26 THÁNG 3

Bốn mươi năm trước – ngày nầy – 26 tháng 3:
Trên xứ Huế dân mình thắng dân ta
Chủ nghĩa ta bà biến một nhà thành hai kẻ lạ
Bên nầy thét xâm lăng bên kia gào giải phóng
Quê hương ơi những danh từ thòng lọng
Buộc vào nhau lôi xuống tận A Tỳ
Có kẻ buồn, người vui; nỗi mừng và thất vọng,
Có bước chân về bén gót bước chân đi.
Tháng Tư: dân tản cư trở về
Băng đèo Hải Vân dắt dìu nhau ra Huế
Thành phố tản cư buồn thiu vắng vẻ
Không có người nắng vẫn đỏ vàng hoe
Đời mới bắt đầu khăn gói về quê
Vườn ruộng ê chề quay lên phố chợ
Sống giữa bạn bè đứa hăng, đứa sợ
Đứa theo bộ đội miền Bắc, đứa đi lính miền Nam
Đứa lon ton làm “cách mạng 75”
Đứa xếp vó bước vô tù cải tạo
Văn hiến văn minh biến thành cơm áo
Triết lý tàn canh như Giấc Mộng Đêm Hè
Nghê sĩ, văn nhân thế thời phải thế
Nếu Khổng Minh còn cũng phải sống lang thang
Trịnh Công Sơn gảy đàn mà hát:
“Gánh gánh gánh, gánh rau ra chợ,
Hôm nay đây thống nhất đã về…”

Gặp Trần Hoàn chì chiết khen chê:
“Giải phóng đưa ta lên tầm cao vũ trụ,
Sao gánh rau ra chợ kéo xe bò?!”

Núi cũng buồn lòng ai dám nói
Thà im hơi khăn gói bỏ vào Nam

Bửu Chỉ vẽ phông treo trước Mô Ranh
Hình công nông lên đường sản xuất
Thành Uỷ lắc đầu chê tranh chưa đạt:
“Nhà máy công trường sao ống khói không phun?!”
Đành trở về vẽ “Ngựa Đá Sang Sông

Nam Trung Bắc nứt thêm dòng chia biệt
Nguyễn Đính Trần Vàng Sao cười khan cay nghiệt:
“Mả cha đời vô hậu… đói nhăn răng!”

Thằng bạn dãi dầu thi sĩ Thái Ngọc San:
“Tau trả thẻ Đảng trước Boris Yelsin một tháng!”


Thái Ngọc San

Đời thoát ly giấc ngủ yên hà
Trải nghiệm đầu đời hăm sáu tháng ba
Nghe rát mặt những chàng trai xứ Huế
Yêu nước, yêu quê lãng mạn quá đi… “tề!”
Sông núi lỡ bỗng nhiên buồn vô kể
Khát vọng, ước mơ, chung dòng thế hệ
Những hư danh, ảo tưởng buổi giao thời
Đường nhân văn sao vắng bóng con người
Ngày du thủ trải vàng ra ái ngại
Đêm tâm kinh lải nhải chiếc loa rè
Đốt nhiệt tình tuổi trẻ đam mê
Dòng lịch sử chân quê thành hoang tưởng
Những bi phẫn lạnh lùng treo cuộc sống
Những bon chen, lừa dối gối lên nhau
Bốn mươi năm hơn nửa đời ngoái lại
Vết tang thương thành sẹo có còn đau
Mà thương về thế hệ mai sau
Ai đi qua, ai ở lại bên cầu
Một nửa quê hương một đời đất khách
Đá vàng phai tóc đã bạc màu
Tuổi trẻ lên đường em ở nơi đâu
Mưa gió tháng Ba khi nào mới tạnh.

Sacramento – 26 tháng 3, 2015
Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan