MIẾNG ĐÒN ĐỊNH MỆNH…

   Trong Đạo học phương Đông, kể cả Nho, Thích, Lão… thường nhắc đến một sự ấn chứng tuyệt chiêu nằm ngoài kinh điển:  Đó là trường hợp vô sư tự ngộ hay “không thầy tự mầy làm nên”!  Đinh Bộ Lĩnh, bà Trưng, bà Triệu… kể cả Lê Lợi, Quang Trung… không ai sinh ra là hoàng tử hay công chúa chuẩn bị thống lĩnh ba quân để sau nầy lên làm vua cả.  Tất cả đều làm nên sự nghiệp khởi đầu bằng chính trái tim và ý chí của cá nhân mình.  Có lẽ Đông Tây gặp nhau đầy thú vị ở điểm nầy.  Một nhân vật “tự mầy làm nên” vô sư vô sách ở phương Đông cũng gần giống như một “self-made man” ở phương Tây.  Một khi đã thành công thì sự nghiệp thường vinh quang và kiệt xuất hơn người.  Lý do đơn giản bởi vì sách vở luật lệ là sản phẩm do con người giới hạn và nhỏ bé làm ra, nên có người vượt ra ngoài những quy ước nhỏ bé ấy sẽ tự mình tìm thấy cho người và cho mình một phương trời cao rộng phi thường và thông thoáng hơn.

            Anh hùng hảo hán đã thế; giới văn chương, nghệ thuật nước Nam ta lại càng ít được chuẩn bị hơn; nếu không muốn nói là phần đông đều xuất thân… “tự mầy làm nên” hay có khi thời thế tạo anh hùng; và ngược lại!  Những nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật thi, văn, ca, nhạc, họa… nước ta xưa nay kể từ buổi vô danh đến ngày bước lên đài nghệ sĩ tiếng tăm – danh vọng, chân tài như Trạng Trình, Nguyễn Du hoặc tài hoa liền với tai họa như Cao Bá Quát – hầu hết là do sự tình cờ run rủi của một hay nhiều động lực bất ngờ mà người ta quen gọi là định mệnh hay số phận.  Người theo khuynh hướng tâm linh thì cho là có “đấng Cao Dày” xếp đặt, an bài; là do tác động của trùng trùng duyên nghiệp.  Kẻ theo khuynh hướng tự nhiên thì cho là “ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu” hay “gặp thời thế, thế thời, phải thế!”

             Chuyện đúng sai về câu hỏi cho rằng, có chăng một động cơ tình cờ, may rủi hay có sự sắp đặt huyền nhiệm nào đó để cho mỗi con người có một hoàn cảnh khác nhau không phải là mục tiêu của bài viết nầy, nên xin được dành lại lời bàn cho… Kim Thánh Thán thế kỷ 21 vậy.  Nơi đây, người viết chỉ mong được góp vài câu “thanh nghị” về trường hợp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thêm hương vị làm cho câu chuyện đầu Xuân vui dòn hơn.  Và cũng để nhớ lại dư âm ca từ gấm hoa cùng giai điệu huyền hoặc, độc sáng “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt” của người nghệ sĩ tài hoa vắng bóng khá lâu rồi mà vẫn chưa có tài năng mới nào thay thế!

            Một ngày đầu tháng 11 năm 2007, bên cạnh những người bạn thân quây quần nhắp chén nước chè bên bình trà Thái Nguyên; hay nhâm nhi cốc rượu nho Merlot Red Wine; hoặc một tí sương khói Martell Cordon Bleu… Trịnh Quang Hà kể chuyện ngày xưa.  Trong ngôi nhà lớn, đèn đuốc rỡ ràng của gia đình Trịnh Quang Hà – chứ không phải “trong căn nhà nhỏ đèn thắp thì mờ” của  Trịnh Công Sơn trong Ca Khúc Da Vàng ngày ấy – tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang California, xứ Cờ Hoa, anh em gặp nhau “thao thức” trong buổi xế trưa vì giờ nầy ở quê hương đang ngủ ngon lành giấc nửa đêm về sáng.  Trong phòng khách được trang trí bằng một “gam” màu và một chủ đề gợi nhớ Trịnh Công Sơn thật gần gũi và ấm áp tình bằng hữu, có những “fans” của một thời Ướt Mi, Hạ Trắng, Mưa Hồng… từ phương xa lại như Năm Đồng, Nguyễn Hùng, Bùi Cung (tức là “Cung Alpha” do Trịnh Công Sơn đặt để phân biệt với “Cung Beta” là họa sĩ Trịnh Cung)… lặng nghe anh Trịnh Quang Hà, em trai kế của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói về “miếng đòn định mệnh” đã đưa Trịnh Công Sơn từ giấc mơ võ sư sang đời nhạc sĩ:

            Thời 1956 -1957, song song với việc học văn hóa, cả hai anh em Sơn và Hà (cách nhau 2 tuổi) đều học võ thuật tại Huế. Cả hai đều có thể lực tráng kiện đầy phương cường của tuổi thanh niên nên bên cạnh việc học, hai người quyết chí tập luyện võ nghệ với ước mơ thành thầy võ.  Nuôi chí võ sư, Trịnh Công Sơn chẳng quan tâm gì về âm nhạc.  Theo Trịnh Quang Hà thì “Thời anh Sơn đã lớn, 18, 19 tuổi rồi mà chỉ thấy anh mê tập võ.  Trong nhà chỉ có một cây đàn ghi-ta gỗ cũ nhưng mình rất ít thấy anh Sơn sờ tới.  Anh thường mân mê những cặp ‘găng’ bốc-xơ, tập đi những bài quyền của phái Vô Vi Nam, nghiên cứu và luyện võ theo sách Nhu Đạo… đầy thích thú mà chưa nghe một dòng nhạc nổi lên hay xen vào.  Anh thường xuyên nói chuyện võ với mình chứ không nghe anh nói về chuyện nhạc.”

            Cho đến một hôm…, vẫn theo lời kể của Trịnh Quang Hà, “vào một buổi sáng mùa Hè năm 1957, Sơn và Hà dợt nhu đạo với nhau để chuẩn bị thi lên đai ‘ma-rông’ ở sân nhà trên đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa Huế) và cũng là tiệm bán xe đạp Thanh Tâm thuở ấy của gia đình.  Sau một hồi hai anh em Sơn, Hà tập dượt quần thảo xông xáo hết mình thì một sự cố bất ngờ xẩy ra.  Đó là khi Hà dùng hết sức đưa cú đấm ‘đơ-dem-ê-côn’ thì Sơn cũng dùng hết sức chận Hà rị lại, Hà té nhào trên mình Sơn và không cưỡng nổi quán tính của một đường quyền đang chuyển động, cùi chỏ của Hà theo đà ấn xuống đập một đòn chí mạng vào ngực Sơn.  Sơn thổ huyết lai láng (gần cả thau) và nằm gục ngay tại chỗ…”

            Sau biến cố nầy, Trịnh Công Sơn nằm liệt giường suốt 2 năm.  Trong suốt cả năm đầu phải húp cháo lỏng và ăn uống phải có người đút cháo vào miệng. Nhờ bàn tay chăm lo nuôi nấng của mẹ hiền trong những ngày bệnh tật, nhờ tình thương anh em ruột thịt biết hy sinh cho nhau trong buổi gian nan và nhờ sự cứu chữa tận tình của hai bác sĩ – bác sĩ Pháp Morue và bác sĩ Việt Lê Khắc Quyến – Trịnh Công Sơn dần dần hồi phục. Vẫn theo lời kể của Trịnh Quang Hà thì sau mấy tháng nằm liệt giường, yếu ớt gần như bất động, khi TCS cảm thấy khá hơn và gượng dậy được thì thú vui còn lại trong một hoàn cảnh như thế là mân mê chơi với “cây đàn bỏ quên”.  Với kiến thức nhạc lý căn bản trong những năm học trung học trường Tây, Trịnh Công Sơn tìm vào thế giới âm thanh như một lối thoát, một khúc quanh, một ngã rẽ tình cờ của thân phận vô thường.

            Ngày rời giường bệnh cũng là ngày mà Trịnh Công Sơn đã vịn âm thanh mà đứng lên như Phùng Quán đã vịn thơ mà đứng dậy trên đường đời nhiều chông gai và vấp ngã.  Nhạc Trịnh Công Sơn đã có một đường bay nghệ thuật riêng.  Ca từ của Trịnh Công Sơn có mãnh lực diệu kỳ cuốn hút người thưởng ngoạn nghệ thuật.  Đã nhiều người thắc mắc là tại sao người ta vẫn yêu thích ca từ của nhạc Trịnh ngay cả khi người ta không hiểu tác giả muốn nói gì qua lời ca. Trong thiền tịnh, người ta “quán” để hiểu tính thật của sự vật.  Quán niệm là khước từ phương tiện nghèo nàn và giới hạn của ngôn ngữ để tiếp cận và trực nhận ý nghĩa thật của sự vật.  Phải chăng hai năm nằm liệt giường trong không gian rỗng lặng và thời gian tụ tán vô thường của Huế, Trịnh Công Sơn đã “quán” được ý nghĩa đích thực của ca từ nên đã dùng chữ nghĩa mà không bị cột trói dính mắc vào hình tướng giả tạm của nó.  Trịnh Công Sơn đã thổi hồn phách vào lời nhạc mà không thông qua những khái niệm đời thường của ngôn ngữ… Vì thế, Trịnh Công Sơn và ngôn ngữ chỉ có một bên chiến thắng.  Khi người ta quên ký hiệu ngôn ngữ để chỉ còn nhớ lời ca của nhạc Trịnh Công Sơn được hát lên, tấu lên thành giai điệu đầy ắp, chiếm ngự lòng ta mà không cần phân tích lý luận “lời buồn thánh’, “cỏ xót xa đưa…” là gì thì chính là khi Trịnh Công Sơn ca khúc khải hoàn!

            Những ý nghĩ ngồ ngộ làm cho anh em bốn biển mới gặp nhau mà sắp chia tay nao lòng.  Năm Đồng và Bùi Cung sẽ lên du thuyền San Diego Cruise qua Mễ Tây Cơ.  Nguyễn Hùng sẽ bay về Las Vegas.  Trịnh Quang Hà và tôi thì vẫn “ngồi lại bên cầu.”

            Rồi cứ thế, đời đã và sẽ có bao nhiêu nụ hôn, bao nhiêu miếng đòn, bao nhiêu cuộc hẹn, sự đời, biến cố… mang tính “định mệnh” làm thay đổi con người và hoàn cảnh như trường hợp Trịnh Công Sơn?  Nếu có chăng một câu trả lời về nhân sinh, về thân phận con người rạch ròi như dữ kiện khoa học và kinh tế thì nghệ thuật đã được sản xuất theo hệ thống dây chuyền như tự điển Larousse, như viết Bic, như xe Ford… mất rồi!  Nghệ thuật mà thực dụng đến thế thì còn ai là nghệ sĩ để “trăn trở” đi tìm một ý tưởng, một vần thơ, một điệu nhạc, một đường nét sắc màu trong cô đơn, trong yếu đuối và cả trong sức bật sáng tạo bão liệt vỡ òa trong vũ trụ trên đường xây dựng tác phẩm?

            Hiểu nghệ sĩ nhưng không chủ quan như là nghệ sĩ mới mong giải đáp được câu nầy.  Lời “giải đáp” mới đến chiều nay là một ý nghĩ giản đơn và thực tế sau nụ cười rất hiền và đậm tình tri ngộ của Trịnh Quang Hà – tròn nửa thế kỷ sau ngày đưa võ sĩ Trịnh Công Sơn lên đường thành nhạc sĩ, 1957 – 2007 – khi chia tay: “Nì, mấy bạn ơi. Đời lên xuống, hợp tan ai mà nói trước được.  Mới đó mà anh Sơn đã đi năm, sáu năm rồi và phần lớn tụi mình cũng thay nhau về hưu cả rồi hỉ.  Ráng thăm nhau, đi chơi nhiều hơn cả lỡ khi ‘đi thiệt’ rồi thì còn đâu nữa mà đi chơi. Vui thôi mà!”

Trần Kiêm Đoàn

Sacramento, cuối Thu 2007

(Nguồn:  Báo Xuân Mậu Tý)

Bài viết liên quan