ngọn núi ảo ảnh nhưng cái bóng sừng sững mà vô hình của nó trở thành điểm tựa của mình và cho chính mình vì nó là ngọn núi của bản ngã.

Trung Hoa từ năm 1942 và nhất là qua biến cố “quốc hữu hóa văn chương” năm 1949 trở về sau, sứ mạng độc tôn sáng tạo văn nghệ là để phục vụ chính trị. Nhà văn muốn sống còn thì phải tự biến thành cái răng cưa của bánh xe trong guồng máy chính trị tập thể. Cao Hành Kiện là một trong những văn nghệ sĩ tiền phong của Trung Hoa thời hậu Mao đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Trong tác phẩm “Tham luận khởi đầu về nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại” (Premier essai sur les techniques du roman moderne) năm 1981, ông đã dấy lên cuộc bút chiến đầy sóng gió về “Quan Điểm Mới” trong sáng tác văn nghệ. Năm 1985, tác phẩm “Kẻ Rừng Rú” (L’Homme sauvage) là bước phản công bão liệt nhất về guồng máy văn nghệ tập thể đã làm lu mờ tài năng nghệ sĩ. Quan điểm văn nghệ tìm lại con người chân thực của ông đã gây ra những cuộc bút chiến sôi nổi trong nước và đã lôi kéo được sự chú ý của cộng đồng văn bút thế giới. Đến năm 1986, tác phẩm “Bờ Bến Khác” (The Other Shore) đã bị giới văn nghệ cầm quyền ở Trung Hoa cấm đoán, phê phán gắt gao.

Để giữ cho ngọn núi bản ngã được ẩn mình an trú trong cơn giông bão thời thế, Cao Hành Kiện đã làm một cuộc “hành hương” trong suốt mười tháng. Ông đã bước đi trên lộ trình dài 15000 cây số qua những vùng núi non hiểm trở miền Tứ Xuyên; từ ngọn nguồn sông Dương Tử (còn có tên là Trường Giang) dọc tới biển khơi. Chất liệu chính của tác phẩm Linh Sơn là dòng suy tưởng, là cảnh sông núi chập chùng, là dáng trời đất bao la, là khuôn mặt thật của con người, là những mảnh đời muôn vẻ; và quan trọng nhất là sự tìm về ngọn nguồn, về bản chất của sự bình an sâu lắng và tự do thực sự trong chính mình. Giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh đã nhận định: “Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong.”

Trong cuộc hành trình tìm về Linh Sơn, có chăng những người cầm bút Việt Nam bên kia cũng như bên nầy đất nước đang âm thầm nhập cuộc. Sẽ trễ tràng cho một sự chối từ, nhưng sẽ không bao giờ muộn màng cho một sự nhập cuộc. Nhập cuộc trên đường về Linh Sơn cũng có nghĩa là chia tay. Có can đảm chia tay với đám đông ồn ào, quyền thế, phù hoa, vọng động mới có thể trở lại bến bờ của dòng sông Tự Ngã trong chính lòng mình. Và từ đó tìm về Linh Sơn, ngọn núi của bản ngã hay chính là linh hồn còn nguyên vẹn trong mỗi con người.

2001: V. S. Naipaul

Người đoạt giải Nobel Văn chương năm 2001 là Vidiadhar Surajprasad Naipaul (V.S. Naipaul). Ông là người gốc Ấn Độ, 69 tuổi, sinh tại Trinidad, một cựu thuộc địa của Anh ở quần đảo Carribbean, vùng biển Nam Mỹ. Năm 18 tuổi, ông sang Anh, theo học trường Đại học Oxford. Tốt nghiệp và tiếp tục sống đời nhà văn tại Anh quốc cho đến hiện tại.

Đây là một nhà văn nổi tiếng từ trong suốt ba, bốn thập niên qua. Ngoài các giải thưởng văn chương dành cho ông như Booker Prizes (1971), T.S. Eliot Award (1986), tiến sĩ danh dự của các đại học St. Andrew, Cambridge, Columbia, London, Oxford, năm 1990, V.S. Naipaul được nữ hoàng Elizabeth tấn phong tước hiệu “Hiệp Sĩ”. Đây là một danh dự cao quý nhất của Hoàng gia Anh quốc dành cho những người đạt thành tích kiệt xuất trong lĩnh vực chuyên môn của mình. 

Sự kiện nhà văn V.S. Naipaul được giải Nobel năm nay trong thời điểm toàn thế giới đang lên cơn sốt vì nạn khủng bố của lực lượng Hồi giáo quá khích đã làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến “tính chính trị và thời thượng” của giải Nobel. Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra vì trong số hơn 20 tác phẩm của V.S. Naipaul đã xuất bản từ năm 1957 đến nay có 2 tác phẩm liên quan đến Hồi giáo: Giữa Những Tín Đồ ( Among the Believers, 1981) và Mặt Trái Đức Tin (Beyond Belief, 1998). Đây là kết quả sự tìm hiểu, tham khảo, ghi nhận tại chỗ của tác giả trong các cuộc du hành tới những nước Hồi giáo như Indonesia, Iran, Pakistan, và Malaysia.

V.S. Naipaul đã tìm hiểu ngọn nguồn của Hồi giáo hiện đại và ý thức hệ của sự cuồng nộ trong tôn giáo nầy. Ông đã viết trong cuốn Giữa Những Tín Đồ rằng: “Hồi giáo đã thần thánh hóa sự cuồng nộ: Cuồng nộ trong đức tin và cuồng nộ về chính trị. Và hơn một lần trong chuyến đi nầy, tôi đã gặp những người đàn ông nhạy cảm, họ là những người sẵn sàng mê man lao vào những cuộc biến động lớn.”

Ông cũng đã viết trong Mặt Trái Đức Tin là: “Có lẽ không có một chủ nghĩa đế quốc nào giống như nghĩa đế quốc của Hồi giáo và các xứ Ả Rập”.

Điều thú vị là V.S. Naipaul không bị các tín đồ Hồi giáo lên án khắt khe như đối với Salman Rushdie khi xuất bản tác phẩm Lời Quỷ Sứ (The Satanic Verses) trước đây mà chỉ bị phê phán nhẹ nhàng là: “Thiếu một viễn kiến cần thiết về Hồi giáo.”

2002: Imre Kertesz

Nhà văn Hung Gia Lợi (Hungary) Imre Kertesz, 72 tuổi, thắng giải Nobel văn chương năm 2002. Là một người bị vùi dập trong các trại tập trung từ Auschwitz đến Buchenwald của Nazi, Đức Quốc Xã trong lứa tuổi thanh niên, Kertesz đã phản ánh kinh nghiệm sống thực bằng nước mắt và xương máu của chính bản thân và đồng bào mình trong sự nghiệp sáng tác văn chương. Tác phẩm văn chương đầu tay được xuất bản năm 1975, “Fateless” (Chẳng Có Gì Là Số Phận) Kertesz đã kể lại kinh nghiệm đời mình qua nhân vật George, một cậu bé 14 tuổi, bị lùa vào trại tập trung và sống sót trong hỏa lò phi nhân ấy. Với George, sống sót qua địa ngục trần gian chẳng phải là số phận an bài mà sống được là nhờ sức mạnh nội tại của chính mỗi con người biết vươn lên từ trong nhục nhằn và cô đơn; từ truyền thống của nòi giống, của văn hóa và gia tài tâm linh miên viễn. Ngày trở về, George đã kêu lên với những người thân rằng: “Tại sao mọi người không thể thấy rằng, nếu cứ đổ cho số phận thì hoá ra con người không còn có tự do nữa hay sao?” (“Why can’t you see that if there is such a thing as fate, then there is no freedom?”)

Giải Nobel Văn Chương và giá trị tượng trưng của nó

Theo nhận định chung của cộng đồng quốc tế thì Thụy Điển là một vương quốc trung lập, tiên tiến với nền văn hiến lâu đời. Họ xem giải thưởng Nobel là một sự tiêu biểu cho danh dự và niềm tự hào quốc gia nên ảnh hưởng chính trị và tính chất thời sự nhất thời không có tác động trực tiếp trên sự đánh giá tuyển chọn giải thưởng.
Để có một nhận định chính xác hơn về sự khách quan và nguyên tắc tuyển lựa chặt chẽ của Hàn Lâm viện Thụy Điển và Hội đồng chấm giải Nobel, tôi xin trình bày sơ lược phương thức làm việc của họ như sau:

Trên danh nghĩa, Hàn lâm viện Thụy Điển là cơ quan tuyển chọn giải thưởng Nobel, nhưng trên thực tế thì quá trình chọn lựa nầy là một công trình đóng góp tập thể của các học giả, chuyên gia, tác giả, thi văn nghệ sĩ… có uy thế và uy tín từ nhiều nơi trên thế giới. Trình tự về thời gian tuyển lựa giải Nobel văn chương được quy định theo một nguyên tắc không thay đổi như sau:

Thời gian bắt đầu từ đầu mùa Thu năm trước, khi Hàn lâm viện Thụy Điển mời tất cả các nhân vật được biết đến trên toàn thế giới nộp danh sách các ứng viên được đề cử. Mỗi nhân vật đề cử đều phải viết “đề nghị thư” để trình bày và bảo vệ cho lý do chọn lựa của mình. Tự đề cử mình làm ứng viên hoàn toàn không được chấp nhận. Tất cả danh sách các ứng viên được đề nghị đều phải nộp cho Hội Đồng Hàn lâm viện trước ngày mồng 1 tháng 2 hàng năm. Mỗi năm, có khoảng 1000 ứng viên được đề nghị cho giải thưởng Văn chương Nobel, trong đó có chừng từ 100 đến 250 là nhà văn. Số ứng viên đề nghị nầy được cộng chung với các ứng viên do chính các thành viên trong Hội Đồng và Hàn lâm viện tuyển lựa.

Giai đoạn kế tiếp, Hội Đồng tuyển chọn lọc lại còn 15 ứng viên và danh sách nầy phải hoàn thành trong tháng 4. Cuối tháng 5, số ứng viên được tuyển chọn vào vòng chung kết còn lại là 5 người. Có hàng trăm nhân vật tên tuổi trong lãnh vực văn chương khắp thế giới phụ tá cung cấp tất cả các nguồn tư liệu về tác phẩm, sáng tác và các công trình biên khảo liên quan đến 5 ứng viên nầy. 

Sau khi sử dụng suốt mùa Hè để đọc, nghiên cứu và phân tích giá trị văn chương tất cả tác phẩm của từng ứng viên một trong tổng số 5 nhân vật vào chung kết, Hội Đồng Giải Nobel đệ trình Đề Nghị của họ lên Hàn lâm viện Thụy Điển. Tháng 10, Hàn lâm viện tiến hành một cuộc bỏ phiếu kín để chọn người trúng giải.

Trong lịch sử giải Nobel văn chương, có rất ít các ứng viên lần đầu tiên được đề cử được giải thưởng liền trong năm đó. Thường các ứng viên không được tuyển chọn sẽ được Hội Đồng đưa ra thẩm định, xét đi, xét lại trong những năm tiếp theo bởi vì Hàn lâm viện Thụy Điển căn cứ trên toàn bộ sự nghiệp văn chương của một nhà văn, nhà thơ… để đánh giá chứ không chỉ căn cứ trên một tác phẩm hay một công trình đơn lẻ nào đó mà thôi. Bởi vậy, giải Nobel Văn chương là giải thưởng của một sự nghiệp văn chương chứ không phải là giải thưởng dành cho một tác phẩm xuất sắc.

Giải Nobel Văn chương không hẳn là thước đo chuẩn xác tuyệt đối để thẩm định giá trị văn chương và tài năng đích thực của một tác giả. Tuy nhiên, đối với thế giới văn bút toàn cầu thì giải thưởng nầy vẫn là một giải thưởng văn chương sáng giá và được kính trọng nhất trong lịch sử văn học quốc tế suốt 100 năm qua. Chính tên tuổi lẫy lừng của người trúng giải đã mang đến sự vinh quang cho giải thưởng, hơn là chính giải thưởng Nobel tự nó mang hào quang đến cho người nhận giải. 

Nói một cách công bằng thì chiếc huy chương nào cũng có mặt giới hạn của nó. Trong lịch sử văn học thế giới, cũng đã có nhiều thi hào, văn hào kiệt xuất nhưng vẫn bị “sẩy” giải Nobel Văn Chương trong khi những tên tuổi đương thời khác ít lẫy lừng hơn lại được. Có thể kể một số trường hợp điển hình như: Tolstoy, Proust, Hardy, Chekhov, Ibsen, James Joyce, Joseph Conrad, Kafka, Bretch… là những tài năng văn chương tuyệt vời của nhân lọai nhưng vẫn không được trao giải thưởng Nobel Văn Chương.

Và trong một nhận định có tính cách tương đối thì hầu như các nhà văn, nhà thơ được giải Nobel Văn Chương trong một thế kỷ qua đều có một giá trị nhất định trong thế giới văn bút. Từ Prudhomme, nhà thơ đầu tiên được giải văn chương Nobel năm 1901 cho đến J.M. Coetzee năm 2003, những tác giả đoạt giải Nobel có thể khác nhau về nhiều mặt, nhưng tất cả đều có chung một điểm là bên cạnh bề rộng của sự nghiệp văn chương rỡ ràng, còn có bề sâu của tác phẩm. Những tác phẩm tiểu thuyết, thi ca, triết học, biên khảo… của họ là những cái giếng thăm thẳm của tư tưởng, những ngọn núi sừng sững của suy tư. Sự nông cạn và dễ dãi chỉ có thể sản xuất ra nhiều mớ bung xung của chữ nghĩa, nhưng sẽ chẳng bao giờ có đất đứng trong văn chương.

Biển kiến thức và con đường ý thức nhân loại khởi đi một cách êm đềm từ những đầu óc “uyên áo” như: Socrate, Platon, Aristote, Kant, Bergson, Spinoza, Schopenhauer, Augustine… bỗng gặp những ý hướng ly khai và những tâm hồn nổi loạn của Dostoievski, Camus, Sartre, Faulkner, Gide… đón đường tung hô và đập phá. Dostoievski khắc khoải và trăn trở trong một bối cảnh quê hương đang chuyển mình đau nhức; Camus kêu lên cho nỗi đau đớn của kiếp người; Sartre gào la thống thiết cho sự tan hoang về những giá trị vật chất và tinh thần của một thế giới gần như tuyệt vọng; Faulkner cuồng nộ trong tiếng gọi khẩn thiết của nhân sinh… và cả một trào lưu văn nghệ vừa vuốt vừa đập, vừa trân trọng vừa chối bỏ, và bão liệt hơn cả là trùng trùng dẫm trên những lối mòn quen nằm yên trong sương nắng của thế kỷ 18, 19 để xua quân vào sâu, rất sâu, tận những chân trời mới lạ và sâu thẳm của ý thức khai phá trong văn nghệ và triết học thế kỷ 20! 

Trong khi nền văn học Tây Phương đang chuyển mình dữ dội: Từ tĩnh sang động; từ bề mặt sang bề sâu; từ sự chấp nhận và thỏa hiệp dễ dãi sang thái độ đương đầu, phân tích và luận lý có khi tới mức độ bất chấp thì ở Việt Nam, văn chương vẫn còn tiến những bước êm đềm theo khung cảnh của một xã hội nông nghiệp. Trước 1945, học giả Phạm Quỳnh khi “Khảo Về Tiểu Thuyết” vẫn còn khuyên các nhà văn theo cách kết cấu cổ điển của Pháp: “Nếu kết cấu không thành truyện thì dẫu văn chương có hay đến đâu cũng không cảm được người đọc”. Và sau 1945, ông Đặng Thai Mai trong “Văn Học Khảo Luận” lại lên tiếng: “Một áng danh văn bao giờ cũng hỗn hợp được hai phần tử bổ ích và làm vui”! Bởi vậy cả một trào lưu văn học Việt Nam trong khung cảnh thế kỷ 20 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng loay hoay biến những tác phẩm văn chương thành những tập chuyện kể. Hoặc có tiến xa hơn nữa thì cũng loanh quanh trong giới hạn “Tiểu thuyết tâm lý xã hội tình cảm” lâm ly ướt át, vô thưởng vô phạt… khá phổ biến ở miền Nam; hay khuynh hướng “Hiện thực phê phán” sáo mòn và đồng phục, thiếu sức bật được chỉ đạo ở miền Bắc trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam và kéo dài lê thê sang thế kỷ 21!

Trước thực trạng “Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ săn giòn hơn ta” hay “Thùng thùng cha hát con khen, đất ta lên giọng ho hen xứ người!” chúng ta cần có những phút lắng lòng chân thành nhìn lại chính mình và gia tài tri thức của tổ quốc mình.

Trong lãnh vực văn chương, Việt Nam ta không thiếu nhân tài, nhưng thiếu mất một hệ thống triết lý truyền thống làm nền móng cho nếp suy nghĩ của dân tộc và thiếu hẳn một tinh thần phiêu lưu, khai phá và phản kháng trong sáng tạo. Nhìn lại nền văn học Lý Trần và Lê Nguyễn cổ điển, chúng ta chưa thoát ra khỏi hệ tư tưởng của Trung Hoa và Tam Giáo (Nho, Thích, Lão). Những tài năng ưu tú của dân tộc trong dòng văn học Hán Nôm đã chứng tỏ khả năng ưu việt trong sức sáng tạo và diễn đạt ngôn từ, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng “kim cô” nghiệt ngã của văn chương Trung Hoa về hệ thống tư tưởng và nề nếp suy tư. Một tài năng phiêu dật và hoa gấm trong ngôn ngữ thi ca như Nguyễn Du vẫn không vượt thoát được thế giới tư tưởng giới hạn của Thanh Tâm Tài Nhân trong một tác phẩm tiêu biểu cho niềm tự hào dân tộc như Đoạn Trường Tân Thanh.

Trong nền văn học cận đại, chúng ta có Tự Lực Văn Đoàn, có những nhà văn và tác phẩm đã đi vào giáo khoa văn xuôi như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Bình Nguyên Lộc… và giáo khoa thi ca như các thi sĩ tiền chiến: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương… Nhưng nếu tiếp cận với nền văn chương Tây Phương của thế kỷ 19 & 20, chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi đâu là chân trời mới có tính cách “độc sáng” của nền văn chương thuần Việt? Khi mà những bóng ma và hào quang của Balzac, Hugo, Dumas, Zola, Stendhal, Flaubert, Maupassant… và những rung động véo von của Lamartine, Verlaine, Baudelaire, Rimbeaud… trong văn chương Pháp vẫn cứ “trêu ngươi” như những tác gia khổng lồ chận đường sáng tạo của thế hệ văn thi sĩ đàn anh. Dù thể hiện rõ nét hay bàng bạc trong những hành trạng của nhân vật, trong hình tượng nghệ thuật, trong phong thái diễn đạt hay cả trong thủ pháp hư cấu và cường điệu… chúng ta vẫn thấy cuộc chiến đấu rất “dũng cảm” nhưng cũng đầy hệ lụy của giới văn bút đàn anh chúng ta để phá vòng vây ảnh hưởng thâm căn cố đế của dòng văn chương Tàu và Tây vẫn còn “mờ mờ nhân ảnh, bất phân thắng bại”. Hay nếu cần phải nói một cách thẳng thắn – tuy có thể hơi vô lễ nhưng rất chân thành chăng? – rằng là, dòng văn chương của chúng ta giỏi bắt chước và khéo mô phỏng nhưng chưa giỏi sáng tạo; thiếu hẳn một sự khẳng định (để tiến tới một sự định hình cần thiết) về bản sắc Việt Nam thuần túy của mình trong văn chương.

Viễn ảnh giải Nobel Văn Chương cho giới văn bút Việt Nam 

Có dịp theo dõi “Những Mùa Thu Nobel Văn Chương”, mỗi chúng ta đều hướng mắt nhìn về khả năng tương lai của một giải Nobel văn chương cho nhà văn Việt Nam.

Trong năm nhà văn đọat giải Nobel Văn Chương trong vòng 5 năm qua vừa trình bày ở phần trên thì tất cả 5 nhà văn nầy đều là những kẻ bị lưu đày cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Gunter Grass (1999), gốc Ba Lan di dân về Đức, sáng tác bằng tiếng Đức. Cao Hành Kiện (2000), người Trung Hoa, qua sống ở Pháp, viết văn bằng tiếng Tàu. V.S. Naipaul (2001), người gốc Ấn Độ, sinh sống ở Anh, viết bằng tiếng Anh. Imre Kertesz (2002), người gốc Do Thái, cư ngụ ở Hung Gia Lợi, viết văn bằng tiếng Hungary. Và J.M. Coetzee (2003), người Nam Phi, cư trú tại Úc, dạy học tại Mỹ và viết văn bằng tiếng Anh.

Trong số gần 100 nhà văn, nhà thơ trên toàn thế giới được giải thưởng Nobel văn chương mỗi năm từ năm 1901 đến nay, châu Á chỉ có bốn người: Rabindranath Tagore (Ấn Độ, 1913), Yasunari Kawabata (Nhật Bản,1968), Kenzaburo Oe (Nhật Bản, 1994) và Cao Hành Kiện (Trung Hoa, 2000). Đất nước và thời gian có khác, nhưng cả bốn chàng “văn chương nết đất” phương Đông nầy đều có một đặc tính chung là rất đa tài. Tagore là một thi hào, nhà văn, nhà triết học, và cũng là một nhạc sĩ đã sáng tác trên 3000 bản nhạc. Là nhà văn nhưng Oe cũng là một nhà thơ được yêu chuộng của Nhật. Ngoài ra Oe còn là một nhà viết phê bình, luận thuyết đầy thuyết phục quần chúng và thu phục nhân tâm. Kawabata cùng là một danh họa và nhà thơ. Cao Hành Kiện, bên cạnh sự nghiệp văn chương, là một kịch tác gia có kịch bản được lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Cao cũng là một họa sĩ đã từng triển lãm tranh ở Paris, London, New York… Nhưng trên tất cả là tinh thần nhân bản, lòng trân trọng con người và lý tưởng thiết tha với sự tự do và công bằng xã hội được thể hiện qua đời sống và tác phẩm của bốn nhân vật nầy. Tagore sống trong giai đọan Ấn Độ còn dưới quyền thuộc địa của Anh; Kawabata lớn lên trong khung cảnh thoái trào của chế độ quân phiệt Nhật, Oe lớn lên với cảnh điêu tàn của nước Nhật trong Thế chiến thứ hai; và Cao trưởng thành sau bức màn tre của cộng sản Mao Trạch Đông. Cả bốn nhà văn lớn đó – những cái “Nhà” rất đúng nghĩa trong văn chương – đều đã không thỏa hiệp với sự bất công, đày đọa và tha hoá con người của chế độ chính trị trong thời đại của mình. Ngòi bút của họ đã tìm đến với con người có tâm hồn, có bản ngã và giàu nhân tính. 

Thực tế nầy đã giải tỏa định kiến cho rằng, giải Nobel là sản phẩm Tây Phương, nên kỳ thị sản phẩm văn chương không phát xuất từ Phương Tây, cả trong nguồn gốc xuất thân của tác giả và ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm. Và cũng chính thực tế nầy cho thấy rằng, những nhà văn phản kháng thế lực chuyên quyền và áp bức; những nhà văn lưu cư và bị lưu đày, bị bứng ra khỏi nguồn cội quê hương thường đã mang cái “chủng tử” của một nhà văn lớn. Nhưng môi trường văn hóa và xã hội nào để cho “chủng tử nhà văn lớn” được nẩy mầm, đơm hoa kết trái thành cây đại thụ văn chương?

Khi nói đến nền văn chương và triết học Tây Phương, người ta có khuynh hướng nhắc đến Âu và Mỹ. Hai nước đại biểu cho Âu và Mỹ có bối cảnh văn chương, truyền thống văn hoá, nền móng triết học hoàn toàn khác nhau là Pháp và Hoa Kỳ. Điểm đáng chú ý là về “tuổi tác” của hai nước: Nước Pháp tính từ thời bộ tộc Celts, đã ngót 3.000 tuổi thọ; trong khi Mỹ lập quốc chỉ mới 300 năm. Pháp là chiếc nôi văn chương của Châu Âu, trong khi Mỹ là chiếc nôi kỹ nghệ của Phương Tây, nhưng điều lý thú là tỷ số các thi tài và văn tài đọat giải văn chương Nobel của hai nước lại ngang nhau.

Pháp chiếm 12 giải : Prudhomme (1901), Mistral (1904), Rolland (1915), France ((1921), Bergson (1927), Gide (1947), Mauriac (1952), Camus (1957), Perse (1960), Sartre (1964), Bekett (1969), Simon (1985).

Mỹ cũng chiếm 12 giải văn chương Nobel ngang hàng với Pháp trong suốt 100 năm qua: Lewis (1930), O’Neil (1936), Buck (1938), Faulkner (1949), Hemingway (1954), Steinbeck (1962), Bellow (1976), Singer (1978), Milosz (1980), Brodsky (1987), Walcott (1992), Morrison (1993).

Cũng trong suốt một thế kỷ văn học với giải Nobel này thì Anh được 7 giải, Đức được 6 giải, Liên Bang Sô Viết được 4 giải và trong số 4 giải này thì riêng Nga chỉ được một giải của Ivan Bunin năm 1933.

Như vậy, yếu tố nào đã khiến Mỹ là kẻ “ăn sau chạy dọi” lại tạo được một ưu thế văn chương như thế? Các nhà nghiên cứu văn học thế giới đưa ra nhiều luận điểm khác nhau về câu hỏi này. Nhưng tựu trung có những điểm chính sau đây:

– Về văn hóa: Mỹ là một quốc gia hợp chủng nên văn hóa Mỹ là một văn hóa hợp chủng. Sự “thuần nhất” của Mỹ lại chính là sư đa dạng và sự dung hợp tất cả mọi khuynh hướng đa dạng và khác biệt đó thành một sức sống mới mang tính thực tế, nặng lý tính và mày vẻ cá nhân. Mỹ không có một hệ thống triết lý dân tộc riêng, nhưng lại là một môi trường thuận lợi để “tập đại thành” và dung hóa những trào lưu triết học và văn học thế giới để tạo thành một triết lý “Duy Mỹ” (Americanism, chứ không phải Aestheticism).

– Về văn nghệ: Hoàn toàn tự do trong sáng tạo. Người nghệ sĩ không bị khống chế bởi bất cứ những tiêu chí, yêu cầu hay chỉ đạo nào ngoài chính tài năng, tư duy và sự chọn lựa của riêng mình. Chỉ có người thưởng ngọan nghệ thuật, độc giả và thời gian là sự thử thách ghê gớm nhất đối với người nghệ sĩ; là thước đo, là sự đánh giá chuẩn xác nhất giá trị của tác phẩm nghệ thuật.

Từ xa, nhìn về tổ quốc, bất cứ đứa con Việt Nam tha hương nào cũng mang nhiều ước vọng cho một tương lai tươi sáng của quê cha đất tổ mình. Có những hiện thực mà khi còn ở quê nhà mình mặc nhiên chấp nhận, nhưng khi sống ở xứ người, tiếp cận với những nhóm dân tộc khác, lại trở thành câu hỏi. Mấy ai đang ở trên quê hương lại tẩn mẩn băn khoăn tự hỏi: “Ta là ai giữa vùng đất nầy?” hay “Ta là người Việt Nam, có nề nếp suy tư, có phong cách cuộc sống khác với những người Tàu, Tây, Nhật, Thái, Miên, Lào, Nga, Mỹ… quanh ta như thế nào?” Văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam đang nhạt dần trước nhu cầu cuộc sống đòi hỏi phải dấn thân, phải điều chỉnh, có khi phải đồng hoá hay bị đồng hoá với xã hội mới để sống còn. Duy nhất chỉ còn ngôn ngữ và văn chương là những thành lũy Việt Nam còn đứng vững được để xác lập, để định nghĩa Ta-Việt-Nam là ai và Việt-Nam-Ta là gì!

Dòng văn học học hải ngoại, do đó, không chỉ là một hình thái tiêu khiển, một món ăn tinh thần như khi còn ở quê nhà mà còn là một “căn cứ địa” cuối cùng của bản sắc Việt Nam cho hôm nay và cho thế hệ tương lai trong mối tương quan đa chủng tộc và giữa lòng thế giới.

Một cách vô hình trung, văn chương Việt Nam có hai dòng văn học: Dòng văn học Quê Nhà và Dòng văn học hải ngoại. Nhận định tổng quan về yếu tính của hai dòng văn học, ông Hoàng Hải viết trong báo Thế Sự (09-03) rằng: “ Thực tế và kinh nghiệm Việt Nam qua cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ nhất trong lịch sử thế giới cận đại là cả một gia tài tư liệu khổng lồ và cảm hứng chất ngất cho giới văn bút Việt Nam. Thế nhưng đã 30 năm trôi qua mà vẫn chưa có một tác phẩm văn chương nào phản ánh hiện thực lịch sử và đất nước, con người Việt Nam xứng đáng mang tầm cỡ quốc tế. Dòng văn học nội địa có vẻ như thiếu bắp thịt để xiển dương nội lực cho sự hình thành một tác phẩm văn chương gây được sự hâm mộ của cộng đồng văn bút quốc tế. Còn dòng văn học hải ngoại thì dường như bị thiếu máu nên phần lớn những tác phẩm văn thơ ra đời kể lể than van bao sự cố đã thành cố sự, chưa gây được sự chú ý của giới văn bút Âu, Mỹ… Nếu đem so với những nhà văn, nhà thơ thế giới đã chiếm được hay được đề bạt giải Nobel thì giới văn bút Việt Nam ta lại vừa gần vừa xa: Gần vì cũng có tài năng văn chương như ai; nhưng xa vì phần lớn viết theo kinh nghiệm ‘khôn vặt’ dễ dãi hơn là sự từng trãi đi xa hiểu rộng kết hợp với nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu khách quan và có hệ thống giáo khoa cơ bản.”

Theo dõi sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước và ngoài nước, bên cạnh giới văn nghệ đàn anh phần đông đã mỏi mệt, hoặc đang sống bằng ảo ảnh một thời vang bóng, sáng tác cầm chừng theo trung bình chủ nghĩa, thì giới văn bút trẻ thuộc thế hệ đàn em sau chiến tranh Việt Nam đang vươn lên. “Lực lượng sáng tác” thật sự có tài năng là điều quan trọng cốt lõi đã đành, nhưng khung cảnh và hoàn cảnh sáng tác cũng đóng một vai trò thiết yếu để cho những tác phẩm văn chương lớn ra đời. Trong nước, ai chịu trách nhiệm về khung cảnh và hoàn cảnh sáng tác hiện tại? Ngoài nước, khung cảnh sáng tác mang tính tự phát nên mỗi con người văn nghệ chịu trách nhiệm với chính mình trong sáng tạo. 

Các tác giả thắng giải Nobel văn chương trong 5 năm qua, như đã trình bày ở trên, đều có chung một hoàn cảnh sáng tác hơi na ná giống nhau: Đấy là tâm thức bị lưu đày nơi quê người hay chính trên quê hương của mình và ý thức phản kháng kết hợp với khuynh hướng hướng thiện và lý tưởng cải tạo xã hội làm động cơ thôi thúc sáng tạo.

Và đấy cũng chính là ước vọng cháy bỏng của kẻ di dân thời hậu chiến, vì hoàn cảnh phải sống tha hương nhưng luôn luôn quay quắt đi tìm lại gốc gác của mình. Họ đã trộn lẫn chất liệu từ một quê hương xa cũ trên vùng đất của tổ tiên, kết hợp với tri thức và kinh nghiệm của những gì đang sống để sáng tạo. Những nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện đại ở quê nhà và rãi rác trên khắp năm châu đã và đang trải qua nhiều hoàn cảnh và kinh nghiệm sống thực khác nhau. Nhưng trong sáng tạo, một nghệ sĩ chân chính dù đang ở trên quê hương hay trở thành công dân nước khác vẫn có sự gắn kết thiết thân với quê hương nguồn cội của mình như trường hợp Joseph Brodsky (Nobel 1987) từ Nga qua Mỹ, Elias Canetti (Nobel 1981) từ Bungary qua Anh, Czeslaw Milosz (Nobel 1980) từ Ba Lan qua Mỹ, Cao Hành Kiện (Nobel 2000) từ Tàu sang Pháp, V.S Naipaul (Nobel 2001) từ Ấn qua Anh…

Văn chương khác với kinh tế và kỹ thuật vì không có hiện tượng phồn vinh đột biến. Không thể có người tháng trước làm thơ con cóc, bỗng tháng sau thi tài phát tiết như Nguyễn Du trong văn chương. Sáng tạo văn chương là một quá trình tiệm tiến. Những nhà văn lớn đều lấy thời gian cả cuộc đời mình để vun đắp cho bề dày, bề cao và bề rộng của sự nghiệp văn chương.

Bởi vậy khi nói đến một viễn ảnh về giải văn chương Nobel cho giới văn bút Việt Nam khó mà khẳng định thời điểm và con người. Trong 30 năm qua của thời hậu chiến Việt Nam, chúng ta chưa có một nhà thơ hay nhà văn nào là đương kim “siêu sao văn chương” cho thế giới người Việt, nói chi đến viễn ảnh xa xôi của thế giới con người.

Người Việt vẫn thường tự hào mình là một dân tộc thi ca. Mong rằng, “Viễn Ảnh” tuy mơ hồ, nhưng là niềm hy vọng chứ không phải là ảo tưởng.

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan