ĐÁNH SÒ

Vượt biên

Trong đêm vắng lúc nửa khuya về sáng vùng quê chuyên nghề đánh cá vùng duyên hải thường thức dậy theo tiếng xành xạch của máy dầu cặn đưa tàu ra khơi.  Vùng biển Hải Nhuận chỉ có bãi ngang nên tất cả thuyền đánh cá phải kéo lên bãi cát ban đêm.  Vì vậy, chỉ có thuyền nhẹ, đan bằng tre là thông dụng nhất.

Tiếng máy nổ từ xa vọng lại làm cho những người suốt đêm chờ đợi giờ xuất phát vội vã kéo nhau, đẩy nhau trong im lặng để chạy nhào ra phía biển trong đêm tối.  Chỉ cần một tiếng khóc trẻ thơ vang lên trong giờ phút nầy là hỏng chuyện.  Thế giới dày đặc bóng tối xung quanh vừa che chở, vừa đe dọa, nhưng chắc chắn là không khoan thứ cho bất cứ loại âm thanh nào gây tiếng động trong khoảnh khắc quyết định nầy.  Thế mà vẫn nghe tiếng chân chạy lạo xạo trên bãi cát qua đồi thông, tiếng thở hổn hển và tiếng thì thào hỏi nhau có đủ thằng Cu, con Bé… hay không.  Chạy qua hết đồi thông, bãi cát trống trước mặt và ánh lân tinh của biển để lộ bóng đen của đoàn người vừa đi, vừa bò, vừa chạy… trong dáng vẻ khẩn cấp.   Chiếc ghe được kéo chuồi xuống nước bằng tất cả năng lực bình sinh của những người nhập cuộc.  Sóng biển nhồi chiếc ghe lúc nâng lên quá tầm tay với, lúc hạ xuống chạm mặt cát.  Mọi sức lực thể chất và tinh thần cuồn cuộn xoáy vào níu kéo đoàn người nhào lên ghe bất cứ bằng tư thế nào: Nhảy lên, ném vào, trườn tới, dúi xuống, đẩy lên từ phía đầu, phía chân, phía bụng… miễn sao tất cả đều phải lên ghe nhanh như chớp mắt.  Máy rộ lên từng hồi và chiếc ghe mỏng manh cũng rung lên chuyển mình hướng mũi ra khơi.  Cảm giác “vượt biên” táo bạo, liều lĩnh, mới mẻ và đầy sợ hãi đến mức làm cho mọi người lạc cả giọng nói, nén cả hơi thở, tán lọan cảm nhận trong những phút bản năng sinh tồn ngự lên làm chủ.  Khi ghe đã vượt ra ngoài tầm súng và nhìn lại phía sau không có dấu hiệu nào có người đuổi theo, Thụ và Minh mới cho ghe chậm lại, ghé tạt đến mấy ghe người làng đang bủa cá ngoài khơi để xin thêm thức ăn và dầu.  Vài thanh niên trong làng đang đánh cá dợm nhảy qua ghe chúng tôi xin đi theo, nhưng chiếc ghe mành đã quá tải không còn chỗ.

Chiếc ghe nhỏ vẫn trườn mình đi tới.  Năm lần bảy lượt Thọ, Thụ và Châu là những anh em có kinh nghiệm đi biển, quay ngang quay dọc mũi ghe để chạy kiểu “chém sóng” chứ không chạy song song theo lườn sóng, dễ làm cho ghe bị sóng vồ.

Từ bãi biển Hải Nhuận của quê hương Thừa Thiên, trên chiếc ghe nan đánh cá đan bằng tre, trét dầu rái, chạy bằng chiếc máy F.10 cũ, đen sì, nhỏ xíu ra khơi trong gió cấp 5.  Hai người quyết định lên ghe một mình vào phút cuối là Chót và Châu.  Trong số hai chục người chen chúc trên ghe thì đã có 13 người là đàn bà và con nít.  Nơi thấp nhất của thành ghe cách mặt nước biển chỉ suýt soát một gang tay.  Một con sóng nhỏ cũng đủ tung bọt nước ướt phủ lên đầu. Khi bình minh đầu tiên ngự lên mặt biển cũng là khi sự thử thách giữa biển và người tràn tới. Ghe mới ra khơi, dãy Trường Sơn nổi rõ trên khung trời phía Tây rạng đông chưa khuất tầm mắt mà cả đoàn người đã say sóng nôn mửa “tập thể” cho đến khi xuôi tay nằm im bất động.  Tôi là người bị nôn mửa đầu tiên nhưng chỉ mấy phút sau thì đứng vững lại được và “hoà thuận” với biển khơi trong suốt cuộc hải hành.

Ghe càng đi xa. màu xanh của biển càng đậm dần cho đến khi trở thành tím thẩm mà theo kinh nghiệm của những người anh em đi biển là đã vào độ sâu chừng 50 sãi nước.  Chiếc ghe nan và đoàn người ly hương trên biển cả chìm khuất trong khói sóng. Gió Nam cấp 5 vẫn không ngừng thổi.  Theo triền sóng uốn lượn, chiếc ghe có lúc như được đưa lên đỉnh trời; lúc lại bị kéo xuống tận hố sâu giữa hai ngọn sóng.  Ban ngày biển vật vã với nắng và ban đêm biển tỉ tê với bóng đêm.  Đêm đại đương thật là huyền diệu.  Biển nước là cả một khối lân tinh khổng lồ tranh sống với đêm đen.  Tôi vẫn giữ nguyên vị trí ở mũi thuyền với chiếc hải bàn chỉ 45 độ rưỡi hướng Đông Bắc.  Sóng liên tục đập vào mũi và mạn ghe rần rật.  Giữa vùng trời nước không bến bờ, số phận chiếc ghe và đòan người mỏng manh như một con kiến nhỏ bò giữa khu rừng khuya dày đặc mênh mông.  Mới một ngày và một đêm, sự réo gọi của cái đói và cái khát chưa thắng được sự kêu đòi khẩn thiết của sự sống.  Nhịp nổ đều đều của cái máy dầu cặn đen sì trở thành nhịp đập của 20 trái tim chưa định hướng giữa hai đầu sống chết.

          Đã có một hoàng hôn thì phải có một bình minh, nên dẫu sao đi nữa thì những đôi mắt đã vàng vì khát đói vẫn hé ra cho bình minh trôi vào.  Bình minh xanh của biển khơi là liều thuốc an thần quý báu nhất cho những người vượt biển.  Và liều thuốc an thần bỗng trở thành thuốc tiên của sự sống khi một chấm núi xanh hiện ra ở chân trời.  Từ chấm núi cho đến khi hiện ra thành trái núi phải mất cả nửa ngày xả máy ghe chạy hết tốc lực.  Rừng thông xanh ngút mắt hiện rõ dần.

          Chúng tôi đến được một bờ cát hoang vắng trên đảo Hải Nam Trung Hoa.  Cơn khát lã người và bến bờ hiện thực bày ra trước mắt.  Nước… nước là thánh, là tiên, là đấng toàn năng cứu rỗi trong phút nầy.  Tôi nhào lăn trên bãi cát như gieo mình vào một bàn tay đầy ân sủng trước khi cố lê bước băng qua đồi cát vào khu dân cư.  Chúng tôi đi vào một khu nhà ở có đồng lúa bao quanh.  Tôi chui vào một cái nhà tranh, một cái chòi thì đúng hơn, gần nhất.  Không có một bóng người.  Kho báu đầu tiên mà tôi tìm là lu nước uống.  Nước trong nhưng lại đầy cung quăng.  Không một mảy may do dự, tôi bụm tay làm gáo nốc từng hơi dài.  Không ngờ những sinh vật hy sinh đầu tiên trong đợt xâm lăng Trung Quốc của dân vượt biển như tôi là bầy cung quăng vô tội.  Tỉnh táo một chút, tôi đi quanh những nhà kế bên.  Vẫn không có một bóng người.  Tất cả đều là những ngôi nhà tranh phên đất diện tích gần giống nhau.  Thật ra, đó là những cái chòi lá sơ sài, lớn bằng khoảng cái buồng con của một ngôi nhà nghèo ở Việt Nam.  Uống no nê, tôi hái mấy ngọn lá bảng lớn mà không biết tên là lá gì để làm đồ dùng đựng “nước cung quăng” bới về cho bà xã tôi, mấy cô em và các cháu nhỏ đang đợi ngoài bãi biển.  Khi vừa đến nơi, tôi đã nghe tiếng xí xố của một đám người Tàu bản xứ đang chỉ chỏ.  Một vài người có mang súng và phần đông cầm gậy.  Tôi bước vào, cố thử lên giây đàn nói vài câu tiếng Anh và vài câu tiếng Tàu “Quảng Tùng Hỏa” mới học trước khi ra đi nhưng cũng chẳng có ai hiểu tôi nói gì.  Bí quá tôi ngồi xuống bãi cát và viết bằng chữ Hán: “Ngã tự Việt Nam lai.  Ngã dục đáo Hương Cảng!” (Tôi từ Việt Nam sang.  Tôi muốn đến Hồng Kông).  Mừng quá, có vài người gật đầu ra vẻ hiểu.  Một người viết lại trên cát trả lời.  Có lẽ tưởng lầm tôi giỏi chữ Tàu nên anh ta viết loáy ngoáy tràng giang đại hải như viết sớ.  Bốn năm học chữ  Hán với cha Thích, cụ Tường, cụ Hoàng ở đại học văn khoa và sư phạm Huế bỏ đi đâu khuất núi, tôi đọc một chữ được theo sau năm bảy chữ mất nên chẳng hiểu anh ta nói gì.  Bất chấp phe chủ có hiểu hay không, tôi cứ kiên trì viết trên bãi cát xin nước, xin cơm.  Lại có người hiểu.  Nhưng không biết hiểu cách nào mà họ lại bắt tất cả chúng tôi ngồi thành một vòng tròn trên bãi cát, không được ra khỏi vòng, trong khi những người khác cầm súng và gậy đứng gác.

          Hằng giờ như thế trôi qua một cách căng thẳng, chẳng ai nói, ai hiểu.  Tôi đánh liều viết nhiều lần trên bãi cát: “Ngã thức ngôn Anh ngữ” (Tôi biết nói tiếng Anh).  Vài người gật đầu và chỉ một tay vào miệng, tay kia chỉ vào phía trong làng.  Tôi đoán là họ muốn nói rằng, trong kia cũng có người nói tiếng Anh.  Đợi đến khoảng mấy tiếng đồng hồ, có một người độ tuổi trung niên từ trong làng đi ra với một nhóm người bên cạnh, tiến về phía tôi và chào bằng tiếng Anh: “Hello, my friend, how are you?  I am Xi Yang…”  Tôi chào hỏi trở lại và cuộc tiếp xúc bắt đầu.  Giữa một vùng quê xa xôi như đảo hoang, lại có hai người từ hai nước xa lạ nói với nhau bằng một thứ tiếng của nước thứ ba, tự nhiên một cảm giác thân thiện và gần gũi đến với chúng tôi.  Xi Yang cho biết rằng, đây là một vùng cực Nam của đảo Hải Nam.  Người dân hầu hết từ những vùng quá đông dân về đây lập nghiệp, sống về nghề nông và nghề đánh cá biển.  Theo luật lệ địa phương trên đảo, khi có người lạ xâm nhập, việc đầu tiên là họ bắt giam chúng tôi để chờ chính quyền đảo Hải Nam giải quyết.  Nhưng Xi Yang đã mở cờ cho chúng tôi khi anh ta nói rằng, anh là một trong 3 người lãnh đạo cao nhất của vùng nầy.  Xi nói là chính anh ta đã ra lệnh cho lực lượng Hồng quân Tự vệ địa phương cử người bảo vệ và kiếm đồ ăn cho chúng tôi.  Ngay sau đó Xi cũng cho biết là chúng tôi được tự do đưa thuyền trở lại ra khơi đi đâu tùy ý.  Nhưng anh ta cũng khuyên rằng dọc bờ biển Trung Hoa, vào thời điểm tháng bảy bão tố thường nổi lên rất bất thường. Theo anh thì muốn đến Hồng Kông, chúng tôi không nên đi thẳng mà nên đi cặp theo bờ biển Đảo Hải Nam, tới Ma Cao rồi sang Hồng Kông sẽ ít nguy hiểm hơn.

          Không lâu sau khi nói chuyện với Xi Yang, một toán thanh niên gánh đến một nồi cháo và một thùng nước uống cho chúng tôi.  Thùng thức ăn là một loại cháo đặc không giống với bất cứ lọai cháo Việt Nam nào mà tôi biết.  Người làng đến xem chúng tôi mỗi lúc một đông.  Một đặc tính chúng của người dân Hải Nam ở vùng nầy là họ rất nghèo.  Dường như ai cũng mặc quần áo vá nhưng lại khá sạch sẽ.  Sau bữa ăn, mọi người nhìn chúng tôi có vẻ ái ngại khi “đoàn người vượt biển Đông” chúng tôi gần một nửa là trẻ thơ, chuẩn bị ra khơi trong sóng nước mang hơi lạnh của buổi xế chiều.  Tôi là người cuối cùng cung tay, cúi đầu chào cảm ơn những người dân làng đang đứng quanh trên bãi biển.  Trước khi nhảy lên ghe, thật bất ngờ, có hai ông bà cụ già, áo vải lam vá chằng chịt tiến tới nắm tay tôi và đặt vào lòng tay tôi một đồng tiền giấy Trung Quốc vo tròn với dáng vẻ e dè và sợ sệt như lo ngại bị những người cầm súng bắt gặp.  Cả hai ông bà cụ nói với tôi những gì tôi không hiểu, nhưng nhìn vẻ mặt đầy tình cảm của họ, tôi đoán có lẽ là lời dặn dò hay chúc lành đừng bị vùi xác ở biển Đông.  Với đồng tiền giấy nầy, khi đến một thành phố cạnh biển trên đường đi Ma Cao tôi mua được khoảng chục trái táo tươi.  Cắn trái táo mọng nước trong cơn khát lịm người, tôi lại nhớ đến những chiếc áo vá chằn vá đụp của hai cụ già nhân hậu mà cảm thấy bồi hồi xúc động…

          Men theo bờ biển đảo Hải Nam, ngày đi đêm nghỉ.  Nước biển dội thường xuyên ướt sủng từ đầu đến chân để chống cái nắng chóa mắt ban ngày trên đại dương và chôn kín mình trong cát chỉ chừa cái đầu để thở làm tấm chăn chống lạnh về đêm.

Biển Đông Nam Trung Hoa chuẩn bị vào Thu có những nơi đẹp lạ lùng như tranh vẽ. Những đảo nhỏ ngoài khơi với vách đá dựng trời cao vút và những gốc lão bách, lão tùng tuổi thọ không biết mấy trăm hay nghìn năm, có cành và rễ nổi đồi mồi với sương tuyết, uốn cong queo khúc chìm khúc nổi ẩn hiện trong khe đá và mây núi lưng trời.  Vẻ đẹp thiên nhiên thoáng qua như một sự hứa hẹn không đủ làm giảm bớt nỗi ưu tư và lo lắng về một tương lai bấp bênh trước mặt.

Có một đêm tối trời, tìm bãi hoang để ghé vào không có, sóng to gió lớn ập đến, chúng tôi tìm ánh đèn hiện ra mơ hồ sau màn mưa để tới.  Vào được bờ, chúng tôi sắp bước lên bãi cát thì đã có người mang súng ống ập đến.  Ngôn ngữ bất đồng ú ớ với nhau, những người mang súng chĩa mũi súng về phía chúng tôi, lên cò súng lách cách, giọng nói oang oang không hiểu nói gì nhưng âm vang đầy quyết liệt và đe dọa.  Hoảng quá, chúng tôi níu nhau ngồi im thin thít trên ghe mặc cho mưa to gió lớn xối xả dội lên mình.  Bỗng cả đoàn người trên bờ tiến lại, nắm chặt thành ghe và hè nhau đẩy ngược chúng tôi ra khơi trong đêm tối đen như mực.  Nước chảy xiết, sấm chớp và gió giật liên hồi, chiếc ghe nan đan bằng tre kêu răng rắc như muốn vỡ làm đôi.  Cố gắng cuối cùng của những người còn tỉnh trí trên ghe là cầu nguyện, phó mặc cho ghe trôi, nước trôi, thời gian trôi.  Bình minh sau cơn bão đẹp quá.  Biển lặng như hồ gương.  Nhìn nắng mai điểm sao trên nước và bàng hoàng nhìn nhau, chúng tôi có cảm giác lạ lùng và tự hỏi không biết đêm qua làm sao mình vẫn còn sống sót.

Cứ mỗi ngày qua là chúng tôi nhích thêm một bước gần với hy vọng.  Hy vọng trong tầm tay nên mọi sự gian nan chỉ còn là những bài toán dù có hắc búa đến mấy thì cũng đã có câu trả lời in cuối sách.  Ma Cao còn cách 5 ngày đi biển, rồi 3 ngày, 1 ngày và cuối cùng chúng tôi vào vịnh Ma Cao.  Tôi nhớ một câu nào đó của Longfellow: “The refugee is the refused” (Tỵ nạn là tỵ mặt).  Cảnh sát Ma Cao “tỵ mặt” chúng tôi không cho lên bờ và bắt ngồi im trên ghe cho đến sáng hôm sau.  Mỗi người được phát một hộp cơm và thức ăn mang hương vị… rất Tàu.

Sáng sớm hôm sau, chiếc ghe nan mỏng manh của chúng tôi được tàu tuần tiểu tốc hành của cảnh sát Ma Cao móc xích sắt kéo ra khỏi vịnh Ma Cao.  Tàu trước cách chừng vài chục thước xả hết tốc lực kéo ghe chúng tôi theo sau.  Cũng chiếc ghe nan bằng tre phong trần đó chạy theo đà tàu trước với một tốc độ như muốn bay cả ghe lẫn người trên mặt biển.  Cuối cùng đến hải phận Hồng Kông, tàu tuần tiểu Ma Cao cắt dây kéo và quay về.  Ngồi trên ghe chờ cho đến khi tàu Hải Quân Hồng Kông tìm thấy đến dẫn chúng tôi lên chiếc phà nổi đậu ngoài khơi.

Ngay sau khi được “tiếp nhận” vào vùng biển Hồng Kông, mỗi người chỉ còn một bộ áo quần trên mình, riêng tôi thì chỉ còn cái quần đùi và cái lưng trần bị nắng đốt cháy đen, da vỡ ra từng mảng.   Ngót cả chục ngày đêm mang nguyên một cái áo vải cứ liên tục ướt đẫm nước biển rồi khô với nắng gió, những lớp muối chồng lên nhau “đúc” cái áo của tôi thành một lớp dày cộm như mo cau.  Áo đóng muối sắc cạnh cọ vào lưng đã tróc cả da non vì nắng đốt nhức buốt chịu không nổi, tôi phải ở trần chịu trận.

Đàn ông, đàn bà, trẻ con đều bị cảnh sát Hồng Công đẩy như lùa vịt lên chiếc phà nổi neo tận ngoài khơi xa khuất. Tất cả ghe tàu, hành lý, đồ đạc mang theo đều bị tàu kéo của hải quân Hồng Kông nhận chìm xuống biển ngay trước mắt chủ nhân. Không ít người đã quay quắt trong lặng câm hay hoảng loạn một cách tuyệt vọng vì tất cả của cải, tài sản kếch sù của họ mang theo cất dấu dưới hầm tàu chỉ trong mấy phút phù du đã mất dấu hoàn toàn trên mặt biển xanh.

Lắc lư váng vất trên chiếc phà nổi làm nơi tạm trú cho những người vượt biển đến mấy ngày, chúng tôi được tàu hải quân Hồng Kông đưa “về bến”!

Trại cấm

– Chẩu lơ! Chẩu lơ! (Đi đi! Đi lẹ đi!)

Cứ sau mỗi tiếng “Chẩu lơ” của viên cảnh sát Hồng Kông, một “thuyền nhân” lại theo hướng vừa chỉ vừa đẩy theo cái đùi ma trắc rời khỏi cầu tàu xếp vào hàng một bước lên bờ.  Cánh cửa thép của trại tù Chi-Ma-Wan (Chi Mà Oán) giương mắt lạnh lùng nhìn ra biển, miễn cưởng tiếp nhận đoàn người “tỵ nạn” bước đi câm nín và sợ hãi.  Những giờ phút vật lộn quyết liệt với sóng gió, chịu đựng ngọn nắng cháy da ban ngày và cái lạnh buốt xương ban đêm đã làm cho nỗi xôn xao ban đầu thành im lặng như biển khơi.  Có một niềm hy vọng mới đang mọc mầm, đó là sự nhận biết mình còn hiện hữu dưới ánh sáng mặt trời, trong vùng một đất xa lạ, với một chuổi ngày thử thách đang chờ.

          Sự thử thách đầu tiên là ngay khi chiếc ghe nan tơi tả của chúng tôi cặp vào tàu Hải Quân Hồng Kông, một tấm biển thông báo viết bằng hai thứ chữ Anh và Hoa được trưng ra ngay trên bong tàu.  Thông báo với lời lẽ khắt khe và nội dung đầy dọa dẫm: “Sau ngày 2-7-1982, các trại nhận người tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc tại Hồng Kông đóng cửa.  Vì vậy, chính quyền Hồng Kông khuyến khích các thuyền nhân tìm một nơi khác để đi, nhiên liệu và thức ăn sẽ được cung cấp.  Nếu không, sẽ bị giam vào các trại cấm (closed camps) và rất có thể sẽ không có cơ hội định cư ở một nước thứ ba.”  Biết đi đâu nữa?  Nếu tiếp tục đi thì có lẽ chỉ còn một con đường san hô dưới đáy biển!   Không còn sự chọn lựa nào khác là chọn lựa sự sống, bằng lòng ký giấy đi vào trại cấm.

          Đến lượt thuyền 1789, người nữ cảnh sát gọi bằng tiếng Anh lơ lớ giọng Tàu:

          – Cáp chên! (Captain: thuyền trưởng)

          Tôi tách ra khỏi hàng và ra mắt người cảnh sát.  Người thông dịch Tàu – Việt nói tiếng Việt theo giọng Tàu Chợ Lớn:

– Nị nói tiếng Huê Kỳ “xịn” thì nói với “cô lường” đi!

Tôi thay mặt anh em trên ghe đọc và ký vào bản nội quy.  Liếc nhìn trên góc tờ giấy tôi thấy, vẫn còn nguyên hàng chữ “ Chimawan Prison” (Nhà tù Chimawan) vừa được gạch ngang tạm thời để thay vào đó một tên gọi khác “Chimawan Closed Camp” (Trại Cấm Chimawan).

Hơn 100 người chen chúc trong căn phòng dài đúc bằng bê tông dày cộm ba mặt bốn bề như cái hộp, có giường ngủ 3 tầng và lác đác vài ba cái cửa sổ chỉ lớn bằng hai bàn tay cao tận trên nóc.  Mọi kiểu cười của nhân gian dường như đã bị lãng quên trên môi của những người cảnh sát nhà tù từ lâu lắm.  Cảm giác khô cứng chỉ thỉnh thoảng mềm lại với tiếng khóc của trẻ thơ. Họ đếm đầu người một cách vô cảm như đếm mớ vỏ nghêu sò nhặt đâu đó từ ngoài bãi biển.

Người thông dịch nói như hét:

– Ai biết tiếng?

Không có tiếng trả lời.  Anh ta quay qua nói líu lo tiếng Tàu với người cảnh sát rồi quay lại “thông dịch” với cái giọng tạp-pí-lù Chợ Lớn:

– Mậu xức coỏn. Mậu hẩu! Hổng piết nói tiếng Tàu là hổng tốt!

Một cảm giác sờ sợ cùng với tâm lý muốn yên thân làm mọi người vẫn im thin thít.  Tôi nghe như chuyện ai nói với ai, xa lạ, chẳng dính líu gì tới mình.  Đầu óc đặc quánh, thèm một miếng gì để ăn và thèm một chỗ kê lưng nằm ngủ.

          Tất cả đều ngỡ ngàng khi nghe tiếng xích sắt khóa kín hai cánh cửa duy nhất của căn phòng.

Cái giá của tự do thường phải trả khi đã mất tự do thường thật đắt!

Tôi đang nằm lơ mơ bỗng choàng tĩnh dậy khi có cây gậy ngang ngược nào đó gõ vào vai.  Đứng đó, trước mắt tôi, là một nữ trung úy cảnh sát người Tàu mang sắc phục cảnh sát Anh với bảng hiệu tên “Chan”.  Cô ta nói tiếng Anh, giọng Tàu đặc sệt:

–  Ê! Mầy nói được tiếng Anh thì làm trưởng phòng.

Tôi lúng túng hỏi lại:

– Tôi có thể làm gì với nhiệm vụ của một trưởng phòng?

Cô ta trả lời như đấng tối cao ban lệnh, tôi nghe tiếng được tiếng mất.  Đại khái như “giúp” những người trong phòng đừng phóng uế bậy bạ, kêu cảnh sát khi có người chửi lộn hay uýnh nhau, ngăn không cho con nít hay người lớn ở truồng đi loanh quanh trong phòng… và những nhiệm vụ linh tinh nào đó mà tôi cũng không rõ cụ thể phải làm ra sao.  Mãi đến về sau này, tôi mới học được từ hiện trường công tác rằng, quyền uy lẫm liệt và vinh quang nhất của một gã trưởng phòng như tôi là khỏi bị “xính xáng” (nam cảnh sát) hay “cu lường” (nữ cảnh sát) đá giày vào ống quyển nếu lỡ trong giờ điểm danh mà còn đi loạng quạng, chưa kịp ngồi co giò trên cái giường ba tầng chờ đếm số!

Nam Bắc

Vào trại cấm được hai hôm, một buổi sớm tôi nghe có phái đoàn Cứu Thế Quân (Salvation Army) và ông “Mỹ Mập” từ đất liền ra đảo thăm trại.   Tôi gặp ông Mỹ Mập ngoài sân trại và đánh liều đến “bắt quàng” chào hỏi.  Đó là ông Sheldon Crutchfield, một nhà hoạt động từ thiện Mỹ đã nhiều năm giúp các trại tỵ nạn người Việt ở Hồng Kông.  Mới trao đổi vài ba câu chuyện nhỏ, ông “mướn” tôi làm thầy giáo dạy tiếng Anh trong trại mà không cần điều kiện gì cả.  Tôi bằng lòng, nhưng nói với ông ta rằng, tôi chỉ có độc nhất cái quần đùi thì làm sao mà lên lớp cho được.  Ông ta nói không sao, cứ ở trần mặc quần xà lỏn lên lớp dạy tạm một tuần rồi ông ta sẽ trở lại mang áo quần và giày dép đến cho.  Vì chưa hề nghe giáo sư nào xưa nay có tâm hồn nghệ sĩ đến mức ở trần mặc quần đùi lên lớp dạy học trò, nên tôi nói với ông ta là tuần sau sẽ bắt đầu dạy, nhưng ông ta nói là muốn tôi bắt đầu ngay vào ngày mai.  Vì quá cần nhờ ông ta gởi một điện tín về Việt Nam báo tin là chúng tôi đã đến Hồng Kông an toàn cho mẹ tôi và đại gia đình bên đó khỏi nóng lòng nên tôi không còn sự chọn lựa nào khác hơn là phải chấp nhận lên lớp không áo quần (thích hợp).

Hôm sau, sau bữa ăn sáng, nhà ăn tập thể của toàn trại biến thành lớp học Anh Văn.  Gần giờ lên lớp, nhìn lại cái quần đùi của tôi đã bị nắng gió biển Đông cọ xát thành mỏng manh đến độ… đáng ái ngại, nên mượn tạm cái áo của một người trong phòng để mặc vào.  Vì hầu như mọi người đều chung cảnh ngộ là “một quần, một áo, một… mình ên” nên tôi không thể mượn quần của ai được.

Lớp học Anh Văn đầu tiên của tôi đông không còn trống chỗ ngồi.  Học viên là những người từ tóc bạc đến vị thành niên.  Từ phía bảng đen nhìn về phía người theo học, dáng hăm hở và ánh mắt khát khao học tập của họ làm tôi bị cuốn hút vào vai trò thầy giáo, quên đi và cũng chẳng để ý có ai cười không về đôi chân trần không giày dép và cái quần xà lỏn của mình.  Đã năm năm rời bục giảng, lặn lội làm đủ nghề vinh nhục ở quê nhà, hôm nay tôi được trở về cầm viên phấn trở lại.  Người giáo sư được sống trong không khí lớp học, cũng như người nghệ sĩ trình diễn đứng trong ánh đèn màu sân khấu, tôi xúc động đến nghẹn ngào.

Trên hòn đảo Chimawan cách xa biền biệt đất liền, hàng nghìn người Việt Nam đủ cả 3 miền Nam Trung Bắc chực chờ từ ngày nầy qua tháng nọ trong vòng rào lưới thép, đợi tới lượt tên mình được kêu trên giàn loa phóng thanh đi “tiếp kiến phái đoàn”.  Những ước vọng, hy vọng, thất vọng và có lúc tuyệt vọng cứ nối đuôi nhau chạy vòng quanh với sóng biển bên ngoài.

Dù không ai dám đợi, nhưng mùa Xuân vẫn đến.  Những ngày tháng chạp với cái lạnh mù sương trên đảo cấm báo hiệu mùa Tết sắp về.  Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận một cách xót xa thế nào là nỗi buồn xa xứ.  Và cũng là lần đầu tiên, đọc trên đôi mắt, giọng nói, tiếng thở dài… tôi  tìm ra một điểm chung của người Việt:  Đó là nỗi lòng “nhớ Tết”.  Tết nhắc nhở tình quê hương, làng xóm, gia đình, người thân, bạn bè, phố chợ mà tất cả đã thành một quá khứ thương nhớ quặn lòng.

Trong cái không khí xuôi giòng ngày lại ngày đó, bỗng có một luồng gió mới đến và mở những cánh cửa tù ngục của tâm hồn.  Văn nghệ Tết! Văn nghệ Mừng Xuân!  Tất cả hầu như trẻ lại. Và rồi trong mấy lớp học, trong các phòng nầy, phòng kia, phòng nọ… rộn lên một nỗi niềm “vọng Mùa Xuân”.

 Với tinh thần tập dợt văn nghệ bắt đầu lan rộng.  Lực lượng cảnh sát cai tù được tăng cường khá rầm rộ.  Tôi lại phải bỏ nhiều buổi dạy để làm công việc thông dịch cho cảnh sát. Từ tướng Robert Stinger, sĩ quan tham mưu cao cấp của phía toàn quyền Anh, đến Wu Ng. viên thiếu tá tổng chỉ huy lực lượng an ninh trên đảo đều tỏ ra nơm nớp lo sợ.  Họ sợ sự nổi loạn của quần chúng thì ít mà sợ sự xung đột bạo hành giữa hai phía người Việt miền Bắc và miền Nam là chính. Ngay trong hai lớp Anh văn buổi sáng và chiều do tôi dạy, số học viên Bắc Nam cũng gần xấp xỉ nhau.  Nhưng trong lớp, tôi chưa thấy dấu hiệu Bắc Nam xung đột nhau một cách đáng chú ý.

Người miền Bắc cũng như miền Nam đều vui vẻ tình nguyện tham gia văn nghệ Tết.  Cũng có nhiều màn vũ dân tộc các diễn viên Bắc, Nam hợp tác tập dượt và sẽ trình diễn với nhau trên sân khấu.

Càng gần ngày trình diễn văn nghệ thì sự kiểm soát và nhòm ngó của cảnh sát càng gắt gao.   Chương trình văn nghệ mừng Xuân dự trù khai diễn vào đêm 28 Tết.  Sáng 25, tôi đang dạy trong lớp thì bị kêu lên văn phòng Trại.  Nơi đó đã có sẵn hai viên đại diện cục an ninh người Anh và nhiều chức sắc người Tàu.  Tôi được thông báo một cách vắn tắt là mấy tuần qua hai phe Nam Bắc thuyền nhân Việt Nam đã nổi lên đánh nhau tại nhiều trại ở Hồng Kông với 12 người chết và 45 người bị thương.  Vì tình trạng xung đột nầy, họ yêu cầu tôi thông báo lại là cấm mọi sự sinh hoạt tập thể chung giữa hai khối người Nam Bắc.  Do đó, chương trình Văn nghệ mừng Xuân phải hủy bỏ.   Hình dung những khuôn mặt tiu nghỉu của anh em muốn nhúm một bếp lửa mùa Xuân cũng không được, tôi lắc đầu trả lời rằng, mình chỉ là một thầy giáo dạy tiếng Anh, không muốn dính líu vào chuyện khác.  Lát sau các trưởng phòng được mời lên để tham khảo ý kiến.  Không một ai chịu rút lui chương trình văn nghệ.  Tôi giải thích rằng đây là một sinh hoạt truyền thống thiêng liêng của người Việt trong dịp đón Xuân và khẩn khoản yêu cầu không nên hủy bỏ đêm văn nghệ.  Các viên chức người Tàu thì khăng khăng không thay đổi ý kiến, thậm chí ông Ng. còn đem quyền uy ra dọa non, dọa già là ông sẽ đề nghị cao ủy Liên Hiệp Quốc trả những thuyền nhân tại Chi-Ma-Wan về lại Việt Nam; trong khi hai nhân vật người Anh, có lẽ “văn minh và dân chủ” hơn nên ngồi trầm ngâm và sau cùng hứa sẽ “xét lại”!

Hôm sau, tôi lại bị kêu lên văn phòng.  Phía chính quyền trại muốn tôi dịch ra tiếng Anh từng chữ một nội dung chương trình văn nghệ. Nguyên một nửa chương trình văn nghệ bị cắt vì họ không muốn buổi văn nghệ kéo dài quá sau 9 giờ tối.

Như có một chút gì oan nghiệt còn vướng vất trên thân phận của những người anh em xa xứ,  không ngớt nhìn nhau với đôi mắt xa lạ và tâm trạng hoài nghi.  Một nửa chương trình văn nghệ bị cắt, tôi biết hòa điệu làm sao để những mục trình diễn văn nghệ giữa hai khối Bắc Nam cân đối và hợp tình.  Một mồi lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả khu rừng.  Một phản ứng bất mãn Bắc Nam rất có thể gây ra nguy cơ bạo hành đẫm máu.

                                                

          Chiều 30 Tết.  Phần ăn thường nhật của mỗi người được tăng thêm một miếng lạp xưởng. Thế nhưng tôi vẫn nuốt cơm không vô vì lo lắng.  Nhìn quanh phòng ăn, tôi bắt gặp vài ba nụ cười của những học viên trong lớp.  Mắt tôi đậu hơi lâu trên những học viên miền Bắc, tuổi từ thiếu niên đến lão niên.  Đây có vẻ là những thành phần nhạy bén và có uy tín trong tập thể người miền Bắc.   Có ai trong những khuôn mặt quen thuộc đó đang tính toán gì chăng.  Chỉ còn 2 giờ phù du nữa là cuộc trình diễn văn nghệ khai mạc.

          Đúng 7 giờ, hội trường vốn là nhà ăn tập thể đã không còn chỗ chen chân. Tôi giới thiệu chương trình mà nghe giọng mình hơi run.

          Tiết mục thứ nhất bắt đầu.  Màn mở.  Tôi đứng sau cánh gà nín thở.  Vốn đã quen mắt mà tôi vẫn bỡ ngỡ ngạc nhiên trước khung cảnh uy nghi của sân khấu.  Trong ánh đèn màu do anh em chế biến một cách mờ ảo, mấy chục người sắp thành hình bán nguyệt.  Nét xơ xác, ưu tư đợi chờ như tạm lắng xuống để thay vào đó là những tia nhìn lấp lánh điểm nụ cười.

          Tiếng đồng ca mở màn gợi tình yêu tổ quốc như một thông điệp vọng hưởng từ trái tim.  Lời ca vang lên như đã đợi chờ bao nhiêu năm bùng ra không gì cưỡng nổi.  Tiếng hát vươn dậy như một mồi lữa cháy; lữa thắp trên từng cửa miệng; lan ra xa cho đến khi hàng ghế viên chức hàng đầu của trại cũng lặng người theo dõi. Sự xúc động vô hình không phải chỉ xuất phát từ tiếng hát, lời ca nồng cháy mà còn là sức hút từ vọng âm cuồn cuộn của những tâm hồn.  Chấm dứt! Một khoảnh khắc im lặng.  Sự im lặng nghe trong lòng bão nổi.  Từ góc trái sân khấu, tôi nhìn quanh.  Lễ khai mạc đã xong.  Không có chuyện gì xảy ra. Đẹp quá.  Tôi nhìn sâu vào những đôi mắt long lanh mà muốn nói lời cám ơn từng sợi tóc.  Nhưng biết nói với ai đây, khi bản thân tôi cũng chỉ là sợi tóc trong vầng tóc tha hương phất phơ trong một đêm 30 Tết.  Lần đầu tiên tôi biết thế nào là nỗi xót xa, gợi nhớ của một mùa Tết quê người.  Nơi đây, thiếu vắng tình quê hương, không rộn ràng chuẩn bị, không mời gọi đón đưa; không trừ tịch, không giao thừa, không bánh mứt… nên cũng mất đi cái hồn thiên cổ của một ấn tượng thiêng liêng có tổ tiên về ngự giữa lời khấn nguyện trong khói hương trầm.

Đánh sò

Sau gần một năm từ trại cấm Chi-Ma-Wan, Hồng Kông; chuyển sang trại chuyển tiếp (Transitional Camp) Bataan, Phi Luật Tân, tôi đến định cư tại Mỹ vào mùa Tết đúng một năm sau.

Tôi lại thấy nao lòng khi đang ở giữa Thành Phố Baton Rouge, tiểu bang Louisiana, miền Đông Nam nước Mỹ, lúc 10 giờ sáng ngày 29 Tết và một người bạn nhắc nhở: “Bây giờ đúng là phút Giao Thừa bên quê mình!”.  Điều mĩa mai đầy thú vị là tôi đang đi sắm đồ chuẩn bị ra khơi.  Ra khơi lần nầy không phải đi vượt biên sang xứ Mễ mà là để đi đánh cá ở vùng biển vịnh Mễ Tây Cơ. Phải nói là “Đánh sò” mới đúng.  Có lẽ tôi là một trong những người Việt hiếm hoi đi làm nghề “Đánh sò” trên đất Mỹ.  Đánh sò theo nghĩa đen và làm ăn nghiêm túc đúng theo thuyết chính danh của đức Khổng Tử dạy đàng hoàng, chứ không phải là theo chân Trùm Sò trong Nghêu, Sò, Ốc, Hến… !

Bất luận ở Việt Nam làm nghề gì hay làm thinh chuyên nghiệp thì những ngày đầu mới qua Mỹ cũng phải thử lửa ít nhất là từ thất nghiệp dương “bảy nghề” đến thất nghiệp âm “không nghề”.

Ngày đầu đến Mỹ, anh Trần Huệ, người dứng đầu trong nhóm bảo trợ cho gia đình tôi đã nửa đùa nửa thật nói rằng: “Đến nơi đây đất nước lạ lùng, chú em cần biết hai điều, ở Mỹ khó nhất là đói và khó nhì là làm giàu!”  Cả hai điều “khó” đó tôi đều không màng vì lẽ đối với cái “khó”thứ nhất, không đói thì no chứ có gì để mà quan tâm lo lắng.  Còn cái khó thứ hai là làm giàu thì tôi cũng chẳng màng vì tự biết mình đi đứng hấp tấp, nhất là khi chạy bổ nhào xuống ghe ra khơi, nên có số gian nan như cô bé đi chùa Hương thuở nọ e ngại là “Ngại chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu”.   Đã biết làm giàu không được thì bon chen để mà làm gì nữa cho nhọc nhằn phiền muộn.  Cho nên tôi là người tự do ở ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp vì không lo đói, không nghĩ tới làm giàu.  Nhưng những ngày thong dong tư tại đã qua mau.  Xứ Huê Kỳ không phải là vùng đất hứa cho một tinh thần triết lý hưởng nhàn an nhiên tự tại mà là một thao trường sôi nổi cho ý chí hành động.

Trong số những người bạn mới quen thường hay lui tới, Tài là một chủ thuyền đánh cá có hai chiếc tàu đánh tôm.  Nghề đánh tôm ở Mỹ phải đợi tới mùa mở hồ mở bãi mới được hoạt động.  Trong mấy tháng chờ đợi, có công việc đánh sò là thích hợp với loại tàu cở nhỏ như tàu của Tài.  Tài rủ tôi theo tàu đi đánh sò.  Tôi đồng ý ngay.  Thế là cùng với anh em, tôi lên đường theo tàu của Tài ra khơi.

Biloxi ở vùng biển phía Đông Nam của tiểu bang Mississippi được xem là một “Thủ đô Sò của Thế giới” ( Oyster Capital of the World).  Chín mươi bảy phần trăm sò kỹ nghệ của nước Mỹ đến từ vùng biển Mississippi.  Từ bãi neo thuyền tại vùng bến bãi thành phố Biloxi, tàu đánh sò phải đi về phía hướng Đông chừng ba tiếng đồng hồ mới đến được hải đảo tập trung neo tàu chờ đánh sò.  Đêm đầu tiên ra khơi, tàu đi chưa được một giờ thì sương mù xuống dày đặc đến mức hai người đứng cách nhau chưa tới một sãi tay thì đã không nhìn thấy rõ mặt nhau.  Tuy tàu có hải đồ và radar nhưng vẫn không định hướng được.  Chỉ còn phương tiện duy nhất là bắn súng để người trên đảo neo tàu trả lời.  Rồi nương theo tiếng vọng của súng nổ mà định hướng.  Tàu đến được bến trên đảo thì trời đã khuya.  Đêm đầu tiên nằm ngủ trên tàu neo ở đảo, nghe tiếng gió thổi vi vu qua hàng cây, nghe tiếng sóng vỗ triền miên vào mạn tàu, cảm giác bềnh bồng trôi nổi theo sự lắc lư của con tàu vừa hoang liêu, vừa u buồn thăm thẳm.

Trời mới hé sáng, đoàn tàu đã chuẩn bị rời bến.  Đánh sò, mỗi chiếc tàu chỉ cần có 3 người:  Một lái tàu và hai lao động.  Tôi là một trong hai người lao động.  Nhiệm vụ của người lao động như tôi là đứng vững suốt ngày trên phần cuối của sàn tàu, nơi đó có đặt sẵn một cái cào sò (oyster dredge) trông giống như cái thùng xúc đất của một chiếc máy cày cỡ trung bình ghép bằng những thanh sắt.  Chiếc cào sắt nặng khoảng chừng 100 ki lô kéo bằng trục giây “cáp” gắn với một bánh xe cuốn  điều khiển bằng hệ thống hydrolic.  Hai lao động đánh sò chỉ có hai động tác chính là khi giây cáp buông chùng thì nhắc bổng và quăng cào sò xuống biển, sau chừng mỗi 15 phút giây cáp cuốn vào trục quay, kéo cào sò lên phía đuôi của sàn tàu.  Cào sò mang theo đủ loại linh tinh dưới đáy biển: Bùn đất, cua, tôm, cá, đá sỏi, vỏ sò, san hô, rong rêu và sò.  Nhiệm vụ của hai người lao động là lựa và hất tất cả các thứ kéo lên về lại xuống biển, chỉ chừa lại những con sò sống và bỏ vào bao.  Loại sò Mỹ (American oyster – Crassostrea virginica) là loài “lưỡng tính luyến ái”.  Mỗi con sò đều có thể là đàn ông hay đàn bà và nếu muốn thì sẽ có khả năng tự mình đổi giống.  Nếu con người cũng “lưỡng tính” được như thế thì nhân loại có khả năng tiết kiệm bớt một nửa nỗi ưu tư của đời sống vợ chồng và tiết giảm được hai phần ba sự làm việc quá đà của xúc cảm và trái tim.  Sò Mỹ còn “mắn con” gấp triệu lần bà Âu Cơ.  Một con sò mỗi lần sinh nở có khả năng đẻ ra 100 triệu trứng và sinh nhiều lần trong năm.  Sò một tuổi là sò đủ lớn, ăn được.

Giống sò Mỹ vỏ xù xì như những tảng đá vôi thời tiền sử, thường dính chùm nhau lại thành một tảng sò có khi lên tới cả chục con sò riêng lẻ.  Sò đánh bắt phải đủ độ lớn tối thiểu theo luật lệ ban hành ( 3 inches là độ lớn tối thiểu hợp pháp tại Mississippi).  Bắt sò con nhỏ hơn quy định sẽ bị phạt và thâu bằng hành nghề.

Sau lớp vỏ thô là lõi của những con sò bụng trắng như sữa và mình trong như đông sương.  Sò tươi thường được người Mỹ vắt chanh và rãi chút muối rồi ăn sống.  Với những người đánh sò thì ăn ngay khi vừa mới bắt lên không cần tiêu muối.  Lần đầu tôi có cảm giác ghê ghê khi ăn sò sống, nhưng về sau, ăn sò sống ngay trên tàu khi vừa mới đánh lên cũng có một hương vị đặc biệt và sự thú vị riêng của nó.  Theo sự thăm dò rộng rãi thời đó thì khoảng 90 phần trăm dân Mỹ thích ăn sò sống.  Trong đó, sự phân bố theo giới tính là 70 % nam và 20 % nữ và Mỹ trắng (Caucasian) chiếm 76% tỷ số những người thích ăn sò sống .

Sò đánh được trong ngày bỏ thành bao và chất lên tàu, chiều về bến đã có tàu buôn của các công ty hải sản từ đất liền ra chờ sẵn để mua.  Bán hàng xong, tàu con đánh sò nhẹ gánh phủi tay về bến nghỉ đêm, chờ ngày mai đánh tiếp.  Mỗi chuyến ra khơi đánh sò thường kéo dài từ một tuần đến nửa tháng.

Ngài khơi Biloxi có nhiều đảo nhỏ như đảo Đậu (Petit Bois island), đảo Sừng (Horn island), đảo Mèo (Cat  island)…… Nơi chúng tôi neo thuyền chờ đánh sò là đảo Mèo, thời Pháp thuộc tên đảo là Bourbon.

Những đêm sóng lớn, tàu neo trên đảo Mèo lắc lư, chòng chành không ngủ được, anh em lại thức khuya rủ nhau ngồi nhậu, đàn hát vu vơ.  Những lần như thế tôi lại nhớ những ngày ở đảo Chi Ma Wan.  Trong trại cấm Hồng Kông bị bó buộc đủ điều nhưng đó là nơi khá an thân để tự học hành và suy tưởng.  Từ trong cảnh cấm đoán, niềm hy vọng tràn trề về một ngày sẽ được định cư làm cho tinh thần con người thoát ra khỏi vòng rào kẻm gai để phấn chấn bay lượn quanh những vùng trời mơ ước.  Nhưng những đêm neo thuyền trên đảo để chờ ngày mai ra khơi đánh sò tiếp tôi cảm thấy cô liêu và buồn thắt ruột.  Ra đi đến một vùng trời khác, sau những chuyến đánh sò kiếm chút tiền bạc qua ngày, tôi vẫn thường băn khoăn tự hỏi đời mình sẽ trôi theo những phương nào chưa thấy hướng.

Rồi những ngày nhớ đời lại đến.  Đã qua ba ngày liên tiếp, buổi sáng trời trong xanh với nắng vàng rực rỡ, nhưng sau giờ ngọ trời trở nên u ám với mây mù bao quanh cả vùng trời biển mờ mờ như chiều tối.  Đợt cào nào cũng vớt lên đầy cả cá đuối to như những lá sen làm chúng tôi mỏi chân rã rời vì phải liên tục đá cá xuống biển.  Buổi chiều thứ ba, trời bỗng nhiên sáng quắt và trong xanh. Nhìn về hướng đông, tôi thấy một chấm đen như mực vừa mọc lên ở chân trời sát mặt biển.  Tôi nghe tiếng Tài hét lên từ phía phòng lái át cả tiếng máy:

– Chết rồi anh em ơi!  Gió giông!

Chỉ trong một khoảnh khắc, chấm đen ở phía chân trời to bằng cái nón.  Vòng đen lớn lên nhanh một cách khủng khiếp và che kín một góc trời.  Rồi cả một vòm mây đen nghịt che phủ bầu trời và chụp xuống với những luồng gió lạnh buốt thổi tung cả mặt nước.  Từng lượn sóng to như ngọn núi từ đâu cuồng lên bổ vào thân tàu nước tung cao quá đầu rót vào thân tàu.  Chiếc tàu chao đảo như chiếc lá tre khô trong cơn lũ.  Tôi bị ném từ thành tàu bên nầy, vật qua bên kia lăn lóc.  Gió bão cuồng lên điên loạn và kinh hoàng tới mức đầu óc tôi trống rỗng không còn nhớ ra một câu, một chữ để cầu nguyện như những đêm gió bão trên chiếc ghe mành ở ven đảo Hải Nam.  Không còn nhớ bao lâu nhưng cơn bão biển đến rồi đi khá nhanh.  Gió yếu dần rồi lặng phắt, trời trong xanh trở lại.  Tàu vội vã trở về đảo neo bến.  Tin có 4 tàu chìm, 5 người chết và mất tích.  Đoàn tàu tả tơi đã tìm về bến, nhưng không khí rã rời và buồn bã quyện lấy buổi chiều.

Hôm sau Tài quyết định quay tàu về bến Biloxi và neo tàu ở đó đợi mùa đánh tôm năm sau.  Nhóm anh em đánh sò trong hai chiếc Tàu của Tài gặp nhau lần cuối ở thành phố biển Biloxi.

Cũng như những thủy thủ xưa nay mỗi lần tàu về bến.  Chúng tôi chia tay nhau bên tiệc rượu tàn canh với sự hiện diện của những người đàn bà chuyên nghề mua bán cuộc tình nửa tỉnh nửa say sau nửa đêm về sáng.

Sự vinh quang và nỗi khổ nhục thường khác nhau bên nầy hay bên kia, nhưng có những mảnh thời gian ngắn ngủi thuê mướn đời nhau để sống lại chẳng có gì khác lạ.  Hễã ở đâu có bóng dáng con người thì ở đó đều có sự biểu hiện rất giống nhau về luyến ái. Trước khi Tài và những người anh em trẻ thức dậy để đón một ngày mới chưa biết về đâu, tôi ra bãi tìm chiếc xe Station Wagon của mình, men theo xa lộ Đông Tây số 10 về lại Baton Rouge.  Gió rất lạnh nhưng tôi không quây gương đóng kín cửa xe.  Tôi cần thêm một ít sương gió để giúp mình tỉnh táo, mở mắt nhìn cho rõ hướng đi.  Con đường vượt biên năm trước và xa lộ đang đi bằng phẳng là thế mà sao lòng tôi vẫn cứ gập ghềnh cưu mang những con đường chưa rõ hướng đi cho một tương lai nơi quê người.  Một mình một ngựa sắt trong đêm.  Đi giữa trời rạng sáng bên nầy mà tôi cứ nghĩ đến mùa Đông bên kia trời quê hương chắc giờ nầy đã tối.

Bài viết liên quan