LÀM CỎ

SI Exif

Đi Tây…

Có quay qua quay lại hoài thì cũng vẫn không thoát ra khỏi chiếc ghế đơn điệu đã bị gắn chặt trên sàn. Cả sáu phía, trên, dưới, trước, sau, phải, trái đều bị giới hạn. Tôi có cảm giác thiếu thỏai mái như khi bị ngứa sau lưng mà với tay không tới để gãi. Gần một ngày một đêm bó gối không biết làm gì, tôi bèn… suy tư về cái chủ đề liên quan đến thân thế của con người trên máy bay.  Từ đó tôi mới lơ mơ khám phá một nếp sống tương cận, đó là nếp sống ở đò. Tôi lớn lên ở đồng quê.  Tuổi hoa niên chạy nhảy theo những con đường làng, sông, hói, bờ ruộng.  Đôi khi ngồi trên bờ sông, cảm thấy ngứa ngáy chân tay khi ngoắc tay với sáp nhỏ cùng tuổi sống ở trên đò. Tôi lo giùm cho tụi nó.  Lo bị rớt xuống sông uống nước no quá! Chết. Lo ông già uống rượu say vác dao rượt bà già không có chỗ trốn. Nguy! Lo không biết tìm đâu ra tổ chim chiền chiện trên cây. Buồn! Lo chẳng biết có đứa nào đã từng biết đá banh, chơi ù mọi, cút tìm… như lũ trẻ chúng tôi trên đất liền thường có không. Nghĩ không ra một chân trời thỏai mái cho tụi nhỏ ở đò, tôi hỏi mẹ thì được mẹ tôi khuyên là “đừng có ở đó mà lo chuyện voi chết không hòm!”

          Bốn chục năm sau tôi lại ngồi trên chiếc “đò bay”.  Đò bay qua ngày, thâu đêm trên mây.  Mạng sống của hơn ba trăm người tùy thuộc vào hai ống phản lực chạy rì rầm trên chót vót đỉnh trời. Không biết từ dưới mặt địa cầu dưới kia, có đứa trẻ nào như tôi ngày xưa “lo voi chết không hòm” cho những người ngồi bó gối trên nầy?

          Suốt chuyến bay dài từ Manila đến San Francisco, tôi không tài nào chợp mắt được một phút.  Không hiểu ngày xưa thế hệ đàn anh khi “đi Tây” có mảnh suy nghĩ và cảm xúc nào giống như chúng tôi hôm nay không.  Tôi lẩn thẩn tự hỏi và tự trả lời trong lặng im.

Rời Manila, sau 18 giờ bay, chiếc Boeing 747 của hảng Pan-Am vào vùng trời nước Mỹ trong cảnh rạng đông của phi trường San Francisco.  Bình minh đầu thu phơn phớt nhuộm hồng vùng vịnh San Francisco.  Trời, nước và ráng mây sớm mai chiếu ánh sáng long lanh màu tím nhạt.  Từ sau ô cửa máy bay nhìn xuống, cả biển nước óng ánh như những giải thiên hà trong đêm.  Vẻ bình yên và khoáng đạt của xứ sở nầy gây ấn tượng đầy xúc động và niềm hy vọng dạt dào trong tâm hồn người mới đến.

Khung cảnh rộn ràng đầy màu sắc của hành khách tứ xứ nơi phi trường cửa ngõ Thái Bình Dương đi vào đất Mỹ nầy làm choáng ngợp những người lần đầu đến đây từ nhiều vùng đất xa vời từ khắp nơi trên thế giới.

Ra khỏi phi trường, trời San Francisco vào cuồi mùa Thu lạnh cóng.  Mỗi người được phát một chiếc áo ấm để mặc, ngồi đợi chuyến bay kế tiếp.  Trên vùng đất mới, tôi chỉ biết được vỏn vẹn cái tên Dallas và Baton Rouge quá lạ lùng trong lịch trình chuyến bay với nỗi ngỡ ngàng và lo lắng chưa biết số phận sẽ đưa mình về đâu…

Máy bay đáp xuống phi trường Baton Rouge lúc 10 giờ đêm. Bên ngoài khung cửa sổ máy bay, bầu trời tối đen như mực.  Chỉ có những hàng đèn sáng lập lòe trên phi đạo định hướng cho bước lưu dân sắp tới.  Nhìn dáng rũ rượi vì mệt mõi của những người trong gia đình sau chuyến bay quá dài ngày tôi bỗng đâm lo.  Không biết khuya khoắt thế nầy có ai nhớ để ra sân bay đón mình không.  Và người cưu mang gia đình mình đêm nay sẽ là ai?  Ông Tây, bà đầm, Mỹ đen, Mỹ trắng, kẻ hảo tâm, nhà từ thiện… hay chẳng có ai. Tôi rời ghế, dắt díu gia đình đi theo đoàn hành khách trong nỗi hy vọng lẫn ưu tư về một cuộc đời mới đang chực chờ hiện hình trước mắt.

Vừa ra khỏi vòng thang máy bay, tôi ngẩn ngơ vì có nhiều người Việt Nam chưa quen biết đang tươi cười chờ sẵn để đón. Tôi bỡ ngỡ vì chưa biết tại sao mình lại có được hân hạnh nầy.  Một vị lớn tuổi cho biết là gia đình tôi được một nhóm người Việt đến trước bảo trợ và giúp đỡ như một công tác xã hội từ thiện.

Thành phố Baton Rouge là đất lành nhưng chim không đậu được vì tôi đến Mỹ vào thời điểm 1983, tỷ số thất nghiệp lên tới 8.5 nên rất khó tìm việc. Ngược với truyền thống Á Đông, người Mỹ phải “lạc nghiệp” trước đã rồi mới đến “an cư”.  Trên thành phố thủ phủ Baton Rouge của tiểu bang Louisiana, dù tôi đã an cư và sống chan hòa với tình người, tình bè bạn, nhưng vì không “lạc nghiệp” được nên cuối cùng, rồi cũng phải chia tay qua tiểu bang California tìm một hướng sống khác.

Mỹ là đất nước của một hợp chủng tứ xứ di dân từ khắp nơi trên thế giới.  Tất cả mọi người thuộc thế hệ di dân thứ nhất trên đất Mỹ đều có một điểm chung về bản sắc.  Đấy là bóng dáng của quê hương cội nguồn còn đậm nét trong tâm thức, bên cạnh một đất nước mới cần phải phấn đấu vươn lên để sống còn và lập nghiệp.  Có hàng mấy trăm nhóm chủng tộc của thế giới đang chung sống trên đất Mỹ, trong đó, Việt Nam là một trong 20 nhóm chủng tộc châu Á có truyền thống lịch sử, ngôn ngữ và văn hoá hoàn toàn khác nhau.  Bởi vậy, Mỹ còn được gọi là vùng đất của cơ hội (Land of opportunity), nhưng có biết nắm cơ hội đúng tầm, đúng lúc và đúng chỗ để tiến tới thành công hay không là còn tùy thuộc phần lớn vào bản lĩnh của cá nhân và ý chí kế thừa của từng nhóm dân tộc.  Sự nổi bật ngang tầm của người Nhật, người Tàu, người Việt, người Đại Hàn trong tập thể các sắc dân châu Á về mọi mặt trên đất Mỹ là niềm tự hào dân tộc mà khi còn ở quê nhà tôi chẳng buồn nghĩ tới.  Khái niệm mang nặng tính tiêu cực và mặc cảm tự ty như khái niệm “nhược tiểu” trước các sắc dân khác không có lý do tồn tại đối với thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài.

Thế hệ thứ nhất của người Việt định cư trên đất Mỹ đã tự xác định hướng vươn lên của con nhà nghèo.  Rất khác với lớp người di dân châu Á từ Trung Hoa, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Ấn Độ… là những người mang theo tài sản làm vốn kinh doanh từ bước đầu đến Mỹ, hầu hết người Việt Nam đến Mỹ với hai bàn tay trắng.  Tay trắng nhưng không chịu chấp nhận trắng tay trong công việc làm ăn sinh sống.  Người Việt đã không dừng lại trong công việc lao động giản đơn làm công ăn lương mà hầu như không sớm thì muộn, mỗi người đều tự phấn đấu hết mình để trở thành những người “chủ nhỏ”.  Hướng thuận lợi nhất để sớm trở thành những chủ nhỏ là đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề làm cỏ, làm móng tay, cắt tóc, phân phối báo hàng ngày.

Vấn đề còn lại đã làm cho nhiều người Việt Nam thao thức và trăn trở nhất là hai cái “có” gần trước mắt thường xuyên réo gọi và lọai trừ nhau không nhân nhượng: Có tiền hay có học.  Có của hay có danh.  Nên có tiền trước hay nên có kiến thức, bằng cấp trước?  Tùy sư lựa chon của mỗi người trong hoàn cảnh cụ thể của chính mình để tiến tới điều mong muốn.  Muốn có kiến thức thì vào trường hoặc là muốn có tiền thì kiếm đường làm ăn.  Riêng tôi thì “ dùng dằng nửa ở nửa về”, nghĩa là thích học nhưng không có gan làm hàn sĩ.  Gã tinh thần kéo vào trường; trong khi gã vật chất lôi ra ngoài bãi cỏ, nên tôi mới có cơ hội chạy bao sân.  Cái thú “chạy bao sân” trên xứ Mỹ đã mang đến những kinh nghiệm tuyệt vời.  Dưới ánh mặt trời, cắt một bãi cỏ xanh tươm tất trong khu vườn hay dạy một lớp đầy hứng thú trong giảng đường đại học đều mang cùng nghĩa sống như nhau. “Ra đi gặp vịt cũng lùa; gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu!”  Cái triết lý hành động của cụ Nguyễn Công Trứ nhà Việt Nam ta, cộng với tinh thần phá chấp thiền môn bỗng hứng chí gặp triết lý dấn thân của Hemingway nơi quê nhà chú Sam mà nẩy mầm, đâm rể.

Tôi sẽ ghi lại những kinh nghiệm tươi mới và nóng bỏng đầu tiên của chính mình trên đất Mỹ:  Nghề làm vườn hay nói gọn hơn là làm cỏ.

Làm cỏ

Nếu có ai hỏi tôi rằng, điều khó khăn nhất khi bước đầu đến Mỹ là gì, có lẽ tôi sẽ không ngần ngại để nói ngay rằng: “Đó là sự trở ngại về ngôn ngữ!”  Học toán, học nghề có thể lấy tháng, lấy năm để tính; nhưng học một ngôn ngữ mới, phải lấy cả một đời để đo cũng chưa đủ.  Tuy xuất thân cũng là thầy dạy tiếng Anh, tôi đã trang bị chút vốn liếng ngoại ngữ trước khi vào đất nước nầy, thế nhưng bước đầu đến Mỹ, đôi khi gặp Mỹ đen, Mỹ đỏ, Mỹ vàng nói âm lóng địa phương, tôi vẫn lâm vào cảnh “vịt nghe sấm” khi tiếp xúc với người bản xứ trong sự giao tiếp với đời sống thực tế.  Mỹ là nước hợp chủng nên người Mỹ “mở máy” ra là nói vi vu, không cần biết người đối diện qua Mỹ đã khổ sở tập uốn lưỡi mấy lần và đã ăn bao nhiêu bánh Hamburger để… luyện giọng, luyện tai nhưng vẫn mơ màng nghe gió thoảng bụi tre.  Hơn thế nữa, học ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là học tín hiệu mà còn là học về văn hóa, nên có lẽ dù cho suốt đời ở Mỹ, tôi vẫn không bao giờ có hy vọng có thể rong chơi với tiếng người một cách mượt mà và thoải mái, như đã hơn nửa đời tung tăng uốn lượn trong môi trường tiếng mẹ đẻ của mình.  Cùng với những người bạn thân thương đồng cảnh ngộ, chúng tôi tận dụng vốn liếng “survival English” (nói tiếng Anh để sống còn) của mình kéo nhau đi làm cỏ.

Đối với xã hội Âu Mỹ, vấn đề nhu cầu cơm áo đã được giải quyết một cách êm thắm và nhẹ nhàng nhờ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cùng với việc áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp từ đầu thế kỷ 20.  Xã hội chuyển hướng từ ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp.  Bởi vậy, ngành Kiến Thiết Hoa Viên (Horticulture) đã chiếm ưu thế so với ngành Nông Nghiệp (Agriculture) trong đời sống hàng ngày.

          Kỹ nghệ làm vườn đi từ thấp đến cao:

          – Làm Cỏ (Lawn Mowing):  Chỉ có việc cắt các bãi cỏ cho ngắn và nhổ cỏ dại trong các bồn hoa cây cảnh.

– Làm Vườn (Gardening) : Làm đẹp các bãi cỏ, trồng hoa, cắt, tỉa, xén cây và dọn dẹp sân bãi.

– Thiết Kế Hoa Viên (Landscaping):  Thiết kế, thực hiện và xây dựng cơ sở vật chất cho một khu vườn tương đối hoàn chỉnh.

Chỉ riêng thị trường bán vật liệu làm vườn và cây cảnh ở Mỹ thôi thì hàng năm cũng gần tới 50 tỉ đô-la (gần 2 lần tổng thu nhập của Việt Nam).  Các khuynh hướng và “trường phái” làm vườn ở Mỹ rất đa dạng nhưng vẫn gắn chặt với truyền thống thiên nhiên phương Tây.  Đó là ý niệm về con người làm chủ thiên nhiên, cây cảnh.  Trong lúc đó, quan niệm làm vườn phương Đông, xuất phát chủ yếu từ Trung Hoa và Nhật Bản, lại nhìn thiên nhiên, cây cảnh như người bạn, như môi trường hòa điệu thể chất lẫn tinh thần của con người.

          Quan niệm khác nên cách thức làm vườn cũng khác giữa Đông và Tây.  Công việc chăm sóc cây trong một khu vườn Mỹ chủ yếu là dời, chặt, cắt, xén; còn cây cảnh trong khu vườn phương Đông là ngắt, tỉa, tách, uốn, tạo hình.

Người Nhật và người Trung Hoa đã biến những khu vườn của mình thành một thế giới nhỏ, trong đó lý thuyết phong thủy, âm dương, ngũ hành được nâng thành một nghệ thuật rất cao.  Người Tây Phương cũng có một hệ thống lý thuyết làm vườn đặt căn bản trên sự phân bố màu sắc, giống cây và thế đất.  Dường như Đông và Tây đã gặp nhau trên vùng đất mới…!

Tư ø tấm giấy phép ít chục đô la làm cỏ nhỏ nhoi của thời “tiền sử làm vườn” của thời kỳ tôi bắt đầu tập tểnh Làm Cỏ trong những năm đầu thập niên 1980, một thập niên sau, những người Việt Nam đã tiến lên hàng Làm Vườn và Thiết Kế Hoa Viên với giấy phép cấp tiểu bang, có doanh thu không thua gì một cơ sở thương mãi hay một chuyên viên ưu tú, có tay nghề vững chãi.  Sức sống diệu kỳ của người Việt xa quê đã là những liều thuốc mạnh để chữa lành những vết tích do mặc cảm tự ty của tâm lý nghèo nàn và lạc hậu gây nên.  Chuyện Làm Cỏ gian nan trong cái thuở ban đầu “ít lưu luyến” ấy của tôi dần dần sẽ chỉ còn là chuyện kể của thế hệ thứ nhất, thế hệ người Việt tiên phong, với bàn tay cần cù và khối óc vươn lên, đã làm lại cuộc đời trên đất Mỹ nầy từ hai bàn tay trắng.  Tôi chỉ muốn kể chuyện Làm Cỏ của chính mình như gợi lại một vài kỷ niệm nhớ đời, vui buồn lẫn lộn.  Chuyện kể làm cỏ trong hoàn cảnh riêng mình của những năm đầu 1980, có thể làm cho những người anh em làm cỏ mới sau nầy, với vốn liếng ngôn ngữ phong phú và phương tiện hiện đại hơn không bắt gặp bóng dáng mình trong đó.  Cũng thế, người Mỹ trong những dịp lễ Tạ Ân – Thanksgiving – vẫn thích tẩn mẩn kể lại những câu chuyện vụng về, ngô nghê, gian khổ của lớp người tiền phong lập nghiệp nơi xứ nầy, từng được cứu đói bằng những miếng thịt gà Tây của người Da Đỏ cho không trong buổi đầu lập nghiệp.  Có ai nên khôn mà không chịu khốn đốn biết bao lần!

Mới hết ngày thứ hai đi chơi, tối về đã có điện thọai của một người bạn trẻ gọi từ San Jose nhắn tin khẩn cấp.  Tôi lật đật gọi về Cali thì nghe tiếng Ban đầy phấn chấn trong điện thoại.  Chàng thanh niên ba mươi tuổi nầy báo tin mừng rằng:

“Mấy ông ở dưới miền Nam Cali như anh Trần Thái Bình, Đào Pháp… theo gương mấy huynh đệ chuyên ngành hoa viên người Nhật, mở dịch vụ làm vườn rất ăn khách và thành công.”  Ban đốc thúc tôi mau mau về Cali để mở “job” làm vườn.  Ban vẽ ra một bức tranh đầy hứa hẹn rằng, với khả năng tiếng Anh sẵn có, tôi sẽ đi tiếp xúc với các chủ nhà để định giá, nhận việc cho một nhóm anh em đang sẵn sàng bắt tay vào việc.  Sự thành công chỉ còn là vấn đề thời gian.  Vừa tò mò mà cũng vừa hy vọng, hôm sau tôi bay về California.

Theo hướng dẫn qua điện thọai, tôi về Milpitas để gặp Ban và đội làm cỏ gồm có 5 người.  Người già nhất 61 tuổi và trẻ nhất 22 tuổi.  Có người muốn tìm một vận hội mới nơi xứ người. Có người từng làm trong các hãng xưởng của Mỹ chán thế sự hay muốn tự do hơn nên đang ở trong giai đoạn làm… thinh!  Người nào cũng tỏ ra am hiểu chuyện làm vườn một cách quyết đoán theo kinh nghiệm riêng của mình, nên thường cãi nhau tận tình những điều mà thật sự họ chỉ biết mơ hồ hay chỉ mới có dịp nhìn ngắm, ước lượng, suy đoán mà chưa có cơ hội đi vào thực tế.

          Trước hết, Ban đưa cho tôi một tờ giấy quảng cáo mẫu với hàng chữ tiêu đề lớn chạy dài từ mé trái qua hết mé phải của tờ giấy, giới thiệu tên của dịch vụ: “Oriental Gardening Services” (Dịch Vụ Làm Vườn Đông Phương).  Sát hàng chữ lớn có hàng chữ nhỏ hơn một chút: “5 năm kinh nghiệm làm vườn tại Hollywood”!  Tôi tá hỏa khi nhìn vào phần liệt kê các dịch vụ.  Từ việc cắt cỏ, ủi đất, bắt hệ thống nước tưới đến việc cắt cây, tỉa cây, trồng cỏ, làm sân bãi, hào lũy bằng gỗ hay xi-măng, cho tới các đề án xây dựng vườn hay tái kiến thiết vườn.  Nói tóm lại thì đây là một đại dịch vụ làm vườn tổng quát, từ thượng vàng đến hạ cám đều có khả năng làm tất, chẳng quên một thứ nào cả! Tôi sẽ là người có nhiệm vụ đi “estimate”, nghĩa là phải “xuống đường bắt khách”, trực tiếp giao thiệp với khách hàng để ước tính, định giá và nhận việc.

          Đọc qua hết các dịch vụ quảng cáo, tất cả đều hoàn toàn xa lạ đối với tôi.  Ngay cả những công việc tỉa cây căn bản nhất cho nghề làm vườn, tôi vẫn chưa hề có một khái niệm nào cả:  Đốn cây (removing), trồng cây (planting), đào gốc (stumping), tỉa nhánh (prunning), xén cây (trimming), bấm chồi (pinching), tỉa hình (shaping), phất ngọn (topping)… là những tên gọi cho những công việc chăm sóc cây cảnh mà tôi chưa từng nghe hay thấy.

          Ban và anh em trong đội làm vườn cho biết là đã tung giấy quảng cáo ra thị trường từ hồi sáng sớm hôm nay rồi.  Nghe đâu cái điện thoại có hệ thống nhắn tin đã reo lên nhiều lần trong ngày, nhưng không ai dám bắt vì sợ “không rành tiếng”.  Tôi đến mở cuốn băng nhắn tin của máy điện thoại và tìm được 21 lời nhắn để lại trong máy:  Bốn lời nhắn về việc rãi giấy quảng cáo không đúng chỗ.  Hai lời nhắn chất vấn là chúng tôi có Giấy phép Tiểu bang Cali cấp chưa mà dám quảng cáo làm vườn toàn cả “Big jobs”.  Ba lời nhắn nói chuyện tào lao lạc đề.  Còn lại 12 lời nhắn là yêu cầu “giám đốc” Dịch Vụ Làm Vườn Phương Đông gọi lại càng sớm càng tốt.  Gọi quanh một vòng, tôi chỉ gặp được có hai “mối” nhưng cuối cùng chỉ có một mối là sẵn sàng chờ đến  “Estimate” ngay trong chiều hôm ấy.

          Lần đầu tiên trên đất Mỹ, tôi đóng vai một người chủ doanh thương, dù đó chỉ là dịch vụ làm vườn cắt cỏ.

          Tất cả sáu người đều đòi đi theo “estimate” (lượng giá).  Tôi chưa biết phải làm gì cho đúng vị trí của mình.  Khách hẹn là một bà già, chủ một ngôi nhà vườn cũ. Bà cụ có vẻ hơi hoảng một chút qua lối mở cổng e dè khi nhìn thấy một toán đàn ông người Á châu tóc đen, nói tiếng gì không hiểu đang lố nhố tiến vào.  Tôi đi trước, khoát tay ra dấu cho anh em đợi và một mình đến gặp bà chủ nhà.  Hình như suốt mùa Đông bị cấm cửa trong nhà, không được tâm sự với ai, nay gặp được người đối diện, bà cụ nói bi bô cả chừng mươi phút một lèo không nghỉ.  Đại khái bà muốn vườn nhà bà được tổng dọn đẹp trong dịp đầu xuân.  Không cần nghe tôi thông báo chủ nhà muốn gì, nhóm anh em tỏa ra vườn trước, vườn sau, phát huy cao độ quyền tư do ngôn luận và bàn luận.  Bà cụ gìa thấy khí thế hăng say, cũng bước ra sân chỉ chỏ khắp vườn.  Anh em người thì chỉ bụi cây nầy vừa nói vừa ra dấu: “No good! Cut!… Không tốt! Cắt bỏ đi!”.  Người kia thì cố căng tai, nhíu mắt nghe bà già nói.  Anh ta gật đầu dễ dãi, miệng nói liên hồi nhưng bà nói bà nghe, anh nói anh nghe.  Vốn liếng học tiếng Anh của chúng tôi từ Việt Nam mang theo mới sử dụng được một phần ba vì chỉ nhận ra mặt chữ chứ phần phát âm và nghe vẫn còn lúng túng, lùng bùng trong buổi đầu “giao lưu văn hóa”.  Bà cụ lúc lắc đầu hỏi lại: “Nó nói tiếng Mỹ theo âm Tây phải không? Nghe nói người Việt Nam phần đông giỏi tiếng Pháp… !”

          Đến phần lượng định và đưa giá thì anh em càng leo thang tham gia ý kiến hăng say như bàn việc nước.  Người niên trưởng, vốn giàu kinh nghiệm với thương trường “một chục mười hai” nên đã cố vấn rằng: “Cứ nói thách cho cao để chủ trả giá là vừa!”  Cuộc lượng định giá cả diễn ra rất hào hứng.   Người thì đòi đưa giá 500; người khác lên giá 700, rồi đến 900 nhưng chưa ai đề nghi cao hơn hay lên tới 1000 đồng.  Tôi hội ý riêng với Ban và định giá là 690 đồng. Chủ nhà nhận giấy “estimate” khen nhóm làm vườn của chúng tôi “xuất sắc” và ân cần hứa là sẽ gọi lại. Lúc đó, tất cả anh em đều hy vọng tràn trề, nhưng càng về sau, càng hiểu thêm tâm lý người Mỹ là họ rất thực tế.  Hiến giá cũng có nghĩa là đấu giá. Những công việc lao động thủ công tay chân, người Mỹ tuồng như “dại” hơn người Việt mình.  Nhưng công việc càng cao cấp thì có vẻ như ngược lại.

          Gần nửa đêm, bà già chủ vườn gọi lại.  Bà hỏi nếu bà đồng ý mướn thì bao lâu chúng tôi có thể bắt tay vào việc, tôi trả lời là “As soon as tomorrow morning…  Ngay sáng mai!”.   Bà cho biết chiều mai là lễ sinh nhật của bà nên mặc dầu chúng tôi “chém” (overcharge) quá giá, bà vẫn không có sự lựa chọn nào hơn là phải mướn chúng tôi để kịp làm đẹp vườn trong ngày vui của bà.

Ngày xuất quân, bác Thành, niên trưởng của đội làm vườn, dậy uống nước trà từ lúc chưa sáng và sau đó lần lượt đánh thức cả bọn dậy.

          Chúng tôi bắt tay vào việc lúc cây cối đang còn ướt sương.  Thế tiến quân rất rộn ràng và đầy khí thế với hai xe mui trần Toyota Pickup đời “thập niên về trước” chở dụng cụ làm vườn còn mới toanh.  Sáu cái miệng Giao Chỉ mở hết tần số âm thanh cộng với tiếng máy xén, máy quất, máy cắt, máy thổi, máy tỉa chạy bằng xăng hai thì ré lên giữa bình minh cô tịch đã làm kinh động một xóm Mỹ.  Không biết tay Mỹ nào chưa thông văn hóa phương Đông đã nỡ đem lòng kỳ thị kêu “police”. Anh em đang tiến công nói cười thoải mái thì xe cảnh sát từ đâu đã trờ tới.  Tôi hơi chột dạ khi nghĩ đến “toàn bộ cơ sở pháp lý” của nhóm làm vườn chỉ có tấm giấy phép xin cắt cỏ mới mua ở City 35 đô-la còn nóng hổi. Với giấy phép nầy chúng tôi chỉ được phép cắt ngắn các bãi cỏ mà thôi, không được đụng đến những việc vườn tược nặng nề khác, trong khi tờ quảng cáo thì chạy bao sân đủ tất cả các loại dịch vụ làm vườn!  Nhưng rất may là cảnh sát chỉ đến yêu cầu chúng tôi đừng làm ồn để cho hàng xóm ngủ.  Cả sáu chàng tài tử làm vườn Đông Phương đều chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh để phát huy hết tài năng truyền thống: Cắt, xén, cào, xớt, hốt, ôm, xách, tưới, thổi… trời cho của mình.  Mặt trời mới lên quá hàng rào Orleander sân trước, cả khu vườn đã tươm tất sạch sẽ như sân đình làng trong dịp Tết.  Bà chủ nhà ra vườn dụi mắt nhìn quanh vườn mình với vẻ ngạc nhiên như nhìn lâu đài Aladin và tỏ vẻ hài lòng với khuôn mặt mày râu nhẵn nhụi của khu vườn.  Vài ba anh em còn lanh miệng lanh mồm “Happy Birthday – Chúc mừng sinh nhật” bà cụ già nên đã làm cho bà hứng chí ký tấm chi phiếu 750 đô-la.  Bà cụ già là hình ảnh điển hình của người Mỹ:  Chi li và hào phóng vừa tùy hứng, vừa tùy vào kết quả “được việc” của người làm.

          Trên đường về, nắng chưa đứng bóng, tính nhẩm cũng biết là mỗi người kiếm hơn trăm bạc trong mấy tiếng đồng hồ làm vườn.  Và cũng đừng quên thời đó giá xăng mỗi gallon (khoảng 4 lít) chỉ vào khoảng trên dưới  50 xu  so với 18 năm sau, lúc tôi đang viết những dòng nầy thì giá xăng đã tăng gấp bốn, năm lần.  Anh em hứng chí với tâm trạng “Kìa đoàn quân chiến thắng trở về dưới nắng hồng…”

          Anh em càng phấn chấn, có việc làm, tôi càng lo vì phải đi nhận việc và định giá một mình căn cứ vào sự đoán mò, không có một mảy may kinh nghiệm của mình.  Đã ở thế lên ngựa nên phải ra roi, tôi tìm mua các sách viết về công việc làm vườn và đọc ngày đọc đêm để trả bài cho khách.  Song song với lý thuyết sách vở tôi theo anh em tôi phải dò dẫm tìm tới các vườn ương cây (Nursery) và các hàng bán vật liệu làm vườn để biết giá cả mặt hàng mà lãnh việc.

          Cái mã “Dịch vụ làm vườn Đông Phương” coi bộ khá hấp dẫn đối với người Mỹ. Thời gian tiếp theo, việc đến quá nhiều anh em làm không hết.

Công việc càng phát tài lộc, thì tình cảm anh em trong nhóm lại càng yếu đi.  Chỉ sau một tháng làm vườn, đã có người hoài nghi, buồn lòng về số tiền kiếm được không như ý muốn.  Và dường như ai cũng cảm thấy rằng, mình có đủ khả năng để tự đứng ra làm chủ dịch vụ làm vườn một mình.  Hiện tượng hai người cãi nhau hăng tiết vịt về một chuyện mà cả hai đều chẳng có kinh nghiệm hay kiến thức thực tế nào cả xảy ra mỗi ngày một thường xuyên hơn.  Đó là một trạng thái tâm lý xuất hiện khá thông thường trong tập thể người Việt vì mặc cảm tự ti xen lẫn với tự tôn!  Hiện tượng phân hóa nầy không phải chỉ xuất hiện đơn thuần trong lãnh vực làm vườn mà phổ biến như một căn bệnh trầm kha khắp các lĩnh vực trong cộng đồng người Việt.  Một vài anh em trong nhóm ra đi mở dịch vụ làm riêng.  Bác niên trưởng cười khà bình luận: “Thì đó là tại truyền thống Lạc Hồng chia con lên rừng xuống biển.  Hễ cứ tới số 100 là phải xẻ hai, huống chi bây giờ mình làm ra ngàn, ra vạn!”

Chuyện vui buồn đời làm cỏ.

Hai mươi năm trước, khi bắt đầu làm cỏ, tôi chưa hề gặp một đồng nghiệp người Việt nào lại phí thì giờ để đi học nghề làm cỏ cả vì vốn xuất thân từ miền đất nông nghiệp, chuyện chăm non cây cỏ đã là “nghề của chàng”.  Không ai phải dành ra năm này qua năm nọ để đi học ngành Horticulture chuyên dạy nghề làm vườn như người Mỹ cả. Người Việt có thiên khiếu làm cỏ cũng như con cá mới nở ra là đã biết bơi liền.  Tất cả dân làm cỏ thuở ban đầu đó đều là “vô sư tự ngộ”, nghĩa là không thầy tự mầy làm nên.  Thế mà không có việc gì phe ta lại chịu bó tay và thường làm đẹp hơn dân bản xứ thao lược trong nghề bao nhiêu năm mới hay chứ!

Về mặt lợi tức, thật ra thì nền kinh tế thị trường truyền thống của Hoa Kỳ đã có sự phân công tự nhiên trong đời sống kinh tế và xã hội.  Mỹ là nơi có rất nhiều triệu phú nhưng chỉ có nghệ thuật hay kỹ thuật làm giàu mà không có phép lạ làm giàu.  Cũng thế, nghề làm cỏ trên đất Mỹ cũng đổi sức lực và mồ hôi lấy tiền thù lao chứ không có “phép lạ” nào như  một số người thích chuyện giật gân thuộc về “phe nổ” thường đồn đãi.  Bên cạnh số anh em thật thà có gì nói nấy thì lại có hai phe đối nghịch nhau là “phe dấu” và “phe nổ”.   Phe dấu thì cứ đủng đỉnh ngậm miệng đếm hào. “Dzóp” chơi không ai biết mà “dzóp” thiệt chẳng ai hay, cứ ậm ừ cho qua chuyện để khỏi tiết lộ bí mật nghề nghiệp.  Ngược lại, “phe nổ” thì lúc nào cũng để tiền rơi lẻng kẻng như máy kéo ở Reno.  Những người dè dặt đã bình luận rằng, nghề nào cũng có một giới hạn lợi tức riêng của nó, nghề cắt cỏ chứ đâu phải là kỹ nghệ đấu thầu chế hỏa tiễn cho bộ quốc phòng Mỹ mà dễ kiếm tiền đén thế.  Sau nầy tôi mới khám phá ra rằng, “phe nổ” không đến nỗi hoàn toàn phóng đại khi hoạt động làm vườn đã tiến từ giai đoạn Làm Cỏ như tôi ngày đó lên hàng Làm Vườn và Thiết Kế Hoa Viên như ngày nay.

Lực lượng làm cỏ cũng chia làm bốn thành phần “kinh tế làm cỏ” là:  Gạo cội, gia gia, tà tà và tài tử.  Gạo Cội – là những người dốc toàn thời gian, công sức và sắm đủ các phương tiện máy móc, xe cộ hành nghề chuyên môn, quyết làm ăn “tới bến”, chạy bao sân hết mọi việc cắt cỏ làm vườn.  Gia Gia – là những người biến công việc làm cỏ thành một dịch vụ kinh doanh gia đình.  Khi có việc và nhất là dịp cuối tuần, cả vợ chồng, con cái vào vườn, ra sân cùng làm việc, hiếm khi thuê người ngoài.  Ngày thường, chồng làm một mình hay vợ lôi chồng đẩy (máy) nổ rình rang trong những khu vườn vắng vẻ.  Tà Tà – là những người đi làm vườn thuê, làm nhận tiền công vì không muốn hay không đủ sức tự mình đứng ra mở một “dzóp” làm vườn riêng.  Cứ việc làm hết ngày, lấy tiền công bỏ túi, chiều về nhậu lai rai vài chai không một chút ưu tư lời lỗ hay việc phải làm ngày mai.  Tài Tử – là những người làm cỏ theo kiểu “văn nghệ phụ diễn” tạm thời.  Có khi chỉ là công việc làm phụ thêm cuối tuần hay giờ rảnh.  Hoặc làm chút đỉnh “gọi là”ø trong lúc đang đi tìm việc hay bị nghỉ việc.  Giang sơn của một tay làm vườn tài tử thường “vô giá” vì anh ta có thể dùng một chiếc xe pick up loại kéo tàu đời mới giá 25 nghìn đô la vừa mới “down” mấy ngày trước khi bị “lây óp”; hay cũng có thể dùng tạm một chiếc xe thổ tả già nua 2 trăm rưỡi đô-la vì tiền thất nghiệp chưa xin được cũng không sao.  Đồ nghề cũng thế, chỉ cần một cái máy cắt cỏ, một máy quất, dăm ba cái kéo, cái cào cắt dọn cây lá mua từ Penny Savers là cũng đủ làm “ông chủ” rồi, nhưng càng về sau nầy, giới làm cỏ Việt Nam có người sắm luôn cả máy ủi đất, máy đào, máy trộn rôm rả như một xưởng nhỏ.  Tài tử, dù là tài tử làm cỏ, tài tử đa cùng, cũng rất gần với đời nghệ sĩ, những kẻ có gia tài là mặt trời treo đầu núi và vầng trăng bên cửa sổ, cần gì sang!

Tôi đã trải qua đủ “kiểu” làm cỏ loanh quanh vừa kể.  Kinh nghiệm thực tế cho tôi thấy rằng, lối làm cỏ tài tử là “hiêu hiêu đạt đạo” nhất vì phẩm chất đời sống tự cổ chí kim đều đặt trên giá trị của chữ  “Nhàn”.

Điều nầy đã cho tôi một lời giải thích là tại sao những người Á Châu khởi thủy nghề làm vườn đầu tiên tại Mỹ là những nhà tu Nhật Bản và Trung Hoa cũng như  những tu sĩ Phật giáo Việt Nam là những người “khai canh” nghề làm cỏ sớm nhất trong tập thể người Việt Nam di cư sau 1975.

Nghề làm cỏ ở những vùng nắng ấm như California, Texas và ngay cả xứ lạnh Washington, Massachusetts… là công việc khá phổ biến và lý tưởng của những người đàn ông Việt độ tuổi trung niên, không muốn bị ràng buộc bởi công việc, nhưng vẫn cố vươn lên bằng chính sức lực của mình trong một hoàn cảnh chen đua tranh sống nơi xứ người.

Tuy đã xa nghề làm cỏ gần 20 năm, nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng máy cỏ nổ dòn, sâu trong những khu vườn rợp bóng cỏ cây hay thoảng nghe mùi nhựa tươi nồng từ những bãi cỏ hay nhánh cây vừa mới cắt, tôi lại bị cuốn hút như tiếng gọi của tù và hay điệu khèn trong rừng thẳm.  Những ngày tháng làm cỏ tuy ngắn ngủi và vất vả nhưng quả thật đáng nhớ đời.

Công việc làm cỏ hiện ra như một chiếc phao nhỏ giữa biển đời thay đổi.  Nhiều bạn bè và tôi đã nhanh tay bám vào chiếc phao ấy. Tôi đã rời chiếc phao rất sớm, nhưng phần đông anh em trong nghề làm cỏ vẫn còn ở lại.  Những người anh em đã bám vào chiếc phao trong buổi đầu khó khăn để khỏi chìm và vịn chiếc phao mà đứng dậy.  Sau 20 năm, những chiếc phao nhỏ mong manh ngày xưa giờ đã biến thành những chiếc thuyền vững vàng trên đất Mỹ.  Gần như một trong năm người đàn ông Việt độ tuổi quá trung niên, có gia đình và con cái đùm đề mà tôi được gặp, có một người đầu tư vào nghề làm vườn.

Tôi cám ơn nghề làm cỏ đã cho tôi khoảng thời gian được sống.  Đến Mỹ năm từ năm 1983, tôi đã làm đủ nghề:  Từ việc đánh cá vùng Biloxi ở Mississippi đến công việc giặt thảm sửa nhà ở Baton Rouge, Louisiana; làm vườn ở Milpitas, San Jose, Oakland ở California… cho đến việc dạy trường đại học và làm công chức.  Nhưng có thể nói rằng, thời gian làm cỏ là thời gian tôi học hỏi từ sự chiêm nghiệm của chính mình và từ sự im lặng của thiên nhiên cây cỏ được nhiều nhất.  Học về ý nghĩa của cái tĩnh trong cái động.  Học về nghệ thuật sống “nhu thắng cương” qua cái máy quất chạy bằng dây nylon yếu mềm mà mạnh hơn dĩa sắt. Học từ cái máy thổi phì phò mà rác mẹ rác con đều bị cuốn phăng đi không than thở.  Học từ cái ăn đạm bạc đến cái uống “chữa cháý” từ vòi tưới sau vườn. Xa hơn nữa, tôi cũng học được rằng, khi tâm giao động thì cắt cỏ cũng không yên.  Người ta có thể hình dung được sự an bình thanh thản hay vẻ bấn loạn tinh thần của người cắt cỏ qua những đường lằn song hành hay rối bời của máy cỏ để lại trên bãi cỏ vừa mới cắt.  Hình thù hàng cây mới tỉa, dáng vẻ bãi cỏ vừa mời cắt…  cũng nói lên được một phần cá tính và tâm hồn phong phú hay đơn giản của người thợ làm vườn.

Nghệ thuật sống còn

Nếu những người qua Mỹ theo đợt di tản lần thứ nhất năm 1975 mang tâm trạng đi “làm rể” thì những người qua Mỹ 8 năm sau như tôi đã đến đây với tâm trạng kẻ “làm dâu” ngày xưa.  Người làm rể có sự chọn lựa chủ động lúc ra đi và lúc đến, nhưng kẻ làm dâu thì không.  Khi ra đi là chấp nhận “mười hai bến nước…”.  Bởi vậy, khi bước lên đất Mỹ là khi tâm trạng bời bời.  Ngoái nhìn về quê cũ, có bóng dáng những người thân đang đợi chờ, những món nợ ân tình cần trang trải.  Nhìn phía trước mắt là một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng cũng đầy sự thách đố và đe dọa.  Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể làm được một cách lương thiện để sống còn.

Nếu không có năm 1975 và những năm lao động cần cù trên đất Mỹ thì hình ảnh nước Mỹ sẽ xuất hiện dưới mắt người Việt Nam qua lăng kính của những người du học hay du khách.  Đối với người du học thì Hoa Kỳ là nơi có những học bổng hào phóng như Fulbright, Mansfield… và những trường đại học lẫy lừng như Havard, Yale hay Stanford… để giúp những sinh viên ưu tú kiếm mảnh bằng cử nhân, cao học hay tiến sĩ để mang về quê hương làm sĩ, làm sư, hay làm sếp.  Với du khách thì Mỹ là nơi có nhiều phong cảnh thiên nhiên và nhân tạo tuyệt vời. Cả hai, học vấn và thắng cảnh, đều không phải là những nét đặc thù của Mỹ vì ở đâu cũng có.  Riêng tôi, được “nhìn” và “thấy” Mỹ qua những công việc thực tế từ thượng vàng đến hạ cám.  Và trong một chừng mực nào đó của đời sống, Mỹ là một xã hội đầy nhân hậu và công bằng đối vơiù những người biết sống, biết vươn lên.

Trên chiếc thang đời không giới hạn một ai trên đất Mỹ “có sức chừng nào, leo cao chừng ấy”, mỗi người khởi hành tự do đi vào cuộc sống mới bằng bàn tay, khối óc và sức lực của chính mình.  Bước đầu lập thân và lập chí trên vùng đất mới, các chàng thích sương mà ngại nắng thì bỏ báo; các nàng tay ngọc thì làm neo, còn tôi và anh em bằng hữu “dám xông pha” mưa nắng dãi dầu hơn nên đã bước những bước đầu tiên vào cuộc đời mới của mình bằng nghề Làm Cỏ.

Cũng chính từ thực tế “xông pha” của người Việt trong hai nghề thông dụng nhất cho nam giới là làm cỏ và nữ giới là nghề làm móng tay ở Mỹ, tôi mới thấy được sức sống và “bí quyết” thành công của người Việt Nam là xông xáo, tính toán và chịu khó hết mình.  Có 5 dân tộc Đông Dương đồng cảnh ngộ, đang sinh sống tại Mỹ sau cuộc chiến Việt Nam 1975, đó là người Lào, người Cam-Bốt, người Mông (H’mong), người Miên (Mein).  Sau 30 năm người Việt Nam đã đi hài bảy dặm vượt quá xa cả bốn dân tộc láng giềng.  Với thế hệ thứ nhất (phụ huynh), có đến 85 phần trăm người Việt đã ổn định về đời sống kinh tế và tậu mãi được nhà cửa so với ít hơn 10 phần trăm sự thành công tương tự của bốn dân tộc vừa kể. Với thế hệ thứ hai (con em) thì giới trẻ Việt Nam đã vượt hẳn giới trẻ của cả bốn dân tộc Lào, Miên, Mông, Cam-Bốt về hàng chuyên viên, chuyên gia cao đẳng, đại học và hậu đại học.

Bởi vậy, trong một dịp tiếp xúc mạn đàm, một người Việt gốc Chàm, gốc ở Phan Rang qua Mỹ từ năm 1980 là ông Yang Sri, đã phát biểu: “Ba trăm năm trước, Mỹ thắng người Da Đỏ bản xứ, cũng như nguời Việt đã thắng người Chàm hơn 500 năm trước không phải chỉ vì ưu thế của lực mà quan trọng nhất là ưu thế của trí.”

Dù là trong hoàn cảnh đòi hỏi sức mạnh của thể lực, trí lực của người Việt cũng thật tuyệt vời trong cuộc tranh sống từ ba mươi năm qua trên những vùng đất mới.

Bài viết liên quan