VIỆT KIỀU

Phi trường San Francisco giữa mùa Giáng sinh rực rỡ với đèn sao lấp lánh.  Cả một rừng người tứ xứ đưa đón, đi về, bận rộn, xung xăng như chú rể, cô dâu trong ngày cưới.  Đứng trong đám đông người lố nhố hầu như toàn tóc đen của dân châu Á trước quầy vé đường bay quốc tế về Manila đang chờ nhân viên Philippines Air Lines cân gởi hàng hóa về Việt Nam, Huy có thể nghe rì rào tiếng Việt đủ giọng nói Trung, Nam, Bắc. Nhìn những va-li hàng hoá căng phồng với các món hàng gởi gắm chĩu nặng tình quê và những khuôn mặt ưu tư vì lo hành lý cân quá tải, Huy cảm thấy mình lạc lõng.  Đã không ai đưa tiễn mà Huy cũng chẳng thuộc về đoàn người đang rủ nhau về thăm quê hương trong mùa Tết như bầy chim Ri mỗi năm gọi đàn trở lại cánh rừng cố lý đầu nguồn.

          Huy ôm chặt cái va-li xách tay nhỏ nhắn của mình, ngồi đơn độc trên chiếc ghế phi trường nhìn dáng vui tíu tít, rỡ ràng của thiên hạ.  Anh bạn lớn tuổi đưa giúp lên phi trường sợ thức khuya sớm mai trễ giờ đưa báo đã kiếu về sớm. Huy bâng khuâng nhớ lại những cái ga tàu còn đầy trong ký ức như ga xép Phú Bài, ga tạm An Cựu và bến xe Nong, Truồi, Cầu Hai , Nước Ngọt – Huế.  Nơi đó, thời thơ ấu Huy cũng đã từng có niềm vui rộn ràng cũng như nỗi buồn xao xuyến của sum họp và chia xa khi mỗi lần đưa đón mẹ và mấy anh chị đi về.  Giờ đây, ga tàu bay xứ người quá tân kỳ và đồ sộ, nhưng với Huy thì vẫn thiếu vắng một “cái gì nằng nặng trong hơi máy. Tình không vướng thì lòng dạ dửng dưng!

          Mười mấy năm ở Mỹ, Huy đã quen đi về một mình trên chiếc xe đóng kín, những xôn xao hoa lá trong hồn rồi cũng mòn dần như những cặp lốp xe chạy hoài trên những xa lộ quá trơn tru nên cứ truột dài không chỗ dựa.  Hương hoa và ý nghĩa về một cuộc sống tình cảm đậm đà, ướt át hình như phai dần theo tháng ngày chạy đuổi với cuộc sống quá thực tế trên đất nước nầy.  Huy độc thân, làm việc toàn thời gian ban ngày và bán thời gian ban đêm, nên những khoảng trống mơ mộng đã bị lấp đầy bằng những giấc ngủ mệt mề và những bữa “cơm fast food” vội vàng cầm trên tay vừa lái vừa ăn.

          Thế giới tình cảm của Huy cũng hiện thực mà mơ hồ như con tàu lầm lũi đi giữa sương mù chệch hướng. Huy không còn quá trẻ để sống vỡ bờ và cuồng nhiệt cho hiện tại và tương lai; cũng chưa già giống thế hệ đàn anh để tự hào vu vơ trong vỏ ốc, cố chối bỏ một thực tại chua cay để thay bằng một anh hùng quá khứ huy hoàng đầy hoang tưởng.ï Huy vẫn đứng bên lề tình cảm lứa đôi, nhìn những người bạn gái người Việt kiêu sa ngày một xa và những người bạn gái Mỹ thực tế và xông xáo đến trần trụi ngày một vắng. Trong cô đơn, Huy càng thấy thấm thía tình thương của mẹ và những gắn bó đậm đà dành cho gia đình và tình nghĩa anh em ruột thịt ở quê nhà. Những khoản tiền lớn chắt chiu và dành dụm được bằng đồng lương đi làm ngày đêm không có giờ ngủ Huy hớn hở gởi về đều đặn cho mẹ, cho anh không một chút đắn đo.  Huy bằng lòng với sự hy sinh cực nhọc bên nầy để có tiền gởi về cho mẹ được sung sướng, cho anh được thoải mái làm ăn và cho các cháu được học tập nên người.  Có những đêm đi làm về khuya khoắt, lạnh vùi trong tuyết, Huy chỉ cần nhắm mắt lại, tưởng tượng cảnh bà mẹ quê của mình vui với bầy cháu ngoan, học hành xuất chúng, bên cạnh ông anh chí thú làm ăn là Huy đã thấy lòng ấm lại, sung sướng miên man nên tuyết lạnh bỗng trắng như bông kết thành mơ ước.

          Mẹ không biết chữ nhưng đã có anh cả và bầy cháu chăm chút viết thư đều đặn cho Huy.  Những lá thư từ quê mẹ! Những lá thư quê hương nổi bật với đường viền xanh đỏ quanh bì thư, bao năm qua đóng vai những chuyến tàu tình cảm chuyên chở yêu thương.

          Nghĩ đến mẹ thật nhiều, Huy ôm chặt bao hành lý xách tay với những món quà của một thuở ước mơ dành cho me. Huy nghe tim đập nhanh khi liên tưởng đến phút sum họp. Huy sẽ quàng lên vai mẹ cái áo gấm Thượng Hải màu huỳnh bá điểm hoa lý. Mẹ sẽ cười vui phất phơ tóc trắng khi Huy mặc thêm cho mẹ cái áo bông mềm với những đường may trấn thủ mà Huy đã đặt mua tận Hồng Kông. Huy không hiểu bao năm qua gót chân mẹ có còn nứt nẻ khi mẹ mang đôi giày nhung. Huy biết mẹ vẫn cười vui nhưng Huy sẽ buồn buồn pha chút tủi thân khi trao mẹ chiếc áo Quan Âm mà Huy đã lên tận tu viện Kim Sơn để thỉnh cho được những nét thủ bút chữ Phạn tài hoa của thầy Trưởng Thượng.  Đây sẽ là chiếc áo choàng khi mẹ trăm tuổi.  Huy sẽ cận kề bên gối mẹ hay vẫn ở quê người ngày mẹ mặc áo Quan Âm đi vào vĩnh biệt thì vẫn có bóng Huy gói ghém trong chiếc áo.

          Chuyện kể ngày xưa có một người tình đi trên gai, chạy giữa tuyết, ngủ gữa đồng hoang nắng cháy mà vẫn ung dung trên những dặm đường dài không biết khổ vì cảm giác thường là sản phẩm của sự so sánh.  Tình cảm của Huy hướng về mẹ và quê hương cũng dạt dào như sóng lớn. Huy quên đi rất nhanh những nhọc nhằn ngày qua ở quê người cho niềm hạnh phúc đang hiện rõ dần từng nét trên quê hương.

Huy ghé vào quán cà phê trên bến xe đò An Cựu về làng, kêu một cốc cà phê đen. Cái mùi ẩm mốc muôn thuở của bến xe gây cho Huy cảm giác gần gũi, ngây ngây.  Một thoáng hồi tưởng ấm áp mơ hồ bốc lên từ tách cà phê đặc quánh làm Huy thắy dịu ấm từ chân tới đầu như được tắm trong giòng nước trưa hè của giòng sông quê hương. Huế hôm nay vẫn là Huế mười năm trước. Huy hôm nay cũng thế, bộ quần áo rẻ tiền khoác lên vóc dáng mảnh khảnh, rám nắng và đôi dép không quai sau đã giữ lại được hình ảnh cũ của chú Huy xóm nhỏ ngày xưa.  Cảm giác chim bay về nguồn cội để họp đàn, hòa điệu, thuộc về trong một tâm hồn xao xác lạc bầy nay tìm được về tổ ấm sao mà đằm thắm, tràn đầy, ngất ngây đến thế.  Trí óc và tâm hồn Huy buông thả, lắng nghe; khỏi phải dùng lý trí để nói cho đúng chữ, đúng giọng; khỏi phải luôn luôn trong trạng thái tỉnh thức để nghe cho hiểu, chạy cho đúng đường như bao năm qua phải tranh sống ngày lại ngày bên trời Âu Mỹ.  Không ai để ý Huy là dân tóc đen, hay tóc vàng; cũng chẳng ai tò mò muốn biết Huy từ đâu lại.  Giọt nước cũ đã trở về giòng sông xưa thì cứ việc xuôi giòng giữa hai bến bờ lau lách.

Huy là người cuối cùng lên xe, phải nói là “đeo” lên thành xe mới đúng, vì chuyến xe chót trong ngày quá chật, hành khách đứng chen chân từ trong ra ngoài chật cứng.  Cũng là chiếc xe hộp loại Renault đã lê gót trên cùng một tuyến đường từ ba mươi năm trước.  Bác tài xế vui tính thuở nào giờ có vẻ mệt mỏi, ngồi trên hai cái mền xếp làm nệm xe, ôm tay lái mòn nhẵn, hút thuốc vấn, miệng bập bập nhả khói buồn hiu giống thân cây gỗ gió già  trơ trụi đợi mãi chẳng thành trầm.   Rồi cũng có một anh lơ xe trẻ tuổi cầm cần ma-ni-ven cong lưng quây túi bụi, chiếc xe  thở phì phò rồi nổ máy cho toàn thân run lên và chầm chậm lê bánh về làng. Huy không còn cách nào để tránh ngực sát ngực, vai kề vai với những người hành khách khác. Điểm tựa duy nhất là những cánh tay giơ quá đầu bám chặt vào giá trần xe, buông thả thân xác chao đảo lắc lư tự do theo nhịp ga, chân thắng của bác tài xế.  Mùi mồ hôi, mùi hàng hóa, tiếng nói chuyện lao xao… quen thân quá như mùi đồng ruộng, như bài hát “Vui Ca Lên” đồng vọng thuở thiếu thời.  Xe lăn bánh lần mò với giàn máy móc cũ kỹ than van, không đến nỗi nằm đường nên cuối cùng cũng về tới bến.

Huy khoác xách hành lý lên vai đi vào làng.  Trời gần chạng vạng.  Con đường xóm Sông đã tối thẳm vì rợp bóng tre.  Huy muốn dành cho mẹ và gia đình một sự ngạc nhiên kỳ thú bằng cách âm thầm về lại làng xưa không báo trước với bộ áo quần cũ kỹ nông dân.  Huy tính sẽ vòng quanh theo ngõ vườn sau, theo phía chuồng heo vào nhà bếp, lên nhà trên, rồi lặng lẽ ngồi xuống bên mẹ, đặt vào lòng tay mẹ gói thuốc cẩm lệ Mụ Cửu Ới, và gói trà Thiết Quan Âm,  rồi nói rằng:  “Mạ ơi! Thuốc cẩm lệ ngon hạng nhất với trà thơm của mạ đây nì!”

Chút háo hức mường trượng trẻ thơ bỗng chùn lại khi Huy vừa bước vào khỏi cái bình phong gia tàu trước ngõ.  Tiếng nhạc kích động giật gân vang ra từ ngôi nhà ngói đỏ đồ sộ còn núp giữa bóng tre.   Cái nhà mới với nền cao sừng sững đầy vẻ kiêu kỳ tội tình của một cô gái quê thiếu nhan sắc mà cố làm ra dáng cong cớn thị thành.  Đèn điện xanh đỏ lập lòe và tiếng hát khét lẹt rống lên đâu đó từ giàn nhạc cụ rẻ tiền nhưng âm thanh cực kỳ khuếch đại.  Căn nhà ba gian hai chái quen thuộc không còn nữa.  Chiều quê với tiếng ếch nhái và côn trùng gọi đàn êm ả mất hút trong đống văn minh học đòi cuối mùa làm Huy cảm thấy một lớp đe dọa rờn rợn lẩn quẩn quanh ngôi nhà xưa giờ đã rùng mình lột vỏ.

Huy đứng tần ngần khá lâu ngoài cửa chẳng ai để ý.   Hình như buổi tiệc nhậu hát nhạc karaoke đang hồi hứng khởi.   Huy nhìn thoáng anh Hai đang ngồi ở bàn giữa với ly bia sủi bọt không rời trên tay.  Tóc anh đã bạc trắng, để dài, chảy xuống đôi gò má xệ vàng vọt.  Thằng Sơn, thằng Hải, hai đứa con trai lớn của anh Hai coi vẻ đã trưởng thành đang thay phiên nói chuyện gì như hét, tay nầy nắm lon bia, tay kia cầm điếu thuốc lăm lăm như đấu kiếm bên cạnh những khuôn mặt vừa lạ vừa quen.  Không thể đứng ngoài lâu hơn được nữa, Huy bước lên thềm vào nhà.   Như thêm một khách nhậu, chẳng ai để ý.  Huy đến sau lưng anh Hai, quàng tay quanh cổ anh, kêu lên nghẹn ngào:

– Anh Hai! Em về đầy nì.  Huy đây anh nờ!

 Người anh cả quay phát lại như điện giật, ôm chầm lấy em, lay lay như gọi hồn ma về nhập xác.

 – Trời ơi!  Huy!  Đây là Huy thiệt đây à?  Chú về hồi mô mà không cho ai hay biết chi hết rứa?!

Huy chưa kịp trả lời anh, đã hỏi dồn:

– Anh!  Mạ mô rồi?

 Ông anh cả còn đang trả lời lúng túng câu gì chưa rõ thì con Vạc từ dưới bếp chạy lên, nhào tới cầm tay Huy khóc nức nở.  Vạc là con gái của người giúp việc cũ đã sinh ra và lớn lên trong căn nhà này, nên được mẹ Huy coi như con cháu ruột thịt.  Cảm thấy như có một thoáng lúng túng bất thường, Huy chụp ngay Vạc và hỏi tới tấp vào tai nó:

  – Vạc, mệ mô rồi?

Con Vạc trợn mắt lùi lại nhìn Huy trân trân như nhìn một hiện tượng quái dị:

– Thì mệ nằm ngoài đồng chớ mô nữa.!

Huy không chắc mình đã nghe rõ, hỏi lớn tiếng:

– Cái chi? Mệ ở riêng à?

Con Vạc lại bù lu, bù loa khóc lên.  Vừa khóc, vừa kể:

 – Chú Huy, chú hỏi chi lạ rứa? Mệ mất hai năm ni rồi, chú ở Mỹ gởi tiền về lo đám, xây lăng cho mệ, còn hỏi chi nữa!

Huy run rẩy ngồi phịch xuống, ôm cứng chân người anh cả hỏi cuống cuồng:

  – Anh Hai!  Mạ mô rồi?  Chỉ cho em mau đi anh.  Mau lên!  Xin đừng ai nói láo với tôi nữa.  Trời ơi, Mạ!  Con về với mạ đây mạ nì!

Không có tiếng trả lời.  Huy buông chân người anh đang ôm đầu đứng sững với khuôn mặt tái xám, rồi lảo đảo chạy nhanh vào bàn thờ.  Mẹ đó.  Mẹ chỉ còn là cái bóng thờ lúp mặt sau tấm khăn vải đỏ.  Huy cuồng lên, vươn tay ôm khung ảnh của mẹ.  Sau lớp vải đỏ, sau khung kính bụi mờ là khuôn mặt mẹ.  Huy ôm ảnh mẹ vào ngực và lăn lộn quanh nhà với cơn lốc tình cảm cho đến khi người y tá đến băng những vết thương do khung kính vỡ cắt vào người Huy.   Nước mắt chảy nhiều hơn máu, nhưng có vị thuốc nào băng bó nổi những thương tích cắt xé tâm hồn và cầm được nước mắt của một đứa con vừa biết mình vĩnh viễn mất mẹ.

Đã ba ngày, từ lúc tinh mơ cho đến khi trời tối mịt, Huy chỉ quanh quẩn nơi Cồn Làng. Đây là thế giới im lìm của vĩnh cửu, là vùng mồ mã của tổ tiên và con dân làng Tây Hạ sau khi nằm xuống và trở về với đất.  Huy nhổ cho hết những cây cỏ may lơ thơ cuối cùng quanh mộ mẹ.  Những nén nhang nối đuôi nhau cháy cho giòng khói lam hiền và rất mong manh chảy trên đồng vắng.  Nhìn những bụi dứa hoang chen chúc muôn đời trên mảnh đất nghèo cằn cỗi, theo dõi những con ong muối về xây tổ ẩn dưới cọng lá mâm xôi, Huy bỗng thấy thèm khát một mái nhà,  một khuôn mặt trìu mến và bàn tay ve vuốt thân yêu. Mẹ mất rồi. Mẹ đang yên nghỉ dưới bầu trời xanh quê hương lồng lộng.  Bàn tay Huy đã chằng chịt vết cắt của cỏ dại và cháy nâu với nắng gió đồng hoang, nhưng cái nghèn nghẹn không tên trong lòng vẫn không vơi bớt.  Huy lẩm bẩm mấy câu thơ nổi loạn của Nguyễn Đính đang trở về trong vô thức: “Mả cha cuộc đời quá vô hậu! Nhìn tới nhìn lui không biết thù ai…”   Uất nghẹn, tủi thân, giận dữ, thương hại, lưu luyến, chán ghét… đang là mớ bòng bong cảm xúc lắng sâu trong lòng Huy.   Ông anh cả bản lãnh và uy quyền lẫm liệt một thuở trong gia đình giờ là một phế nhân của thời cuộc, đành tâm dấu tin mẹ mất với đứa em út tha hương vì nguồn lợi lộc bạc tiền.  Nhớ những đồng tiền chắt chiu ngày xưa mà anh cả đã dành cho em lên thành phố học, nhớ phong cách mẫu mực một thời của anh ấy trong gia đình và làng xóm, rồi nhớ những cái thư quê hương hỏi tiền hằng nghìn đô la chữa bệnh cho mẹ vừa gởi đều trong những tháng gần đây, Huy không còn một phản ứng nào hơn là im lặng.   Hình như cả anh Hai và Huy đều không còn chịu nổi cái im lặng núi đá trong suốt mấy ngày qua.   Nỗi mất mát của quê hương không còn ở mức độ nghèo khổ mà đã vượt cao quá tầm băng hoại của tâm hồn.  Cái im lặng dồn nén trong Huy bỗng bắt đầu cựa quậy khi Huy nhớ văng vẳng lời nhắn của bà chị dâu:  “Ngày mai có tiệc lớn mời bà con làng nước tới mừng chú ở Mỹ về thăm đó!”.  Huy bỗng lắc đầu, thở dài khi ngước nhìn dãy Trường Sơn tím thẩm buổi chiều phía Tây đường quốc lộ 1.  Dãy núi nghìn trùng buồn hiu hắt như quầng mắt thăm thẳm của mẹ già.  Những trái núi tự nhiên lớn dần như mây đen vần vũ trên đầu và những mồ mả rúng động, rung rinh rồi bật rễ quan tài lao đi vun vút.  Huy chần chờ, ném viên sỏi cuối cùng lên mộ mẹ và vùng bỏ chạy.  Con đường qua ruộng, băng đồng quen từ thời tuổi dại mở ra trước mắt.   Qua cồn Gió, cồn Sim, cồn Nổi, cầu Bàu.  Có tiếng kêu đâu đây của mẹ, Huy dừng lại ngoái nhìn cồn làng nhưng chỉ thấy mây mù bao phủ. Huy không biết mình đang khóc hay mồ hôi và mây mưa làm ướt đẫm mặt mày.  Huy thấy mình nhẹ hẫng rồi bay đi, vi vu trong gió… Huy mở choàng mắt dậy và thấy mình đang nằm gối lên ngôi mộ hoang đầy cỏ tranh trong bóng tối.  Huy nhớ lại là mình đã không ăn gì trong suốt hai ngày.  Sự đày đọa thể xác và nỗi uẩn ức bùng vỡ làm Huy chao đảo.  Huy gượng vùng dậy và tiếp tục xách gói hành lý nhỏ bằng cái nón cời chỉ còn đựng giấy tờ và tiền bạc, chạy lúp xúp theo đường quốc lộ 1.  Tới được cái ga xép Phù Lương, Huy chỉ còn đủ sức lết tới, lẫn trong đám người đang chờ chuyến tàu chợ vào Nam.

          Huy rời ga Bình Triệu vội vàng như trốn chạy.  Cái xa lạ của con người ít ra cũng có thể làm Huy cảm thấy dễ chịu, nhưng cái xa lạ của đất nước lại làm Huy se lòng.   Đất nước cũng chỉ là vùng đất cát mênh mang khi thiếu chất keo của tình người và chất men của kỷ niệm.  Vùng đất hứa trong bao nhiêu năm giờ bỗng thành xa lạ.  Thành phố không quen và con người chưa hề biết di động tới lui như bóng mây giữa khung trời khuya và những mảnh sao băng lạnh lẽo, vụn rời, xa lắc.  Huy lửng thửng tìm đến chiếc xe xích lô đậu ở góc đường chẳng phải tình cờ mà vì sợ những mời gọi vồn vã, giành giật.  Huy như một con chim bị gió cuốn trong cơn bão của bạc tiền.  Một ngọn gió thu chớm lạnh cũng đủ làm cho chim rùng mình lẫn trốn.

          Cho đến khi ngồi hẳn trên xe rồi mà Huy cũng chưa biết mình sẽ đi đâu.  Người đạp xe với khuôn mặt sạm nắng, nhưng vẻ phong trần vẫn chưa xóa hết những nét thanh tú sau đôi kính cận và dáng trầm tĩnh, chịu đựng đơn độc. Hình như chẳng có gì ngạc nhiên trong giọng nói, ông hỏi Huy:

– Vậy chớ cậu muốn đi đâu?

Huy trả lời như cái máy:

– Tôi cũng chưa biết về đâu nữa.

Rồi như chợt nhớ ra là mình cần rời khỏi đất nước đang trở thành xa lạ nầy càng sớm càng tốt, Huy đổi lại:

– Chú cho tôi tới trạm bán vé máy bay trên đường Lê Lợị

          Không nghe Huy hỏi giá, người phu xe nhắc:

– Tính cậu năm ngàn.

– Được, họ sao tôi vậy.  Đi thôi.

          Giữa đường phố Sài gòn, sự chững chạc và cách lái xe quá cẩn thận của người đạp xe xích lô thường trở thành thua lỗ.  Xe nầy vượt xéo trước mặt, xe nọ lạng sát bên hông, xe kia bóp còi qua mặt, xe khác lè kè sau lưng, chiếc xích lô vẫn đi chầm chậm, lùi mãi phía sau giữa giòng xe cuồn cuộn chảy.  Xe và người có vẻ chịu đựng một cách tội tình như công tử lỡ thời về quê làm mướn.

          Sự trống vắng trong Huy lại lớn dần như một nỗi ám ảnh nặng nề, hừng hực khi hãng máy bay trả lời dứt khoát là họ không thể dàn xếp cho khách hàng muốn đổi vé về sớm hơn kế hoạch vì đang giữa mùa Tết.  Cái rộn ràng của Sài gòn vô tình đến độ tàn nhẫn đối với những đứa con hoang lạc phố, lạc nhà.  Hình  như đọc được một phần sự nổi loạn âm ỷ nhưng tuyệt vọng một cách đầy hoang dại qua thái độ quay quắt và khuôn mặt bị dồn nén như muốn vỡ ra từng mảnh của Huy, người đạp xe xích lô lên tiếng:

– Giờ cậu muốn đi về đâủ

Huy trả lời không cần suy nghĩ:

– Chú cho tôi về đâu cũng được vì thực ra tôi cũng chẳng có một nơi đâu để về cả.

Người phu xe cười rất nhẹ:

– Hình như cậu đang có chuyện buồn, nhưng đừng quên đây là đường phố Sàigòn. Giữa sự xô bồ của một thành phố lớn, chỉ mình mới biết bảo trọng lấy sinh mạng của chính mình trong cảnh vàng thau lẫn lộn.  Cái ngang bướng tận cùng của một tâm hồn chợt mất thiên đường ảo vọng trong Huy bỗng bừng bừng trỗi dậy:

– Chuyện chết hay sống đều có số, thiên lôi tôi cũng không ngán đâu chú ơi. Chú cứ chở quanh tôi khắp Sài gòn, tốn bao nhiêu tôi cũng trả.

Người phu xe đáïp gọn lỏn:

– Không! Tôi không chở được.

Huy cười mĩa mai:

– Nghĩa là chú đếch cần tiền, phải không?

Người phu xe cũng cười khô khan:

– Rất cần tiền tôi mới phải đi đạp xe xích lô như cậu thấy đây nè, nhưng tôi chỉ cần những đồng tiền lương thiện.

Huy phá ra cười:

– Chú nói nghe như chuyện tiểu thuyết cả trăm năm về trướùc. Tiền lương thiện hay tiền bất lương cũng phải có in hai mặt xanh xanh, đỏ đỏ trong đó mà.  Bộ chú là tiên và tiền của chú chỉ có toàn màu trắng thôi sao?

 Người phu xe vẫn nhẹ nhàng:

– Tôi không là tiên, nhưng cũng chẳng phải là đệ tử của tiền. Tôi chỉ là một người biết giới hạn của mình để sống qua ngày trong thời buổi khó khăn nầy thôi.

Huy đang im lặng suy nghĩ miên man về cái lạ lùng của con người Việt Nam “trăm người tục, chục người thanh” thì chiếc xe xích lô dừng lại đột ngột trước một căn nhà hai tầng khang trang khuất một nửa sau những tàng cây xanh đậm ở khu Duy Tân.  Người phu xe xích lô laị gần Huy, chỉ tay vào ngôi nhà giải thích:

– Đây là công ty “Đa nhiệm”.  Nghe nói đây là nơi đáng tin cậy nhất để tìm bất cứ thứ dịch vụ nào cũng đều có.  Cậu cần gì cứ liên lạc thẳng với họ.

Trước khi Huy kịp nói lên ý nghĩ vừa thoáng qua thì người phu xe đã vuốt mái tóc muối tiêu, chầm chậm đạp chiếc xích lô mất hút cuối đường.

          Huy vác cái xách tay rẻ tiền, e dè bước vào căn nhà sang trọng trong cái thế chẳng đặng đừng.  Phòng ngoài của ngôi nhà là một kiểu văn phòng trang hoàng tân kỳ không thua gì những văn phòng điều hành của một công ty lớn ở Mỹ.  Ngưòi đàn ông ăn mặc chải chuốt và sang trọng tiếp Huy một cách lịch sự:

– Thưa ông, chúng tôi có thể giúp ông điều gì ạ?

Huy nghe âm vang tiếng nói mình giận dữ một cách vô lý:

– Tôi muốn chơi bời, phá phách, nổûi loạn. Tôi muốn quên…

Người đàn ông càng tỏ ra lịch lãm hơn với dáng trầm ngâm lắng nghe Huy nói. Ông chìa gói thuốc Dunhill ra mời Huy và chậm rãi vừa trả lời, vừa hỏi lại:

– Những điều ông muốn cũng dễ thôi, nhưng xin lỗi là chúng tôi cần biết thêm một vài dữ kiện riêng về ông để tiện việc săp xếp. Thế thưa ông, ông có biết cỡi ngựa, bắn súng không?

– Không.

– Ông có thích trò chơi đấm đá nhào lộn không?

– Không.

– Ông có sở trường chơi những môn thể thao nào không?

– Không.

Ông ta rít một hơi thuốc dài rồi kết luận một cách khéo léo làm xoa dịu bớt cơn sốt xốc nổi trong lòng Huy:

– Tôi cũng rất giống ông về điểm nầy, nhưng tôi thường vẫn thích những cảm giác mạnh.

Người đàn ông xin lỗi vào phòng trong. Huy nghe loáng thoáng tiếng ông ta gọi điện thoại loanh quanh và hội ý với người khác. Lát sau ông trở ra với dáng tự tin và giọng nói pha một chút kiêu kỳ hơi bí bật:

– Thưa ông, hồi nãy ông tỏ ý muốn tìm những trò chơi phá phách, nếu bây giờ có ai nói đến việc phá như… phá trinh chẳng hạn thì có làm ông phật ý không?

Huy hơi giật mình hỏi lại:

– Xin lỗi, tôi chưa hiểu rõ ý của ông.

 – Nghĩa là là có những người con gái cần tiền muốn bán trinh tiết của họ để đổi lấy một món tiền mà họ cần dùng.  Như ông thừa biết đó, thông thường hễ có người bán thì có người mua. Chúng tôi không có ý hạ thấp giá trị con người xuống ngang hàng với đồ vật.  Nhưng khái niệm “hàng hoá” của chúng tôi rất linh động.  Đấy chỉ  là một phương tiện trao đổi có tính chất tương đối và tạm thời giữa hai phía cung và cầu; giữa người bán và người mua. Theo ý tôi thì “món hàng” nầy rất thích hợp với hoàn cảnh của ông vì nó giúp ông tìm quên bằng sự “phá phách trong an toàn”.

                             Huy lúng túng một cách trẻ thơ. Tâm trạng nổi loạn đang lắng xuống thành sự tò mò bỡ ngỡ của một người đang đi trên đường cái, bỗng dưng có người mời gọi bước vào ngưởng cửakhu rừng huyền bí. Huy đang ở trên đà của sự hằn học bất chấp, hơn là nỗi đam mê ong bướm và thể xác nên “gọi hàng” miễn cưỡng:

– Cũng  được.

                             Bầu không khí có vẻ như trầm hẳn xuống vì bộ mặt ưu tư của Huy. Người quản lý cố hâm nóng bằng nụ cười dòn tan, nhưng cái dòn mang tính xã giao hời hợt hơn là từ một niềm vui ấm áp phát xuất tự đáy lòng.

 Người thanh niên đưa Huy đến điểm hẹn, dặn dò:

– Xong việc, xin ông khóa trái cửa và ném cái chìa khóa vào nhà.  “Hàng” đang chờ ông trong ấy. Ông cứ việc thoải mái vào nhà. Thức ăn, bia, rượu mạnh đều có sẵn trong tủ lạnh.

Gã thanh niên nheo mắt trái làm hiệu theo cái cười đồng lõa, nhưng cũng rất đểu:

– Chúc “chú rể, cô dâu” một đêm hạnh phúc nhé!

Huy e dè bước vào ngôi nhà nhỏ bé xinh xắn nẳm ẩn sau tàng cây xanh. Phòng khách trang trí rất trang nhã và mỹ thuật.  Điểm khác biệt với nhà Âu Mỹ là cái tủ lạnh để ngay trong phòng khách như một vật trang trí và phòng ngủ cách phòng khách chỉ bằng cái màn voan trắng nhạt điểm hoa hồng.  Huy bỡ ngỡ nghe tim đập thình thịch như kẻ trộm nhát gan.  Huy biết có người đang đợi sau bức màn mỏng, nhưng sao cái màn mỏng manh như gió thoảng ấy bỗng thành cao vời vợi khó vượt qua.  Huy không biết đã ngồi lặng im trong căn phòng nhỏ đến bao lâu, cho đến khi có tiếng nói vọng ra, nửa như bực dọc, nửa như van lơn làm Huy càng ngỡ ngàng, im tiếng:

– Xin lỗi ông khách, tôi đã sẵn sàng!

Huy hoang mang nghĩ vẩn vơ như tuổi nhỏ trong xóm nghèo ngày xưa chơi diều giấy.  Mê bay cao, nhưng lại sợ diều căng gió đứt dây bay mãi lên trời không về nữa. Giờ đây Huy đang cay đắng vói cái mặt trái dễ sợ của đồng tiền, nếu cọng thêm với sự thực nhầy nhụa, trần truồng của thể xác, Huy chắc là con diều giấy căng gió, bềnh bồng thuở xưa trên cánh đồng làng sẽ bay mãi không bao giờ về lại.

Huy thở dài cùng lúc với tiếng chân của “hàng” từ trong phòng vén màn bước ra. Huy bất chợt ngước lên và chạm ngay tia mắt nhìn lạ lùng của người con gái vô danh, chưa một lần quen biết.  Cả khách lẫn “hàng” đều không kham nổi sự ngỡ ngàng nên đều ngó lãng qua phía khác để tránh cái nhìn câm lặng nhưng đá sỏi cũng phải se mình.  Im lặng kéo dài, nhưng tiếng nói lao xao từ ký ức hiệân về, từ khổ đau dồn lại đã âm thầm từng đợt tràn qua da thịt, cảm quan và suy tưởng của mỗi người.  Huy muốn bương ra khỏi đợt sóng ngầm của im lặng, lên tiếng trước:

– Xin lỗi, tôi hút thuốc có làm phiền cô không?

          Người con gái quay nhìn Huy tỏ vẻ ngạc nhiên. Huy có dịp quan sát người đối diện. Đôi mắt ướt, buồn thăm thẳm của cô ta hiện trên khuôn mặt thanh tú không son phấn trông giống như những cọng lá me cong rủ xuống buổi chiều. Cô gái có khuôn mặt thon, hiền và thanh thoát, vẻ thanh thoát tự nhiên dễ làm cho những dục vọng lắng xuống và làm cho người ta muốn cất cái bóng dáng thanh thanh làm kỷ niệm hơn là để thỏa mãn dày vò. Cô ta trả lời Huy một cách nhỏ nhẻ và chịu đựng:

– Dạ khôngï, ông cứ hút tự nhiên. Ở đây đàn ông có ai là không hút thuốc đâu mà ông ngại.

          Điếu thuốc tàn chẳng giúp gì được Huy.  Nhìn dáng chờ đợi của cô gái từ mái tóc dài buộc cao bằng cái khăn tay màu tím nhạt, đến bộ áo quần kiểu bà ba vừa vặn, đơn sơ, Huy cũng nghe được nổi xôn xao gợn lên nhè nhẹ. Nhưng nỗi xôn xao thiếu sức nóng đam mê để cháy đỏ thành lửa dục tình mà chỉ hiện rõ lên từng hồi như những đụn mây xám quê hương lãng đãng trôi đi và mất hút sau lũy tre làng vào những buổi chiều quê xưa có mưa giông đầu mùa Hạ.

          Cái đồng hồ treo tường vừa điểm chưa dứt chín giờ, cô gái đã kêu lên hoảng hốt:

-Thôi chết! Đến giờ hẹn rồi. Tôi phải đi gặp người ta. Đây là chuyện sống chết của… của tôi.

          Sự hấp tấp đột ngột của cô gái làm Huy nhìn cô ta ngạc nhiên. Với giọng nói sũng nước mắt, cô gái nói với Huy nửa như van xin, nửa như quyết đoán:

– Tôi xin đi công chuyện chừng nửa giờ sẽ về lại đây. Tôi chưa bao giờ gạt ai cả. Ông khách có tin tôi không?

          Huy nghĩ đến loài chim vạc ăn đêm với tiếâng kêu xao xác về khuya và đáp một cách lửng lơ:

– Tôi không có lý do để tin tưởng hay hoài nghi ai cả, nhưng nếâu có việc, cô cứ đi tự nhiên.

          Cô gái có vẻ vội vàng và căng thẳng quên cả tiếng cám ơn, chạy nhanh ra cửa.  Huy mệt mỏi nhìn một lượt quanh căn nhà hiu quạnh. Tất cả lặng yên.  Chỉ có cái đồng hồ thản nhiên đếm bước, không chấp chuyện buồn vui.  Vắng đi một khuôn mặt vừa chợt thấy, sự cô tịch dằng dặc trong Huy chẳng thêm hay bớt.  Có rán nhổ dăm ba sợi tóc bạc để thách thức với thời gian thì tuổi già vẫn đến.  Huy không còn muốn dính mắc và quyết định lặng lẽ ném trả chìa khóa nhà trở lại như lời dặn “sau khi đã nhận hàng”.  Một thoáng qua, tất cả như trở thành quá khứ với Huy. Cũng trong một thoáng đó, Huy bỗng cảm thấy niềm tự do tuyệât đối: Không bên đó, không bên nầy, không níu kéo, không thân thích, không đam mê, không tình tự… Huy khóa trái cửa và nghe tiếng chìa khóa rơi xuống nền xi măng phía trong, rồi bước xuống bậc cấp lẫn trong bóng đêm Sàigòn mát lạnh.  Ra gần khỏi ngõ, chân Huy đạp lên một vật gì đó trơn truột một cách bất thường, Huy đá ra phía sáng thì hóa ra là cái ví con thường đuợc các bà cất trong ví mẹ xách tay, Huy Cầm lên xem và thấy những xấp tiền mười nghìn đồng Việt Nam dày cộm.  Lục  trong ngăn nhỏ, cái thẻ sinh viên trường đại học… mang tên Hoàng Thị Giáng Châu với tấm hình rõ ràng là cô gái “hàng” vừa bương bả ra đi.  Huy linh cảm có sự cố nghiêm trọng nào đó đang xảy ra cho cô gái không may nên chạy nhanh ra phía ngả ba đường cái. Mấy người phu xe ôm đang phì phà hút thuốc trò chuyện, Huy hỏi ngay:

– Mấy chú nãy giờ có thấy cô gái mặc quần áo trắng chấm hồng ra đây kêu xe đi về đâu không?

          Một người phu xe trẻ nhanh miệng lên tiếng:

– Có, anh Hai Cù Nèo vừa chở cổ đến nhà thương tim của Tây trên đường lên Chợ Lớn rồi.

          Huy gọi xe ngay đến đó và được biết cô gái đang thăm thân nhân ở trong khu giải phẩu.  Đêm muộn, phòng đợi bệnh viện vắng hoe.  Có tiếng tranh cãi từ phía cuối hành lang tối om.  Huy nhận ra ngay tiếng nói của cô gái “hàng” và giọng khàn khàn của một người đàn ông lớn tuổi.

– Rất tiếc là tôi không đủ thẩm quyền để giúp mẹ cô…

          Tiếng người đàn ông nghe đầy vẻ bực dọc, trong lúc tiếng cô gái vẫn cầu khẩn:

– Thưa ông quản lý, hôm qua ông đòi tám triệu cho ca mổ của mẹ cháu. Cháu đã “chạy” hết mình để có tiền lo cho mẹ. Giờ mẹ cháu đang chờ trên bàn mổ, chết sống cận kề, ông lại hỏi thêm tiền… Trời ơi! Cháu biết đào đâu cho ra tiền bây giờ. Mẹ ơi! Con đành ngồi nhìn mẹ chết tức tưởi vậy sao hả mẹ?!

          Người đàn ông vẫn lạnh lùng:

– Rất tiếc tôi phải về ngủ, má cô có trực ban lo. Tôi cũng có gia đình và bản thân tôi để lo. Tôi lo cưu mang tiếng khóc than của người khác thì ai cưu mang cho cuộc sống của tôi đây. Tất cả phương tiện và thuốc men trong trường hợp đặc biệt của má cô đều phải đi mua, mà đi mua thì phải có tiền chớ!

          Cô gái chắp tay quỳ xuống cản đường:

– Xin ông cứu cho mẹ cháu một lần.  Thiếu tiền, cháu sẽ ký nợ suốt đời cũng được.

          Người đàn ông nhìn quanh với đôi mắt trống không và ngái ngủ, nói với người đối diện một cách thản nhiên:

– Cô em nên hiểu vai trò giới hạn của tôi trong bệnh viện nầy.  Điều gì làm được để giúp người, tôi không từ chối.  Nhưng điều gì vượt ngoài quyền hạn và khả năng của tôi thì tôi xin chịu.  Riêng trường hợp của cô tôi xin lập lại lần chót là tôi không làm gì giúp cô được.

          Ông ta vừa nói, vừa hấp tấp bước đi trong khi cô gái vẫn hai tay ôm mặt như không dám mở to mắt để đối diện với thực tế cùng đường trước mắt.  Người đàn ông bước qua phòng đợi.  Huy đã đứng sẵn ở đó, tiến nhanh ra phía trước cản đường ông ta, nói nhỏ:

          – Nầy, chú quản lý, tôi muốn nói chuyện với chú một lát được không?

          Người đàn ông ngạc nhiên càu nhàu:

– Lại có chuyện. Chuyện gì nữa đây?

          Huy đáp gọn lỏn nhưng lại thừa sức mạnh níu ông ta đứng lại:

-Tiền!

-Tiền gì?

-Tiền để ông ở lại lo cứu người đàn bà đang nằm trên sàng mổ.

          Người đàn ông nhíu lông mày quan sát Huy từ đầu đến chân, vẻ nghi ngờ.  Huy tấn công ngay bằng cách lôi ra cọc tiền còn bao giấy ngân hàng, đưa ra trước mặt ông ta:

– Thiếu bao nhiêu nữa là đủ.

Người đàn ông thoáng một chút ngỡ ngàng, rồi hấp tấp mở cặp và giấy bút ra tính toán.  Huy chận lại:

– Thôi, khỏi tính toán!  Hồi nãy tôi nghe chú tính với cô ấy rồi, giờ chỉ cần nhắc lại thôi.

          Người quản lý nói một cách nhỏ nhẹ và lịch thiệp không ngờ:

– Thưa ông, ngoài khoản tiền phí tổn cơ bản, còn thêm tiền “phát sinh” không nằm trong kế họach.  Tất cả là bốn triệu bốn trăm năm chục nghìn.

Huy nhìn người đàn ông mĩm cười một cách dễ dãi:

– Vậy thì tôi đưa chú năm triệu cho chẵn nha.

 Người đàn ông đếm tiền, mặt mày hớn hở.  Trong khi đó người con gái ôm mặt ngỡ ngàng nhìn cảnh diễn ra như câu chuyện kể về một cuộc đời nào đó xa lạ với mình, rồi run rẩy nói với Huy:

– Tôi sợ quá! Tôi không hiểu gì hết.  Không hiểu chuyện gì đang xẩy ra cho mẹ tôi đây?

Huy nhẹ nhàng an ủi:

– Điều cô cần hiểu trong lúc nầy là phải cấp tốc cứu sống mẹ cô trước đã.

Huy trao lại cái ví nhặt được ở ngôi nhà cũ cho cô gái đang bận rộn tính toán với viên quản lý về ca mổ, rồi im lặng rút lui. Huy đi quanh co trong các con đường hẻm để đừng ai nhận ra mình rồi thuê xe trở về phòng trọ.

Thức giấc, Huy đếm thêm mộât ngày chờ đợi vô vị.  Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Huy nói như thói quen mỗi buổi sáng cô phụ trách phòng đến làm công tác vệ sinh:

– Cứ vào!

Mùi nước hoa nhè nhẹ rất lạ làm Huy ngước lên.  Cô gái “hàng” hiện ra một cách quá bất ngờ làm Huy kêu lên sửng sốt:

– Là cô?! Sao cô biết tôi ở đây?

Người con gái trả lời một cách dửng dưng khiến Huy cảm thấy lạ lùng như đang tham dự vào một vở kịch không có chủ đề:

– Thưa ông, tôi đã nhờ công ty “Đa nhiệm” tìm và họ tự hào là có thể tìm ra cây kim lạc giữa hè phố Sàigòn.

Huy rất băn khoăn về thái độ của cô gái.  Dù không tự cho mình là kẻ ban ân, nhưng ít nhất Huy chưa hề làm gì để gây sự bất mãn nơi người con gái còn xa lạ nầy.  Huy lên tiếng:

– Xin lỗi, không biết hôm nay cô đến đây gặp tôi có chuyện gì?

Cô gái cúi mặt, giọng nói buồn nhưng rắn rỏi:

– Tôi đường đột đến đây làm phiền ông là một điều thật tình tôi không muốn.  Nhưng thưa ông, tôi cũng có một cuộc đời riêng để sống, dù cho đó là kiếp sống hèn mọn, chua cay, tôi cũng phải cưu mang thân phận của chính mình.  Ông đã rất cao thượng, hào hiệp khi bỏ ra một số tiền lớn “mua hàng” rồi lặng lẽ bỏ đi.  Tôi cảm ơn ông vô cùng, nhưng tôi chỉ mong có sự đổi chác công bằng của đôi bên thuận mua vừa bán.  Tôi sợ lắm.  Sợ nợ nần không trả nổi, sợ mình yếu đuối, sợ bị khinh chê, sợ lạm dụng lòng cao thượng của người khác để sống.  Tôi vụng về, không giải thích hết được nổi lòng mình, nhưng chắc ông hiểu cho tôi là tôi chỉ muốn chịu trách nhiệm cho đời mình, mình làm thì mình chịu, dù trong tủi nhục và cô đơn.

          Dáng chịu đựng và cương nghị của cô sinh viên làm Huy cảm thấy nhói lên cái cảm giác so sánh với cuộc đời sinh viên vô tư, được ưu đãi về vật chất ở Mỹ.  Dường như cái cảm giác “tiền trao cháo múc” không còn lưu lại dấu vết nào trong lòng Huy.  Lần đầu Huy lẳng lặng bỏ cuộc chơi vì sợ đối diện với kinh nghiệm cay đắng, lừa đảo của đồng tiền.  Lần thứ hai trong bệnh viện, lòng Huy đã mềm lại vì hình bóng của mẹ, những bà mẹ già đau khổ.  Huy cố gắng làm cho không khí bình thường trở lại:

– Cô yên tâm, chuyện đâu còn đó.  Điều tôi muốn biết trước hết là tình tình sức khỏe của bà cụ thế nào?

– Dạ, tốt lắm. Sau ca mổ kịp thời mẹ tôi đã hồi sức rất nhanh.  Cám ơn ông…

– Xin lỗi, cho tôi được ngắt lời là nãy giơ øcô dành cho tôi tiếng “cám ơn” hơi nhiều.  Tôi không dám nhận vì tôi hiểu… Tôi cũng có một người mẹ già.  Xa mẹ hơn mười năm, tôi về thăm, nhưng mẹ không còn nữa…

Tiếng Huy nghẹn lại.  Khi người con gái ngẩng lên và bắt gặp một giọt nước mắt long lanh của Huy, ái ngại hỏi:

– Nghĩa là… ?

Huy cũng nhìn lên và cảm thấy như vết thương vô hình của mình được băng bó bởi đôi mắt đó, đôi mắt thăm thẳm như cọng lá me cong rủ xuống buổi chiều… Đã lỡ để cho một người con gái mới gặp nhìn thấy một giọt nước mắt của mình, Huy cảm thấy như đứa bé quê ngày xưa buồn ngủ gặp ổ rơm, có cái áo cũ của mẹ cuộn tròn làm gối.  Huy đã để cho tâm hồn của mình nằm xuống giữa bình an và ngủ say trong câu chuyện kể về nỗi bất hạnh của đứa con vừa mất mẹ.  Huy ngạc nhiên và xúc động với chính mình khi tự nhiên đưa tay tiếp cái khăn mù-xoa còn ướt nước mắt của cô gái để lau nước mắt cho mình.

Những ngày ngắn ngủi còn lại, Huy đến với Sàigòn, mỗi con đường không phải chỉ có thuần tên gọi lạnh lùng, vô nghĩa, mau quên mà còn mang những lưu luyến bâng khuâng vì có thêm dấu ấn cảm xúc của hai người.

          Đêm hội ngộ mà cũng là chia tay cuối cùng, Huy thấy mình như trẻ lại với cả một thời quá khứ khi tham dự vào đêm liên hoan Tết của sinh viên.  Huy khám phá nguồn rung động của mình vẫn còn rộn ràng như buổi ban sơ sau bao nhiêu năm ngỡ như đã khô cạn trong thế giới làm việc ngày lại ngày, buồn thiu, cô độc.  Châu, người con gái “hàng” hôm trước đang thánh thót tỏa hào quang trong ánh đèn màu, hát bản “Ngậm Ngùi” trên sân khấu giảng đường đại học.  Huy miên man uống từng giọt âm thanh cao vút và dìu dặt, lặng lờ với cơn say đời chếch choáng như thế giới chẳng còn ai ngoài một người hát cho một người nghe.  Khi Châu trở lại bàn, Huy nói nhỏ như đang tình tự với giòng sông nước ngọt quê hương:

– Châu hát thật tuyệt vời, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy một chút gì đó hơi vương vướng trong ý thơ của Huy Cận mà chỉ khi nào hát lên mới thấy rõ.

          Cô gái khuấy ly nước chanh, nói như nhắc:

– Vì “ Ngủ đi em! Mộng bình thường” phải không anh?

          Như ai vừa gọi tên cho một ý nghĩ còn mơ hồ, Huy biểu đồng tình một cách sảng khoái:

– Đúng! Đã mộng là phải “mộng phi thường”,  còn nếu chỉ muốn “ bình thường” thì đâu cần phải mộng.

          Cô gái cắn cái muỗng phô hàm răng đều đặn trắng ngà, rồi gõ nhè nhẹ lên thành ly, nói trong nỗi gợi nhớ:

– Lâu lắm rồi, Châu cũng nhiều lần suy nghĩ như anh.  Nhưng thực tế nhiều khi chỉ ước “mơ tầm thường” còn chẳng được, nói chi tới “mộng bình thường”!  Châu đang ước mơ những giấc mộng bình thường cho mình, cho người…  thôi mà sao vẫn thấy còn quá xa vời như  ảo ảnh đó anh.

          Những vương mang và ước mơ của tuổi trẻ giàu suy tư làm cả hai chia xẻ trong im lặng. Lúc chia tay, vẫn đôi mắt lá me cong huyền hoặc của Châu nhìn vào mắt Huy thật sâu, nhẹ nhàng đọc lại lời hát với một chút gởi gắm, bao dung:

– Ngủ đi anh: Mộng bình thường!

          Huy chới với phản ứng với cơn lũ tình cảm đầu mùa:

– Ngủ đi em: Mộng bình thường!

          Về phòng trọ, Huy trăn trở hoài không ngủ được.  Huy mường tượng không biết từ thời dựng nước, phải mất bao nhiêu nghìn năm cho những cặp tình nhân Việt Nam mới khám phá hết cái tinh hoa diệu kỳ của tiếng nói để đi từ Ông và Tôi, Anh và Tôi, để tới đỉnh cao chót vót: Anh và Em.  Và, hai người gọi nhau Anh, Em từ đó…

Phi trường Tân Sơn Nhất trên mảnh đất quê hương dịu hiền, sương gió, ngỡ như sẽ muôn đời xa lạ với Huy đã may áo mới, đã có một linh hồn tình quê và một bóng dáng tình tự.  Sáng hôm nay, nơi đó thành nơi “tống biệt”.  Hình ảnh quê hương trong phút này đối với Huy là những cánh hoa păng-xê thêu màu tím trên chéo tà áo dài trắng lất phất gió mùa Xuân của Châu.  Hành khách đang lần lượt vào phòng cách ly.  Huy cầm bàn tay búp măng bé bỏng của Châu mà nghe những rung động xôn xao muôn phương đang dồn lại.  Chỉ một thoáng ấp ủ bàn tay ấm một linh hồn vẫn có được nguồn cảm xúc miên man hơn là nghìn đêm ngự trị cả cung A Phòng lạnh lùng không tình, không nghĩa.

Châu nhìn đăm đăm hướng đi xa tắp sắp mang Huy về bên kia và Huy đang cố níu lại những khoảnh khắc gần gũi với quê hương có nụ tình vừa mới chớm bên nầy.

Cũng chỉ là chút trao đổi vội vàng lúc chia tay, nhưng trong mỗi thế giới riêng tư họ đã nói với nhau hơn muôn vạn lần như thế:

– Anh đi bình an.   Về Mỹ nhớ thư cho em.

– Chờ tới Mỹ lâu quá, anh sẽ viết thư cho em ngay trên máy bay.  Em ở lại ngoan, học giỏi và hát cho thật hay, nghe em!

          Rồi như chuyện xưa, có “cánh hạc bay lên vút tận trời”.  Nhưng “cánh hạc” hôm nay sẽ mang những người tình về lại với nhau.  Quê hương, dù vinh quang hay khốn khổ, vẫn là nơi đất nhớ, không phải là chốn Đào Nguyên để tưởng, nên sẽ có chung một ngày về mà chẳng có ai là người lạc bước.

Bài viết liên quan