CÒN DUYÊN CƠM HẾN

Mai Huế, xế Quảng” là một khái niệm không gian khá tương đối giữa Huế và Đà Nẵng. Người Huế vào Đà Nẵng hay Quảng Nam thì bị nhận diện ngay là “dân trèo đèo”, nhưng cũng còn may là không bị dán thêm cái đuôi ở đàng sau thành… khỉ Sơn Chà. Trong khi mấy bà mẹ Huế léo nhéo lên tiếng: “Ui cha! Học trò trong Quảng ra thi, THẤY O GÁI HUẾ chân đi không rời!” Thì liền đó mấy bà Quảng Nam phản pháo liền tay: “Ừ hử! Học trò trong Quảng ra thi, MẤY O GÁI HUẾ chân đi không rời!” Thật là một cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ bất phân thắng bại vì chưa xử được “Ai mê ai trước!”  Được  mê nhau là gặp duyên cá nước rồi chứ cần gì phải thắc mắc…  ai mê ai!

Năm 1957, ở làng tôi, cách Huế 10 cây số, chưa có một ngôi trường nào cả.  Mấy lớp vở lòng ABC mượn khi thì chái đình làng, khi thì một góc nhà thờ họ để học, nên do đó mà nền văn hiến của làng tôi lâm vào cảnh đánh vần xuôi thì tạm được mà đánh vần ngược thì chưa xong!  Gặp cơ hội có ông anh cả làm lính hải quân ở bến Bạch Đằng Đà Nẵng, mẹ và anh chị tôi quyết định cho tôi vào Đà Nẵng… du học.

Lần đầu, được ra khỏi mấy lũy tre làng, ngồi xe chạy ngoằn ngoèo trên đường đèo Hải Vân non xanh nước biếc chao ơi là cảm động, là hồi hộp, là bâng khuâng, là nhớ nhà, nhớ mạ như tâm sự của Huyền Trân Công Chúa (tôi đoán thế!)

Tôi được vào học trường Bồ Đề Tỉnh Hội Đà Nẵng trên đường Ông Ích Khiêm.

Con đường Ông Ích Khiêm thuở đó còn đá sỏi trộn với dầu hắc lởm chởm ổ gà.  Hai bên đường trồng toàn cây mù u.  Tôi ở nhà anh chị Hồi trên đường Ông Ích Khiêm gần chợ Cồn.  Đứng ở Chợ Cồn có thể nhìn thẳng xuống biển Thanh Bình mà không bị nhà cửa lầu đài chắn ngang tầm mắt.  Thời Mỹ chưa sang chọn Đà Nẵng làm căn cứ quân sự cho không quân và hải quân, Đà Nẵng là một thành phố nhỏ nhắn, xinh xinh như Hội An.  Đời sống dân cư êm đềm và cần cù lam lũ.  Tôi học lớp Nhì, thầy giáo là thầy Ngô Sĩ Cầu có chiếc xe Vespa xanh chạy trên đường dầu đá sỏi tiếng thùng xe lùng bùng “nổ” to hơn tiếng máy!  Thế nhưng cũng đủ thuộc hàng quý tộc đi xe song mã thuở đó rồi!  Những ngày nghỉ học, tôi rong chơi với lũ bạn một cách thoải mái và bình an tự tại với cặp giò vừa chạy vừa đi mà đi đâu cũng tới. Chỉ có Nam Ô, Sơn Chà và Ngũ Hoành Sơn là xa thôi.  Còn Chợ Mới, Cổ Viện Chàm, sân Vận động, bến Bạch Đằng, biển Thanh Bình thì chúng tôi rủ nhau chạy vòng vòng khắp bến, khỏi cần cỡi xe “hột nổ” hao xăng như thời nay!

Một năm học đi qua êm đềm như giấc mơ.  Trong lớp tôi, con gái tập trung ngồi đầy hai dãy bàn trước, còn bao nhiêu là con trai. Hình như con gái đàn bà xứ Quảng khôn hơn là đàn ông con trai.  Tôi nói điều nầy có bằng chứng rõ ràng, khỏi sợ quý vị nam nhi xứ Quảng thưa kiện.  Số là tuị nhóc trong lớp cao, lùn, thấp, bé đều đủ cỡ, nhưng tôi kêu chúng nó bằng “thằng” ráo trọi.  Trong lúc phe đờn bà học trò, có hai trong số nhiều nàng thì tôi và dăm ba thằng nhóc tì rắn mắt lạiï kêu bằng “chị” có khi xưng “tui”, khi xưng “tau” rất… thoải mái cuộc đời.  Một nàng tên là chị Thân.  Có lẽ nàng tuổi Thân, hơn tôi, tuổi Tuất, hai tuổi chăng?  Nàng kia là chị Kính.  Chị Thân đẹp nhất đám… con gái. Da trắng hồng, miệng cười có duyên đáo để và dĩ nhiên, nói giọng Quảng Nam vùng Đò Xu, Cẩm Lệ toàn ròn.  Thú thật là tôi không thích lắm cái tiếng “chu choa” dài lòng thòng của chị, nhưng khi chị nói, miệng chúm tròn và hé mở sau nụ cười hàm tiếu, bán khai đẹp ngơ người, làm cho chị dù có nhảy mũi vẫn hay ho như thường lệ.

Tôi thuộc loại học trò nghịch thiệt chứ không phải nghịch ngầm, nhưng được cái là học hành cũng hơi sáng dạ.  Sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt đứng đầu lớp, tôi từ một đứa nhóc trèo đèo vô danh tiểu tốt trở thành nhà thông thái trời cho trong lớp.  Bắt đầu có tiếng rì rầm hỏi bài của tụi bạn. Một buổi sớm, đã 55 năm qua, nên tôi không còn nhớ sáng nào, nhưng có lẽ là một sớm mai hồng, chị Thân tìm tôi trước giờ học.  Chị cho một gói nhỏ trái bon bon và hỏi bài toán đố. Lần đó, có lẽ tôi cảm động quá đâm ra lú lẫn nên bài giải của hai đứa, chị và tôi, đều trật.  Thầy thương tình cho 1 điểm rưỡi trên 10.  Nhưng chị Thân là một người đẹp rất anh thư xứ Quảng, nên không lấy sự sa chân lỡ bước của tôi làm điều.  Hôm sau và mấy hôm sau nữa chị vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt hỏi bài và dĩ nhiên là những lần sau nầy trúng phong phóc. Vì cả hai chúng tôi đều thuộc hàng kẻ sĩ trong lớp nên gọi nhau bằng tên và xưng “mình” rất điệu chứ không xưng hô bừa bãi “tao, mầy, tôi, tớ” như tụi nhóc mà thời thơ dại ấy mà tôi cho là lôm côm, hàng tháng bị thầy hô vị thứ đứng xa nên tên gọi ba ngày đường chưa tới!

Cuối năm học, tôi và chị Thân đứng nhất đồng hạng trong lớp. Có lẽ thầy cho chị thêm điểm dung nhan nên chị mới đứng ngang hàng với tôi như thế vì hình như càng học hành đứng cao, chị Thân càng đẹp ra. Ngày phát phần thưởng danh dự trước sân khấu rộng mênh mông của chùa Tỉnh Hội, khi gọi tên, tôi và chị Thân cùng lên một lần.  Chị mặc áo đầm trắng, thắt nơ hồng trên bím tóc. Trong tiếng vỗ tay khen tặng, chị Thân nghiêng mặt nhìn tôi nói nho nhỏ: “Mình cảm ơn Đoàn!” Sau nầy nghĩ lại, tôi không hiểu là cụ Nguyễn Du có ở trong tâm trạng của tôi lúc đó không mà phóng một câu thơ đáng đồng tiền bát gạo đến thế: “Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng!”

Trại Hè chia tay của lớp Nhất và lớp Nhì chúng tôi được tổ chức tại bãi biển Sơn Chà. Lều dựng dưới chân núi trông ra biển. Sơn Chà hay còn gọi là Sơn Trà thời tôi còn học tiểu học đẹp với cây rừng thâm u và còn hoang dã như bãi biển thần tiên. Nuớc biếc in mầu trời và núi xanh quàng nắng hạ đẹp đến lặng người.  Chiều về, trước khi nắng tắt, chúng tôi được lệnh của Ban quản trại di chuyển tất cả vật dụng và thức ăn để kề dưới chân núi đằng sau phía cắm lều để gió đêm khỏi tung cát vào thức ăn đồ ngủ.  Thầy trò yên chí tập họp ra bãi biển để sinh hoạt lửa trại. Tiếng hát học trò vang lên sưởi ấm cho nhau giữa bãi biển đêm lạnh vắng và bao la trong cõi vô cùng.

Trong hiện diện tương phùng đã có tiếng chào chia tay của ngày sắp tới nên tất cả thầy trò đã để cho đêm, cho sóng biển, cho lòng mình hòa ca trong đêm lửa trại chia tay đến khuya.

Vừa trở lại lều, mọi người đều chưng hửng khi thấy tất cả các giỏ, soong, chảo đựng thức ăn đều bị lôi ra tung toé.  Một số bị lấy mất và số còn lại bị vùi trong cát.  Thì ra, trong lúc thầy trò quây quần bên lửa trại dưới bãi biển, bầy khỉ núi Sơn Chà đã túa xuống xâm nhập, đột kích khu vực trại, lấy cắp đồ ăn.

Gió lạnh, đêm khuya khoắt, bụng đói cồn cào nhưng toàn trại không một miếng ăn còn trọn vẹn sót lại.

Hồi chiều ăn qua loa để kịp tập nhảy lửa, tôi đói bụng đến run người.

Những người khôn ngoan có thể dánh lừa cơn đói bằng giấc ngủ.  Còn tôi thì không.

Tôi ngồi bó gối muốn lã người vì đói và mõi mệt.  Xung quanh mọi người đang ngủ say. Giữa lúc trơ vơ gần như tuyệt vọng thì ở đâu nàng tiên hiện đến:  Chị Thân!

Chị Thân nói nhẹ như hơi thở bên tai tôi, sợ mọi người nghe:

– Mình còn một miếng kẹo kéo sót trong túi áo ấm. Tụi mình chia chung nghen.

Thân dúi vào tay tôi miếng kẹo kéo dài bằng nửa gang tay.  Tôi dúi lại vào tay Thân:

– Không có dao lấy chi mà cắt?

Thân nhanh trí:

 – Cắn!

Miếng kẹo kéo dài như cây viết.  Mỗi đứa cắn một đầu cho khỏi dính nước bọt của nhau.  Miếng kẹo ngắn dần và không cầm trên tay được vì sợ dính cát nên phải “cầm” trên răng. Đến miếng cuối cùng thì hai miệng đã “dính” nhau nhưng vẫn không đứa nào có lòng nghĩa hiệp để nhường hết cho phía bên kia…

Đêm ngắn mà vẫn dài hơn miếng kẹo.

Ngày cũng lên và miếng kẹo đường ngọt lịm không còn. Nhưng vẫn còn mãi nụ cười vui  trên môi và hơi ấm trong sáng vô ngần của tuổi học trò yêu dấu.

***

Mới đó… mới đó mà tôi đã thành ông cụ già 68 tuổi. Năm nay tôi về quê ăn Tết. Đã 32 năm mới được về quê ăn Tết một lần. Thế hệ cha anh trong làng chỉ còn lác đác vài người. Thế hệ cùng trang lứa với tôi đã vơi đi quá nửa. Người trẻ trong làng gặp cúi đầu “chào ôn!” lạ lẫm của lần đầu mới gặp. Trong những buổi chiều nhớ nhà man mác mà không biết là mình đang nhớ nhà ở Mỹ hay nhớ ngôi nhà tâm ảnh trong hoài niệm “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên. Đi trên Trường Tiền mà nhớ cầu xưa…” Cảm giác ngậm ngùi chợt đến và tự nhiên thích làm thơ, tôi hí hoáy viết bài thơ Về Quê Ăn Tết sau buổi ăn chiều:

 

Xé đi tờ lịch cuối năm

Thời gian nửa cạn rượu tăm nửa đầy

“Tóc ông chừ bạc như mây,

Mười hai năm nữa ông đầy 80”

Về làng cháu nhỏ đành hanh nhắc

Ta thấy mùa Xuân bỗng xế chiều

Quê xưa người cũ đi đâu mất

Lặng lẽ cồn hoang bóng tịch liêu

 

Làng cũ người đông mà vắng bóng

Những o những chú thuở đời xanh

Trai thanh gái lịch giờ lên lão

Nhớ nhớ quên quên chuyện chính mình

 

Chắc gì còn gặp nhau lần nữa

Tay nắm bàn tay thuở búp măng

Gầy guộc tre tàn run ớn lạnh

Đồng tiền má lúm hóp da nhăn

 

Tuổi 68 về quê ăn Tết

Ba mươi năm gặp lại một lần

Cố nhen nhúm ước mơ tìm dĩ vãng

Lạc thời gian nên chỉ thấy bâng khuâng

 

Lau lách sông Bồ nước vẫn xanh

Có ai chờ đợi tắm hai lần

Hỏi người giặt áo trăm năm nữa

Vớt được gì trong bọt đã tan

 

Quá khứ qua rồi quên khỏi nhắc

Tương lai chưa tới ngoảnh đi thôi

Hiện tại vui lên không sẽ mất

Chờ vui ai biết thuở nào vui

 

Gặp nhau cứ kể như lần cuối

Nâng chén cười tan nỗi ngậm ngùi

Xuân chín hay tàn Xuân vẫn mới

Bán trăm buồn mua lấy một niềm vui

 

Ở trên căn gác của ngôi nhà thừa tự, chiều chiều còn nghe tiếng chim cuốc gọi từ trong mấy bụi tre ở sau hè và đêm đêm tiếng dế, tiếng cây lá quanh vườn vẫn còn hồn nhiên và tươi mới. Dư âm và tiếng vọng đâu đây vẫn còn quấn quít thân thương  như đêm qua tôi còn ngồi bên cạnh mẹ. Nơi ngôi nhà cổ kính nầy, ba mẹ tôi đã qua đời, sáu anh chị em tôi đã sinh ra nay chỉ còn một nửa. Nhưng cái cảm giác lạ lẫm ùn đến khi tôi mở đường dây in-ter-net với tốc độ rất nhanh hay khi tôi với tay bật đèn điện và cầm cái máy điện thoại trên bàn gọi cho mấy người bạn ở Cổ Lão, An Thuận, Nam Thanh. Thật tình tôi chưa quen sử dụng những phương tiện thời mới nầy nơi vùng đất vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi hình ảnh và cảm xúc rất mạnh của những ngày về làng đi ra “hoái” câu cá rô, tát đìa bắt cá trê và nếu thích một chút ấm áp và cô liêu thì ra đụn rơm trải rơm khô trên nền đất, lượm bẹ cau vàng vừa rụng, đem bó rơm làm gối nằm ngủ.

Con đường mới băng qua Phe Chùa, làng Triều Sơn Trung, đồn Mang Cá tới hồ Tịnh Tâm ngắn trong tầm mắt mà ngày xưa loanh quanh đi bộ với mẹ từ làng lên Huế mất non nửa ngày. Nay chỉ mất chừng mười lăm phút cỡi xe Honda là tôi đã từ làng tới quán cà phê Cây Đa, Thành Nội gặp bạn bè chuyện trò tếu táo. Lần đầu, tôi hơi sững sờ một chút khi thấy một hiện tượng lạ chưa từng xảy ra ở cái thành phố Huế cổ kính và bảo thủ nầy. Đó là khách uống cà phê buổi sáng tại các quán cà phê lớn ở trong thành như Thành Nội, Hoàng Trúc… phụ nữ đông hơn nam giới!

Sáng ba mươi Tết, tôi phóng xe Honda lên Huế sớm để đi chợ hoa với ý định mua vài chậu cúc. Vào quán cà phê Thành Nội tôi cứ đinh ninh là sẽ “vắng như chợ chiều ba mươi Tết”, nhưng thực tế ngược lại là bàn nào cũng đông nghẹt khách ngồi. Thấy còn chỗ trống ở một cái bàn đã có người ngồi, tôi không còn sự chọn lựa nào hơn là tới ngồi theo ý sắp xếp của các tiếp viên trong quán. Bàn có hai người ngồi. Khi ngồi xuống và chào xã giao tôi mới để ý đó là hai phụ nữ có dáng vẻ vừa già vừa trẻ mà tôi không đoán được tuổi vì cách ăn mặc kín đáo kiểu phương Tây nhưng cũng rất trẻ trung và quý phái. Một chị nói giọng Huế rặt và một chị nói lơ lớ giọng Quảng pha Huế.

Em bé chạy bàn bưng ly cà phê tới. Tôi nói lời cám ơn. Em bé không nói gì mà chỉ chúm chím cười và chạy qua bàn khác. Một chị hỏi tôi bất ngờ:

 – Xin lỗi, anh ở Mỹ về?

Tôi ngạc nhiên nhìn cánh tay gầy rám nắng và bộ quần áo xuềnh xoàng hôm kia mua ở ngã tư Anh Danh của mình, hỏi:

– Cái gì đã làm chị nghĩ là tôi từ Mỹ về?

Người đàn bà trả lời nhẹ nhàng, không do dự:

– Vì tiếng “cám ơn” của anh dành cho một đứa nhỏ chạy bàn. Ở đây người ta rất hà tiện nói tiếng cám ơn. Còn dân Mỹ thì rất lạm phát tiếng “cám ơn” và “xin lỗi.”

Câu chuyện ấm lên và thân mật hơn. Năm mươi năm trước, hai người phụ nữ nầy là bạn học trường Đồng Khánh Huế. Năm nay, xuân Năm mới sẽ cùng lên… bảy chục! Chị tên Thanh ở Úc và chị tên Trang ở Na Uy hẹn nhau về Huế ăn Tết.

Mỗi người Huế xa quê đều có thừa tư liệu để viết nên một cuốn tự truyện dày cộm về đời mình. Có những sự thật tình cờ khám phá ra còn ly kỳ hơn cả tiểu thuyết.

Ngồi vân vê cái băng tang nho nhỏ ghim trên vành mũ mệnh phụ. Chị Thanh ngoắc cho được chị bán gánh cơm hến ngoài hàng rào để làm cho mỗi người một tô cơm hến buổi sáng. Tôi cám ơn không ăn vì đã ăn cháo gạo đỏ cá bống thệ kho rim ở làng rồi. Chị Trang cũng từ chối và giải thích thật thà, cởi mở:

– Mình là dân Huế mà “không biết ăn cơm hến” nơi tề!

Nghe mà… rụng rời. Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi hiện trên sắc mặt và dáng người, Trang từ tốn giải thích:

– Tíếc…dễ sợ vì không được ăn cơm Hến từ thuở nhỏ. Ngày xưa, nhà mình là tiệm vàng Kim Thành ở đường Trần Hưng Đạo. Buổi sáng, ba mình không cho ăn cơm hến vì cứ nghĩ rằng, cơm hến là cơm nhà nghèo, làm toàn bằng rau đậu, mắm ruốc và hến Cồn quá đơn sơ chơn chất, không hợp với tầm cỡ con nhà sang, sợ ăn vào hàng phố chê là dân mê “cao lầu Cồn”. Con nhà giàu là phải ăn bún bò, xôi thịt hon, phở Bắc buổi sáng mới xứng đáng. Lớn lên nghe người ta ca tụng cơm hến Huế quá chừng chừng và mình cũng có thử vài lần nhưng thấy chẳng ngon lành gì nên bỏ quên luôn.

Chị Thanh ngước nhìn gánh cơm Huế bằng cái nhìn xa xăm nửa như hồ nghi, nửa như tiếc nuối. Chị nói:

– Mình là dân Quảng Nam theo ba mình ra Huế làm việc. Lên trung học mới bắt đầu học ở Huế và trở thành nàng dâu Huế. Cả nhà mình chỉ thích mì Quảng chứ chẳng biết mô tê chi về cơm hến cả. Tới khi về nhà chồng là dân Huế rặt, lại gặp cả nhà chồng đều mê cơm hến như điếu đổ. Nhưng chỉ biết ăn chứ chẳng ai biết nấu cả. Đôi ba lần, mình cố thử ăn cơm hến cho nhà chồng vui lòng nhưng không cảm được cái mớ cơm rau, ruốc muối, gia vị “tạp pí lù” hỗn độn đó. Ông xã mình là kỹ sư học bên Tây về nên tinh thần cũng thoáng và không ép mình phải thích cơm hến như anh ấy. Năm ngoái, anh ấy bị ung thư gan vào giai đoạn chót. Khi biết anh gần qua đời, mình năn nỉ anh thích món ăn gì thì mình làm món nấy cho anh vui lòng. Khổ nỗi, anh cứ khăng khăng đòi ăn cơm hến là món ăn mà mình mù tịt; trong lúc anh lại đòi thêm kiểu cơm hến Huế có nêm cả ruốc tươi và ớt tương cay phỏng lưỡi nữa mới làm mình phát hoảng chứ. Mình cố giải thích là món cơm hến nêm ruốc ớt nầy có hại cho gan của anh trong lúc đang yếu. Nhưng anh nói rằng, đằng nào cũng ra đi sớm nên cứ cho anh ăn món cơm hến mà anh thích nhất vào những giờ phút cuối cùng của đời anh. Tụi mình đang ở xứ Úc nhưng cách xa các thành phố có đông người Việt và quán ăn Việt Nam hàng mấy trăm cây số. Trong phút bối rối ấy, ý nghĩ mình bỗng sáng lên. Mình nhớ là có đọc chuyện viết về cơm hến Huế rất duyên dáng của một ông người Huế viết văn gì gì  đó. Mình với tay lên kệ sách rút cuốn Chuyện Khảo Về Huế có bài viết về Cơm Hến Huế. Mình đọc vội đọc vàng và thử nấu cơm hến theo cách bày trong sách. Ít ra thì có chút ít vẫn còn hơn không có gì. May quá, các vật liệu đều có sẵn ở nhà, chỉ có hến là phải mua hến lon “Whole Baby Clam” có bán rất nhiều ngoài các siêu thị chứ không tìm ra “Green Mussel” nói trong sách. Cho đến khi ông xã mình gượng ngồi dậy, mắt sáng rỡ và khuôn mặt tươi lên đầy vẻ đam mê thích thú khi đối diện với tô cơm hến rồi tự tay múc từng muỗng cơm hến đút vào miệng nhai và nuốt đầy khoái trá mình mới an lòng. Mấy  hôm sau thì anh ấy mất…

Chị Trang cười cười chêm vào:

– Úi dà! Mấy anh nhà văn chỉ giỏi nói lý thuyết suông chứ làm gì biết nấu cơm hến mà Thanh phải bắt chước theo cho mệt vậy hè.

– Thì gặp hồi khẩn cấp có chi vớ nấy chứ biết làm sao hơn. Nhưng cũng may là ông xã mình đã khen “cơm hến ngon tuyệt vời” chứ không phải là mình vụng nấu thành ra món râu ria nào khác. Ừ! Mà mình vẫn thường tự hỏi là cái người viết văn nầy có thực sự biết nấu cơm hến không kìa?!

Trông hai chị có vẻ ngồi im suy nghĩ về gã viết cơm hến là ai và hắn ta có thực sự biết nấu cơm hến không hay chỉ nghe lóm rồi viết trăng, viết cuội mà chơi thôi. Ngồi cùng bàn nhâm nhi ly cà phê đối diện với hai chị, tôi cảm thấy vui vui. Được nghe một câu chuyện mình viết từ hơn hai mươi năm trước nay có người không những nhắc lại mà còn đem ra thực hành làm vui lòng người chồng sắp vĩnh biệt ra đi, tôi thực sự cảm thấy bị xao  động với cảm xúc vừa thú vị, vừa ấp áp thân tình nên đã lên tiếng:

– Dạ, hắn cũng biết nấu cơm hến khá lắm hai chị ơi!

Cả hai bà hơi chững lại một chút. Chị Thanh đưa tay lên như vừa hồ nghi, vừa dọ hỏi:

– Rứa, hắn… hắn là ai?

Tôi cười cười, đưa tay chỉ vào mình như… thú tội:

– Thì hắn là thằng nầy đây!

Chị Thanh chỉ về phía tôi:

– Nói rứa thì anh là tác giả Cơm Hến? Anh là TKĐ?

Tôi gật đầu:

– Chính hắn!

Chị Thanh hỏi dồn:

– Tui có thằng bạn người Huế cùng tên với anh hồi cùng học lớp Nhì ở trường Bồ Đề Tỉnh hội Đà Nẵng. Anh? Anh quen…?

Đến lượt tôi kinh ngạc:

– Tui có học lớp nhì ở trường Bồ Đề Tỉnh hội Đà Nẵng năm 1957. Thầy Ngô Sĩ Cầu dạy. Rứa chị là ai mà cũng biết…

Chị Thanh hồn nhiên chồm lên, đứng dậy nắm lấy tay tôi:

– Mình là Thân đây. Lấy chồng thêm chữ “h” thành Thanh cho đỡ làm con khỉ!

Chúng tôi từ từ nhận ra nhau khi ôn lại từng kỷ niệm; nhất là kỷ niệm đêm cắm trại Hè ở bãi biển Sơn Chà. Sau năm mươi lăm năm, thời gian đã biến đổi hoàn toàn khuôn mặt và nhân dáng của mỗi người. Chúng tôi không còn nhận ra nhau nếu không có cuộc gặp gỡ kỳ thú tình cờ này.

Tô cơm hến long lanh váng ớt màu đỏ đã được chị bán cơm hến bưng vào để trên bàn. Mùi cơm hến thoang thoảng trong màn sương buổi sớm của Huế kéo tôi về với thực tế. Tôi và chị Trang cùng mỉm cười, gật đầu khi Thân cố nài thêm lần nữa lời mời ăn cơm hến cho có bạn đồng hành.

Trả lời sự thắc mắc của chị Trang là tại sao việc nấu cơm hến làm vui lòng ông xã đã qua rồi mà nay vẫn còn “đeo” cơm hến, Thân tâm sự:

– Rứa mới ngộ chứ. Sau khi ông xã mình qua đời thì trong 49 ngày đầu, gần như sáng nào mình cũng chuẩn bị nấu sẵn một tô cơm hến và thắp nhang cúng ảnh. Cúng xong, mình ăn. Phần còn lại chia cho mấy đứa nhỏ đến ở tạm chơi với mẹ, bà nội, bà ngoại cho đỡ buồn. Những ngày đầu mình ăn cơm hến vì muốn giữ “hiếu” với “ông dôn” yêu dấu. Nhưng những ngày sau, cái vị hến tươi thật sự, gia vị  và mọi thứ rau theo khẩu vị Việt Nam mà mình đã gởi mua tại các chợ Việt Nam ở Sydney đã “thấm” và chinh phục cái khẩu vị của mình lúc nào không hay.

Thân làm tôi nhớ thuở mình mới lên Huế học cũng chẳng biết gì về cơm hến. Rồi thương cô em Đông Ba nhà ở ngay trên đại lộ cơm hến Thành Nội nên mới bén duyên và trở thành đồ đệ cơm hến càng ngày càng nhiệt tình thưởng thức. Nghĩ tới bầy con cháu của mình ở Cali cũng thích cơm hến, tôi tò mò hỏi Thân và được trả lời:

– Thú vị nhất là bầy con mình và mấy đứa rể, dâu ngoại quốc cùng bầy cháu nội, ngoại đều sinh tại nước ngoài cũng lần lượt khoái cơm hến như mình. Đặc biệt nhất là mấy đứa con gái của mình đang rầu nẫu ruột vì bị lên cân, có khả năng mập tròn như củ khoai Tây, nay ăn cơm hến vào no bụng mà lại có cơ giảm cân, giữ được thân hình thon thả thì lại đua nhau “bravo cơm hến mẹ nấu quá ngon!”

Chị Trang hỏi ngang:

– Mình có đọc một bài báo từ Cali nói là cơm hến giúp chữa “bệnh già” là thế nào?

Thân nói ngay:

– Thì tại người già thường lo “mỡ-đường-máu” tấn công làm cho người ta dễ sụm bà chè sớm về với ông bà. Nhất là ở phương Tây ăn thịt nhiều quá nên càng dễ bệnh hơn. Dù là thịt nấu, thịt chiên, thịt bóp, thịt dầm chi chi đó thì cũng là mối đe dọa bệnh mập phì, bệnh đường cao, mỡ cao, máu cao đang đe dọa cái thế giới tràn ngập thịt chả nầy. Nấu ở nhà, mình thường cho đủ loại rau được quảng cáo là trị “bá bệnh” xắt nhỏ vào cơm hến. Mùi và vị cơm hến kích thích ăn rau. Sau một thời gian chúng nó kháo nhau cơm hến giúp hạ mỡ, hạ đường… Xưa ba mình thường nhắc “năng ăn không bằng tiết thực”, nghĩa là ăn uống đừng quá hả hê, ăn nhin nhín một chút là tốt cho sức khoẻ nhất. Theo mình thì ăn cơm hến là cách “tiết thực” gần với tự nhiên hơn cả.

Chị Trang hì lên một tiếng:

– Thiệt là ly kỳ,  dân Tây, dân đầm mà lại mê cơm hến. Tại sao có chuyện lạ rứa hè?!

Thân giải thích như một giả định đồn đoán có phảng phất mùi vị khoa học.

– Năm tê, tụi mình có dịp du lịch qua vùng Tam Giác Vàng mới biết cái “mê” cũng có lý do riêng của nó. Ở đây từ người lớn đến con nít ai cũng mê ăn canh nấu bằng lá cần sa. Chỉ cần một số hóa chất trong lá cần sa thôi cũng đủ làm bao người mê rồi. Cứ tưởng tượng thức ăn của mình có cả tổng hợp không biết bao nhiêu là hương vị mang tính hóa chất “gây mê” như thế. Riêng cơm hến thì khỏi nói về nguồn rau sống truyền thống của dân mình quá phong phú cả mùi lẫn vị. Nếu có chăng những hoá chất gây mê thì cũng nhẹ nhàng chẳng gây tác hại gì đáng kể. Mê cơm hến vừa là một tác dụng tâm lý, vừa là ảnh hưởng thể chất. Cái “mê” là một sự dính mắc thường rất đa dạng khó nói lắm. Nghĩ về cái mê cũng như nghĩ tới những chuyện tình thời tụi mình đi học, đứa ưng đứa chọc, nên ai nói cũng đúng mà ai nói cũng sai. Cột buộc mình với cái lý và cái sự làm chi cho mệt óc. Ai mê cơm hến cứ ăn, ai mê cà phê trà cứ uống, khoái bún phở mì quảng hủ tiếu… cứ dùng tự nhiên. Ưa ăn thì đừng lý luận mà ưa lý luận thì đừng ăn. Cái “đạo” cơm hến nó rành rành như rứa đó.

Chúng tôi vui vui trong im lặng để nghĩ và ăn tô cơm hến trước mặt mình.

Ra khỏi đất nước mình, tới những ngã tư thế giới mới có dịp nhìn lại và so sánh.

Món ăn có thể nói là “đại biểu” độc đáo nhất của từng quốc gia, dân tộc. Những món “độc chiêu” quý hiếm thì xứ nào cũng có. Nhưng anh chàng bày vẽ về cái ăn, cái uống nhiêu khê đứng đầu sổ thế giới vẫn là anh Ba Tàu Trung Quốc. Nếu nói đến những món ăn đại chúng như hot dog, gà chiên KFC của Mỹ, sushi của Nhật, kim chi của Đại Hàn, mì tô đủ loại của Trung Quốc, thịt nướng lò lộ thiên của Mông Cổ, lẫu Pad Thai của Thái Lan, cari của Ấn Độ, pizza của Ý, kabob của Trung Đông, xôi nếp thơm của Lào, phở của Việt Nam… thì vấn đề không phải là ngon hay dở (hoặc dở với người nầy nhưng ngon với người kia) mà giá trị nhân bản cao nằm ở chỗ: Đại chúng, phổ thông và hợp vị. Nghĩa là ai cũng biết, ai cũng có thể đụng tới được và ai nếm cũng không đến nỗi lắc đầu, nhăn mặt. Và đâu đó, cơm hến của Huế cũng là món ăn đồng hành trong cảnh khó khăn –canh hến cơm nguội – trên bước đường tiến về Nam của dân tộc Việt với thế hệ khai phá tiền phong, cắm dùi ở Châu Ô Châu Rí.

Từ hôm đó, trên đường đi thỉnh thoảng tôi vẫn “vô duyên” mỉm cười chào người lạ đi qua vừa gặp trong tầm mắt. Biết đâu họ cũng là người quen của mình từ năm chục năm trước hay từ một kiếp trước mà ngỡ như mới hôm qua. Bởi vị ngon quê hương ngay trên vành môi nhưng không phải ai cũng từng quen hay ưa thích như khi gặp lại bạn bè xưa – hay một món ăn truyền thống của quê nhà – bởi không còn nhận ra nhau nên quay mặt không chào.

Thôn Liễu Hạ, mồng Ba Tết 2013 

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan