PHẦN VIII: TÌNH CẢM NGƯỜI LÀNG ĐỐI VỚI QUÊ HƯƠNG

1. Người sống xa làng ở trong nước

Tập tính người Việt mình là luôn hướng về nguồn cội. Tuy nhiên cũng luôn hướng về vùng đất mới như loài cá hướng về vùng nước mát, loài hoa hướng dương hướng về mặt trời. Nhiều thế hệ qua, làng Liễu Cốc Hạ đã có nhiều người rời luỹ tre làng ra đi lập nghiệp ở vùng đất mới.

Công bằng mà nhận xét, những người đi tìm môi trường mới, đa phần có cuộc sống tốt hơn thời ở làng. Những người rời làng thường nằm một trong ba dạng sau:

– Có vị thế, giàu có, rời làng đến nơi có cuộc sống vật chất và an sinh xã hội tốt hơn; hoặc đưa con cháu đến học nơi có nền giáo dục tốt hơn để học thành tài, thoát cảnh tay lấm chân bùn.

– Những người rời làng nhờ học hành đỗ đạt hoặc có chuyên môn. Họ làm việc trong bộ máy chính quyền, những công ty, nhà máy lớn tư nhân hoặc của nước ngoài; mở công ty làm ăn riêng rồi định cư nơi mình làm việc theo cách đất lành chim đậu.

– Vì cuộc sống quá cơ cực, muốn thay đổi cuộc đời mà phải rời quê hương, phó thác cho việc rủi may.

– Những người ra định cư nước ngoài theo các diện nhân tài được các nước phát triển trọng dụng; hoặc sĩ quan, công chức… phục vụ trong chế độ cũ được chính quyền nước sở tại đãi ngộ; hoặc vượt biên ra nước ngoài sinh sống…

Trước năm 1975 có nhiều người rời làng qua Huế, vô Đà Nẵng, Sài Gòn hoặc các tỉnh phía nam để học hành, đi lính, nhận nhiệm sở, mưu sinh… Sau ngày đất nước thống nhất có nhiều người trở về làng theo cách nghĩ “quê hương là chùm khế ngọt”. Tuy nhiên trong số đó, có nhiều người về làng sau một thời gian thấy cuộc sống quá cơ cực, nên đành rời quê hương tìm đường sinh kế.

Như đã nói trên, việc rời làng đi lập nghiệp của người dân phần lớn do tự phát. Họ đến các nơi như vào Ô Môn (Cần Thơ), Long Khánh (Đồng Nai), lên A Sao, A Lưới… Những nhóm được Nhà nước tổ chức đi xây dựng vùng kính tế mới là lên Bình Điền; vào Buôn Hồ, Daklak. Những thế hệ lớn lên ở làng gần đây, lần lượt vào thành phố Hồ Chí Minh, ra Hà Nội và các tỉnh khác học hành, lập nghiệp… cộng dồn qua từng thời kì cũng khá đông.

Trong đó, có cuộc di dân khá quy mô vào năm 1983 và 1984, với 20 gia đình. Họ được Nhà nước biên chế thành tổ, đội đưa vào huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước làm công nhân cao su.

Những người xa quê vào Lộc Ninh trong các đợt này, hàng năm vào ngày 20 tháng Chạp là hội đủ mặt tại nhà ông Cao Văn Tựu (1955) làm lễ tế vọng về quê nhà. Hội đồng hương làng Liễu Cốc Hạ ở đây, trước do ông Ngô Văn Thành (1950) làm Hội trưởng. Khi ông Thành mất thì ông Nguyễn Văn Chẩm (1951) kế tục. Với vai trò ông biện, ông Tựu phụ trách tổ chức lễ tế và tổ chức thăm viếng khi có người trong hội ốm đau hay tạ thế. Hiện nay hội có 19 gia đình, gần 100 nhân khẩu.

Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có Hội đồng hương làng Liễu Cốc Hạ. Hội viên là những người khá trẻ. Họ thành lập hội để tương thân, tương ái và hướng về quê hương. Mới đầu Hội chỉ có năm, bảy người, nay cũng được mười lăm người, hiện do anh Hà Văn Quốc (1967) làm hội trưởng. Tuy ít người nhưng Hội hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Khi có người làng không may qua đời, dù ở làng hay ở thành phố Hồ Chí Minh, Hội đều cử người đến phúng điếu vòng hoa hoặc phong bì bằng quỹ hội do thành viên đóng góp.

Hướng về quê hương, Hội cùng chung tay với người làng đã đóng góp, làm được nhiều việc như: Làm đường đưa tang từ làng ra các nghĩa địa; xây dựng miếu Âm hồn; sửa đình, làm xe đưa tang, ủng hộ sửa chùa. Và có nhiều chuyến hàng trao tận tay người làng gặp khó khăn trong bão lụt; cùng với Hội chống dịch Covid ở làng, giúp đỡ những người mắc bệnh gặp khó khăn…

Hiện nay, số người có gốc gác làng Liễu Cốc Hạ sống khắp nơi trong nước ước định đông hơn số người sống tại làng. Nhìn chung, người làng ra đi lập nghiệp ở vùng đất khác đều có đức tính chịu khó, quyết chí làm ăn. Nhờ vậy mà thành quả kinh tế, việc học hành của con cái của người làng không thua gì người xứ khác. Người làng Liễu Cốc Hạ có một đặc tính đáng nói là dù rất thành công ở xứ người, nhưng khi trở về làng họ luôn có thái độ khiêm cung, có tinh thần tự nguyện đem công sức, tiền của ra làm những công việc có ích cho dân làng.

Và dù thành công hay thất bại trên bước đường tha hương, người làng cũng luôn hướng về nguồn cội mình.

Ở thôn Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa có một dòng họ gốc gác người làng Liễu Cốc Hạ. Họ là hậu duệ của cụ Trần Kiêm Năng đời thứ 10 ở chi Nhất. Cụ Năng sinh năm Bính Ngọ (1846) làm quan ở tỉnh Hưng Yên. Năm 1885, nghe lời Hịch Cần Vương, cụ vào Tân Sở (Quảng Trị) phò vua Hàm Nghi chống Pháp. Năm 1888 vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, quan quân phò vua bị giặc Pháp truy sát đến cùng. Cụ thoát được và chạy ra vùng rừng núi Thanh Hóa ẩn náu. Ở đây, cụ thay tên đổi họ, lấy vợ rồi sinh con, đẻ cháu…. Trước khi mất, cụ để lại di huấn cho con cháu đời sau phải tìm cho được gốc gác của mình ở một làng quê nằm ven sông Bồ vùng ngoại ô phía Bắc kinh thành Huế. Năm 2006, hơn 100 năm sau, theo di huấn cha ông, con cháu của cụ Năng đã tìm về được làng Liễu Cốc Hạ. Cuộc hội ngộ diễn ra trong nhà thờ Trần Kiêm Đệ nhất phái thật tình cảm và xúc động! (xem bài Tìm về nguồn cội ở mục Tái hiện quê hương).

2. Người làng sống xa làng ở nước ngoài

2.1. Các thế hệ ra đi

Người làng Liễu Cốc Hạ ra nước ngoài sớm nhất là các ôn, các bác tham gia đi lính Pháp trong hai cuộc chiến tranh Thế giới Thứ Nhất (1914 – 1918) và Thứ Hai (1939 -1945). Trong hai cuộc chiến tranh ấy, có hơn 50.000 người Việt đã ra đi và trở về trong thời hạn ba năm mà ca dao dân gian nhắc tới:

Mặt nước mênh mông thấy trời với sóng

Tàu chạy ầm ầm nhớ bóng hiền thê

Chàng đi ba năm mãn hạn chàng về

Thiếp ở nhà cam phận

Cứ một bề mà nuôi con

Trước 1975, những người dân sinh trưởng trong làng chỉ có vài ba gia đình có con cháu được ra nước ngoài du học hay huấn nghiệp. Từ 1975 trở về sau, lần lượt năm, mười gia đình rồi lên đến hàng trăm gia đình có liên hệ dòng tộc hoặc hôn nhân, phối ngẫu nguyên quán Liễu Cốc Hạ di tản ra nước ngoài sinh sống. Trong cuộc thăm dò của cơ quan UVCC tại Los Angeles do Trần Kiêm Thêm làm Giám đốc đã công bố số liệu vào tháng 6 năm 1993 rằng: Kể từ tháng 5-1975 đến thời điểm thăm dò, đã có 135 gia đình, tổng cộng có đến gần 550 người sinh sống tại nước ngoài. Địa bàn cư trú ở các nước ngoài là: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan và lẻ tẻ nhiều nơi khác.

Cuộc thăm dò thứ hai vào tháng 3 năm 2020 do nhóm Liễu Hạ Hải ngoại, đầu tàu là bác Trần Kiêm Hàm ở Nam California thực hiện. Chi tiết về người có liên hệ dòng tộc hay phối ngẫu được ghi nhận như sau:

Sau gần 50 năm sinh sống ở nước ngoài, số gia đình và số người đã tăng gấp đôi, với con số xấp xỉ 1000 người. Căn cứ trên tuổi tác và sự hội nhập văn hóa, có thể chia ra làm bốn thế hệ:

⁃ Thế hệ phụ huynh (thế hệ thứ nhất): Gồm những người đi du học trước 1975 và những người trưởng thành, chủ gia đình vượt biên hay thuộc diện đoàn tụ, cựu quân nhân chế độ cũ (H.O). Một số này đã qua đời theo luật sinh tồn tự nhiên. Số còn tồn tại đều đã già và hưu trí. Thế hệ này tuy ở nước ngoài, mặc dầu phải tập thay đổi để hội nhập vào cuộc sống mới, nhưng khuynh hướng nói tiếng Việt, ăn thức ăn Việt và sống theo nếp cũ như khi còn ở quê nhà. Đây là thế hệ có sự nối kết với quê nhà trong các chương trình xây dựng quê hương, làng xóm rất đông đảo và nhiệt tình.

⁃ Thế hệ con (thế hệ thứ hai): Ra nước ngoài khi còn nhỏ hay sinh ra trên đất người. Đây là thế hệ tương đối trẻ với chí hướng dấn thân và sớm hội nhập vào xã hội mới rất nhanh. Khoảng một phần ba số người thuộc thế hệ này còn nghe và nói được tiếng Việt, giữ được nề nếp lễ giáo Việt Nam. Và có thể nói đây là thế hệ “bắc cầu” giữa hai thế hệ ông bà và cháu chắt.

⁃ Thế hệ cháu (thế hệ thứ ba): Con của thế hệ thứ hai, hoàn toàn sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục của xã hội mới. Dầu các cộng đồng người Việt và các chùa, nhà thờ Việt Nam có chương trình dạy tiếng Việt hàng tuần, nhưng gần như cả một trăm phần trăm các cháu đều quên hẳn tiếng Việt và nói tiếng của quốc gia nơi mình đang ở. Đây là thế hệ mất dấu lai lịch Việt Nam. Thế hệ này thường trở về thăm Việt Nam như một du khách.

– Thế hệ chắt (thế hệ thứ tư): Con của thế hệ thứ ba, mới ra đời. Với thế hệ này, hình ảnh đất nước Việt Nam càng xa vời hơn so với thế hệ thứ ba.

2.2. Giáo dục, nghề nghiệp và đời sống kinh tế

Về phương diện giáo dục thì người làng định cư ở nước ngoài, ngày càng có cơ hội thăng tiến nơi xứ người. Thế hệ đầu tiên là các chủ hộ với trách nhiệm đưa gia đình định cư nơi xứ lạ quê người nên phải đối diện với muôn vàn khó khăn để phấn đấu sinh tồn trong một xã hội mới. Trở ngại đầu tiên và lớn nhất của thế hệ thứ nhất là sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa cùng với tuổi cao và thực tế không thể sử dụng khả năng hay nghề nghiệp cũ ở quê nhà. Đa số bà con chủ gia đình lớn tuổi phải hy sinh, làm bất cứ việc gì có thể làm được để đáp ứng nhu cầu sinh sống trước mắt của gia đình trong thời gian đầu. Rất ít người có cơ hội trở lại trường học toàn thời gian. Chưa tới 10% thế hệ thứ nhất trở lại trường học và đạt được bằng cấp, học vị như ý muốn. Thế hệ thứ hai có cơ hội học hành thích hợp với độ tuổi nên có tới 95% đi học tiếp hay bắt đầu sự học theo trình độ tiêu chuẩn trong xã hội mới. Có khá nhiều gia đình dân làng Liễu Cốc Hạ có con em thế hệ thứ hai đạt tỷ lệ 100% tốt nghiệp Đại học từ cấp Cử nhân (Bachelor) tới Thạc sĩ (Master), Tiến sĩ (MD, DDS, OD, Ph.D, Pharm.D) trở lên. Thế hệ thứ ba và thứ tư đều có đầy hứa hẹn đạt được phẩm chất ưu tú trong môi trường giáo dục ở xứ người. Về phương diện nghiệp vụ và đời sống kinh tế thì gần như tất cả bà con dân làng Liễu Cốc Hạ ở nước ngoài đều có cuộc sống kinh tế ổn định, 97% có nhà và xe riêng. Thế hệ thứ nhất đa số đã hưu trí. Thế hệ thứ hai và thứ ba hầu hết đều có tay nghề chuyên môn vững vàng, đời sống kinh tế thuộc hàng trung lưu ở các nước phương Tây, nhất là tại Mỹ, Úc và Canada.

2.3. Những hoạt động hướng về quê hương

Thực tế lịch sử xã hội đã phân chia người dân làng Liễu Cốc Hạ thành ba hoàn cảnh khác nhau: Đó là (1) người dân sống trong làng; (2) người dân sống ngoài làng trong nước; (3) người dân sống ngoài làng ở nước ngoài. Đa số người gốc làng Liễu Cốc Hạ ở nước ngoài thuộc vào đối tượng (3). Thực tế cho thấy, người làng càng sống gần gũi với mảnh đất quê hương nhiều chừng nào thì khi sống xa làng, sự quan hoài về quê càng đậm đà bấy nhiêu.

Càng ngày người gốc làng Liễu Cốc Hạ sinh sống ở Hải ngoại càng lan tỏa ra nhiều nơi do nhu cầu đời sống, môi trường sinh hoạt và di chuyển theo quan hệ hôn nhân. Do địa bàn sinh sống trên thế giới quá rộng lớn, nên sự liên lạc với đồng hương rất khó khăn; bởi vậy, tuy nhân tài và vật lực không thiếu, nhưng sự liên hệ và quy tụ người làng, nhất là kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ các chương trình, dự án giúp đỡ làng xóm thường bị trở ngại do thiếu thông tin chính xác và cập nhật. Tuy số người gốc làng Liễu Cốc Hạ ở Hải ngoại khá đông, nhưng số người liên lạc được khi cần kêu gọi hỗ trợ chung thì rất hạn chế.

Nhìn lại quá khứ, một số hoạt động tiêu biểu của người làng Liễu Cốc Hạ ở nước ngoài hướng về quê hương đã được tập Nội San Liễu Hạ (Vol 1, No 1 – June 1993 do ông Trần Kiêm Mai làm chủ nhiệm và ông Trần Kiêm Phán làm chủ bút) phần Tin sinh hoạt ghi nhận nhóm bà con Liễu Cốc Hạ Hải ngoại như sau:

“Dù trong hoàn cảnh còn khó khăn của người mới tới định cư ở nước ngoài, các bà con gốc làng Liễu Cốc Hạ vẫn có tấm lòng hướng về quê hương nguồn cội. Bên cạnh sự chăm lo tích cực riêng cho gia đình, người thân, dòng họ của mình thì có nhiều người vẫn để tâm tham gia vào các nhóm xã hội, từ thiện giúp đỡ chung cho cuộc sống dân làng và góp phần xây dựng tu bổ đình, chùa, miếu vũ trong làng”.

Xin được nhắc đến phương danh quý bà con mà chúng tôi liên lạc được và có góp phần nhiều hay ít, thường xuyên hay tùy lúc như sau (xin được ghi theo thứ tự vần ABC): Phan Văn Cảnh, Nguyễn Văn Dũng, Phan Văn Danh, Trần Kiêm Đảm, Trần Kiêm Đạt, Trần Đoàn, Trần Kiêm Đoàn, Trần Thị Kim Đôn, Trần Kiêm Mai, Trần Kiêm Hàm, Trần Thị Lục Hà (Hà Thanh), Trần Kiêm Lai Hồng, Trần Kiêm Bạch Lan, Trần Kiêm Ka Lăng, Phan Văn Mẫn, Trần Kiêm Quốc, Trần Kiêm Thêm, Trần Kiêm Tịnh, Trần Thị Phương Thảo, Trần Kiêm Thiều, Trần Thị Quan Thư, Trần Kiêm Trợ, Trần Kiêm Tuấn, Trần Kiêm Thúy Vy…và người phối ngẫu. Danh sách này có thể có nhiều thiếu sót và chưa đáp ứng kịp theo thời gian. Chúng tôi sẽ cập nhật trong các số Nội san tiếp theo”.

Về sinh hoạt xã hội và từ thiện hướng về quê hương của người làng Liễu Cốc Hạ sống Hải ngoại (ở rải rác nhiều quốc gia trên thế giới) thực hiện các việc cụ thể như sau:

  1. Quỹ cứu đói cho người nghèo: Bắt đầu được thực hiện từ tháng 8 năm 1992 do trong đợt đầu tiên năm 1993 có 15 gia đình; nhưng càng về sau số cá nhân và gia đình thọ nhận càng tăng. Dự án này chấm dứt năm 1998 khi tình trạng đói nghèo không còn đáng quan ngại nữa.

Cũng trong tinh thần hoạt động từ thiện của bà con Hải Ngoại, những chương trình thăm viếng, khuyến khích giới trẻ hiếu học và người già bệnh tật, neo đơn tại làng cũng được tiến hành từ tháng 10 năm 1992 như: Thăm viếng và tặng quà cho học sinh (80 em), cấp học bổng cho học sinh hiếu học (5 học bổng), một chiếc mền cho người già, mùa Đông năm 1993 (đợt 1 có 18 cụ, đợt 2 có 24 cụ).

  1. Cây mùa Xuân Liễu Hạ: Thực hiện tặng quà (chủ yếu là tiền mặt) nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm đã được khởi đầu từ năm 2013 và kéo dài 6 năm cho đến năm 2019. Công việc này ở Hải ngoại do ông Trần Kiêm Đoàn khởi xướng và vận động bà con chung tay thực hiện.
  2. Đập Giậu Hàn số 4: Đây là đập đá chống sạt lở bờ sông của làng ở đường Dứt. Khởi công ngày 1-3-1993 có sự tham dự của cụ bà Trần Kiêm Phổ và cụ bà Trần Kiêm Mai từ Mỹ về. Đây cũng là do công trình đóng góp của con dân làng Liễu Cốc Hạ ở Hải ngoại.
  3. Tượng Quán Thế Âm: Tượng Đức Quán Thế Âm, lộ thiên trong khuôn viên chùa Tuý Liễu tự cao 4 thước, được khởi công ngày 15 tháng 5 năm 1993 và hoàn tất ngày 5 tháng 6 năm 1993 do ông bà Trần Kiêm Mai đài thọ kinh phí với sự hỗ trợ của bà con và thân hữu trong và ngoài nước.
  4. Cổng làng Liễu Cốc Hạ, cũng do sự đóng góp của bà con và anh chị em trong nhóm Từ thiện – Xã hội đã được thực hiện vào tháng 7 năm 1993.
  5. Lợp mái đền thờ Cô hồn: Thiết lập khung sắt và mái mới cho đền thờ Cô hồn bên cạnh đình làng. Kinh phí do một người dân làng ẩn danh sống tại Mỹ tài trợ vào tháng 3 năm 2014.
  6. Tu bổ lan can hai chiếc cầu đầu làng (2-8-1992) và sơn vẽ lại bình phong trụ biểu đình làng. Kinh phí do ông Trần Kiêm Thêm tài trợ.

Cũng cần được ghi nhận rằng, hầu hết các chương trình xã hội và từ thiện của bà con Liễu Cốc Hạ Hải ngoại thực hiện tại làng chủ yếu là phần tài trợ.

Thế hệ thứ nhất của người Việt nói chung, của người làng Liễu Cốc Hạ và ở Hải ngoại nói riêng, đang dần khuất bóng. Và chỉ trong vòng vài mươi năm nữa thì sẽ hoàn toàn vắng bóng. Để duy trì được sự giao tiếp và luân lưu của các thế hệ trẻ trong và ngoài nước trong tương lai có lẽ chúng ta nên tham khảo các hình thức tổ chức Bang – Hội của người Trung Hoa. Họ đã có mặt và tồn tại ở các nước châu Âu và châu Mỹ đã 300 năm qua, nhưng sự liên lạc của người Hoa trong và ngoài nước vẫn còn chặt chẽ hơn nhiều so với dân tộc khác. Ước mong Tập Lược sử này là ngoài phạm vi thông tin liên lạc về lịch sử của làng, còn là sợi dây kết nối con dân làng Liễu Cốc Hạ ở trong làng, trong nước và ngoài nước sẽ xích lại gần nhau hơn.

3. Những người đã làm những công việc có ích cho dân làng

Một nét tiêu biểu văn hóa làng xã  Việt Nam là ở địa phương nào cũng có người làm những việc có nhân, có nghĩa giúp ích cho làng nước. Bởi vậy khi viết lịch sử làng, không thể không nhắc đến những người này như một việc tri ân “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để lớp người hiện tại và thế hệ tương lai biết rõ mà noi gương. Thời quá khứ xa xăm, chuyện người xưa không được ghi lại nên trong trí óc người làng ngày nay đã bị mai một, không còn nhớ rõ, xin được tha thứ. Ở thế hệ chúng ta, may lắm nhớ đến những người đã làm những công việc có ích cho dân làng từ giữa những năm thế kỉ 20 là cùng.

Đây là một việc rất tế nhị và nhạy cảm bởi đức tính khiêm tốn là một nét nhân văn của dân làng Liễu Cốc Hạ. Ai cũng muốn góp phần cống hiến cho làng nước, nhưng khi được nêu danh thì thường xua tay, giấu mặt. Ban biên soạn biết nếu tự tìm hiểu rồi nêu lên dễ rơi vào tình trạng phiến diện như thầy bói xem voi sẽ bị phản ứng trái chiều khi nhân vật đưa ra bất xứng; ngược lại bị thiếu sót khi những nhân vật rất xứng đáng lại không được nêu tên, vô tình sẽ gây hiệu ứng ngược lại. Để tránh điều này, Ban biên soạn đã in bản thảo tập Lược sử phát đến tận tay bà con trong một buổi họp làng để xin ý kiến. Tuy nhiên sau hơn hai tháng chúng tôi không nhận được bất kỳ ý kiến nào.

Đứng trước tình trạng này, chúng tôi chọn cách “hữu xạ tự nhiên hương”. Nghĩa là nêu tên những người đã làm những công việc có ích cho dân làng ở những hạng mục công trình trong làng mà họ đã khởi xướng, đầu tàu đóng góp, vận động bà con bỏ công của ra xây dựng. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy điều này cũng chưa đủ, bởi những người này còn làm nhiều việc khác có lợi cho dân làng nhưng không lưu lại bằng những công trình thực thể; hai là bên cạnh đó còn có nhiều người khác đã làm công việc thật sự có ích cho dân làng, nhưng không để lại một công trình hiện hữu vật thể nào như: Giúp dân vượt qua cơn khốn khó – tạo công ăn việc làm giúp dân thoát nghèo đói – lập quỹ khuyến học, gây quỹ đem nguồn vui ngày xuân cho dân làng… Lẽ đó mà chúng tôi cố gắng bổ sung khiếm khuyết vào mục này, được chừng nào hay chừng đó.

Và để tránh sự tranh cãi, chúng tôi chia mục này ra hai dạng: “Mục có công” và “Mục có lòng”. Chúng tôi đưa tên những người có công lao với dân làng đã quá vãng mà xưa nay ai cũng thừa nhận vào mục “Người có công”. Với những người làm nhiều việc có ích cho dân làng còn lại, chúng tôi xin được đưa vào “Mục có lòng” với mong muốn họ sẽ tiếp tục cống hiến cho quê hương và để người đương thời, cùng lớp hậu thế noi theo.

3.1. Những người có công với dân làng

– Trần Kiêm Trình, Trần Kiêm Chí: Lớp người sinh ra đầu thế kỉ 20, ai cũng biết hai ông này đã làm nhiều công việc có ích cho dân làng nên họ gọi các ông bằng cái tên trân trọng là cụ Trình – ông Ấm Chí. Công trình ba Giậu Hàn chống xói lở trên khúc sông quê mình trước năm 1945 là công tình tập thể do dân hợp lực làm nên, tuy nhiên cũng phải công nhận công lao của hai ông Trần Kiêm Chí và Trần Kiêm Trình. Trước đó hai ông đã có uy tín với dân Làng bằng nhiều việc làm có ích khác nên hai ông đã vận động thành công sự đồng thuận của dân làng đưa 30 mẫu ruộng công ra đấu lấy kinh phí thực hiện công trình.

– Ông Trần Kiêm Mai (và vợ là bà Kỳ Ngọc Nguyên): Là hai nhân sĩ rất được dân làng yêu mến. Họ đã làm rất nhiều công việc có ích cho dân làng mà người làng sống cùng thời ai cũng biết, đó là: Xây một ngôi chùa bề thế trên đất gia tộc mình rồi cống hiến cho dân làng có chỗ tu tập; luôn dẫn đầu việc đóng góp xây dựng nhiều công trình, nhiều công việc có ích cho dân làng; sẵn lòng giúp đỡ người làng mỗi khi họ gặp khó khăn. Gần đây nhất là năm 1993, ông cùng bà con Hải ngoại hợp sức với dân làng bỏ tiền xây dựng đập Giậu Hàn số 4 chống sạt lở bờ sông cặp đường Dứt; chung tay đóng góp quỹ “Cây mùa Xuân”; “Quỹ khuyến học”; “Quỹ cứu đói”… (Xin xem bài Bác Ấm Mai của tôi ở mục Tái hiện quê hương).

– Các bà mụ đỡ đẻ trong làng giữa thế kỷ 20

Từ những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi xã chưa có trạm xá và nhà hộ sinh thì số phận người phụ nữ mang bầu ở vùng nông thôn thật sự đáng lo ngại như câu thành ngữ “người chửa, cửa mả”. May thay, như có bàn tay tạo hoá trong sự an định sinh tồn nòi giống con người mà mỗi làng xuất hiện vài bà mụ giúp người chửa vượt cạn. Ở làng ta, qua nhiều thời kì có nhiều bà mụ thực hiện sứ mệnh thiêng liêng như vậy. Gần đây nhất chúng tôi chỉ nhớ được hai mụ Cửu Ê và mụ Hẹt…

Những người trong làng được hai bà mụ này dìu ra từ bụng mẹ giờ đây đã có độ tuổi từ 60 đến 90. Trong số họ có nhiều người đã làm được nhiều việc có ích cho dân, cho nước. Một điều đáng trân trọng là các bà mụ luôn có mặt bất cứ lúc nào; sẵn lòng thức thâu đêm chia sẻ nỗi đau đớn cùng sự sợ hãi của sản phụ. Quý bà giúp sản phụ đến khi mẹ tròn con vuông mới trở về nhà trong những bước đi xiêu vẹo, mệt nhọc. Vậy đó, nhưng không hề nhận thù lao của ai đồng nào. Đó là lí do chúng ta cần ghi lại công lao của quý bà cho lớp đời sau biết.

– Quý ông Cai giang của làng từ các thời trước

Đã nói chuyện sinh thì phải đề cập đến chuyện tử. Người xưa có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Về chuyện này, làng ta có truyền thống là mỗi khi trong làng có người mất là họ hiếu chung tay với tang gia đưa người quá cố ra đồng sao cho mồ yên mả đẹp. Ngày trước đường làng chật hẹp, đầy tre pheo, lầy lội gập ghềnh rất gian nan cho việc di quan. Ngoài ra, người làng còn thể hiện tình cảm là di quan thật nhẹ nhàng, không để quan tài rùng lắc mà “đau” thân xác người quá cố. Thậm chí có gia đình còn đặt một chén nước, có khi là ba chén ở đầu, giữa, cuối trên nắp quan tài để ông Cai giang để ý mà di quan cho thật êm dịu! Đành rằng công việc này do họ hiếu chung tay, tuy nhiên việc di quan có hoàn thành tốt đẹp hay không trong trường hợp này phần lớn lại là nhờ quý ông Cai giang… (xem bài Chuyện làng tôi ở mục Tái hiện quê hương).

3.2. Những người có lòng với làng nước

Với cụm từ “có lòng với làng nước”, có người nói rằng “Đã là con dân trong làng ai mà chẳng có lòng với làng nước; hoặc bất kì một công việc lớn nhỏ nào cũng do toàn dân chung tay làm nên chớ nào một riêng ai!”. Điều này không ai phủ nhận. Tuy nhiên, bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Những người được ví như ngón ngắn có thể họ có tâm huyết nhưng lại yếu sức khoẻ hoặc quá nghèo nên không đóng góp được nhiều cho phương việc của làng; bên cạnh những người này còn có không ít người thiếu nhiệt tình hoặc có lối suy nghĩ “làng răng Xạ Năng rứa”. Làng quy định chừng mô tui đóng góp chừng nớ; đóng góp nhiều hơn sợ người ta cho mình chưa giàu mà đã làm sang!

Như vậy, nếu không có những người được ví là “ngón tay dài” thì thật lòng mà nói công việc làng nước khó thành công mỹ mãn. Họ là những người có tâm huyết, biết hợp lực cùng dân làng làm những việc vô tư, tự nguyện, góp phần chăm lo việc an sinh, khởi xướng hô hào vận động mọi người hưởng ứng làm những công việc có lợi cho dân. Họ đóng góp công lao, tiền của nhiều hơn người khác qua nhiều năm, nhiều đợt, nhiều thời kì thì cần phải ghi nhận để khích lệ và để con cháu noi theo. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi xin được phép nêu danh tính họ như sau:

3.2.1. Những người có lòng với dân làng sống ở nước ngoài

– Những thành viên Hải ngoại (nguyên quán Làng Liễu Cốc Hạ). Công bằng mà nói, mỗi khi ở làng có phương việc gì là người làng không quên thông báo cho họ. Nguồn kinh phí do Hải Ngoại đóng góp thường giúp cho công việc dễ dàng hoàn thành hơn. Những người tham gia đóng góp tài chánh cho các chương trình thiện nguyện ở làng từ ba lần trở lên là: Các ông bà Trần Kiêm Châu (Vấn), Phan Văn Danh, Trần Kiêm Dương, Trần Kiêm Đảm, Trần Đoàn (ngoại Trần Kiêm đã quá vãng), Trần Thị Kim Đôn (ngoại Trần Kiêm), Trần Thị Lục Hà (ca sĩ Hà Thanh – quá vãng), Trần Thị Kiêm Khanh, Trần Kiêm Bạch Lan, Trần Kiêm Xuân Lan (Lana Hoang), Trần Kiêm Ka Lăng, Trần Kiêm Liên Như, Trần Kiêm Nguyện, Trần Kiêm Quốc, Trần Kiêm Phương Thảo, Trần Kiêm Thiều, Trần Kiêm Thống, Trần Kiêm Tịnh, Trần Kiêm Trợ, Hà Thị Tuyết, Trần Thị Quan Thư, Trần Kiêm Thiều, Trần Thị Kiêm Trinh, Trần Kiêm Tuấn, Trần Kiêm Thúy Vy, Trần Kiêm Thống…

Trong số họ có những người tiêu biểu sau:

– Ông Trần Kiêm Đoàn (và vợ là bà Đặng Thị Hậu): Ông Đoàn là một nhân sĩ người làng biết đến với nhiều lĩnh vực như gầy dựng phong trào văn hoá nghệ thuật; hoạt động Phật sự của gia đình Phật tử; cải thiện văn hoá và cuộc sống cho bà con… Luôn là người khởi xướng, tiên phong đóng góp, vận động bà con ở Hải ngoại chung tay thực hiện các chương trình từ thiện, giáo dục và xây dựng các công trình sinh hoạt như: Chương trình cứu đói (1992 – 1997), Khuyến học (1990 – 1998), Cây mùa Xuân Liễu Hạ (2013 – 2020), lợp mái miếu Âm hồn (2013), tu sửa đình làng (1993 và 2022); cổng làng 1993. Ông là một trong ba thành viên của Ban soạn thảo tập Lược sử làng.

– Ông Phan Văn Cảnh: Là người có lòng với làng nước qua nhiều việc. Ông luôn quan tâm đến tiến độ, chất lượng công việc và một trong những người ở Hải ngoại đóng góp kinh phí nhiều cho mỗi công trình, cho mỗi phương việc trong làng.

3.2.2. Những người có lòng với làng nước, sống xa làng, ở trong nước

Chúng tôi xin được nêu tên tập thể trước rồi từ xa đến gần như sau:

– Tập thể Hội đồng hương Liễu Cốc Hạ ở thành phố Hồ Chí Minh: Tuy các thành viên tuổi đời còn khá trẻ nhưng có tấm lòng luôn hướng về quê nhà. Hội tham gia nhiệt tình tất cả mọi phương việc trong làng; tạo sợi dây thân ái, kết nối tình làng nghĩa xóm bằng việc lập quỹ hội thực hiện các việc thiện nguyện hướng về làng; thăm viếng người trong hội ốm đau; phúng điếu người làng bị mất không kể ở trong làng hay ngoài làng….

– Quý bà con ở ngoài làng trong nước: Những người đã có lòng đóng góp kinh phí hoặc quan tâm đóng góp nổi trội đến phương việc của làng là:

– Ông Cao Đống và con gái Cao Thị Xuân Mỹ (Huế), ông Nguyễn Văn Thăng (Bình Thuận), Nguyễn Văn Hưng (Sài Gòn), Nguyễn Kim Tính (Daklak), Trần Kiêm Hảo (Huế)…

– Ông Cao Văn Mỹ: Bỏ kinh phí của mình ra xây dựng cho làng một cổng làng khá khang trang, bề thế vào năm 2020 (dĩ nhiên là được dân làng hoan nghênh đồng thuận). Và là một thành viên của Hội đồng hương làng Liễu Cốc Hạ ở TP.HCM có tâm huyết hướng về làng – Làm nhiều công việc có ích như đóng góp sửa chữa đình làng năm 2022; có công trong việc xuất bản cuốn Lược sử làng…

– Ông Trần Kiêm Hạ: Xa quê đã lâu, nhưng ông không quên thể hiện tình yêu quê hương bằng cách đóng góp kinh phí xây dựng công trình hoặc phương việc nào đó của làng mà ông được biết. Ông là thành viên tích cực trong Ban soạn thảo Lược sử làng. Ông quan niệm tập Lược sử làng tuy không thiết thực như miếng ăn, thức uống nhưng lại rất quan trọng, bởi nó là một cuốn sách thể hiện tầm văn hoá làng mình với các địa phương trong cả nước. Và quan trọng hơn là để thế hệ con cháu mai sau biết rõ tổ tiên gốc gác mà yêu làng nước bằng những việc làm thiết thực. Chính vì vậy mà ông quyết tâm cùng Ban soạn thảo hoàn thành cho bằng được cuốn Lược sử làng Liễu Cốc Hạ càng sớm càng tốt.

– Ông Nguyễn Văn Phò (sinh năm 1944) và vợ là bà Bùi Thị Thạnh (sinh năm 1946): Hai ông bà đã bỏ tiền ra xây dựng cầu Lưu Hương giúp dân làng thoát cảnh lội hói, băng đồng mỗi khi có việc cần qua cồn Trưa, cồn Nổi như việc di quan, làm đồng áng; xây dựng công viên đầu làng đặt tên là “Di tích Phố xưa” tạo cảnh quan mát mẻ, môi trường sông nước hài hoà, giúp bà con có chỗ thư giãn, thể dục và các cháu có chỗ vui chơi, giải trí. Và ông bà đã đóng góp, tham gia nhiều công việc như “Cây mùa Xuân”, “Quỹ khuyến học”, “Quỹ cứu đói”, “Cứu trợ bão lụt” cho người làng. Trồng cây, làm công viên tạo cảnh quan văn hoá và môi trường sinh thái đầu làng; chung tay xây dựng các công trình dân sinh và tâm linh khác. Ông là thành viên Ban biên soạn Lược sử làng Liễu Cốc Hạ.

– Ông Trần Kiêm Huê: Cây cầu Banh Trên của làng được xây dựng từ năm 1966 với quy mô nhỏ, theo xu hướng phát triển chung trong khu vực, cây cầu dần không đáp ứng được nhu cầu giao thông liên thôn. Sau năm 1975, ông tập kết ngoài Bắc trở về, nhận thấy tình hình như vậy nên bằng khả năng hiện có của mình, ông đã khảo sát công trình và được Nhà nước cho xây dựng mới cầu Banh Trên với quy mô như hiện nay (12/2022).

– Ông Nguyễn Văn Tri: Đã thể hiện tấm lòng yêu làng nước trong thời kì ông đương nhiệm chức Phó Chủ tịch thị xã Hương Trà (2006 – 2020). Ông đã đề xuất và được cơ quan chức năng phê duyệt kinh phí sửa sang đường sá, cầu cống, bờ kè chống xói lở cho làng Liễu Cốc Hạ được như ngày nay (2022).

3.2.3. Những người có lòng với làng nước sống trong làng

Riêng với bà con đang ở trong làng, để tránh sự tranh cãi chúng tôi xin được dùng câu “Của một đồng, công một nén” hoặc “Kẻ có công người có của”, nghĩa là ai cũng có tấm lòng với làng nước không bằng hình thức này thì hình thức khác. Có người nằm trong danh sách Ban biên soạn đưa lên “Hòm thư góp ý Lược sử” thì gọi điện xin được rút khỏi danh sách. Thôi thì người cùng làng tắt lửa tối đèn có nhau, tự cảm nhận với nhau là được. Chúng tôi tôn trọng ý kiến đương sự, chỉ đưa ra vài người đã quá vãng như sau:

– Người thầy thuốc của dân làng: ông Trần Kiêm Thông (1927 – 2005). Trước năm 1975, việc khám, chữa bệnh ở làng rất khó khăn. Ông là người phụ trách khám chữa bệnh cho các đơn vị Nhà nước thời đó ở  thành phố Huế. Thương dân làng đã vất vả chuyện mưu sinh, rồi khi ốm đau không có điều kiện chữa bệnh, ông thường về làng khám và cấp thuốc cho tất cả mọi người khi họ mắc bệnh. Ông giúp đỡ dân làng từ năm này sang năm khác, lâu ngày thành nếp, cứ đau ốm là người làng mặc nhiên đến gặp ông xin khám và chữa bệnh miễn phí. Gặp những bệnh cần đưa lên Huế chạy chữa thì ông lại giới thiệu và giúp đỡ phương tiện…

Cô giáo trường làng Nguyễn Thị Liên (1933 – 2014): Từ năm 1958, làng Liễu Cốc Hạ mới có một ngôi trường chính thức được đưa vào hệ thống giáo dục Nhà nước. Nói là ngôi trường, nhưng thật ra chỉ có một phòng học, một lớp học duy nhất là lớp năm (nay gọi lớp một) và một giáo viên đảm nhiệm. Năm 1963, cô Liên (vợ ông Trần Ngọc Diệu) về dạy học trường làng mình đến 1989 thì nghỉ hưu. Đa phần những người sinh ra và lớn lên ở làng từ năm 1955 đến 1970 đều là học sinh trường làng. Họ được cô giáo Liên cầm tay nắn từng nét bút; dạy đọc ê a từng con chữ đặt nền móng kiến thức đầu đời. Làng Liễu Cốc Hạ có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”; “Uống nước nhớ nguồn” – với tinh thần ấy chúng tôi đưa danh tánh cô lên trang này để thể hiện sự tri ân của lớp học trò và phụ huynh ngày ấy đối với cô giáo làng Nguyễn Thị Liên.

Với mục “có lòng”, Ban biên soạn biết không tài nào ghi hết danh tánh được, quý vị nào nếu thấy không có tên người thân hoặc tên mình thì nên góp ý và xin được thông cảm!

3.3. Những người nguyên quán làng nổi tiếng trong và ngoài nước

Thay vì nhắc đến những người gốc làng Liễu Cốc Hạ “nổi tiếng”, lại một lần nữa Ban biên soạn xin được khiêm tốn xưng danh là “Những nhân vật của làng được đại chúng biết đến” do tài năng, nghiệp vụ chuyên môn của họ. Họ có năng khiếu bẩm sinh, chịu khó học hành, phấn đấu mới đạt được sự nghiệp như chức tước, tác phẩm văn chương, văn học nghệ thuật và nhiều hình thức thành danh khác đã được người trong và ngoài nước biết đến. Mục này không nhằm vinh danh cá nhân mà muốn con em chúng ta tự hào với bạn bè ngoài xã hội rằng: Làng mình cũng có những con người như thế mà tự tin phấn đấu vươn lên đạt được ước mơ của mình

Danh sách những người này lần đầu chúng tôi đã đưa lên trên “Hòm thư góp ý Lược sử làng” để xin được góp ý thêm, bớt… Sau đó chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau. Giữa lúc đang phân vân thì qua điện thoại có người góp ý: “Cứ vào trang tìm kiếm thông tin được nhiều người dùng nhất là Google mà “sợt” (search). Ai “nổi tiếng” việc gì là danh tính, hình ảnh của họ hiện lên trên trang mạng này ngay!”. Nhận thấy đây là một ý kiến hay. Bởi ngày nay ai cũng có điện thoại thông minh, có thể kiểm chứng đúng sai bằng phương pháp này. Vậy là chúng tôi đã vận dụng hệ thống truyền thông đại chúng (Online) trong nước và toàn cầu để truy tìm danh tánh của tất cả nhân vật gốc làng Liễu Cốc Hạ được nhiều người biết đến.

Dù kết quả không như mong muốn, bởi có vài người dân làng yêu quý như ông Trần Kiêm Mai, Trần Kiêm Phán, Trần Kiêm Phổ, Nguyễn Văn Phò… lại không có trên trang tìm kiếm. Nhưng để tránh sự tranh cãi gây mất đoàn kết, chúng tôi phải chấp nhận phương pháp này. Và sau đây là những nhân vật chúng tôi đã tìm được qua trang tìm kiếm Google:

– Ông Trần Kiêm Trình: Ông là nhân sĩ, tham gia các phong trào yêu nước và cải cách xã hội, phát triển hương thôn. Trong bài “Sự ra đời của báo Tiếng Dân…” viết về ông như sau: “cụ Trần Kiêm Trình là một nhân sĩ có danh vọng và đức độ, trước kia có tham gia Hội đồng tư vấn hàng tỉnh…”. Thông tin của ông có trên trang Web:

https://lsvn.vn/su-ra-doi-cua-bao-tieng-dan-va-cuoc-gap-go-giua-huynh-thuc-khang-voi-dao-duy-anh.html

– Ông Trần Kiêm Lý: Sinh năm 1913. Ông là Dân biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoá 3,4,5,6. Chuyên viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Ủy viên Ủy ban Dự án Pháp luật của Quốc hội. Thân thế ông thể hiện trên trang web:

https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/danh-sach-dai-bieu.aspx?ItemID=4436

– Bà Trần Thị Lục Hà: Bà chính là ca sĩ Hà Thanh, nổi tiếng trong âm nhạc trình diễn từ Huế, Sài Gòn và Hải ngoại. Bà được liệt vào hàng danh ca hàng đầu toàn quốc, hiện tiếng hát của bà được lưu hành rộng rãi trên You tube.

https://m.facebook.com/xitrum8/posts/1165796723504519:0

– Ông Trần Kiêm Đạt: Nhà văn, nhà biên khảo Kiêm Đạt được biết tiếng với sách giáo khoa và biên khảo. Thông tin ông thể hiện qua bài viết trên địa chỉ:

https://phatgiaobaclieu.com/so-luoc-lich-su-bao-chi-phat-giao-viet-nam-tran-kiem-dat/

– Ông Trần Kiêm Thêm: Nhà thơ Kiêm Thêm. Được biết tiếng với nhiều tập thơ viết về quê hương, xứ Huế và cuộc sống. Thân thế sự nghiệp văn chương của ông có rất nhiều trên các trang mạng:

https://www.dutule.com/a6213/tho-tran-kiem-them-giai-lua-thi-ca-hay-con-duong-cung-luc-bang-qua-thien-dang-va-dia-nguc-

– Ông Trần Kiêm Đoàn: Tiến sĩ Tâm lý học (US), Giáo sư, Nhà văn có bút danh cùng tên. Ông được nhiều người trong và ngoài nước biết đến với các tác phẩm văn, thơ và biên khảo về Huế, tâm lý xã hội và Phật giáo.

https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=520

https://www.Trankiemdoan.net

https://www.daophatngaynay.com/vn/author/trankiemdoan/

https://thuvienhoasen.org/author/post/21/1/tran-kiem-doan

– Ông Trần Kiêm Hạ: Người trong nước biết ông là nhà văn và nhà báo qua các bài báo dài kì trên Tuổi Trẻ và Pháp Luật TP.HCM. Ông có nhiều tác phẩm ký sự, truyện ngắn, tuỳ bút in ra sách và nhiều bài viết trên báo chí. Tác phẩm của ông rất gần gũi và hữu ích cho đời sống Nhân nhân, được các phương tiện truyền thông đại chúng như Đài phát thanh, các chương trình trên Ti vi, sách nói, đọc chuyện đêm khuya… giới thiệu, phổ biến tới người dân trong nước.

https://www.phunuonline.com.vn/mot-doi-nguoi-mot-giac-mong-a1426175.html

https://sach.tonirovkasamara.ru/tai-tac-gia-sach-dien-tu/tran_ki_m_ha.html

– Ông Trần Kiêm Hảo: Hiện là Giám đốc sở Y tế Thừa Thiên Huế.

https://csdlkhoahoc.hueuni.edu.vn/index.php/scientist/detail/id/2887

– Ông Trần Kiêm Minh (con ông Trần Kiêm Lai): Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng khoa Toán Đại học Sư phạm Huế:

http://www.dhsphue.edu.vn/cd_cmk.aspx?cd=38&id=0

– Bà Cao Thị Xuân Mỹ (con ông Cao Đống): Tiến sĩ Ngôn ngữ học – Có nhiều bài viết trên các tạp chí khoa học nổi tiếng ở nước ngoài; tham gia giảng dạy nhiều trường Đại học trong và ngoài nước. Một trong nhiều trang thông tin thể hiện các công trình nghiên cứu của bà là:

http://hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=6181%3Acaothixuanmy&catid=2376%3Akhoa-giao-dc-

Vì khả năng và phương tiện kỹ thuật giới hạn, nếu có sự thiếu sót danh tánh trong phần liệt kê lần này, rất mong bà con thông cảm. Ban biên soạn chúng tôi tạm khép lại phần “tìm người Liễu Hạ trên online” nơi đây với hy vọng rằng, thế hệ kế thừa hay bà con nào vận dụng được kỹ thuật tinh xảo hơn tìm thêm được những nhân vật làng Liễu Cốc Hạ có tiếng tăm, chúng tôi rất vui mừng bổ khuyết kịp thời trong tập Lược sử này (2022), hoặc lưu trữ bổ túc cho tương lai.

***

 

 

 

 

Bài viết liên quan