CHỮ NGHĨA MUỘN MÀNG

Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh

Giang bắc, giang nam vô hạn tình…

 Nguyễn Du (1799)

(Hương Cần dặm liễu xanh xanh

Bờ nam, bờ bắc để tình chứa chan…)

Người Thầy học đầu tiên của tôi là một cô giáo: Mẹ tôi.  Bà mẹ quê quen với nắng gió ruộng đồng, quen với hàng trăm ngày nắng mưa, tốt xấu quanh năm nhưng vẫn không quen thuộc với vài chục chữ cái của vần mẫu tự La tinh “abc” mà người đời đã dùng để ghép thành thiên kinh vạn quyển.

“Cô giáo” của tôi thật khó tính nhưng cũng dễ dãi như những hàng tre có gai nhiều mà vẫn trĩu ngọn để rũ bóng cho những con đường.  Tre khó như hầm chông mà cũng dễ như những tấm phên che bầu bạn với bụi chuối sau hè.  Mỗi buổi sáng mẹ tôi dò bài. Mẹ cầm cuốn sách hay tập vở và bắt tôi đọc.  Tôi chỉ cần đọc cho trơn tru là được.  Cứ mỗi lần vấp là phải lãnh một cái phết nên thân vào đít. Rất nhiều lần tôi liếc mắt và bắt gặp mẹ tôi “dò bài ngược”, nghĩa là những cái mũ chữ “ô”, cái râu chữ “ơ” bị trồng cây chuối ngược chiều từ phía dưới mọc lên.  Tôi vẫn nghĩ là Mẹ có cách riêng của Mẹ. Thế nhưng tôi vẫn ngờ ngợ vì đôi khi bí quá tôi biến chữ đọc ẩu để khỏi bị vấp mà mẹ tôi vẫn hoan hỷ cho qua, miễn sao đọc cho trôi là được.  Hình như nhờ tinh thần “sáng tạo” đó mà sau này tôi bị nhiễm vào cái nghiệp ưa viết lách lai rai.

Cô giáo – mẹ tôi – vẫn bắt tôi trả bài đều đặn mỗi buổi sáng trước khi đi học. Cho đến một hôm, bác Đội Nghi, một kẻ sĩ ở làng, bất thần hỏi tôi:

– Nghe nói con học giỏi nhất trường. Rứa con tự học hay có ai bày vẽ ở nhà mà hay rứa tề?!

Tôi không hiểu hết bác Nghi có ý đặt câu hỏi cho tôi hay đó chỉ là lời bình luận khen tặng, nhưng đã vội láu táu nói ngay:

– Mạ con dạy con đó Bác ơi!

Bác Nghi phá lên cười làm tôi cụt hứng.  Bác vừa ho húng hắng, vừa cười khàn khàn, vừa ồ ề lên tiếng:

– Mạ con mù chữ mà dạy với dỗ chi đã chớ!

Ức quá, về nhà tôi hỏi mẹ.  Mẹ buồn buồn trả lời:

          – Thời của mạ ở làng không ai cho con gái đi học hết.  Mạ học bình dân học vụ được mấy chữ, chừ trả lại cho thầy hết rồi.  Con gắng học cho thông, mạ thương.

Dường như để bù lại, mẹ có cách ghi dấu những điều đáng nhớ theo lối truyền đời rất cổ sơ: Thuộc lòng và truyền miệng.  Người Thầy học đầu tiên đó đã chuẩn bị cho tôi vào đời với những bài học đầu truyền miệng.  Nuôi lớn tình cảm và thế giới tưởng tượng đầy hoa mộng trẻ thơ của tôi trong cảnh quê nghèo đồng chua nước mặn nhưng rợp bóng hò, vè, ca dao, tục ngữ, dân ca và chuyện kể.  Mãi cho đến khi đến trường tôi mới hiểu ra những câu hò mẹ tôi ru con ngủ, những chuyện thần tiên đẹp mơ hồ như áo Hằng Nga là hoa lá cành mọc lên từ mảnh đất hiền hòa của kho tàng văn chương truyền khẩu Việt Nam.

          Tuổi thơ, tôi chỉ mơ một cuộc đời đơn sơ, nhân hậu, có bóng dáng thần tiên lẫn lộn với người phàm như trong thế giới của cô Tấm. Tài năng có siêu quần bạt tụy thì cũng như Thạch Sanh.  Tình cảm có diễm ảo, lai láng cho nhiều thì cũng chỉ tới “Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm Xuân…”  Thế giới của ca dao và dân ca là một góc vườn của bà Tiên để mơ ước, chứ không phải là một xã hội hiện thực để ngày ngày làm bạn đi chơi.  Tuổi thơ của tôi đã bị chuyển hóa thường xuyên giữa hai thái cực:  Giữa thiên đường mật ngọt của ca dao và giữa địa ngục trần gian của cuộc chiến tranh Việt Nam đầy máu lệ.

          Hình như thế hệ tuổi thơ Việt Nam của tôi có nét hao hao giống nhau là thân phận những trẻ thơ mồ côi cha rất sớm, nhưng may mắn còn có Mẹ.  Những bà Mẹ hy sinh cả tuổi thanh xuân để lặn lội tảo tần, gieo neo nuôi con.  Những đứa con của Mẹ mãi mãi là chú gà con lông tơ vì nước mắt Mẹ bao giờ cũng chảy xuống. Những chú gà con đó dù có bạc đầu, dù có làm nên công hầu khanh tướng, dù ra đi ngái vời nơi đất khách thì vẫn là những đứa trẻ thơ còn ở trong vòng tay thương yêu trọn đời của Mẹ.

Sống hai mươi năm trên đất khách, được gần mẹ chưa tới mười ngày, nhưng tôi vẫn tin như tin vào một mặt trời không đổi hướng rằng, tất cả mọi suối nguồn tình cảm đều sẽ già đi và phai cũ với thời gian, duy chỉ có tình Mẹ là mỗi ngày một sâu, lòng mẹ càng un đúc qua thời gian càng chín mọng ngọt thơm mà không bao giờ rơi rụng.  Tình Mẹ xa mà gần như nắng ấm trên đầu và đất lành dưới chân.  Càng gần với tuổi già, càng cần hơi ấm nồng nàn của nắng quê mẹ và càng cảm thấy gần gũi với đất mẹ như một quê hương đích thực để quay về

Khi Mẹ mất rồi mới cảm nhận hết nỗi bơ vơ của những ngày không có mẹ.  Người ta có thể lớn khôn hay già đi qua từng chặng đời khi bỗng, khi trầm nhưng sẽ không bao giờ biết lớn khôn trong vòng tay thiên thần của mẹ.  Trong những tiếng kêu tha thiết – hạnh phúc cũng như trầm thống –  nhất của đời người, chỉ có một tiếng kêu không bao giờ phai cũ hay lạc điệu, lỗi thời, đó là tiếng con kêu mẹ: “Mẹ ơi!”

Năm đó tôi bảy tuổi, sống hồn nhiên với mẹ sau lũy tre làng Liễu Hạ và chưa bao giờ được đi học.  Cũng có vài ba ngôi trường xã, trường làng mở ra được một thời gian ngắn rồi cũng phải đóng cửa vì bom ném lộn, đạn bắn lầm.   Có khi thầy bị chết hay bị bắt, trò bị thương, tản cư và bao nhiêu chuyện bất trắc không lường trước được.  Trẻ con trong làng ở vào lứa tuổi của tôi rất ít đứa nghĩ đến chuyện đi học.  Và chính tôi cũng không biết đi học để làm gì mà mẹ tôi cứ quay quắt đêm ngày xuôi ngược lo kiếm trường cho hai anh em tôi đi học.  Cho đến một lần tôi đau nặng, nóng sốt li bì tới mấy ngày.  Mẹ tôi lo đủ thứ.  Nào là rịt lá giáp cá giã nhuyển lên trán tôi, nào là giác bầu, chích lễ. Nào là mời thầy cúng chuyên trị tà ma, uống đủ thứ thuốc Bắc, tàn nhang, nước thải mà bệnh vẫn càng trầm trọng hơn.  Cuối cùng có ông y tá thuốc Tây tới thăm bệnh, phán rằng: “Thằng nhỏ bị thương hàn nhập lý.  Phải cõng hắn lên Dinh tìm đốc-tờ Tây khám gấp, kẻo trễ thì vong mạng”

Nghe hai tiếng “vong mạng” mẹ tôi sợ quá khóc bập bệu.  Mẹ nhất định cõng tôi lên Huế tìm đốc-tờ ngay trong đêm nhưng ai cũng can nên mẹ tôi đành ngồi đối bóng với cây đền dầu hỏa lù mù để canh giấc ngủ cho tôi và chờ sáng.  Gà vừa gáy lại, mẹ tôi và dì Quảng đã cõng tôi đi.  Làng tôi cách Huế 12 cây số nếu đi theo đường quan lộ.  Nhưng mẹ tôi đã cố đi tắt để thu ngắn thời gian. Tôi đeo sau lưng mẹ, nghe tiếng thở mệt nhoài của mẹ hòa với tiếng chân mẹ lội bì bõm qua những thửa ruộng làng còn chìm trong nước sau mùa lụt.  Mồ hôi lưng áo mẹ thấm ướt qua hai lần áo ấm phía trước mình tôi.  Đêm tối, bình minh, mặt trời mọc, nắng lên.  Mẹ và Dì Quảng vẫn thay nhau cõng tôi đi miệt mài không nghỉ.  Tới gần trưa mới tới chỗ đốc tờ.  Tôi cảm thấy đầu nhẹ nhõm và tĩnh táo hơn nhiều, có lẽ vì trên đường đi mồ hôi mẹ và mồ hôi của tôi cũng đổ theo đà lắc lư của mẹ nhiều quá.  Mẹ mang tôi đến một nơi gọi là “Ông Đốc Quyến”.  Nhiều người đang chờ sẵn ở đó.  Nổi bật là một người đàn ông có dáng mập mạp, ăn bận tươm tất, vẻ mặt nghiêm trang đi quanh phòng đợi hỏi hết người nầy qua người khác bằng cái giọng ra lệnh làm mọi người nể sợ ngồi im thin thít.  Chờ lâu quá không thấy ông ấy tạt qua, mẹ tôi mạnh dạn cõng tôi đến trước mặt ông ta, cung kính thưa:

– Dạ bẩm quan đốc, con tui đau nặng sắp chết, xin quan trên làm ơn làm phúc chữa cho cháu trước.

Ông ta quắc mắt, nạt:

– Thời chừ không có cái tiếng “bẩm”, nghe chưa!  Cứ chờ đó, tới phiên kêu.  Ai tới đây cũng toàn làm náo, kêu van đau nặng sắp chết cả.  Rút cuộc, ai cũng sống nhăn răng, chẳng có thằng Tây mô chết hết.

Mẹ tôi “Dạ, dạ” và kiên nhẫn đặt tôi nằm xuống nền nhà xi măng, đầu gối lên chân mẹ, chờ tới phiên.  Tôi không còn nhớ bao lâu nhưng hình như lâu lắm.  Mẹ con tôi được kêu vào phòng đốc tờ.  Ông đốc Quyến “thiệt” nầy có vẻ dễ chịu hơn ông đốc tờ “giả” ngoài kia.  Ông ta bắt tôi nằm, vén bụng vén lưng và đưa cái miếng tròn, trông giống cái giác sừng trâu của mấy bà chích lễ ở làng, nằm cuối cặp giây thun như cái ná bắn chim dài lòng thòng đeo trên cổ, rồi xỏ hai cái nút vào lỗ tai.  Ông cầm “cái giác” chụp lia lịa lên bụng, lên ngực, lên lưng tôi chừng năm bảy miếng.  Ông ta tài thật.  Chỉ có thế mà ông biết hết, tươi cười nói với mẹ tôi:

–  Không can chi. Cháu bị cảm cúm và viêm phế quản, để bác sĩ cho toa mua thuốc uống vài ngày là lành.

Trong khi ông đốc tờ viết ngoằn ngoèo trên miếng giấy thì mẹ tôi đã chắp tay vái dài cảm tạ:

– Dạ, bẩm quan đốc, mạ con tui xin đội đội ơn quan!

Mơ màng nghe tiếng “bẩm quan” tôi hơi run vì sợ mẹ tôi bị nạt như hồi nãy, nhưng may quá, ông đốc Quyến nầy coi bộ tử tế hơn ông “đốc giả” ngoài phòng đợi, nên đã xua tay cười khanh khách:

– Ui chà! Quan quyền chi thím ơi.  Đừng kêu rứa tội chết!

Ra khỏi phòng khám, chưa uống thuốc mà tôi đã cảm thấy tỉnh như sáo và kêu đói bụng đòi ăn.  Mẹ tôi hớn hở nói với dì Quảng, người đang thay phiên mẹ cõng tôi trên lưng:

– Dì hí, hèn chi thiên hạ đồn ông đốc Quyến ni “thơm tay” là phải lắm.  Chưa chi ông mới rờ lên thằng nhỏ đã lành!

Mẹ cầm tay tôi, nói nựng như một lời mơ ước hoang đường:

– Mai sau, con gắng học lên làm ông đốc cho mạ nhờ con hỉ!

Tôi hỏi giọng yếu ớt:

– Làm chi mới được thành ông đốc mạ hè?

Mẹ tôi dường như hứng chí:

– Học, mà phải học cho thiệt giỏi mới lên ông đốc con ơi!  Lớn lên con gắng làm ông đốc tờ nghe con!

Tôi “dạ” một cách mạnh dạn vừa khi mẹ tôi cõng đi ngang qua Phu Văn Lâu.  Hình như  lời hứa của tôi có cột cờ làm chứng.  Một đời sau này, những khi mỏi nãn với đèn sách, tôi thường nhớ lời hứa với mẹ có chứng cớ cột cờ mà lặng lẽ vươn lên.

Vỡ lòng

Trường “Đạo”!  Ngôi trường làng hiền hậu nấp dưới hàng mù u, bên cạnh giáo đường làng Dương Sơn, cách cái cầu Tứ Phương phân ranh giữa làng tôi và làng Cổ Lão đi bộ chỉ tàn vài điếu thuốc mà nghe xa xôi hơn cả Tử Cấm Thành.  Tin tôi đi học trường “Đạo” lan xa như tiếng tù và làm tỉnh ngủ bọn nhóc tì trong cả mấy xóm Kên, xóm Giữa, xóm Cụt, xóm Côi làng Liễu Hạ.  Làng Dương Sơn là làng thuần Thiên Chúa giáo với tháp chuông nhà thờ cao vút, có chiếc thánh giá nổi lên trên nền trời lộng gió giữa biển tre xanh và ruộng lúa mấp mô nhiều đợt của xã Hương Cần.

          Cả một thời thơ ấu, tôi chỉ nghe gọi người làng Dương Sơn là “đạo” để phân biệt với người dân xung quanh là “ngoại” hay “lương”!.  Chiều chiều, nghe vọng âm của tiếng chuông nhà thờ đổ hồi khi thanh, khi lặng theo từng cơn gió nồm mùa hạ, hay gió bấc mùa đông làm cho trí tưởng tượng về một thế giới “đạo” huyền bí trong tôi bay bổng miên man.  Những ngày “Tây lùng” bất chợt, người dân vùng “ngoại” lũ lượt kéo nhau lên lánh nạn ở Dương Sơn.  Cũng lạ là Tây đến vùng ngoại thì đốt nhà, hành hạ không nương tay; nhưng cũng cùng đoàn Tây đó đến làng đạo thì lại thân mật với dân thường, cho quà và cười đùa với trẻ em đầy vẻ tình người.  Bởi vậy, ngôi trường tiểu học mang cái tên là lạ, “Phan Thiện”, trở thành nơi tốt nhất để cha mẹ trong vùng xin cho con đến học.  Học trò đến từ nhiều vùng khác nhau: từ Văn Xá, Hương Cần, đến Phước Yên, Liễu Hạ…

          Buổi học đầu tiên, mẹ tôi cười rạng rỡ, dắt hai anh em tôi đến ra mắt vị Cha xứ.  Vị linh mục có khuôn mặt thanh tú sau cặp kính cận gọng vàng, trong chiếc áo dòng đen viền cổ trắng dang tay đón lấy tôi bằng một cử chỉ nhân ái mà suốt tuổi thơ ở làng tôi chưa bao giờ có được.  Mẹ tôi giục:

          – Nói lạy cha đi con!

          Tôi mồ côi cha rất sớm, nên tiếng “cha” chưa quen gọi trên môi từ khi tôi biết nói.  Tôi ngượng nghịu khi phải gọi một người lạ bằng “cha”, nhưng đôi mắt tỏa chiết ánh thân tình, mát dịu và tinh anh của người đối diện cho tôi chút can đảm nói lên:

          – Dạ… dạ, lạy cha!

          Nhìn những bức tranh, bức tượng thánh đủ màu; nghe những tiếng xưng hô “em”, “con” nơi đây, thay cho tiếng “tui” (tôi), tau, cộc lốc ở làng, tôi cảm thấy rõ ràng là mình đang lạc vào một thế giới khác.  Sau đó, tôi được đưa vào lớp chị Hường.  Chị đẹp như một thiên thần trong lớp mũ áo nhà tu trắng toát trinh tuyền.  So với mấy chị, mấy o, mấy thím làng tôi với tóc bối răng đen, quần xăn lên quá gối quanh năm thì chị Hường là hiện thân của những nàng tiên trong cổ tích.  Đến lúc chị Hường cười chúm chím, hỏi tôi mấy câu, giọng chị ngọt mềm như bánh sữa làm tôi cảm thấy tôn nghiêm và ớn lạnh với nỗi sợ đang lạc quá xa vào thế giới hoang đường.

          Hàng ngày, sau giờ ngủ trưa là lễ cầu nguyện.  Tôi vốn đã quen với hình ảnh của cây bồ đề có rễ phụ mọc từng chùm nhiều hơn lá và ngôi tượng Phật có tai dài ngang cằm của ngôi chùa cổ ở làng.  Tôi đã thuộc làu từng nhịp nhặt khoan của hồi chuông trống bát nhã, quen với lời mở đầu câu kinh “Đệ tử kính lạy, đức phật Thích Ca, phật A Di Đà…”.  Nay được thấy tượng Chúa trên bệ cao nhìn xuống, có khuôn mặt “giống ông Tây mà hiền như ông Bụt ở chùa làng”, như thằng Quảng làng Phước Yên có lần nhận xét.  Tôi thì thích đôi tay của tượng chúa, đôi tay rộng mở, dang ra như muốn đón ngày trở về của những đứa con bụi đời, những kẻ vô tình quay lưng trở lại.

Học được mấy tháng thì chị Ngôn thay chị Hường.  Chị Ngôn lớn tuổi, cao và rất nghiêm.  Chị bắt đọc a,b,c… thành ra á, bơ, cơ… cho “khỏi giống Việt Minh”.   Mỗi thứ sáu chị Ngôn đều nhắc học trò của chị phải ăn “chay”.  Thời đó, lũ học trò vùng “ngoại” của chúng tôi hiểu ăn chay là ăn khoai sắn và trái cây, nên mỗi thứ Sáu, cả lớp lại có dịp cãi cọ ồn lên về cây trái thổ sản quanh vùng.

Làm sao tôi quên được những cuộc “chiến đấu” anh dũng tung nước bọt của ba thằng nhỏ quê ở Hương Cần về đại sự: “quýt Hương Cần thứ thiệt!”.

Thằng Tin ở phe Kiền, thằng Vện phe Đông, thằng Hạ phe Chùa.  Cả ba phe đều thuộc về làng Hương Cần.  Như vậy là cả ba đứa đều là dân Hương Cần thứ thiệt, toàn ròn, thế mà thằng nào cũng chê quýt của hai thằng kia là quýt… giả.  Tôi cũng là con nhà vườn, lại là con đẻ của chiến tranh nên cũng khôn “nẻ vỏ”, chưa học hết lớp i-tờ đã biết chơi trò ngư ông thủ lợi.  Cả ba thằng nhóc Hương Cần liên tù tì bắt tôi nếm thử.  Mấy ngày đầu, tôi chẳng dại gì, mà thiệt tìnhø cũng chẳng phân biệt được gì để phán là quýt của đứa nào là quýt Hương Cần chánh hiệu cả.  Qua mấy ngày sau, nếm quýt nhiều quá thành “lạnh bụng” phải ôm cái bụng đau lâm râm rời đấu trường hơi bất thường, tôi đâm ra dè dặt.  Đến các hiệp sau thì tôi ăn hết nổi quýt của hai gã phe Đông và phe Chùa, nhưng vẫn còn cảm thấy thinh thích quýt của thằng Tin phe Kiền vì mùi thơm và vị ngọt của nó.  Hai đấu thủ phe Chùa và phe Đông cảm nhận được mòi bất ổn của gã trọng tài gà mờ như tôi, nên đã lẳng lặng rời trận đấu trước hồi chung kết!

Lớp học i-tờ của tôi thường bị cắt ngang vì “Tây lùng”, dân các làng kế cận chạy giặc về ngồi la liệt quanh sân giáo đường.  Tuổi thơ của tôi cũng đầy tiếng chim ca và tiếng súng nổ; lúc thì tưởng yên ắng lãng quên như nước tù trong ao nhỏ, lúc lại cuồng lên nghiêng đổ như nước lụt đầu mùa.

Rồi những buổi trưa giữa vòm giáo đường cao vút, tôi mê mãi đuổi mắt tìm bầy dơi lười biếng ngủ trưa, lên giọng đọc theo lời kinh mà tôi chỉ loáng thoáng hiểu là đang nói một lời vui mừng cao cả nào đó “Kính mừng Maria đầy ơn phước, đức chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phép lạ, hơn mọi người nữ…”

          Ngày tháng học trường Đạo qua nhanh đầy tiếc nuối như tổ chim mơ ước của tuổi thơ một sớm đã chuyền cành.

          Giống thằng Cuội ôm bí mật trên cung trăng, tôi cũng có bí mật riêng mình để mà quên một thuở, mà nhớ một đời. Sau vụ tranh giải Quýt Hương Cần thì thằng Tin ở phe Kiền đã mặc nhiên giữ chức “Quýt Hương Cần chính hiệu nai vàng”.

Tôi nghiễm nhiên trở thành đồng minh của nó, vì tình hữu nghị thắm thiết của hai đứa thuộc loại “đồng bịnh tương lân”.  Tôi và nó đều thích ngẩn ngơ tổ chim sáo trên bụi tre lá ngà cao ngất đầu làng.

          Đã có những buổi trưa trốn ăn và những phút vội vàng sợ chiều tắt nắng nằm nín thở một mình trên đám cỏ khô, hồi hộp nhìn vói theo chim sáo mẹ xây tổ rồi tha mồi về tổ cho sáo con, cả hai đứa miên man sống trong mơ về một ngày hạnh phúc.  Cả hai đứa cùng mơ về một ngày ấy sẽ ôm con sáo nhỏ trên tay, cho nó uống nước đường đen của mẹ tôi dùng nấu chè, kho cá và tập cho nó nói “Chào khách” hay “Ai đó”.  Ước mơ là quyền tự do tuyệt đối của con người.  Nhưng rồi, ước mơ là sương tan giữa thực tế gay gắt của mặt trời.  Sau bao ngày bàn tính nhỏ to, hai đứa chúng tôi quyết ra tay hành động.

          Một buổi xế trưa, hai đứa trốn lễ nhà thờ để bắt tổ chim sáo.  Từ dưới đất nhìn xuyên qua thân tre với hàng hàng, lớp lớp chi chít cành lớn, cành nhỏ, gai dài nhọn hoắt tôi có thể nhìn thấy tổ chim sáo đong đưa theo từng cơn gió, có cả bầu trời xanh lồng lộng trên cao.  Tôi leo lên cây, còn thằng Tin đứng dưới ngó chừng.  Nó cũng là nòi nghĩa hiệp.  Trời khá lạnh mà nó nhất quyết cởi trần để khoác cho tôi thêm cái áo ngoài để “gai khỏi chích”.  Lâu như ngày mới lớn chờ đợi lá thư tình, cuối cùng tôi leo lên tới ngọn tre.  Trước khi rờ tới được tổ chim sáo thì than ôi, tiếng nói ngọt ngào của vị Cha Xứ từ dưới vọng lên:

–        Con trèo xuống.  Đừng vội mà đâm phải gai…”.

Học trường đạo luật lệ nghiêm minh mà dám trốn học trèo cây bắt chim thì dù các ông thánh hiện hình cũng không xin học lại được.

Khúc ngoặt của dòng sông.

Thời nhỏ tôi thường nghe mẹ hò “Ai đưa con sáo sang sông, để cho con sáo sổ lồng bay đi…”.  Tôi mê chim sáo, nhưng con sáo không sang sông mà tôi phải sang sông để tiếp tục học lớp i-tờ sau gần một tháng bị đuổi học. Làng tôi là làng Liễu Cốc Hạ.  Nguồn gốc của tên làng là do ngày xưa khi chúa Nguyễn mới vào Nam thì nơi đây là một rừng dương liễu trùng điệp chạy dài từ núi ra biển.  Những vị khai canh đã từng bước phá rừng dương trồng ngũ cốc.  Phía gần đồi núi mang tên là Liễu Cốc Thượng và làng tôi thành Liễu Cốc Hạ vì nằm phía dưới, cạnh con sông Bồ phát xuất từ dãy Trường Sơn. Huế có ba con sông đẹp nhất, trong xanh đáy nước in trời, chạy song song từ Trường Sơn về Nam Hải như ba cô gái cùng mẹ khác cha.  Sông Hương là cô bé dòng dõi Hoàng tộc nên có dáng… yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu;  sông Bồ là cô bé phù sa gánh nước sa bồi tưới cho những cánh đồng lúa gầy gò, lam lũ; và sông Truồi là cô bé chân quê chăm bón cho những vườn dâu, vườn chè hương đậm bốn mùa.

Sông Bồ đang chảy ngon trớn xuôi dòng về Nam, bỗng khi đến cuối làng tôi lại quẹo chếch về hướng Đông Bắc.  Con sông lượn vòng uốn khúc ôm biền phe Kiền cong như eo trái bầu non mùa Xuân mới lớn. Chính nơi đây, sông Bồ bao bọc mảnh đất truyền đời của quýt Hương Cần.

Làng Hương Cần có 5 vùng thường được gọi là 5 giáp: Giáp Đông, giáp Tây (Phe Chùa), giáp Trung, giáp Kiền (Phe Kiền), gíap Thượng.  Thế nhưng chỉ có Phe Kiền mới chính là là nơi trồng được quýt – quýt Hương Cần – ngon nhất nước.  Đã bao nhiêu năm qua, có rất nhiều người ở các làng kế cận, bứng nguyên cả cây quýt Hương Cần đã già hay còn non về trồng ở vườn trong làng khác, có nơi chỉ cách Phe Kiền làng Hương Cần một cái ao nhỏ không đầy hai bước.  Thế nhưng khi quýt ra trái vẫn là quýt chua, chẳng bà con lân cận gì với hương vị độc đáo của quýt Hương Cần.

Khi không tôi lại lọt vào vùng “thánh địa” của quýt Hương Cần.

Lớp học mới của tôi mở đằng sau hậu liêu của một nhà thờ họ củ kỹ và thấp lè tè như một tòa miếu cổ.  Xung quanh là vườn quýt già trồng từ đời nào với ngọn cao quá tầm mái ngói và tàng lá xanh đậm, san sát, lọc ánh mặt trời vã sao trên đất.  Vì mẹ tôi phải chờ ngày tốt sau Tết để cho năm rộng tháng dài và “được mùa sinh” (mùa Xuân) mới đưa tôi vào trường mới.  Mùa Xuân quýt trổ bông nên buổi sớm và buổi chiều hoa quýt trắng phau tỏa mùi thơm lúc the the, lúc dìu dịu từ mé sông Bồ cho đến những bờ ao.

Học ở Phe Kiền chừng vài tháng thì con đường duy nhất đến trường gọi là đường Nhứt bị phong tỏa giữa hai lằn đạn, lính Bảo Vệ phía Tây Bắc và Việt Minh phía Đông Nam.  Đường đi không một bóng người, nhưng ai cũng gờm gờm với cảm giác ớn lạnh là hai họng súng từ hai phía đang chĩa về con đường Nhứt định mệnh ấy.  Tôi không dám đến trường đi qua trên con đường Nhứt ấy mà phải lội băng qua con sông Bồ chảy qua làng Liễu Hạ và Phe Kiền.  Mẹ tôi vẫn thường so sánh: “Có phước đẻ con hay lội, có tội đẻ con hay trèo”.  Khổ nỗi tôi thích và hình như cũng có hơi giỏi cả hai:  Bơi lội và leo trèo!  Tôi mang về cả “phước” lẫn “tội” cho mẹ giống như tất cả những đứa bé quê Việt Nam.

Hàng ngày, buổi sớm và buổi chiều đi học và bãi trường về nhà, tôi đứng tần ngần nhìn sông.  Cởi áo quần, tôi cuốn chung với sách vở và mo cơm bới bỏ vào trong chiếc nón lá đã được phết dầu rái dày cộm để dùng như chiếc phao nổi rồi cắp nón lội xuống bờ sông. Cứ một tay bơi, một tay vịn và đẩy nhẹ vào chiếc nón lá để lội qua sông Bồ với giòng nước khi lặng lờ, khi chảy xiết.  Đến bờ, tôi mặc áo quần vào lại, ôm sách vở đến trường học.  Dù cố bảo vệ như đồ gia bảo, cuốn sách vở lòng và tập vở vấy nước lâu ngày dày cộm và chữ nghĩa nhoẹt nhòe.  Những ngày trời lạnh cuối thu,  nhìn nước xanh và những mảng lá vàng quấn quít trên sông tôi ước chi mình là chiếc lá bay chếch qua sông mà không phải đầm mình trong giòng nước sớm chiều lạnh cóng.  Rồi những ngày mưa lũ và những tháng mùa Đông, không bơi qua sông được, mẹ tôi phải thuê chú Cưỡng đem ghe chở qua sông.

Trường tôi chỉ có hai lớp và một thầy giáo.  Một lớp abc và một lớp “Ê-cri-vê”.  Lớp abc thì lũ nhóc học trò chỉ việc hoác mồm ra đọc theo thầy.  Có đứa tung hết nội lực thâm hậu ra đọc đến nỗi làm thầy sợ, bắt đọc nhỏ lại cả “tàu bay thám thính nghe”!  Lớp Ê-cri-vê là lớp cao cấp hơn , quy tụ toàn những đứa thông thái cở như tôi,  ít ra cũng có trình độ học vài ba tháng trường Đạo, dù chỉ là học trò trốn lớp bắt chim bị đuổi học như tôi.  Cho đến bây giờ và ngày xưa đi học, tôi vẫn chưa hiểu và cũng chẳng bao giờ dám hỏi thầy vì sao lớp tôi lại có cái tên ngộ nghĩnh như vậy.  Tôi đoán có lẽ vì lớp tôi có tập viết. Tôi viết bằng lưỡi viết lá tre cột vào cái cán bút tự chế biến chấm vào bình mực tím.  Hết mực, vắt nước trái mồng tơi lem luốc cũng nguệch ngoạc được dăm ba chữ thánh hiền!

Trường làng tôi là cái chái bỏ hoang trong khu nhà thờ họ Nguyễn.  Bàn ghế cái bằng tre, cái bằng gỗ khập khà khập khiểng theo đà lắc lư của đám học trò thích chạy rông ngoài đồng hơn là bị nhốt trong lớp học.  Trừ thầy giáo Cống có đôi dép cao su “rọ heo”, còn tất cả học trò đều chân đất.  Có một lần thằng Quảng làng La Vân, được một đôi dép mới e dè mang đi học, bị chọc quá, mặt méo xẹo, phải vác đôi dép lên vai khi bãi học về nhà.  Sáng hôm sau, nó hiên ngang đi chân trần tới lớp, trở về nhập bọn sĩ tử chân trần xóm nghèo.

Thầy tôi dạy tùy hứng.  Nhớ con cháu Gaulois  thì thầy dạy năm ba câu tiếng Tây.  Chúng tôi cứ nhắm mắt đọc theo thầy.  Cứ mỗi lần thằng Cu Sài dân Xóm Cụt bị kêu lên đọc bài thì những đứa ngồi bàn đầu như tôi khó tránh  ăn vài cái thước khẻ nên thân của thầy vì cười rúc rích.  Mở đầu câu chào hỏi “Bonjour, je m’appelle Cu Sài”  thì nó đọc ngọng nghịu ra sao mà cứ bị mấy trò lớn tồng ngồng cuối lớp nhái lại thành “Bồng rùa, rờ mép bên cu dài!”  Chán Tây, thầy lại về nguồn nhớ tổ Hùng Vương để dạy đôi bài tiếng Việt “Dân ta nòi giống Lạc Hồng, sao cho xứng mặt con rồng cháu tiên…”.  Hoặc đôi khi thầy sai tôi đi thắp thuốc, khói thuốc khơi dòng cho hồn thơ lai láng thì thầy dạy “Thu ơi! Ai nhuôm lá Thu vàng!”  Phương pháp dạy của Thầy là đọc và “nhớ mặt chữ” chứ chẳng cần lôi thôi đánh đấm vần xuôi, vần ngược gì cho vất vả!   Không ngờ tôi cứ đọc ê a theo cách dạy của Thầy mà bỗng trở thành giỏi lúc nào không hay.  Tôi biết mình giỏi là ngày mẹ tôi đem cái ống tre đựng giấy tờ bị thấm nước lụt ra phơi.  Tôi chụp ngay mấy chữ quen mắt mà thầy đã dạy ra đọc.  Có mấy chữ Tây phụ đề đâu đó tôi cũng quờ quạng đọc toáng lên luôn.  O Quảng khen:

– Cái thằng giỏi thiệt! Không cần đánh vần chi cả mà đọc trơn lu!

Mẹ tôi cười sung sướng.  Anh nắng mai trong mắt mẹ làm cho những hàng chữ nhạt nhòa trên giấy xưa úa vàng cũng long lanh màu hy vọng.

Không lâu sau đó, Tây đi lùng qua vùng quê tôi, bị Việt Minh phục kích gây thương vong.  Tây quay lại đốt nhà trả đũa.  Cả một vùng quê ngập tràn trong lửa đỏ.  Nhà tôi là nhà rường kiền kiền lợp tranh mây nên cháy suốt một ngày một đêm mới chịu hoàn toàn gục xuống giữa tro than.  Không rõ trường tôi bên kia sông vẫn còn hay mất.  Nhưng từ dạo đó, tôi đã vĩnh viễn xa ngôi trường một thuở thơm lừng mùi hoa quýt.

Tôi cũng không còn nhớ mình đã học quanh, học quẩn qua nhiều trường làng bằng cách nào mà cũng leo lên tới lớp ba, rồi lớp nhì và lớp nhất.  Ngày thi tiểu học toàn quận Hương Trà thật là cả một đại biến cố của đời tôi.  Mẹ tôi suốt đêm không ngủ.  Cứ hết ra sân thắp hương khấn vái, rồi đến việc nấu xôi bới trong mo cau thành từng gói.  Vừa có tiếng gà gáy lại cất lên từ phía chuồng gà úp trên chuồng heo là mẹ tôi đã đánh thức tôi dậy để chuẩn bị lên đường đi thi.  Hai tiếng “đi thi” có mãnh lực gọi mời pha một chút linh thiêng đối với tôi như tiếng gọi của rừng thẳm và Lady Jane đối với Tarzan.  Đầu mùa Hạ, đường đất pha với sương đêm mát dịu.  Đôi dép mới đi chưa quen bó vào chân nhức buốt.  Tôi phải vác đôi dép lên vai và lọt tọt chạy theo Mẹ.  Đến con đường Bàu Đôn dẫn tới Bao Vinh đá dăm lởm chởm.  Chân cứng mà đá không chịu mềm nên tôi chạy vã mồ hôi mới níu được bàn tay xương mà dịu dàng của mẹ.  Mẹ truyền “bí kíp” cho tôi: “Đi nghiêng chân để tránh bớt đá!” Chân nghiêng đổ lách mình trên con đường đá thẳng nên tới chỗ trường thi Hương Trà đã mệt bơ phờ.  Thi hai ngày rưỡi, hai mẹ con ăn hết nhiều mo cơm bới.  Mẹ tôi đón ở cổng trường sau mỗi buổi thi với câu hỏi đầy lo lắng: “Làm bài có được không con?”

Ngày treo bảng, tôi đỗ thứ ba trong số hơn nghìn thí sinh dự thi và mấy trăm thí sinh trúng tuyển “Pri-me”. Mẹ tôi mừng làm mâm cơm “cáo yết gia tiên”.  Nước mắt mẹ chảy dài theo nhang khói.  Tôi thương vẻ mừng vui thầm lặng tỏa chiết một cách rỡ ràng trên khuôn mặt mẹ nhiều hơn là mừng cho mình. Từ đó, khi được thực tế cuộc sống nâng niu, tôi vẫn cảm thấy như có mẹ bên đời; hay dẫu bị bạc đãi đến cỡ nào, tôi vẫn vịn vào lòng thương mẹ mà đứng dậy.

“Thư viện” của tôi là mấy nhà thờ họ rêu phong, là đình làng vắng vẻ, là ngôi chùa cổ kính. Đó là những nơi học bài, làm bài “rất vô”, ít bị bạn bè đến rủ rê hay tiếng ồn quấy phá.  Tôi có những phương pháp “học vẹt” tuyệt vời.  Như môn quốc văn chẳng hạn, tôi học thuộc làu làu chừng chục bài nghị luận văn chương, năm bảy bài nghị luận luân lý, những đoạn văn tả cảnh, tả tình đầy gợi cảm, đaị khái chung chung áp dụng cho cảnh sum vầy hạnh phúc cũng đúng mà cảnh phân ly, chia biệt cũng chẳng lạc đề; văn chương cũng phong phú mà nghị luận cũng hùng hồn. Với tình cảm Việt Nam mà cứ tha thiết nói giọng bùi ngùi, xúc động, nghẹn ngào, thổn thức, thương cảm, hoài vọng, ước mơ… thì chạy đi đâu mà sợ lạc.

Rồi đến kỳ thi “càng cua” (concours) vào đệ thất trường trung học Hàm Nghi.  Đây quả là kỳ thi của số phận.  Hỏng “càng cua” là mất cơ hội vào học trường công.  Học trò làng, cơm áo còn thiếu, có đâu mà trả tiền học trường tư.  Bởi vậy, ở quê tôi, hầu như tương lai học hành của bọn trẻ cũng chấm dứt luôn một lần với việc thi hỏng “càng cua”.

“Học tài thi phận!” nghe ớn lạnh như lời truyền vào cổng trường thi của sĩ tử ngày xưa: “Báo ân nhập, báo oán nhập, sĩ tử thứ thứ nhập!”  Nghĩa là các linh hồn trả ơn và báo oán vào trường thi trước, kế đó mới đến thí sinh vào trường thi.

Cái chùm dây thòng lọng “học tài thi phận” Việt Nam cứ treo lủng lẳng trên đường mòn đèn sách đã biến thế giới bút nghiên thành thao trường của số phận. Hết tiểu học, đến “càng cua”; lên trung học, đến tú tài bán phần, tú tài toàn phần, thi tuyển vào các ngành đại học…  Cổng trường thi là cái cổng nhà trời đầy quyền uy dẫn người qua đó về nẻo vinh quang hay cay đắng!  Nhưng dù gian nan đến mấy thì tôi cũng vẫn không quên lời hứa với mẹ đã có cột cờ làm chứng:  Lời hứa mai sau sẽ làm ông “đốc tờ” cho mẹ vui lòng.

Sau 12 năm học, từ tiểu học lên đến trung học, kéo dài trong cảnh bão tố chiến tranh của toàn đất nước và trong khung cảnh biến động thường xuyên của một xã hội trôi nổi trên cuồng lưu của tư tưởng, kinh tế và chính trị, tôi thành “cậu tú”.  Ngưỡng cửa đại học mở ra e dè như anh chàng hà tiện mở hầu bao đã khách.  Thước đo chất xám của thời đại là “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, nông lâm bỏ ra, chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm.”  Học bài còn được gọi là “gạo bài, nuốt bài” hay “tụng bài” cho nhuyễn để sẵn sàng rút ruột nhả tơ cho các kỳ thi tuyển. Cái học từ chương thay áo mới, bút lông thay bằng bút sắt, nhưng chiếc chiếu hoa cạp điều vẫn còn trải thảm trên lối đi của tri thức như xưa!

Tôi thi vào trường Đại học Y khoa Huế.  Một nghìn tư thí sinh lấy chín chục, tôi đậu thứ 9.  Tin tôi thi đậu vào trường “bác sĩ” lan ra cả vùng quê vốn bao nhiêu năm qua, người bệnh muốn gặp ông “đốc tờ” phải bỏ vào võng khiêng đi mất nửa ngày mới tới.  Tội nghịệp mẹ tôi mừng khấp khởi.  Hạnh phúc của những bà mẹ Việt Nam không phải là sự hưởng thụ thỏa mãn mà là nỗi hy vọng tràn trề về một tương lai sáng sủa cho con cái.  Nên hạnh phúc cũng có nghĩa là hy sinh.

Mẹ tôi đã hy sinh cả một đời thanh xuân cho gia đình và con cái, nhưng khả năng chỉ đủ sinh hoạt cho một gia đình khiêm tốn sau lũy tre xanh.  Con đường dài dằng dặc sáu, bảy năm ở trường y khoa chỉ còn trông cậy vào nguồn hỗ trợ tài chánh chủ yếu từ người anh cả của tôi.  Anh tôi đang chỉ huy một đơn vị tác chiến tại Khe Sanh.

Những ngày đầu nhập môn của một sinh viên y khoa tuy mới lạ và bận rộn đối với tôi, nhưng đó là những ngày tháng thật êm đềm của cuộc đời đi học.  Một tương lai đã được định hướng cùng với một hiện tại đáng hãnh diện và đầy hy vọng làm phấn chấn tinh thần dọn đường cho tôi đi tới. Với sức học đang lên và nỗi say mê đèn sách đang ở vào thời kỳ đầy phong độ, tôi nhìn thẳng vào con đường y khoa sáu năm đang đến như một đại lộ phong quang, chẳng gợn lên một chút mây mù gai góc nào cả.  Giảng đường và sách vở tạo ra một ảo giác tháp ngà êm ả. Tôi không để tâm nhiều đến cuộc chiến đang vùi dập những mảnh đời bất hạnh ngoài kia.

Tôi ở trọ tại Vỹ Dạ. Một buổi xế trưa không hẹn, Tuấn, một người bạn học rất thân của tôi xuất hiện ngoài cửa ngõ.  Dưới tàng cây xanh lọc nắng Tuấn cúi đầu lững thững vào nhà.  Tôi bắt gặp một nét gì khác lạ nơi Tuấn hôm nay.  Tuấn không chìa tay ra bắt như thường lệ mà ôm lấy vai tôi, nhè nhẹ kéo ra ngoài sân. Tôi tò mò và im lặng quan sát cử chỉ hơi bất thường của Tuấn hơn là nói lên một điều gì.  Tay Tuấn tìm bàn tay tôi và lặng lẽ đặt vào đó một mảnh giấy xếp tư.  Tôi e dè mở ra.  Một cái điện tín do anh Thiện gởi.  Nội dung ngắn gọn nhưng vết chém của nó vào cuộc đời thật là chát chúa và tàn độc:  “Anh Nhàn tử trận rồi.  Xác sẽ đưa về Huế hôm nay.”  Tôi chằm chằm nhìn cái điện tín ráo hoảnh như nhìn vào bầu trời mùa hạ rỗng không.  Hình như  trong tận cùng vô thức, hàng ngày tôi vẫn chờ tin nầy từ lâu lắm.  Tôi vẫn đưa anh Nhàn ra sân bay trực thăng Ái Tử, Thành Nội, Đà Nẵng để lên Khâm Đức, Dục Đức, Khe Sanh.  Cứ mỗi lần nhìn cái dáng nhỏ nhắn, sạm nắng của anh trong trang bị tác chiến chạy lên tàu trong đám bụi mù của cánh quạt trực thăng sẵn sàng cất cánh, tôi vẫn mơ hồ thấy được số phận chênh vênh, bọt bèo, ngắn ngủi của người lính chiến trường.

Anh cả tôi từ giã chiến trường.  Tôi từ giã y khoa.

Anh từ giã chiến trường để về đất.  Tôi từ giã y khoa để trải qua những mảnh bằng gió bụi.

Những mảnh bằng gió bụi

Tuy không phải là “chuột chạy cùng sào” nhưng tôi cũng vào sư phạm. Tôi thi vào Đại Học Sư Phạm chỉ vì lý do đơn giản là giáo sinh sư phạm được cấp học bổng hàng tháng, ít ra thì cũng đủ sống rất đạm bạc cho đến khi ra trường.

Ngành “kỹ sư tâm hồn” cũng bình lặng trôi qua.  Sau tốt nghiệp là đến ngày tung cánh nhận nhiệm sở.  Nhu cầu thì quá nhiều mà lò thầy lại sản xuất quá ít nên chúng tôi theo thứ tự đậu ra trường cao thấp để chọn các trường trung học kéo dài từ Quảng Trị đến Bình Thuận, Khánh Hoà.  Tôi đậu thứ nhì, tôi chọn ra dạy ở Quảng Trị cho gần Huế, cái xứ Huế hiền lành mà lại quái ác níu chân tôi lại khi có dịp tung bay.

Mới ra lò sư phạm, bầu kinh luân chưa nguội thế mà chàng phụ tá giám học trường Nguyễn Hoàng đã làm tôi nổi nóng.  Tôi không được chia dạy các lớp thi tú tài kềm với các lớp đệ tam như các đồng nghiệp khác.  Khi nêu thắc mắc, người phụ tá giám học trả lời chống chế, rằng , bởi vì tôi tốt nghiệp đại học sư phạm mà không có văn bằng cử nhân nên không được phụ trách dạy các lớp thi.  Tuy không có quy ước nào như thế, nhưng câu trả lời “láu cá” của chàng nầy làm tôi có mặc cảm như mình còn thiếu nợ sách đèn.

Chẳng hiểu sao vì chút tự ái không đâu mà tôi lại lấy làm điều nuôi chí ta đây không chịu thua ai.  Thế là tôi lại ghi danh học lại, vừa học vừa làm nên thành “học nợ”.  Chỉ còn thiếu một chứng chỉ Ngữ Học để đủ 5 chứng chỉ cho văn bằng Cử nhân Văn khoa nên hè năm sau tôi đã hoàn thành đủ trọn bộ “Tây Du Ký” để có thể mang tới nói mát, nói mẻ với gã phụ tá giám học.  Lần này, anh chàng lại “láu cá” thêm một lần nữa.  Anh ta cười xởi lởi nói cứng như ông bố vợ của tôi:

– Thấy không, chọn tướng không bằng khích tướng, nhờ ta nói khích chú mầy mới có được cái “cử nhân toàn phần” đó nhé.  Chừ ta đãi chú mầy một chầu cà phê đường Trần Hưng Đạo, còn chú mầy phải khao ta một chầu nem lụi Sãi mới xứng công ta dám chơi trò “Lưu Bình Dương Lễ” thời nay!

Rồi bẵng đi mười lăm năm… sách vở chỉ còn là một phương tiện để dạy học khi lên lớp hay để đọc mua vui và lúc cần tham khảo.

          Tôi qua Mỹ, xây dựng cuộc đời mới với nghề làm cỏ.

Nếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu nhập hàng tháng thì nghề làm cỏ kiếm tiền có thể nhanh và nhiều hơn lương của một kỹ sư mới ra trường.  Nhưng tâm trạng của những người bỏ xứ ra đi không dừng lại ở chỗ cơm áo.  Ai cũng muốn chen chân vào xã hội mới với một thế đứng khá hơn là chỉ biết cày cục làm thuê, phụ mướn kiếm tiền.  Con đường tiến thân ít bị số phận may rủi chi phối nhất là đi học.  Trong khi cái xứ quái ác nầy còn mang thêm nhãn hiệu là “vùng đất của cơ hội”, một vùng đất có cơ hội bằng vàng cho những người đi học.  Nên hầu hết những người Việt vào độ tuổi trung niên có căn bản nghề nghiệp và học vấn ở Việt Nam đều phấn đấu trở lại trường toàn thời gian hoặc vừa học vừa làm.  Mỹ là một nước “trịch thượng” nhất trong vấn đề bằng cấp.  Bằng biếu của Mỹ thường được công nhận khắp nơi trên thế giới, nhưng Mỹ thì lại không công nhận bằng cấp từ các quốc gia khác.  Ôm bằng cấp nước ngoài vào Mỹ để du lịch, diễn thuyết, đọc thơ, trình diễn… cho vui thì “ô kê, chơi xong rồi về”, nhưng để hành nghề hay kiếm việc thì “xo ri, đừng đi cho mệt”!  Bởi vậy, không có trường hợp ngoại lệ mà tất cả các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư , chuyên viên… Việt Nam đến Mỹ muốn hành nghề trở lại đều phải đầu tư mồ hôi và nước mắt vào việc học trở lại.  Trên đường đi, rất nhiều “kẻ sĩ” bỏ cuộc, lồng bằng cấp cũ vào khung kính treo cho đỡ buồn, rồi ráng đi tìm một công việc khác có thể chẳng ăn nhập gì đến khả năng chuyên môn ngày xưa của mình.

Trong đám sĩ tử “nửa đời hương phấn” đó có tôi.

Đang làm cỏ với thêm bốn người anh em giúp sức mà vẫn không kham hết nổi công việc.  Tôi đang ở giai đoạn cực thịnh của người Á Châu hành nghề làm cỏ tại Mỹ.  Có được phương tiện vững vàng và cơ hội thuận lợi trong tay, làm ra tiền không không phải là chuyện khó. Một buổi chiều, bà cụ Kim nơi tôi ở trọ chỉ cho tôi bài báo đăng tin tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu ở Chicago đang thực hiện một chương trình cao học dành cho những sinh viên Việt Nam đã có văn bằng cử nhân tại quê nhà.  Tiếng kèn thúc quân của sách vở lại giục giã tôi xếp cơ hội làm tiền theo việc bút nghiên.  Nhu cầu tiền bạc và khát vọng trau giồi kiến thức học vấn đều có sức mạnh réo gọi mãnh liệt như nhau.  Nhưng tôi chỉ có quyền chọn một trong hai.  Khi hai dĩa cân đang ở thế quân bình trong tôi thì bà xã tôi bỏ phiếu “đi học”.  Được lời như cởi tấm lòng,  tôi bỏ nghề làm cỏ đành đoạn như cô lái đò của Nguyễn Bính ngày xưa “Bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông.  Cô lái ngày xưa đi lấy… bằng” để đi học.  Nhưng thực tế thật cay chua chứ không xuôi giòng êm ả như mộng ước.  Muốn được nhận vào chương trình cao học (master – Việt Nam ngày nay dịch là thạc sĩ), sinh viên ngoại quốc như tôi phải có văn bằng cử nhân liên quan đến ngành học với đủ bằng chứng học trình được một cơ quan giáo dục độc lập đánh giá, thanh sát và đề nghị.  Và “ngao ngán” nhất cho tôi là phải đạt điểm 550/600 của kỳ thi TOEFL (Test of English as a Foreign Language) và phải thi đậu WPE (Writing Profiency Examination).  Liên tiếp trong 3 kỳ thi TOEFL, tôi chỉ đạt tới điểm 512, 530 và 532. Lần nào cũng bị rớt đài phần “nghe” (listening comprehension).  Tôi bỗng đâm nghi ngờ lỗ tai mình thành lỗ tai sim!  Lần chót, khi đã quá nản lòng và chuẩn bị buông tay thì may sao tôi “qua truông”.  Về món WPE thì tương đối đỡ gai góc hơn, tôi chỉ thi tới lần thứ hai là “vượt thác”.

Đã bao nhiêu lần đi dò la qua các trường đại học Mỹ, tôi mang tâm trạng của kẻ “ngoại đạo”, đứng xa mà nhìn môi trường đại học uy nghi và thâm nghiêm không mong gì với đến.  Đến khi được vào trường, đeo cùi sách trên lưng, tôi hoang mang không biết là mình sung sướng, cảm thấy trẻ lại để nhảy chân sáo trên những lối vào giảng đường và thư viện như một thời trẻ dại; hay phải méo mặt vì cục khổ cứ lè kè đeo đẳng mãi bên lưng!

  Dù chưa tới 40 tuổi nhưng tôi đã tự coi mình là “sinh viên râu”.  Không ngờ vào trường Sac-State, có biết bao nhiêu người râu dài hơn tôi gần cả thế hệ.  Tôi lại gặp được một người bạn học vong niên “sinh viên râu thiệt” là cụ Nguyễn Đức Hiếu, nguyên chánh sở học chánh Sài Gòn Gia Định ngày xưa, đã ngoài 65 tuổi râu tóc bạc phơ, cũng đeo túi sách đi học chương trình cao học như tôi.  Năm  năm vừa học vừa làm, có khi phải kê sách vở lên đùi, lên ghế xe để làm bài hay viết luận án tốt nghiệp, cuối cùng tôi cũng ra trường với cái tiểu luận án cao học  (master thesis) dày 272 trang, nhan đề “The Impact of Relocation on the Vietnamese Refugees in the United States”  (Tác động của sự di cư đối với người Việt Nam tỵ nạn ở Mỹ).  Tôi viết một mình trong khi các sinh viên Mỹ viết chung thành nhóm 2, 3 người cho một tiểu luận tốt nghiệp.  Dù trong hoàn cảnh còn bị khó khăn ít nhiều về ngôn ngữ cần hợp tác để được giúp đỡ, tôi vẫn cảm thấy chưa thoải mái với kiểu làm ăn hợp tác “team work” của người bản xứ.  Phải chăng đây cũng là ảnh hưởng sâu đậm phong cách “con nhà miệt vườn”, thích riêng tư và ngại chia sẻ của Huế.

Năm 1988 ra trường, kiếm được một công việc làm tương đối hợp khả năng, tôi yên chí là đối với bản thân mình gió đã yên, sóng đã lặng, “gác mái ngư ông về viễn phố” để ngắm nhìn biển học mênh mông.  Không ngờ chưa tới mười năm sau, 1995, tôi lại bị “tiếng gọi sông hồ” của sách vở trở lại một cách tình cờ.  Con đường đại học kéo dài 30 năm chữ nghĩa muộn màng.

Bé Quan Thư, cháu lớn của tôi, là một thành viên rất năng nỗ trong ban chấp hành Hội Sinh Viên Việt Nam tại trường đại học UC Davis.  Vốn liếng quý nhất của cháu còn lại sau những năm miệt mài ở nhà trường Mỹ là khả năng nói tiếng Việt lưu loát. Ngày cháu chuẩn bị vào trường Nha UCLA, hai bố con lại có dịp “luận bàn thế sự” một cách thoải mái khi nói về mối quan hệ “cổ truyền” giữa hai thế hệ Việt Nam già và trẻ.  Thư nêu nhận xét của bạn bè Việt Nam đồng trang lứa về việc vắng bóng một “Chiếc Cầu Thế Hệ” giữa hai thế hệ đàn anh và thế hệ đàn em Việt Nam trên đất Mỹ.    Thế hệ đàn anh đang nhìn về quá khứ với lòng tự hào và nỗi uất hận quyện lấy nhau.  Tuy thái độ và mức độ phản ứng khác nhau, nhưng phần đông lớp đàn anh lớn tuổi đã kinh qua lao tù cải tạo vẫn thường coi thân phận của mình trên đất Mỹ là thân phận lưu đày, tạm dung.  Anh em nhìn về quá khứ với nỗi u uất một “thời vang bóng”, đối diện với thực tại là kẻ mất chân đứng trong hệ thống xã hội Hoa Kỳ và nhìn về tương lai với một giấc mơ “quang phục quê hương” rỡ ràng như cổ tích. Trong khi đó, thế hệ đàn em đang hội nhập vào xã hội mới một cách tự nhiên và nhanh chóng.  Sự đối thoại giữa hai thế hệ dần dần trở thành xa cách trong lối suy tư và hướng nhìn về mai hậu.  Khi mối quan hệ chỉ còn là sự lễ độ vì truyền thống và sự vâng lời chỉ vì giềng mối của gia đình cũng có nghĩa là chỉ còn độc thoại.  Không có sự chia sẻ lý tưởng, không có cơ hội để cho hai viễn ảnh về tương lai của hai thế hệ gặp gỡ, va chạm, tác động qua lại với nhau trên cùng một mặt bằng xã hội thì hiện tượng “ly dị tri thức” sẽ xảy ra.  Tuy sự diễn tiến âm thầm và êm ái nhưng sẽ xuôi giòng biền biệt, khó quay lại đầu nguồn.

Tôi đồng ý phần lớn nhận xét của bé Thư và tuổi trẻ.  Nhưng vẫn còn thắc mắc:

– Như vậy theo con thì làm thế nào để thiết lập một sự tương giao giữa hai thế hệ?

Thư trả lời như đã suy nghĩ từ lâu lắm:

– Cần có một sự hiểu biết và thông cảm giữa hai thế hệ của Ba và con.

Tôi gợi ý:

– Con muốn nói đến một “nhịp cầu thế hệ”?

Bé thưa:

– Ba muốn gọi bằng danh từ nào cũng được, nhưng tụi con đang cần có một gạch nối để cho tụi con hiểu được thế giới của chú bác và ngược lại thì chú bác cũng cần hiểu tụi con đang nghĩ gì, muốn gì, làm gì mới có thể hướng dẫn cho tuổi trẻ được.

Tôi hỏi lại:

– Thôi, nói chuyện nhà mình đi cho dễ.  Theo con thì ba phải làm gì hiểu tụi con hơn?

Bé đề nghị:

          – Có rất nhiều cách, còn tùy từng người và tùy hoàn cảnh ba ơi!  Nhưng với ba thì con nghĩ là ba nên đi học nữa.

Tôi ngạc nhiên:

          – Nghĩa là con nghĩ ba phải có bằng cấp cho cao mới hiểu được tuổi trẻ các con hay sao?

Bé giải thích:

– Dạ, ý con không phải vậy.  Theo con thì bằng cấp không phải là thước đo chính xác trình độ,  khả năng và sự khôn ngoan  của một người.  Con chỉ muốn nói kiến thức và bằng cấp không quan trọng bằng phương pháp để tìm hiểu.  Vạch một hướng đi mà cứ việc chỉ chỏ theo kinh nghiệm chủ quan và thói quen thì không rõ bằng có bản đồ trong tay.  Cho con cá không tích cực bằng cho cần câu.  Bởi vậy, sự tiến lên là sự học không ngừng…

– Ba chưa hiểu hết ý con muốn nói gì?

– Nghĩa là chúng con mong ước thế hệ của Ba đừng khư khư bảo thủ những gì đang có mà cần mở rộng cánh cửa tri thức để bảo tồn cái cũ thật sự có giá trị và đón nhận cái mới thật sự đang cần. Thời nay, muốn tránh được cái bệnh chủ quan và bảo thủ thì phải học thôi ba ơi!

Tôi thương con và hiểu tấm lòng của các cháu. Thời đại điện tử, kiến thức của nhân loại tăng gấp đôi trong mỗi mười năm.  Nhưng rất khác với người Âu Mỹ, phần đông phụ huynh Việt Nam lo làm việc quần quật và quan tâm nuôi con khôn lớn bằng cơm áo và vật chất.  Ít bậc phụ huynh dành nhiều thì giờ chăm lo con cái bằng cách gần gũi, chia sẻ và tâm sự với chúng.

Thư lại khẩn khoản đề nghị:

– Ba ơi! Sao ba không học tiếp chương trình Ph. D ba hè.  Tụi con học theo ngành của tụi con, ba học theo ngành của ba, rồi bốn năm nữa, cả 3 cha con ra trường một lần cho vui.

Nghe đến chuyện học hành, phụ huynh nào mà không hứng chí theo con.  Tôi hăng hái “ngoéo tay” con mà quên soi gương để nhìn tuổi già của mình đang đến:

– Ừ, học thì học.

Giải thưởng đầy hứa hẹn cho cuộc chạy đua “phụ tử” nầy là một chiếc xe mới, “pháp bất vị thân”.  Điều kiện là ai xong văn bằng doctor trước thì người thua cuộc phải mua cho một chiếc xe mới.

Thật khó lòng cho một người cha giơ tay đầu hàng con cái để nhận mình thua cuộc.  Ngày bé Thư ra trường nha và bé Trinh ra trường thuốc, cả hai đứa đều đã tỏ ra “hảo hớn đại chí hiếu”  là không bắt bí tôi phải thi hành đúng hiệp ước mua xe mà chỉ cho tôi một chiến thuật rút quân trong danh dự là:

– Ba ơi, Ba đừng lo.  Tụi con cho ba mắc nợ hai chiếc xe đó!

Tôi cười giả lả:

– Ừ, để mai mốt về làng, ba mua cho mỗi đứa một chiếc xe phở là xong nợ! (Xe đạp nước vào ruộng)

Tụi nhỏ thương bố già, nheo mắt cười thông cảm.

Tôi đang ở nửa đường và cuộc thi kéo dài bốn, năm năm đã qua.  Tụi nhỏ đã bóp còi qua mặt.  Thuốc súng thời thượng xì hơi nên chiếc pháo bay chữ nghĩa sách đèn không còn gia tốc. Tôi mệt mỏi, mấy lần muốn bỏ học nhưng bà xã tôi đã “nhanh tay” trả tiền trước cho chương trình học quá nhiều.  Nếu tôi tự động rút lui, ngân khoản nộp rồi sẽ không được bồi hoàn trở lại.  Cho nên, động cơ còn lại làm cho tôi phải rán học, nếu nói ra thì hơi “ốt dột”, nhưng dấu kín lại sợ bạn hiền hiểu lầm một cách oan uổng là tôi ham học hơn ham chơi.  Đó là việc tôi phải anh dũng tiến lên trên con đường học vấn vì… “tiếc tiền”!  Đã vậy thì vầy, nhưng có hơi khác Tú Xương ngày xưa: “Tấp tểnh người đi tớ cũng đi.  Cũng lều cũng chỏng cũng vô thi…” vì tôi không ở vùng trường thi Nam Định mà khổ nỗi là đang ở Mỹ. Và cái dở nhất của đất nước nầy là lối sống rất “hiện sinh”, rất “thiền” mà không thiền gì cả. Nghĩa là làm thì ra làm, chơi thì ra chơi, lơi khơi thì “homeless” (vô gia cư). Chữ nghĩa muộn màng, nhưng lại không thể “homeless” trong kiến thức và tư tưởng nên phải ra roi thúc ngựa tiếp tục lên đàng tầm sư học đạo…

Ai cũng biết rằng, “linh hồn” của mảnh bằng tiến sĩ nằm ở giá trị của luận án.  Cũng là nòi tập tểnh bước vào trường văn bút, bên cạnh sự thôi thúc cần phải học cho xong một chương trình đã kéo dài trên 5 năm, tôi còn ôm thêm hoài bão là phải viết một luận án “để đời” như bao nhiêu người trong cùng một hoàn cảnh như tôi.

Có một mùa Hè, tôi gác lại chuyến về thăm Việt Nam, dành thì giờ và chút đỉnh tiền bạc dự chi cho chuyến đi để đi tìm “luận án minh sư”.  Tôi tìm đọc và học hỏi cho được một số luận án tiến sĩ của giới đàn anh, đàn chị như của Nguyễn Văn Trung, Thích Minh Châu, Thái Kim Lan, Thái Văn Kiểm, Cao Huy Thuần, Nguyễn Trung Hiếu, Lê Thành Trung… Tôi cũng chịu khó đi vào thư viện của các trường đại học lớn quanh vùng tôi đang ở như UC Davis, Berkeley, Standford, UC San Francisco để truy tìm những luận án trong lãnh vực khoa học nhân văn mang họ Nguyễn, Trần, Phan, Lê… Việt Nam ta để tham khảo.  Nhìn chung, các luận án mà tôi tìm đến dài ngắn trung bình từ 200 đến 400 trang.  Ngoại trừ một số rất ít tác giả có sức bật đầy sáng tạo và tinh thần khai phá tìm cái mới, phần đông các luận án mang tinh thần “tập đại thành” nghĩa là chịu khó đào bới kho kiến thức đã có sẵn đây đó trong lĩnh vực chuyên biệt nào đó, rồi chắt lọc, phân tích  và hệ thống hóa làm cơ sở cho luận án chuyên đề của mình.  Mỗi người một vẻ, tuy không thất vọng, nhưng cũng chẳng “đã khát” như  mong ước, tôi trở về đối diện với “thằng tôi” của mình.

Giáo sư bảo trợ luận án của tôi là Dr. Roy Sumpter.  Tôi bái sư nhập môn ra mắt thầy rất đúng bài bản của môn phái học sĩ.  Tôi chọn đề tài “The Impact of the Vietnam War and Its  Aftermath on the Vietnamese Refugees’ Adjustment in the United States” (Tác Động của Chiến Tranh Việt Nam và Hệ Quả của Nó Đối Với Sự Hội Nhập của Người Việt tại Hoa Kỳ).  Tôi ra mắt chưởng môn Sumpter với một “Concept Paper” dài 37 trang.  Chưởng môn bèn huơ đại đao thị uy phán rằng: “Cái đề của tiểu sanh dài quá, rút lại còn 5, 7 chữ thôi và Concept Paper cũng dài lê thê, rút lại còn 3 trang!” Bầu kinh luân đang sôi bị nguội điện, tôi trở về đổi lại đề tài cho  luận án là “The Vietnam War and Its Psychological Aftermath” và dùng bảo kiếm cắt xén 37 trang kinh sử thành 3 trang.  Tới hiệp hai, chưởng môn lại  cho rằng cái đề có vẻ “trời biển” mênh mông quá cần thu hẹp lại cho cụ thể hơn và thầy phán “O.K” về phần Concept Paper nhưng cần phải khai triển ra thành 15 trang.

Rồi đến 2 chương 1 và 2 (Problem statement và Review Relevant Literature) sư phụ lại phê là có vẻ “văn chương ướt át” con nhà văn quá, cần phải viết lại cho nó đúng cái phong cách con nhà “nghiên cứu” một chút.  Qua nhiều giai đoạn bế môn luyện công, tham vọng viết một tác phẩm luận án để đời bị mài dũa các góc cạnh cho đến hồi nhẵn bóng.  Trong tôi chỉ còn lại một nhu cầu viết lách là làm sao viết cho đủ chữ không thừa không thiếu để khỏi bị cho luyện võ dài dài và được hội đồng thông qua mà ra trường cũng đã là quý hóa lắm rồi.  Bây giờ tôi mới hiểu lý do vì sao các người đàn anh, đàn chị của tôi đi trước, tài năng là thế mà phải tạm xếp cung thương, múa quyền “tập đại thành” để vừa đủ ra trường, khỏi kéo dài lê thê những tháng ngày miệt mài tham khảo.

  Ngày bảo vệ luận án trước Hội Đồng giám khảo đại học Southern California có các con bên cạnh, tôi cảm thấy lòng lâng lâng hạnh phúc.  Niềm hạnh phúc của con tàu về bến sau những chuyến hải hành bị dập vùi quá nhiều sóng gió nhưng vẫn kiên trì không đổi hướng. Tôi không được may mắn như thế hệ con cháu của mình hay như tầng lớp sinh viên du học đi thẳng trên đường học vấn, yên tâm trong vòng tay của gia đình và giữa cảnh thanh bình của xã hội và đất nước.  Mỗi mảnh bằng tôi đến và dừng lại cách nhau cả mươi, mười lăm năm.   Đó là những mảnh bằng đầy dấu ấn gió bụi từ đời sống, suy tư và lịch sử thăng trầm của đất nước mà tôi đã đi qua.

Dăm mảnh bằng gió bụi với chữ nghĩa tình cờ, sách vở muộn màng chẳng có gì đáng nói. Có chăng một chút âm hưởng thì đó là một điều tự tình nho nhỏ:  Ra đi có thể quá sớm hay muộn màng, nhưng sự tìm đến và vươn lên tìm một dáng vẻ đáng yêu cho tâm hồn và tri thức thường không bao giờ  quá muộn.

Bài viết liên quan