PHẦN I: LỊCH SỬ THÀNH LẬP LÀNG

 

1. Thời kỳ hình thành

Lần giở lại lịch sử thành lập nước nhà – Năm 1307, từ khi nhận đất châu Ô, châu Rí của Champa (còn gọi là Chiêm Thành, Chiêm hay Chàm hoặc Chăm), nhà Trần đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa của Đại Việt. Lúc này người dân vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã lần lượt từ Bắc vào Nam xây dựng cuộc sống mới. Những vùng đất Chiêm Thành tuy có người bản xứ sinh sống từ thời thượng cổ nhưng còn trong tình trạng hoang sơ, rải rác. Nhưng đến khi có người Việt di dân vào thì xung đột giữa người Việt và người Chàm xảy ra lúc tập trung, lúc rải rác; nơi này nhẹ nhàng, nơi nọ quyết liệt… Đây là một quá trình thường xuyên và dai dẳng. Tuy nhiên, cuối cùng người Chàm phải chấp nhận ra đi, nhường đất cho người Việt theo thỏa ước của hai vương triều (Trần – Chế).

Mảnh đất ngày nay chúng ta có được để lập thành làng xóm ổn định và tươi đẹp đã mang nhiều dấu ấn lịch sử của tiền nhân. Các ngài đã ra công dựng nước và giữ nước kiên trì, quyết đoán và dũng cảm hy sinh qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, viết lại lịch sử làng, kẻ hậu duệ đời sau xin kính cẩn thắp nén hương lòng bái vọng tiền nhân và nhắn nhủ với thế hệ kế thừa rằng hãy: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây hoặc uống nước nhớ nguồn…”  là đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Lịch sử di dân Nam tiến (thời phong kiến) nước ta kéo dài cả 5 thế kỷ và chia làm 4 đợt chính:

  1. Cuộc di dân thứ nhất, tiến hành sau cuộc Nam tiến của vua Lý Thánh Tông năm 1069. Trong cuộc di dân này người Việt vẫn còn ở thế ngụ cư, sống xen kẽ với người Chàm, chưa có tổ chức làng xã riêng của người Việt.
  2. Cuộc di dân thứ hai, bắt đầu từ thời đại Trần, Hồ (1226 – 1407) diễn ra sau khi vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân với sính lễ là hai châu Ô và châu Lý (Rí). Sau khi đất nước được mở rộng qua khỏi đèo Hải Vân, nhiều làng xã của người Việt đã được thành lập. Những người nhập cư hai châu Thuận – Hóa sớm nhất thuộc vào thời kỳ này và xuất phát chủ yếu từ đồng bằng Bắc Bộ. Nếu tính mỗi thế hệ tương đối là 25 – 30 năm, thì đến nay đã đến đời thứ 24 – 28.
  3. Cuộc di dân thứ ba, tiến hành từ năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông đánh bại quân Chiêm Thành, chiếm được Kinh đô Đồ Bàn (hay Bồ Đàn), đất nước được mở rộng đến vùng Bình Định, Phú Yên ngày nay.
  4. Cuộc di dân lần thứ tư, từ năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

Về thời điểm lịch sử thành lập làng Liễu Cốc, có những chứng cứ lịch sử làm căn bản để xác định như sau:

Thứ nhất, về mặt lịch sử, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa năm 1558 mở đầu cho một đợt di dân bao gồm mọi thành phần xã hội thời bấy giờ. Khi vài trấn thủ xứ Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng đã chọn đóng dinh phủ ở làng Trà Bát, nằm gần Ái Tử (nay là hai làng Trà Liên Đông, Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong), tên gọi là Dinh Trà Bát. Đây là một cuộc Nam tiến vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính nhân văn, Nguyễn Hoàng được triều đình nhà Lê và chúa Trịnh tiến cử.

Về hành chính, Thuận Hóa có 2 phủ, gồm 9 huyện và 3 châu như sau:

– Phủ Tiên Bình gồm: 3 huyện Khang Lộc, Lệ Thủy, Minh Linh và một châu là Bố Chánh.

– Phủ Triệu Phong gồm: 5 huyện: Vũ Xương, Hải Lăng, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và hai châu là Thuận Bình, Sa Bồn.

Theo https://huongxuan.thuathienhue.gov.vn (Giới thiệu về phường Hương Xuân cập nhật ngày 02/07/2022): Ở thời điểm năm sau 1555 sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An đã đề cập đến những làng cổ có tên Liễu Cốc và Thanh Kệ (trước có tên Trà Kệ, nay là làng Thanh Lương). Có thể đây cũng là huyện Trà Kệ (nay là huyện Quảng Điền) thời Trần. Cả hai làng (Trà Kệ và Liễu Cốc) đều được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển làng cũ của người Chăm trước đó, trong đó dấu tích Champa còn lại ở tháp đôi Liễu Cốc (nay thuộc tổ dân phố Xuân Tháp). Lúc này, Liễu Cốc thuộc huyện Kim Trà, làng Thanh Lương thuộc huyện Đan Điền.

Một bằng chứng khác, để xác định làng Liễu Cốc được hình thành cách đây bao nhiêu năm, chúng ta có thể căn cứ vào phả hệ con cháu các ngài Khai canh của hai làng Liễu Cốc Hạ và Liễu Cốc Thượng. Các ngài là người có công khai hoang, phục hoá đất đai ban đầu và an dân làng Liễu Cốc, được các chúa và các vua triều Nguyễn sắc phong không ai có thể phủ nhận được. Ở Liễu Cốc Hạ có hai họ đồng Khai canh là Cao Văn và họ Trần (năm phái). Theo phả hệ của hai họ Cao – Trần thì từ đời Thuỷ tổ đến đời con cháu ngày nay ước định 14 – 16 thế hệ. Ngài Khai canh làng Liễu Cốc Thượng là họ Nguyễn Văn. Con cháu họ Nguyễn Văn ước định đến nay đã 17 đời. Nếu tính bình quân mỗi thế hệ 25 năm đến 30 năm thì quãng thời gian ước định ấy bằng mốc thời gian thành lập làng như các sử liệu ghi trên.

Như vậy, căn cứ hai dữ liệu lịch sử và phả hệ của các họ Khai canh, Khai khẩn thì tổ tiên chúng ta có mặt tại làng Liễu Cốc từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Đó là khoảng năm 1558 đến năm 1560, là đợt di dân lịch sử sau cùng được triều đình nhà Lê đương thời ủng hộ. Những người di dân trong đợt này gồm những thành phần xã hội rất phong phú. Từ những bậc đại khoa kẻ sĩ đến hàng thầy thợ chuyên môn và người dân khát khao xây dựng đời sống mới. Thời kì làng Liễu Cốc được tách thành hai làng Liễu Cốc Thượng và Liễu Cốc Hạ, theo Phủ Biên Tạp Lục thì khoảng năm 1774, vào cuối đời các chúa Nguyễn,.

2. Thời kì phát triển

Nguồn gốc và ý nghĩa tên làng

Địa giới làng Liễu Cốc thời bấy giờ là Đông giáp sông Bồ, Tây giáp núi Thọ Sơn, Bắc giáp xã Hương Xuân, Nam giáp làng La Chữ xã Hương Thọ… Theo Phủ biên tạp lục, cuối thời các chúa Nguyễn, khoảng năm 1774 đã tách làng Liễu Cốc thành hai làng là Liễu Cốc Thượng và Liễu Cốc Hạ. Ranh giới làng Liễu Cốc Thượng nằm phía Tây chân Tháp Đôi Liễu Cốc lên đến chân núi Thọ Sơn. Làng Liễu Cốc Hạ nằm phía Đông chân Tháp Đôi đến giáp sông Bồ (bao gồm cả thôn Liễu Nam xã Hương Xuân ngày nay).

Từ đó, cả hai làng nhận được sắc phong của các vị chúa Nguyễn và vua triều Nguyễn trong nhiều lĩnh vực như sắc phong thành lập làng; sắc phong Thành Hoàng và các vị Khai canh, Khai khẩn; sắc phong thờ phụng các vị thần theo tín ngưỡng dân gian; sắc phong phẩm hàm, chức tước quan lại cho người có tài, có công… trong làng. Tuy nhiên do làng Liễu Cốc Hạ nằm ở vùng trũng nên đã bị bão lụt tàn phá, bị giặc Tây đốt sạch nhà cửa, cho nên đến nay không còn lưu giữ được một sắc phong nào. May thay làng Liễu Cốc Thượng còn lưu giữ được nhiều sắc phong có giá trị về lịch sử để chúng ta minh định được nguồn gốc tên làng. Trong tập sách “Sắc phong và văn bia của họ Nguyễn làng Liễu Cốc Thượng” có chụp lại tất cả sắc phong các vua triều Nguyễn từ đời vua Minh Mạng (1820 – 1840) đến đời vua Duy Tân (1907 – 1916) cho làng Liễu Cốc Thượng. Các sắc phong đều ghi tên làng Liễu Cốc bằng chữ Hán là 柳 谷

Một chứng cứ khác là trên văn bia bổn thổ của các ngài Khai canh, Khai khẩn, hậu Khai khẩn của các họ thuộc làng Liễu Cốc Hạ đều ghi rõ tên làng bằng chữ Hán là 柳 谷.

Chúng tôi tra từ điển Hán – Việt thì ý nghĩa hai chữ 柳 谷  là hang liễu. Vậy tại sao lại gọi là hang liễu? Để minh định điều này, chúng tôi đã lần tìm được nhiều chứng cứ, tài liệu khá thuyết phục sau:

Tháp Đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc đặc trưng của văn hóa Champa. Tuổi tháp theo viện Viễn Đông Bác Cổ ước định khoảng 1000 năm. Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient viết tắt là EFEO) là một học viện chuyên ngành khảo cổ học thường trực tại Đông Dương đã được thành lập cuối năm 1898. Paul Doumer là người ký nghị định thành lập EFEO sau khi đến Việt Nam làm Toàn quyền Đông Dương ba năm. Đây là một trường khảo cổ chuyên nghiệp, đáng tin cậy nhất tại Đông Dương thời Pháp thuộc. Tài liệu của EFEO đã xếp Tháp đôi Liễu Cốc vào một trong những di tích khảo cổ có giá trị trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương. Và ngày 20/7/1994, Tháp Đôi Liễu Cốc được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Đây là công trình kiến trúc mang tính thờ phụng, tôn giáo dân gian của người Chăm.

Sở dĩ chúng ta đề cập lịch sử và đặc tính của Tháp Đôi Liễu Cốc vì có sự liên quan mật thiết đến tên làng Liễu Cốc. Dựa vào các nghiên cứu thì khi cha ông chúng ta đến sinh sống trên quê hương ngày nay, Tháp Đôi của người Chăm đã có 500 năm trước; và từ đó tên làng Liễu Cốc đồng thời xuất hiện. Những nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử chùa, tháp, làng xã vẫn thường nhắc đi nhắc lại với nhiều câu chuyện giả  sử và suy diễn nhưng tựu trung cũng chỉ có những ý tưởng mơ hồ về tên Liễu Cốc (柳谷) mang ý nghĩa là cái “hang liễu” như các sắc phong triều Nguyễn đã dùng. Mặt khác, nếu chỉ đơn giản phát âm là “liễu” (có chữ đọc là “liệu”) thì trong từ điển bách khoa Hán Việt có tới 14 chữ cùng phát âm tiếng Việt là liễu: 了 liễu • 憭 liễu • 杳 liễu • 柳 liễu • 桺 liễu • 瞭 liễu • 繚 liễu • 缭 liễu • 蒌 liễu • 蓼 liễu • 蔞 liễu • 鄝 liễu • 釕 liễu • 钌 liễu… và mỗi chữ đều có ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên, chữ có ý nghĩa thích ứng với tính chất phong thổ và địa lý nhất là chữ liễu (柳) với ý nghĩa là cây liễu.

Thi hào Nguyễn Du trong Nam Trung tạp ngâm khi làm quan ở Huế (1805-1819) đã từng nói đến thổ sản thảo mộc địa phương vùng Hương Trà, Hương Cần là cây liễu trong bài Tống Nhân:

送人

香芹官道柳青青

江北江南無限情

上苑鶯嬌多妒色

故鄉蓴老尚堪羹

朝庭有道成君孝

竹石多慚負爾盟

惆悵深宵孤對影

滿床滯雨不堪聽

Tống Nhân

Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh,

Giang Bắc giang Nam vô hạn tình.

Thượng uyển oanh kiều đa đố sắc,

Cố hương thuần lão thượng kham canh.

Triều đình hữu đạo thành quân hiếu,

Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh.

Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh,

Mãn sàng trệ vũ bất kham thinh.

Quách Tấn dịch:

 Hương Cần đường liễu dập dờn xanh

 Bến bắc bờ nam bịn rịn tình.

 Oanh trẻ vườn vua ganh ghét đẹp,

Thuần già quê cũ ngọt ngon canh.

Trân cam mừng bác thân lo vẹn.

Trúc thạch cười tôi nguyện chẳng thành.

Thổn thức giường khuya nương bóng lẻ,

Chẳng kham mưa gió sụt sùi canh.

Chữ “cốc” trong tiếng Việt cũng có 16 chữ Hán Việt khác nhau là:

吿 cốc • 告 cốc • 峪 cốc • 梏 cốc • 榖 cốc • 毂 cốc • 濲 cốc • 牿 cốc • 穀 cốc • 角 cốc • 谷 cốc • 轂 cốc • 鴰 cốc • 鵠 cốc • 鸹 cốc • 鹄 cốc.

Xét kỹ chữ cốc (谷) có nghĩa là cái hang, chỗ lõm vào giữa hai triền núi hay gian nhà nhỏ đơn sơ và thanh bạch là thích hợp nhất khi ghép với chữ liễu thành ra Liễu Cốc, có nghĩa là cái hang hay nơi lõm vào giữa hai cái tháp được bao phủ bởi những cây liễu, hàng liễu hay rừng liễu xanh tươi.

Mặt khác, bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn, chùa làng Liễu Cốc Hạ đã bị hoang phế suốt thời gian chiến tranh. Một tư nhân đã phát tâm hiến đất tư của mình để xây một ngôi chùa mới trong làng. Đó là ông bà Trần Kiêm Mai. Bởi đây là một ngôi chùa tư nhưng người tạo lập muốn hiến tặng cho làng nên chọn một tên gọi thích hợp cho ngôi chùa phải hợp tình, hợp lý. Thoạt đầu, ông Trần Kiêm Mai muốn đặt tên ngôi chùa là chùa Liễu Cốc Hạ, nhưng chưa được đại đa số ủng hộ vì việc cúng dường chưa hoàn tất nên chùa chưa thuộc sở hữu của làng. Ông Trần Kiêm Mai đã thỉnh ý một vị danh tăng tại Huế thời bấy giờ là thầy Thích Mãn Giác. Thầy chính là thi sĩ Huyền Không và đồng thời cũng là giáo sư tiến sĩ dạy Đại học Sài Gòn và Huế. Thầy đã đặt tên cho ngôi chùa mới dựng là Túy Liễu Tự. Túy hay thúy là màu xanh biếc. Túy Liễu Tự là ngôi chùa trong vùng liễu xanh. Theo lời của thầy Mãn Giác thời ấy thì “có tích mới dịch ra tuồng”. Thầy nói đến nguồn gốc thôn Liễu Cốc có ghi trong Lăng Già Nguyệt và cho chúng tôi xem một tập văn bút từ thời xa xưa. Đây là một tập văn bút viết tay trên giấy thô gồm cả thơ và văn bằng chữ Hán rất cổ xưa còn lưu lại có 3 chữ đầu là Lăng Già Nguyệt (棱伽月), không rõ đây là tên người viết hay tên tác phẩm. Tập sách mỏng chỉ có 18 tờ, giấy bổi đã ố vàng, nhiều chỗ mục nát phải dán keo nylon và chỉ có hơn một nửa là còn nhìn ra mặt chữ. Chúng tôi đều rất quan tâm khi được thầy cho xem mấy bài thơ có liên quan đến thôn Liễu Cốc. Trong đó bài Đề Liễu Cốc Thôn như sau:

Nguyên văn:

題柳谷村

此地森立柳

古塔一座中

柳枝結為谷

柳谷題村稱。

Dịch âm:

Đề Liễu Cốc Thôn

Thử địa sâm lập liễu,

Cổ tháp nhất tòa trung.

Liễu chi kết vi cốc,

Liễu Cốc đề thôn xưng.

Dịch nghĩa

Chốn ấy liễu mọc san sát nhau,

Một ngôi cổ tháp nằm chính giữa

Cành liễu liên kết nhau thành hang,

Nên Liễu Cốc trở thành danh xưng của làng

Dịch thơ

Chốn ấy liễu từng hàng,

Cổ tháp một tòa trung.

Cây đan thành Hang Liễu,

Liễu Cốc đặt tên làng.

Bài thơ ngắn 4 câu, 5 chữ, dễ thuộc, khó quên đã giúp lý giải vì sao tên làng là Liễu Cốc: Đây là một vùng đất có nhiều cây liễu mọc thành từng hàng, ở giữa có một tòa cổ tháp. Cây liễu mọc đan xen nhau quanh toà tháp, tạo thành cái hang, bởi vậy người ta đặt tên làng là Hang Liễu – nghĩa Hán – Việt là Liễu Cốc.

Ngoài ra làng cũng có tên gọi khác là Cại Liệu.

Tại sao lại gọi là Cại Liệu?

Có thể bắt nguồn từ danh xưng Kẻ Liễu. Trong sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi có nói đến khu vực chợ lớn ở Thăng Long được gọi là Kẻ Chợ. Tên Kẻ Chợ có thể xuất hiện trong dân gian từ thời Lê vào thế kỷ XV. Danh xưng “kẻ” là để chỉ cho lớp người có chung một nếp sinh hoạt như “kẻ quê” là người ở nông thôn, “kẻ chợ” là người ở phố chợ hay “kẻ sĩ” là tầng lớp có học thức… như cả kinh thành Thăng Long ngày xưa cách đây cả nghìn năm được gọi là Kẻ Chợ.

Di tích phố xưa ở đầu làng
Di tích phố xưa ở đầu làng

Lớp người di dân từ Bắc vào Nam đã mang theo danh xưng “Kẻ…” cộng thêm với tên riêng của địa phương để chỉ lớp người sinh hoạt kinh doanh, thương mại. Cư dân Liễu Cốc ban đầu đã theo nhu cầu kinh tế và sinh hoạt để tách ra thành hai nhóm: Liễu Cốc Thượng chuyên về khai thác lâm sản và làm rẫy. Liễu Cốc Hạ tiến sát sông Bồ chuyên phát triển nông nghiệp và thương mãi nên một thời phía Đông làng Liễu Cốc Hạ được gọi là “Phố”. Dấu tích còn lại một thời là có nhiều nhà nằm cặp bờ sông được xây khá kiên cố để giao thương, buôn bán (nay đã không còn vì bị sạt lở); và phía Đông làng Liễu Cốc Hạ đã có hai chiếc cầu đúc bằng bê tông cho xe ngựa và kẻ gánh gồng qua lại là Cầu Banh Trên và Cầu Banh Dưới.

Bởi vậy, làng Liễu Cốc Hạ còn có tên là “Kẻ Liễu” (có nghĩa là người thôn Liễu buôn bán nơi phố chợ). Kẻ Liễu phát âm theo ngữ âm bình dân thành “Cại Liệu”, tương tự như người buôn bán ở bến sông Kẻ Vạn – Kim Long, Huế được đại chúng phát âm thành “Cại Vạn” vậy.

Mặt khác hai chữ Liễu Cốc (柳谷) mang ý nghĩa là cái “hang liễu”, phát âm là “liễu” còn có chữ đọc là “liệu”.

Riêng chữ “kẻ” thì căn cứ lịch sử tên các làng có chữ Kẻ hoặc Cổ đứng đầu trong nước, chúng ta có nhiều dữ liệu như sau:

Nghiên cứu địa danh các làng xã cổ xưa của người Việt (tài liệu Đông Tác) ghi rằng có một hiện tượng đặc biệt là có nhiều tên làng có từ “Kẻ” đứng đầu. Thí dụ ngay tại Hà Nội có Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) rồi Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Kẻ Giàn, Kẻ Cao… Theo ý nghĩa ngôn từ Việt cổ, có thể hiểu từ Kẻ ở đây chỉ cụm từ dân cư sống trên một địa bàn cụ thể. Thí dụ Kẻ Noi là người làng Noi, Kẻ Mộc là người làng Mộc… như vậy có thể hiểu kẻ đây được đồng nhất với làng.

Một điều chung nhất là trong tất cả những làng mang tên Kẻ này đều là làng cổ. Điều này xuất phát từ khi người Trung Hoa sang xâm lược nước ta. Để tiện việc ghi chép sổ sách bằng chữ Hán, họ quy định mỗi làng chỉ được đặt tên một chữ Hán âm Việt, kèm thêm từ Kẻ đứng đầu. Ví dụ như làng Mộc gọi là Kẻ Mộc, làng Noi gọi là Kẻ Noi…

Khi cha ông chúng ta từ Đàng Ngoài di dân vào Đàng Trong lập nghiệp đã mang theo phong tục tập quán, văn hóa làng xã và cả thói quen gọi từ “Kẻ” kèm theo một chữ đầu tên làng mình đến nơi ở mới. Theo Ô Châu Cận Lục, từ thời Mạc Phúc Nguyên (1546 – 1561) tính tổng số địa danh có tên đầu là Kẻ, Cổ, Câu trên địa bàn Thuận Hóa (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) chiếm tỉ lệ gần 10% trên tổng số địa danh hành chính làng trong cả nước.

Xuất phát từ điều này mà trong xã chúng ta có làng Cổ Lão và làng Kẻ Liệu (Liễu Cốc Hạ). Đối với người làng Liễu Cốc Hạ, Kẻ Liệu chỉ là tên gọi chứ không ghi trên văn bản, giấy tờ như làng Cổ Lão. Và người dân phát âm theo thổ ngữ lâu ngày trại ra “Cái Liệu” rồi thành “Cại Liệu”.

Do đó, ngẫm trong hai tài liệu nêu trên, dẫu nghiêng về giả thuyết nào, chúng ta cũng hiểu vì sao làng có tên Liễu Cốc Hạ; và còn có tên gọi thứ hai là Cại Liệu.

Đời sau muốn tìm ra nguồn gốc của một địa phương; văn hóa của một xã hội; hay nguyên nhân biến dịch tên của một địa danh nào đó thường phải dựa vào tài liệu lịch sử để lý giải. Tuy nhiên trong những trường hợp lịch sử chính thống bị thất lạc thì phải dựa vào các thông tin ngoại vi như văn học nghệ thuật, ca dao, chuyện kể truyền khẩu dân gian, hay thậm chí là giả sử. Quá trình tìm lại lịch sử làng Liễu Cốc Hạ cũng không ngoại lệ.

3. Thời hiện đại

Ngày nay, tên chính thức theo hành chính và luật pháp, làng chúng ta là thôn Liễu Cốc Hạ, thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, thành phố Huế.

Cùng chung hoàn cảnh lịch sử của đất nước, thôn Liễu Cốc Hạ cũng như bao nhiêu làng mạc khác đã trải qua những thời kỳ hưng vong của chiến tranh, hòa bình và xây dựng cho đến ngày hôm nay. Cũng có những thời kỳ đen tối do hạn hán, lũ lụt, chiến tranh, bị giặc Tây đốt sạch nhà cửa, đình chùa, miếu mạo bị đập phá tan hoang, thiếu ăn, đói rách… nhưng dân làng đã bền lòng đoàn kết phấn đấu vươn lên.

Trong hoàn cảnh nghèo đói, một số bà con đã di dân lập nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam và cao nguyên; số khác lập nghiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên phần đông bà con mình bám trụ quê hương sống bằng nghề nông. Nhưng cũng tùy trào lưu và xu thế thời cuộc mà bà con ở quê nhà xoay xở công ăn việc làm cho phù hợp.

Ngày nay, diện mạo của làng đã có nhiều thay đổi với sự xuất hiện các ngôi nhà mới khang trang, các nhà thờ họ, chi, phái… được tân tạo hay trùng tu rộng rãi tọa lạc khắp làng. Điều này chứng tỏ cuộc sống của bà con đã vượt qua thời phấn đấu “ăn no mặc ấm” mà đã vươn tới “ăn ngon mặc đẹp’.

Cùng với việc xây dựng và chỉnh trang cơ sở vật chất thì nếp sống tinh thần cũng như khuynh hướng học tập của cá nhân, gia đình, thân tộc, xã hội cũng được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt là vấn đề giáo dục thế hệ trẻ trong làng, học hành, lập nghiệp được phát huy rất tiến bộ. Số con em theo học các trường phổ thông cũng như các trường Cao đẳng và Đại học ngày càng đông.

Tháng 12 năm 2002, làng được công nhận là Làng Văn hóa. Danh xưng này được căn cứ trên những tiêu chuẩn cụ thể về trình độ dân trí, sinh hoạt, tổ chức xã hội và nề nếp đạo lý của toàn thể dân làng. Để được trở thành “Làng văn hóa” cần hội đủ 5 tiêu chí chính như sau:

  1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.
  2. Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú.
  3. Môi trường sống và cảnh quan sạch, đẹp.
  4. Chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh.
  5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Hội đủ các tính chất căn bản trên, làng Liễu Cốc Hạ đã được công nhận là “Làng Văn hóa”.

Ngoài ra, mỗi làng đều có “lệ làng” gọi là hương ước dù thành văn hay bất thành văn. Đây là những quy ước liên quan đến vấn đề tổ chức, điều hành và phát triển mỗi làng. Hương ước có từ thời Hậu Trần (1407 – 1414), được quy định chặt chẽ vào đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Từ năm 1921, dưới thời Pháp thuộc được thay đổi sâu rộng gọi là “Cải lương hương chính” cho đến năm 1941. Hiện tại quy định “Quản lý làng xã” trên toàn quốc đều theo tinh thần Nghị Quyết 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12 năm 1989. Theo đó, tổ chức điều hành việc làng hiện nay theo quy định của chính quyền hiện tại đề ra.

Về các mặt tổ chức, xã hội, kinh tế và giáo dục của làng so với các thời kì trước là tiến bộ rất nhiều; đời sống dân làng ổn định cả hai mặt vật chất và tinh thần.

***

Bài viết liên quan